Khi nào những người bán luận văn ở khu Bách Khoa mới thất nghiệp?

Nhìn vào bối cảnh thực tại thì bức tranh về sáng tạo và nghiên cứu khoa học của nước ta có vẻ đa phần là gam màu tối. Trước mắt trong khoảng vài chục năm nữa, bức tranh này rất có ít cơ hội để sáng lên – cho dù là chút ít.

Khi nào những người bán luận văn ở khu Bách Khoa mới thất nghiệp?

Năm rồi tôi có nhận làm “hướng dẫn phụ” cho một sinh viên làm Đề tài tốt nghiệp liên quan đến mảng Dịch vụ công. Công bằng mà nói cô học trò này là người có tư chất và chịu khó và đặc biệt dám “mạo hiểm” để thực hiện một đề tài thuộc loại tương đối mới trong môi trường “nội địa” của Việt Nam. Tuy không nói ra nhưng tôi tự nhủ rằng đây là một đề tài hay, có tính thời sự và ít nhiều có yếu tố “mới” cộng với tính thực tiễn của nội dung nghiên cứu – “Đánh giá chất lượng giáo dục tại một huyện miền núi ” bằng các công cụ khảo sát giàu tính định lượng, nên chắc sẽ được các Thầy Cô đánh giá cao và cho điểm xứng đáng.

Người đầu tiên làm tôi thấy hơi nhụt chí chút ít đó là ông bạn thân – một người đã tiêu tốn rất nhiều ngân sách nhà nước cho các nghiên cứu khoa học do cơ quan cậu ta thực hiện cũng như đã trực tiếp hướng dẫn tốt nghiệp cho rất nhiều sinh viên. Khi tôi “khoe” với cậu ta về cái đề tài hấp dẫn kia thì thay vì nhận được sự tán thưởng, là một gáo nước lạnh: “nó cũng chẳng hơn gì mấy cái luận văn mấy chục ngìn đang được bán tràn lan ở khu Bách khoa kia đâu. Vấn đề là ai sẽ xem trọng nó”. Khi đó, tuy hơi tự ái nhưng tôi đành nhủ lòng mình rằng có thể ông bạn tôi nói quá lên khi trong máu đang có chút cồn, và rằng xã hội này chắc phải còn chút lương tri trong khoa học chứ!

Không nói ra nhưng chắc hẳn cô sinh viên kia cũng rất tự tin về thành tựu của mình khi trình bày đề tài nghiên cứu này trước hội đồng bảo vệ. Cuối cùng thì kết quả tuy không quá tệ nhưng vẫn khiến cô không khỏi thắc mắc khi chỉ nhận được lời khen của Cô giáo phản biện liên quan đến cái mới và tính thực tiễn của đề tài. Các vị còn lại không có ý kiến gì, đơn giản chỉ vì không ai chịu đọc cuốn luận văn dài tất tật khoảng 70 trang nhưng chứa đựng bao nhiêu tâm huyết của một thanh niên muốn làm được một cái gì đó mới mẻ và có ích với khả năng của mình, trừ Cô giáo phản biện. Khi biết được chuyện này, tôi mới thấy mình thật quá ngây thơ về tình hình giáo dục cũng như nghiên cứu khoa học nước nhà và rằng ông bạn tôi đã nói quá chuẩn khi cho rằng đối với nhiều người thì cái đề tài mà cô sinh viên kia thực hiện không khác gì hay hay ho hơn mấy cái luận văn bán ở phố Lê Thanh Nghị cả!

Bình tĩnh nhìn lại vấn đề, tôi nhận ra rằng, trong rất nhiều nguyên nhân kìm hãm nền khoa học nước nhà giống như ai đấy đã nói – khiến cho nó “bàng bạc” và “phẳng lặng” trong một thời gian dài vừa qua, như dối trá, thiếu minh bạch, thiếu ý tưởng, thiếu cơ chế /thể chế phù hợp cùng tệ tham nhũng, nhiễu nhương trong việc xét duyệt các đề tài khoa học thì văn hóa chính là cái gốc của vấn đề. Ở đây chủ nghĩa kinh nghiệm và tư tưởng “cây cao bóng cả” đã góp phần giết chết rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó chính sự “lười đọc” của đại bộ phận dân chúng – kể cả giới trí thức khi không chịu đọc hoặc ít khi đọc những bài viết hoặc công trình của những người chưa có tên tuổi, của những người còn trẻ đã làm cho nền khoa học của chúng ta hầu như đang bị tụt lùi thảm hại (so với các nước trong khu vực).

Chúng ta luôn nói về sự sáng tạo và khuyến khích các sáng tạo, và hàng năm vẫn có rất nhiều các cuộc thi và giải thưởng trao cho các công trình sáng tạo như “sáng tạo trẻ”; “sáng tạo khoa học công nghệ”; “sáng tạo kỹ thuật” hay “Thần đồng đất Việt” v.v. do các cấp khác nhau tổ chức và trao thưởng tại những buổi lễ hoành tráng. Tuy nhiên không ai rõ có bao nhiêu công trình đoạt giải này được ứng dụng thực tiễn và mang lại hiệu quả trong cuộc sống. Phải chăng những ý tưởng được sinh ra bởi những con người cùng bao tâm huyết của họ chỉ dừng lại ở mức được vỗ tay tán thưởng và rồi lại nằm im lìm trên giá sách giống như kết quả của bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà Nước được thực hiện bởi rất nhiều người mà tôi có vinh hạnh được biết. Vấn đề nằm ở chỗ cho dù có một vài “phát minh, sáng tạo” nào đó có tính khả thi cao và được đầu tư thực hiện thì chúng cũng sẽ bị rất nhiều thủ tục và các rào cản cơ chế hiện thời làm cho không thể tiến xa được. Một vấn đề nữa thuộc về văn hóa ở đây chính là tính “sính ngoại” và không phục nhau của những người làm khoa học trong nước. Giả sử nếu tác giả của Flappy Bird thay vì phát hành game này trên Google Store mà đi thử nghiệm trong nước trước thì có thể trò chơi này đã chết yểu trước khi được thế giới biết đến rồi. Sự đố kỵ trong văn hóa Việt chính là nguyên nhân gốc rễ của tính “sính ngoại” bởi vì đó là các thành tựu của Tây của Tàu chứ không phải của anh, của chị nên tôi không chê bai hay có ý kiến gì; nhưng nếu nó là của Việt thì chắc phải có vấn đề ở đâu đó.

Khách quan nhìn nhận một số vấn đề của nghiên cứu khoa học nước nhà, tôi xin mạn phép đưa ra một vài nhận xét sau: (i) Chúng ta không nhìn nhận đúng vai trò hoặc không đặt đủ niềm tìn vào các sáng tạo Việt, mà đặc biệt là các sáng tạo trẻ; (ii) Nền giáo dục và nghiên cứu khoa học của chúng ta thiếu hẳn một tầm nhìn và sứ mệnh thống nhất. Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn đến cách giải quyết mọi việc theo sự vụ (khi có vấn đề nảy sinh) chứ không có được một lộ trình nhất quán cùng các mục tiêu cụ thể khiến chúng ta phải tuân thủ thực hiện đến cùng để đạt được. Nói rõ hơn thì chúng ta không gắn kết được các công đoạn của một tiến trình mà chỉ dừng lại ở mức sự kiện vì vậy nghiên cứu chỉ để rồi nghiên cứu còn kết quả thế nào, được ứng dụng ra sao lại là chuyện khác, của người khác; (iii) Tuy ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học mỗi năm chỉ khoảng 15 nghìn tỷ đồng (khoảng 2% ngân sách Quốc gia), nhưng lại được đầu tư vô cùng dàn trải và manh mún khiến cho các công trình nghiên cứu khoa học không có được kết quả cao và chỉ dừng lại ở mức “rà soát” hay “bước đầu”. Đấy là chưa kể đến chuyện vốn đầu tự bị cắt xén ở các cấp khác nhau (một vấn đề vô cùng nhức nhối đối với những ai làm khoa học thực sự); (iv) Sự vô (nhẫn) tâm cũng như vô trách nhiệm của rất nhiều Quan chức và kể cả những người làm nghiên cứu khoa học khi chỉ xem đây là cơ hội cải thiện thu nhập (cho cá nhân, cho cơ quan mình) hơn là sứ mệnh cao quý góp phần đem lại sức mạnh và phồn thịnh cho đất nước; và (v) cuối cùng nhưng chưa phải là hết, đó là hệ quả của các vấn đề trên – các quy định chồng chéo và đôi khi vi hiến khiến cho Tướng Cao Lỗ nếu sống lại cũng phải thốt lên “Nếu tôi được sinh ra vào thời đại ngày nay thì chắc rằng Nỏ Liên Châu sẽ không bao giờ được đi vào truyền thuyết và sử sách bởi sẽ không ai chịu cấp bằng sáng chế và bản quyền, thương hiệu cho nó cả”.

Nếu những bất cập nêu trên là có thật, thì đâu là lời giải cho bài toán Khoa học & Công nghệ nước nhà? Nhìn vào bối cảnh thực tại thì bức tranh về sáng tạo và nghiên cứu khoa học của nước ta có vẻ đa phần là gam màu tối. Nếu đem cộng cả yếu tố văn hóa như đã nói ở phần đầu thì hỡi ôi, trước mắt trong khoảng vài chục năm nữa, bức tranh này rất có ít cơ hội để sáng lên – cho dù là chút ít. Thôi thì chúng ta nên tự nhủ với lòng mình vì rằng “dân ta vốn có gốc từ văn hóa trồng lúa nước, không ưa di chuyển, ngại thay đổi nên ít tính sáng và cũng không ưa sáng tạo”. Thay vì ganh đua với thế giới, chúng ta nên bằng lòng với thực tại, chờ cho các sáng kiến và công nghệ của Tây, Tàu hết đát thì học lấy để đem vào áp dụng cho đỡ mất thời gian mà không phải mang tiếng là chuột bạch. Chỉ có như vậy thì nếu có sai gì thì Tây nó chịu hoặc Tàu nó dốt chứ đâu phải tại tôi hay tại bạn!

Vậy đến khi nào những người bán luận văn ở khu Bách Khoa kia sẽ thất nghiệp đây? Câu hỏi này thật không quá khó nhưng trừ mấy anh công an ra thì có vẻ như những người còn lại chưa có được một câu trả lời khả dĩ!

TRẦN VĂN TUẤN

Tags: ,