⠀
Khi người Trung Quốc không cần biết đến Facebook, Google, Amazon, Apple
Giờ đây, giới trẻ Trung Quốc thay vì thần tượng Steven Jobs, đang tích cực noi theo tấm gương của những Jack Ma, Robin Li, và Lei Jun – các nhà sáng lập của Alibaba, Baidu và nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi.
Alibaba – Amazon của Trung Quốc
Hầu hết người phương Tây biết rất ít về Alibaba, ngoài việc đó là một phiên bản Amazone của Trung Quốc. Điều này không hoàn toàn sai, bởi giống như Amazone, tăng trưởng của Alibaba chủ yếu nhờ vào thương mại điện tử, bên cạnh các dịch vụ đám mây. Hơn nữa, cả hai công ty này đều đang chế ngự các thị trường trong nước mình. Nhưng khác với Amazon, Alibaba không phải là một người bán hàng.
Trong một phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg ở New York, nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma cho biết: “Alibaba không phải là một công ty thương mại điện tử, mà là một người tạo điều kiện cho thương mại điện tử”.
Alibaba có một nền tảng phức tạp hơn Amazon, bao gồm Taobao.com (c2c), Tmall.com (b2c),1688.com (b2b), và aliexpress.com (cổng quốc tế). Bên cạnh các website thương mại điện tử trực tiếp, Alibaba cũng sở hữu một dịch vụ giống như PayPal, được gọi là Alipay, “người chơi chính” trong thị trường thanh toán online và bằng điện thoại di động. Yu’e Bao của Alibaba cho phép người dùng tiết kiệm và đầu tư tiền bạc trong các ví điện tử vào một quỹ thị trường và kiếm lãi. Với Ant Financial, công ty cũng cung cấp quyền truy cập tín dụng cho người dùng và các doanh nghiệp nhỏ thông qua Sesame Credit – ứng dụng sẽ tính toán nợ dựa trên các giao dịch mua hàng.
Nói tóm lại, Alibaba đã thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp thanh toán và tài chính nhỏ của Trung Quốc. Alibaba thu nhập ít hơn các đối thủ toàn cầu, chủ yếu kiếm lời từ tiền quảng cáo của nhà bán hàng và các phí giao dịch; 60% thu nhập của Alibaba đến từ Alimama, nền tảng quảng cáo của công ty.
Bất chấp những khác biệt trên, Alibaba và Amazon sẽ tiếp tục được so sánh với nhau. Họ đang lao vào một cuộc chiến trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Ngày 11/11/2017, vốn hóa thị trường của Alibaba đã vượt qua Amazon trong một thời gian ngắn.
Vì cả hai công ty này đều hướng đến các thị trường nước ngoài giống nhau, cuộc chiến giữa họ sẽ chỉ càng cam go hơn. Cuối năm 2017, Alibaba đã cho ra mắt Tmall Genie – loa thông minh tích hợp trợ lý ảo – để cạnh tranh trực tiếp với echo của Amazon.
Tương tự, “bom tấn” Whole Fooods của Amazon có thể được xem là nỗ lực của công ty này nhằm thay đổi toàn bộ thói quen mua hàng tạp hóa, giống với những gì Hema của Alibaba đã làm với đồ tươi sống ở Trung Quốc. Chiến trường tiếp theo của họ là ở Đông Nam Á, nơi thị trường thương mại điện tử được cho là tương đối “hoang sơ” và bị chia nhỏ.
Tencent – phiên bản hoàn hảo hơn Facebook
Tencent được biết đến nhiều nhất bởi các nền tảng gửi tin nhắn và mạng xã hội (Wechat và QQ), mỗi nền tảng này hiện có gần một tỷ tài khoản đang sử dụng. Giống như Facebook, Tencent đã đa dạng hóa dịch vụ của mình ngoài các ứng dụng chat và mạng xã hội.
Đáng nói là các hoạt động kinh doanh khác của Tencent thành công đáng kinh ngạc. Dịch vụ thanh toán online Tenpay của họ đã nhanh chóng đuổi kịp Alipay. Cổng giải trí trên web của Tencent (QQ.com) là một trong những cổng web lớn nhất Trung Quốc. Tencent đang mở rộng nền tảng thương mại điện tử của Wechat và đã trở thành một cổ đông chính trong JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc.
Nếu đa số thu nhập của Facebook đến từ quảng cáo, và hầu hết là quảng cáo trên điện thoại, thì đây lại không phải là trường hợp của Tencent. Hơn một nửa thu nhập của công ty này đến từ trò chơi điện tử online. Lĩnh vực quảng cáo của Tencent chỉ chiếm 14% tổng doanh thu của công ty.
Khác với Facebook, Tencent là một “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Họ đã là nhà sản xuất video game lớn nhất thế giới tính về thu nhập từ game và hiện đang sở hữu 13% thị trường video game thế giới. MOBA game “Honour of Kings” của Tencent thu lợi lớn nhất thế giới trong phân khúc điện thoại di động.
Tencent cũng chi rất nhiều tiền để mua các nhà phát triển game toàn cầu. Hồi năm 2013, Tencent đã đầu tư vào EPIC Games. Tháng 6/2016, Tencent mua 84% cổ phiếu của Supercell với giá 8,6 tỷ USD, thiết lập kỷ lục mới về mua lại một nhà sản xuất video game.
Tháng 9/2017, Facebook đã không còn là mạng xã hội có giá nhất thế giới. Tencent đã trở thành công ty châu Á đầu tiên gia nhập câu lạc bộ các công ty thương mại có tài sản hơn 500 tỷ USD, gạt Facebook khỏi vị trí tốp 5 công ty hàng đầu thế giới về giá trị thị trường. Dù ban đầu chỉ là bắt chước các dịch vụ của các công ty mạng xã hội khác, thành công của Tencent đã khiến các gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon phải quan sát kỹ. Cuối năm 2017, công ty này đã lọt vào danh sách của Forbes gồm 100 công ty đổi mới nhất thế giới, đứng ở vị trí 24.
Khi BAT bắt đầu bão hòa thị trường Trung Quốc, tất nhiên họ nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm tăng trưởng. Nơi đầu tiên họ nhắm tới là khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Tuy nhiên, họ cũng hướng tới các thị trường lớn và sinh lời như châu Âu và Bắc Mỹ. BAT đang bước vào các thị trường này như một đối thủ mạnh. Những người chơi địa phương cần chuẩn bị cho một cuộc chiến tốn kém và kéo dài bởi quá trình toàn cầu hóa kỹ thuật số của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và đang hội tụ sức mạnh. Thông qua các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, đầu tư, xuất khẩu các mô hình kinh doanh mới, và quan hệ đối tác công nghệ, Trung Quốc có thể tạo lập “biên giới số” của thế giới trong vài thập kỷ tới.
Điều đáng nói là ngành công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã trưởng thành ngoạn mục trong môi trường không hề có những “người đi trước” như Facebook, YouTube, Twitter, thậm chí cả Instagram. Nhưng thay vì loại bỏ mạng xã hội khỏi đời sống, việc hạn chế các websites và mạng xã hội nước ngoài đã dẫn tới một hệ sinh thái kỹ thuật số nở rộ trong nước, do nhà nước quản lý. YouTube, Facebook, và Twitter bị chặn tại Trung Quốc nhưng các phiên bản Trung Quốc lại phát triển mạnh. Nếu so sánh, người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc nằm trong số đông đảo nhất thế giới.
Một nghiên cứu của Boston Consulting Group cho thấy người dùng internet của Trung Quốc online trung bình 2,7 giờ/ngày, lâu hơn nhiều so với ở các nước đang phát triển và nhiều hơn so với ở Nhật Bản và Mỹ.
Bên trong bức tường lửa “Great Firewall”, mạng internet vẫn “phát đạt” ở Trung Quốc với gần 700 triệu người dùng, tương đương 1/2 dân số nước này. Đến cả người ăn xin ở Trung Quốc cũng nhận tiền bố thí thông qua ứng dụng QR code!
Bắc Kinh khuếch trương tầm nhìn “tự chủ internet” của mình như một hình mẫu cho thế giới và làm cho nó trở thành một thực tế pháp lý trong nước. “Ông hoàng internet” Trung Quốc Lô Vĩ cho biết sau hơn hai thập kỷ phát triển Internet dưới sự lãnh đạo cứng rắn của Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã đạt được sự cân bằng chính xác giữa “tự do và trật tự”, giữa “mở cửa và tự chủ”, và đang đi trên con đường “quản lý mạng mang đặc sắc Trung Quốc”.
Sau tất cả, rõ ràng hoàn cảnh thiếu thốn đã tạo điều kiện cho những giải pháp đột phá. Hơn nữa, dường như chính sự cấm đoán của chính phủ như một cái “khiên bảo vệ bằng vàng”, tạo cho các công ty trong nước một môi trường để tự do thực nghiệm các công nghệ mới. Và người Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng của mình.
Giờ đây, giới trẻ Trung Quốc thay vì thần tượng Steven Jobs, đang tích cực noi theo tấm gương của những Jack Ma, Robin Li, và Lei Jun – các nhà sáng lập của Alibaba, Baidu và nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi.
Theo VIETNAMNET
Tags: Trung Quốc, Thế giới số, Công nghệ