Không thể coi chỉ số GDP là chuẩn mực của phát triển kinh tế

GDP bộc lộ nhiều điểm yếu và chưa phản ánh đầy đủ chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của con người. Câu hỏi đặt ra là tại sao nó được giới chính trị gia ưa dùng như kim chỉ nam của nền kinh tế?

Càng về cuối năm, những thông tin ăn mừng về một số chỉ tiêu kinh tế lại xuất hiện nhiều hơn. Một điều dễ nhận thấy là không hề có cơ quan hay cá nhân nào đứng ra lãnh trách nhiệm về mình khi tỷ lệ nợ công đã tiệm cận vùng nguy hiểm 65% theo số liệu chính thức, và trên thực tế có thể đã vượt xa ngưỡng cho phép (gần 93%GDP); mỗi người dân Việt Nam dù muốn dù không đang ‘gánh’ 33 triệu đồng tiền nợ công, và thậm chí còn cao hơn bởi theo cách tính hiện tại nợ công chưa bao gồm nợ của các DNNN.

Tuy nhiên, xu hướng chung là chúng ta dễ dàng ăn mừng với những thành tích hời hợt bề mặt như sự kiện ăn mừng đạt mốc xuất khẩu 400 tỷ USD, chủ yếu đến từ khối FDI mà Samsung và Formosa là 2 ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, các chỉ số về tăng trưởng FDI, thu hút kiều hối và GDP tăng kỷ lục… là những thông tin được nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, đo lường sức khỏe của nền kinh tế dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, đặc biệt GDP thường có lợi về mặt chính trị hơn so với hiệu quả về mặt kinh tế.

Tác giả Philipp Lepenies đã từng chỉ ra trong bài “Why GDP?” rằng: Loại hình tăng trưởng này đã trở thành một mục tiêu phổ quát cho những nhà cầm quyền bởi vì bằng cách tập trung vào không ngừng gia tăng sản lượng, người ta sẽ tránh được những vấn đề chính trị, và “… sự bất bình đẳng đã không còn ám ảnh tâm trí con người”, John Kenneth Galbraith.

Do đó, việc lạm dụng chỉ số GDP như một mục tiêu cuối cùng phải hướng đến sẽ làm chính chúng ta chệch hướng khỏi mục tiêu thực sự, đó là nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc con người. Dưới đây là một vài lý do.

Hạn chế của GDP

Thứ nhất, GDP không nói gì đến chất lượng của tài sản và dịch vụ, và cũng không nói gì đến chất lượng của cuộc sống mà tài sản và dịch vụ mang lại. Những suy giảm về môi trường không được tính đến. Đây chính là hạn chế lớn nhất mà Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang mắc phải, mặc dù cả hai nền kinh tế đều có mức tăng trưởng dương trong những năm qua trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng yếu, tuy nhiên, tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường cũng gia tăng theo cấp số nhân. Theo đánh giá mới đây của tổ chức môi trường, mức độ ô nhiễm tại Hà Nội và Bắc Kinh thuộc hàng cao nhất thế giới.

Tăng trưởng cao nhưng không bền vững, môi trường sống của đô thị ngày càng bị ô nhiễm, điển hình như vụ xả bẩn của Formosa làm nguy hại bờ biển miền Trung năm ngoái kéo dài tận đến năm nay vẫn còn dư chấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Rõ ràng, các ảnh hưởng ngoại ứng mà các hoạt động kinh tế gây ra vẫn chưa được đo lường đến trong chỉ số GDP. Điều này đã vô hình chung đề cao các chỉ số ghi nhận trên sổ sách kế toán mà bỏ qua những ảnh hưởng ngoại ứng lên môi trường và chất lượng sống của người dân. Chẳng hạn, một dự án ngăn dòng chảy con sông để xây đập thủy điện đi vào hoạt động có thể làm tăng GDP nhưng nó cũng phá hủy dòng sông, môi trường thủy sinh và các cánh rừng cạnh đó mà không được phản ánh vào GDP. Thực tế lũ quét ở thượng nguồn và tình trạng ngập lũ ở đồng bằng do các nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ra nhiều thảm cảnh và thiệt hại kinh tế nặng nề, nhưng nó đã bị bỏ qua, chỉ số GDP chỉ ghi nhận số kW điện mà dự án thủy điện tạo ra và sức tăng trưởng trong ngành điện.

Như vậy, nếu quá chú trọng vào GDP như là chỉ số của mọi chỉ số thì quá trình tăng trưởng trong ngắn hạn đôi khi phải trả giá bằng chất lượng môi trường sút giảm, cơ hội tăng trưởng trong tương lai bị tước đoạt ngay lúc này.

Thứ hai, GDP phản ánh không chính xác sự gia tăng phúc lợi tổng thể của nền kinh tế. Ví dụ, việc gia tăng các tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT, và số trạm thu phí BOT gia tăng trên lý thuyết sẽ cải thiện chất lượng hạ tầng và tăng nguồn thu ngân sách, điều đó khiến chi phí vận tải gia tăng, buộc các công ty tăng giá thành để bù đắp chi phí, giá bán sản phẩm cao hơn, GDP khi đó cũng được tăng theo, nhưng chi phí đội lên do giá tăng thì người tiêu dùng phải chịu, tăng trưởng không đi liền với cải thiện mức sống người dân, chưa kể những bất ổn xã hội và tắc đường do việc dựng các trạm thu phí BOT gây nên. Cũng như việc nếu một nước không có hệ thống giao thông công cộng tốt, người dân phải sử dụng xe cá nhân để di chuyển, GDP sẽ tăng lên do người dân chi cho xe cộ, xăng dầu nhiều hơn, nhưng phúc lợi thì giảm do kẹt xe, ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, GDP không đề cập đến sự phân phối thu nhập giữa các nhóm xã hội. Thu nhập quốc dân trung bình tăng lên có thể đi đôi với một sự tăng mạnh ở những nhóm này và giảm ở những nhóm khác. Những năm qua, ở các nền kinh tế mới nổi, sự bất bình đẳng tăng lên và cách biệt do tình trạng phân hóa giàu nghèo gây nên ngày một lớn. Thực tế, tốc độ phân hóa giàu nghèo tại các khu vực thành thị của Việt Nam gia tăng không ngừng, trước đó, chúng ta đã chứng kiến sự phân hóa giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc, nơi có nhiều tỷ phú mới được sinh ra nhất trên hành tinh, nhưng người nghèo cũng ngày càng nghèo đi nhiều. Mới đây, thành phố Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch càn quét lao động cấp thấp nhập cư ra khỏi thành phố, điều này đã khiến nhiều người bức xúc khi chứng kiến người lao động nghèo bị đối xử bất công. Những tình trạng bất bình đẳng như vậy xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, một cách không mảy may, GDP chưa bao giờ phản ánh được những điều này.

Nếu quá chú trọng vào việc làm tăng chỉ số GDP mà không quan tâm đúng mức đến các chỉ số khác thì hành vi thường được quan sát thấy là các nước tăng cường vay nợ để tăng đầu tư. Khi tỷ số nợ tăng vượt quá ngưỡng nhất định thì sẽ không thể vay thêm nữa và nền kinh tế sẽ lâm vào suy thoái, đổ vỡ.

Cần có một chỉ tiêu khác thay thế GDP

Không thể phủ nhận GDP là một chỉ số được dùng phổ biến nhất trên thế giới, nó cho phép xác định (một cách tương đối) tổng giá trị tăng thêm mà nội bộ một nền kinh tế có thể sản xuất ra trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, GDP còn cho phép so sánh quy mô nền kinh tế của các quốc gia với nhau và mức độ tăng trưởng theo thời gian. Hơn nữa, GDP là một chỉ số khách quan, được đo lường trực tiếp chứ không dựa vào cảm nhận của mọi người thông qua các cuộc điều tra. Tuy nhiên, chỉ số GDP có rất nhiều hạn chế.

GS.Joseph Stiglitz – người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 từng nhận định: “GDP tính toán kích cỡ một miếng bánh, chẳng quan tâm đến chất lượng các thành phần cấu tạo nên – những quả táo tươi hay bị hư thối vẫn được đếm như nhau.”

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vào năm 2009 cũng từng kêu gọi các tổ chức quốc tế điều chỉnh hệ thống thống kê kinh tế dựa vào GDP.

“Đa số người dân không cảm thấy điều kiện sống cải thiện, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng. Có một trong những lý do rất đơn giản giải thích điều này, đó là từ lâu chúng ta có vấn đề với cách thống kê cũng như cách sử dụng những thống kê đó”, Tổng thống Sarkozy khẳng định.

Sự hữu ích về mặt chính trị của GDP, và câu chuyện rằng chiếc bánh to hơn là tốt hơn cho tất cả mọi người, sẽ không dễ để vượt qua – ngay cả khi đã được chứng minh là sai. Cho đến lúc đó, người ta sẽ luôn chú trọng sản phẩm hơn là con người.

Do đó, cần thiết có một chỉ số kinh tế toàn diện hơn cho phép phản ánh quy mô tăng trưởng kinh tế gắn liền với chất lượng cuộc sống và cải thiện môi trường.

Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 tiếp tục đối đầu với nhiều thách thức đến từ mọi phương diện như nợ xấu, bội chi ngân sách, nợ công cao, tăng trưởng thiếu bền vững, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI, các công ty trong nước đang dần bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài… Đây là những chỉ báo không được tính đến trong GDP.

Theo TTVN

Tags: ,