Khinh người nghèo, đố kị người giàu – thứ trọng bệnh của người Việt

Người Việt ta, bên cạnh những đức tính rất tốt mà ai cũng nhận thấy và đã trở thành những nét đẹp truyền thống từ bao đời nay thì cũng có không ít những tính xấu. Đặc biệt, khi chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, thì những tính xấu ấy xem ra ngày càng trầm trọng hơn.

Khinh người nghèo, đố kị người giàu – thứ trọng bệnh của người Việt

Trong đó, không thể không kể đến là tính đố kị và khinh người.

Người Việt mắc một căn bệnh rất lạ là thấy ai giàu hơn thì ghen tị, tức tối, thấy ai nghèo hơn thì khinh.

Chuyện người Việt ta hay khinh người nghèo, khinh quốc gia nghèo thì đã có vô vàn dẫn chứng. Có không ít “ đại gia” khi sang Cuba về, là cao giọng dè bỉu, chê bai… Nhưng họ không biết rằng, xếp hạng giáo dục, y tế, thể dục thể thao… thì Việt Nam ta, còn thua Cuba rất xa, cực kỳ xa.

Đã có rất nhiều những câu chuyện trong làm ăn kinh tế mà chính sự đố kị, ghen tức đã khiến người Việt tự hại nhau bằng mọi chiêu trò, trong đó có một cách thường thấy nhất là nói xấu, tung tin đồn nhảm.

Khi BKAV cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh Bphone đầu tiên do chính những kỹ sư người Việt thiết kế và chế tạo, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng Việt Nam đã có những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Tất nhiên, với một sản phẩm mới ra đời, không thể tránh khỏi có những khiếm khuyết, nhưng cá nhân tôi tin rằng một nhà khoa học, một kỹ sư tin học tài ba như ông Nguyễn Tử Quảng sẽ không dại dột gì “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” bằng việc quảng cáo cho chiếc điện thoại do mình chế tạo quá sự thật.

Lẽ ra, khi sản phẩm này ra đời, chúng ta cần ủng hộ và có những biện pháp để quảng bá cho chiếc điện thoại này. Nói cách khác, lẽ ra chúng ta cần có những hành động thể hiện lòng tự hào và lòng yêu nước bằng cách sử dụng sản phẩm do chính người Việt làm ra.

Nhưng, thay vì tự hào, ủng hộ, lại có rất nhiều lời dè bỉu, chê bai mang tính đố kị, ghen tức và phê phán theo kiểu “bới bèo ra bọ”.

Người Việt cứ hay so sánh với người Nhật, người Hàn Quốc rằng tại sao họ có thể thế này, có thể làm được thế kia, mà không nhìn thấy được rằng để Nhật Bản, Hàn Quốc có được ngày hôm nay thì họ đã thể hiện lòng yêu nước như thế nào. Ở Hàn Quốc, hiếm thấy một chiếc ô tô hay dụng cụ nghe, nhìn của Nhật Bản sản xuất. Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi người Hàn Quốc còn nghèo đói, khốn khổ, họ đã coi việc sử dụng những hàng hóa do người Hàn làm ra chính là một hành động thể hiện lòng yêu nước.

Có lẽ, người Việt chỉ thể hiện lòng yêu nước khi đất nước có giặc ngoại xâm. Còn ngày nay, có lẽ cần xem xét lại khái niệm lòng yêu nước trong mỗi người Việt.

Tại sao yêu nước mà lại chỉ thích hàng ngoại? Tại sao yêu nước mà lại quay lưng lại với những sản phẩm do người Việt làm ra?

Tính đố kị của người Việt quả thật đã làm cho những người tử tế muốn sống tử tế cũng khó, cũng khổ.

Tôi có một anh bạn là Tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước. Anh rất giàu có, không chỉ nhà cao, cửa rộng, mà còn có trang trại, ô tô xịn. Anh nói thẳng với tôi rằng anh đã chán, không còn muốn làm Tổng giám đốc ở doanh nghiệp này nữa. Lương tháng cũng cao đấy, nhưng suốt ngày phải nghe những lời chê bai, dè bỉu. Anh được đề bạt thì có tin anh dùng tiền để mua chức tước, khi anh được khen thưởng thì lại bị mang tiếng là dùng tiền để mua danh. Người ta thấy anh đi ô tô xịn thì dè bỉu rằng “không ăn cắp tiền Nhà nước thì làm gì có tiền mua ô tô”.

Không ai nghĩ rằng anh giàu có được như vậy là vì anh đã phải lao tâm khổ tứ như thế nào, không ai hiểu rằng từ khi làm Tổng giám đốc, anh đã gây dựng, phát triển doanh nghiệp này từ số vốn ban đầu chỉ vài chục tỉ đồng, nay đã có có hàng chục nghìn tỉ đồng và trở thành một doanh nghiệp danh tiếng như thế nào.

Người xưa có câu “Tiểu phú do cần, đại phú do thiên” – nghĩa là muốn no đủ thì phải dựa vào cần cù, còn muốn giàu có thì phải nhờ trời, nghĩa là phải nhờ những may mắn và cơ hội do hoàn cảnh khách quan mang lại, còn bản thân chủ thể thì chưa chắc đã nắm bắt được. Câu chuyện làm giàu của anh, nghĩ lại cũng thật buồn cười. Cách đây gần chục năm, khi các doanh nghiệp bắt đầu lao vào cổ phần, cổ phiếu, doanh nghiệp của anh cũng được chỉ định phải chuyển đổi từ 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và phải lên sàn chứng khoán. Vậy là, Tổng công ty phải mở một cuộc vận động cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty mua cổ phần.

Nhưng khi ấy, vào những năm 2005-2006, chưa có mấy người hiểu về cổ phần, cổ phiếu nên không dám mua. Anh khi đó, trên cương vị Giám đốc, đồng thời là Bí thư Đảng ủy phải gương mẫu đi đầu trong việc mua cổ phiếu. Không có tiền, anh phải mang căn nhà ọp ẹp đi cầm cố. Được vài chục triệu, anh dồn hết vào mua cổ phiếu. Vợ anh nổi cơn tam bành, lên gặp cán bộ cấp trên khóc lóc và dọa sẽ ly dị nếu số tiền cổ phần, cổ phiếu đó mất. Cán bộ cấp trên, rồi anh giải thích thế nào cũng không được. Vậy là, suốt một thời gian dài nhà anh lúc nào cũng như nhà có đám, vợ không nói với chồng được một câu tử tế.

Bẵng đi gần 2 năm, đến năm 2007, giá cổ phiếu tăng vùn vụt, thậm chí tăng gấp gần 20 lần giá mua. Vậy là với số cổ phiếu đang có, anh lại theo bè bạn “quay vòng, đánh võng” “mua cổ phiếu của người chán bán cho người thích”, và khối tài sản từ chỉ có vài chục triệu lên đến hơn chục tỷ. Anh giàu có từ đấy. Thế nhưng, khi thấy anh xây nhà, mua ô tô, nhiều người lại nghĩ rằng anh lợi dụng chức quyền để làm giàu. Nghĩ cũng thật cay đắng!

Trong hoàn cảnh chuyển đổi nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, nhiều lĩnh vực còn đang chập chững phát triển, hơn lúc nào hết, chính các doanh nhân, các doanh nghiệp phải gắn bó với nhau, phải dựa vào nhau mà sống, mà tồn tại. Thế mà họ lại quay sang triệt hạ nhau, và một trong những cách dễ dàng nhất là tung tin đồn thổi.

Vậy chúng ta phải chữa căn bệnh này như thế nào?

Quả thật là rất khó! Nếu căn bệnh này đã ngấm vào máu thì thật là nguy hiểm. Nếu cứ như vậy, không biết bao giờ Việt Nam mới phát triển được. Nhìn ra những quốc gia đi lên từ nghèo khó, thì càng thấy rõ rằng đoàn kết với nhau trong những lúc thiên tai, địch họa thì dễ, còn đoàn kết với nhau, bảo ban nhau trong lúc yên hàn và đặc biệt là khi phải tính toán với chuyện đồng tiền thật khó làm sao!

Lịch sử đã chứng minh rằng người ta có thể hy sinh tính mạng dễ hơn là hy sinh đồng tiền. Từ xưa các cụ cũng đã có câu “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Kiếm tiền đã khó, tiêu tiền cũng khó, nhưng giữ được tiền thì còn khó hơn. Chính vì vậy mà hơn lúc nào hết, nếu mỗi công dân Việt có lòng tự tôn dân tộc và lòng yêu nước thì phải biết tôn vinh giá trị của những người bên cạnh mình.

Có lẽ khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cần phải đổi lại là “Dùng hàng Việt là yêu nước”. Chúng ta đừng ngại rằng khi hội nhập quốc tế thì phải áp dụng những quy định, những cam kết về việc mở cửa cho hàng ngoại. Chẳng có ai bắt bẻ về việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng của Việt Nam.

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI

Tags: , ,