‘Khoái lạc đói nghèo’: Những điều trăn trở từ Việt Nam

Tôi đã quên bẵng miền Trung, không hề biết rằng người miền núi Quảng Trị đến hôm nay vẫn chưa có nước sạch để dùng.

‘Khoái lạc đói nghèo’: Những điều trăn trở từ Việt Nam

Tác giả: Ngô Thị Phương Lê, Tiến sĩ Giáo dục ngôn ngữ.

Cho tới sáng tuần trước, Ngọc và Tịnh, đồng nghiệp đang thực địa ở Hướng Hoá, Quảng Trị để khảo sát tình hình sau thiên tai cho tôi hay, người dân đang rất khổ. Chúng tôi đang thực hiện dự án hỗ trợ bà con miền Trung hậu lũ. Ngọc cho tôi thấy các con đường, lối đi gần như biến mất do sạt lở. Trước những ngôi nhà, rác, bùn và đất đá ngổn ngang, ổ gà ổ voi ngập nước. Cây cối đổ tứ bề. Hàng đống bùn đất do núi lở vẫn chắn các lối đi giữa xóm này sang xóm khác. Trường học tan hoang. Cửa hỏng. Kính vỡ. Bùn khắp nơi. Các em học sinh co ro ngồi nghe giảng trong cái rét cắt da cắt thịt.

Ngọc là tiến sĩ từ Nhật về, học trò cũ của tôi và giờ đây là cộng sự. Em kể, nếu không đi, em sẽ không bao giờ tưởng tượng nổi đời sống khốn khó của người dân nơi đây. Không chỉ là cảnh hoang tàn sau khi lũ rút, mà kể cả nếu không có lũ, họ cũng chật vật vô cùng. Mùa đông này, trong những căn nhà gồm bốn cột bên tông và vách nan nứa không ngăn nổi gió lạnh, họ không có nước sạch để ăn uống. Người nào may mắn sống gần trường học có thể tới đó để xin nước, ai ở xa hơn thì chính họ cũng “không biết mần răng”. Nguồn cung gạo duy nhất của họ là ruộng lúa bị bùn lấp sạch. Cái Tết tới đây chỉ còn cách chờ tiếp tế của chính quyền.

Miền Trung vẫn đang cần được giúp đỡ.

Chúng ta đã ngập trong những hình ảnh mà các nhà hoạt động xã hội gọi là “poverty porn” (tạm dịch: “khoái lạc đói nghèo”) – một dạng kích thích lòng thương hại. “Khoái lạc đói nghèo” là phương cách nhiều tổ chức phi lợi nhuận và từ thiện sử dụng, thậm chí lạm dụng nhiều năm qua để giành giật sự chú ý của công chúng, nhằm kích thích cảm xúc thương hại, đồng cảm và có được đóng góp từ cộng đồng, nhà tài trợ.

Ta đã thấy đầy rẫy video, hình ảnh, bài viết về những người đáng thương, sống trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Họ nói những câu mủi lòng, rồi vươn lên trong khốn cùng. Tất nhiên, tôi tin nhiều hoàn cảnh là thật. Nhưng tất cả những “bi kịch” ấy thật đến đâu, có lẽ chúng ta chưa bao giờ biết hết.

Nhìn thấy những cánh tay chấp chới trong nước lũ, những người già, trẻ em co ro và lấm láp, những lát cắt của miền Trung ngày lũ thực sự đánh vào lòng trắc ẩn của chúng ta, khơi dậy bản năng thương người. Bản năng “đùm lá rách” thôi thúc chúng ta hành động ngay. Tư duy bị cảm xúc chi phối dễ khiến chúng ta lầm tưởng rằng vấn đề có thể được xoá đi ngay lập tức bằng tiền và vật chất.

Đó là lý do phong trào từ thiện năm qua rầm rộ đến vậy. Ca sĩ Thuỷ Tiên trong thời gian ngắn đã kêu gọi được gần 200 tỷ đồng, rồi còn hàng trăm tổ chức và cá nhân khác. Nếu tổng kết lại, chắc hẳn con số vô cùng lớn. Ngoài những đóng góp về tiền mặt còn là hỗ trợ về vật chất như áo quần, lương thực cứu đói, nhu yếu phẩm, thuốc men… Tất nhiên tôi tin rằng tất cả những giúp đỡ tức thời đó hiệu quả, và sưởi ấm khốn khó của biết bao đồng bào. Nhưng chưa đủ.

Điều tai hại của “khoái lạc đói nghèo” là chúng chỉ thể hiện tình hình hiện tại mà không đề cập đến cấu trúc tổng thể, những nguyên nhân và hậu quả gốc rễ của vấn đề, thúc đẩy phát triển cộng đồng theo hướng bền vững. Tức là, 5 năm, 10 năm tới, câu chuyện thiên tai – ồn ào cứu trợ cứ đến rồi đi, lặp lại y như cũ.

Có thể xem kết quả ngắn hạn này là điểm mấu chốt khiến “khoái lạc đói nghèo” trở thành “độc hại”. Nó chủ ý không cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh, mà chỉ chọn một vài tình huống, câu chuyện bi thương nhất, và đôi khi không nhất thiết mang tính đại diện chính xác cho vấn đề đang được đề cập. Cách tiếp cận này chỉ dẫn dắt người ta xử lý câu chuyện bề mặt, kiểu như phát tiền trực tiếp tuỳ theo mức độ nhà bị ngập nước. Có cả tiêu chí kiểu như “nhà ngập trên một mét thì được một triệu đồng”.

Tai hại hơn, khi các nguồn quyên góp được phân phát không đều sẽ dẫn tới việc chỗ thừa chỗ thiếu, gây mất đoàn kết trong cộng đồng và tổn thương lòng tự trọng của người dân. Hầu hết các cá nhân làm từ thiện không tiếp cận được tới những nơi hiểm nguy nhất, bị ảnh hưởng nặng nhất.

Chúng ta đau lòng trước cảnh người chồng quỳ lạy trước biển nước vì vợ anh bị cuốn trôi trên đường đi đẻ, nhưng liệu chúng ta có đau lòng không, nếu biết rằng thứ mà chúng ta thừa thãi hàng ngày thì nhiều người miền Trung vẫn phải chật vật mới có. Bạn tôi bảo có xóm hôm nay còn chưa có điện và Internet. Chúng ta hoàn toàn đang không biết hết rằng đâu đó ở các tỉnh miền Trung, còn bao nhiêu người chưa thể quay lại sinh hoạt bình thường.

Tôi thử vào cổng thông tin của vài bộ ngành, tỉnh để tìm kiếm. Chưa có báo cáo chính thức và đầy đủ nào của nhà chức trách về thực trạng thiên tai năm 2020 trên cả nước cũng như miền Trung cho tới thời điểm này.

Cuối năm cũ là thời điểm phù hợp để nhà chức trách thay đổi tư duy tiếp cận hậu thiên tai với miền Trung. Ngay bây giờ và trong kế hoạch hành động lâu dài của quốc gia, với nguồn lực và cách làm hợp lý, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.

Chính phủ hoàn toàn có thể góp phần thay đổi phương thức hành động của cộng đồng bằng việc xây dựng Cổng thông tin quốc gia về thiên tai và bản đồ cứu trợ. Tất cả người dân, tổ chức từ thiện có thể truy cập nguồn này để biết bao nhiêu đồng bào của chúng ta, ở đâu đang cần giúp đỡ. Và cái họ cần cụ thể là gì. Chỉ việc đó thôi đã giúp nguồn lực từ thiện được phân bổ công bằng, hiệu quả và minh bạch.

Đối với những vùng thiên tai, việc đưa chương trình giáo dục giảm thiểu rủi ro thiên tai vào trường học như một số nước châu Á đã làm theo tôi cũng là giải pháp mang tính bền vững. Với nhận thức tốt hơn, học sinh lớn lên sẽ có cái nhìn đúng hơn về hiểm họa và kiên cường trong môi trường khắc nghiệt.

Đó cũng là một trong những việc làm của chính phủ thông minh và kiến tạo, để từ thiện không còn là một phong trào ngắn hạn. Bởi đôi khi tôi biết cả chính mình cũng vô thức bị tác động của “khoái lạc đói nghèo” mà quên mất rằng, cuộc chiến với đói nghèo, thiên tai không phải đường chạy nước rút mà là một cuộc marathon.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,