⠀
Khi giới trẻ Việt tình nguyện bị đồng hóa trước cuộc ‘xâm lược văn hóa’ từ Hàn Quốc
Giao lưu văn hóa là điều cần thiết trong xu hướng toàn cầu hóa, tuy nhiên, sự giao thoa, tiếp nhận văn hóa từ quốc gia khác cũng cần phải có chọn lọc. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các bậc phụ huynh “giật mình” trước xu hướng thần tượng “quá đà” các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc của con em mình.
Chính phủ Hàn Quốc coi văn hóa là một thị trường rất tiềm năng và họ đã có chiến lược “xuất khẩu” và “tiếp thị” nền văn hóa của mình và tạo cho nó một sức lan tỏa rộng khắp, không chỉ giới hạn trong tầm châu lục mà trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Du nhập chậm và nhưng lan tỏa nhanh
Năm 1997, bộ phim Hàn Quốc đầu tiên “Yumi – Tình yêu của tôi” được phát sóng trên kênh VTV1 và “Mối tình đầu” trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, mở đường cho văn hóa Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam – đặc biệt là tới giới trẻ Việt.
Trước đó, ngoài các phim sản xuất trong nước, giới trẻ Việt Nam chỉ tiếp xúc với các bộ phim võ thuật cổ trang của Hồng Kông, những bộ phim tâm lý xã hội dài hơi của Singapore, Đài Loan hay các tập phim truyền hình về những đề tài sáo mòn và cũ kỹ như: Chống tham nhũng, cảnh sát đối đầu tội phạm xã hội đen, thì sự xuất hiện của một bộ phim như “Mối tình đầu” như một cơn lốc thổi mạnh vào cảm quan văn hóa của nhiều người Việt.
Sau “Mối tình đầu”, Đài truyền hình Việt Nam và các đài khác bắt đầu nhập và chiếu một loạt các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc như “Anh em nhà bác sĩ”, “Người mẫu”, “Cảm xúc”, “Tình cờ”, “Trái tim mùa thu” cho tới “Bản tình ca mùa đông”, “Nấc thang lên thiên đường”, “Giày thủy tinh”.
Các bộ phim này không những lấy đi nước mắt của biết bao người xem Việt mà còn khắc sâu trong tâm trí họ một nền văn hóa mới mẻ của đất nước Cao Ly.
Nếu như tự đặt mình vào vị trí 20 năm trước đây thì chắc hẳn bạn sẽ “mù tịt ” về văn hóa Hàn Quốc, bạn sẽ chẳng biết gì, thế nào về trang phục Hanbok, bạn sẽ vô cùng thắc mắc về xuất xứ của món kim chi và bạn cũng sẽ tự hỏi rượu Sochu là cái gì?
Đơn giản chỉ vì chúng ta không hề có thông tin gì và cũng chẳng có bộ phim nào của Hàn Quốc được phát sóng trên các kênh truyền hình cũng như các rạp chiếu bóng của nước ta cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, mà thay vào đó là các bộ phim của Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông…
Nhưng giờ đây thì ngược lại, phim ảnh Hàn Quốc đã thực sự lên ngôi, trở thành một cơn lốc, tạo ra những làn sóng như những cơn “sóng thần” lấn át, xâm nhập, bành trướng thậm chí là cả thống trị thị trường phim ảnh ở một số nước cũng nhiều quốc gia châu Á khác đồng thời đã và đang gây được ảnh hưởng và uy tín lớn tại nhiều quốc gia, khu vực khác trên thế giới tạo ra tiếng tăm lẫy lừng khắp thế giới.
Tại Seoul và các thành phố lớn khác của Hàn Quốc, các biển quảng cáo phim nội được treo la liệt khắp nơi từ bến xe buýt, ga tàu điện ngầm… cho đến những trung tâm mua sắm sầm uất. Chúng ta cũng thấy rằng, hiện nay, điện ảnh Hàn Quốc có một sức mạnh nội lực ghê gớm và kỳ diệu, mạnh đến mức mà nó có đủ sức để đánh bật những bộ phim ăn khách nhất của kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood.
Phim ảnh Hàn Quốc đã đẩy lùi con số nhập khẩu phim Hollywood từ con số 76% phim chiếu ở các rạp xuống còn 14% vào năm 1999 đã làm cho các nhà sản xuất phim cũng như Chính phủ cảm thấy rằng: sản xuất phim nội rõ ràng là có lợi hơn phim ngoại lên họ đã tiếp tục đầu tư mọi nguồn lực để phát triển hơn nữa ngành điện ảnh nước nhà.
Với Việt Nam, thông qua điện ảnh, người Việt bắt đầu làm quen với văn hóa Hàn Quốc, họ tìm hiểu và thích thú với Hàn Quốc, nhớ được những cái tên khó đọc các diễn viên Hàn Quốc, dùng sản phẩm Hàn Quốc, học tiếng Hàn Quốc… Và cũng qua điện ảnh, Hàn Quốc phát triển sức ảnh hưởng của mình bằng hàng loạt các công cụ khác. Đó là ngành công nghiệp giải trí, là thời trang và ẩm thực.
Minh chứng cho điều này, cuối thập niên 1990, hàng hóa mang nhãn “Made in Korea” hầu như chưa xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Nhưng chỉ sau bộ phim “Thành thật với tình yêu” phát trên kênh VTV3 cùng mẩu quảng cáo dầu gội Double Rich của anh chàng diễn viên điển trai Bae Yong Jun thì lần đầu tiên một sản phẩm Made in Korea chính thức chào hàng một cách thông minh và chuyên nghiệp với người tiêu dùng Việt Nam.
Sau đó là một loạt các quảng cáo Debon, LG, Essance với hình ảnh của các diễn viên nổi tiếng như Kim Nam Joo, Lee Young Ae… Qua điện ảnh, Hàn Quốc đã mang nền văn hóa của mình du nhập và lan tỏa mạnh mẽ vào các quốc gia khác.
Nhận thức được tầm ảnh hưởng của nền văn hóa của đất nước mình, chính phủ Hàn Quốc coi văn hóa là một thị trường rất tiềm năng và họ đã có chiến lược “xuất khẩu” và “tiếp thị” nền văn hóa của mình và tạo cho nó một sức lan tỏa rộng khắp, không chỉ giới hạn trong tầm châu lục mà trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Giới trẻ Việt và “cơn bão” Hàn Quốc
Nếu như nhiều năm trước, người Việt không biết Hàn Quốc là quốc gia nào, có nét đặc trưng là gì; thì ngày nay, chỉ cần hỏi bất kỳ người nào – đặc biệt là giới trẻ – họ cũng có thể cho bạn biết Hàn Quốc có trang phục truyền thống nào, nét đặc sắc trong ẩm thực là gì và đọc vanh vách tên các diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc.
Có thể nói, ngày nay, sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, của “làn sóng Hallyu” tới giới trẻ Việt Nam cực kỳ mạnh mẽ.
Thời kỳ đầu đến nay do sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là phim ảnh, giới trẻ Việt Nam đã học theo phim Hàn Quốc một cách nhanh chóng. Nhiều nam thanh nữ tú đã theo mốt tóc nâu môi trầm, sau đó là tóc vàng… sau đó là việc dùng mĩ phẩm, thời trang, làm đẹp thẩm mĩ và những thứ hàng hóa khác của Hàn Quốc. Có cả những Hiệu mang tên được lấy từ phim Hàn Quốc hoặc tiếng Hàn như Kim Chi, Segu, Dae Chang Geum.
Đó là chưa kể đến những hàng hóa, những Công ty Hàn Quốc làm ăn ở Việt Nam cùng thời với phim Hàn Quốc trên màn ảnh đã rất có lợi trong kinh doanh nhờ phim ảnh hay cách này cách khác quảng cáo về họ. Đặc biệt là gần đây học tập từ kinh nghiệm của phim Hàn Quốc mà các nhà làm phim Việt Nam đã có vận dụng ít nhiều công nghệ và phong cách, tiếp thị, quảng cáo, nhận tài trợ… trong một số phim.
Vậy hãy thử tìm hiểu những ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc đối với giới trẻ Việt.
Trước hết, giới trẻ Việt bị ảnh hưởng từ các chương trình giải trí Hàn Quốc như điện ảnh, âm nhạc và các chương trình giải trí truyền hình. Từ đó, một loạt các diễn viên, ca sĩ thần tượng ra đời, ảnh hưởng trực tiếp vào thị hiếu thẩm mỹ của lớp trẻ.
Công lao trong việc đưa ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đến với công chúng và mở rộng tầm ảnh hưởng của nó ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á chính là các công ty, các tập đoàn lớn trong ngành giải trí như SM Entertainment, YG Entertainment, Cube Entertaiment, Universal Music, JYP Entertainment (công ty chuyên phát hiện, đào tạo, quản lý sao) và Mnet Media (mạng bán hàng).
Ngày nay, giới trẻ Việt mê phim Hàn, thần tượng ca sĩ, diễn viên Hàn, trang điểm, ăn mặc theo phong cách Hàn … không còn quá lạ lẫm. Vẻ đẹp trong veo của các nữ nghệ sĩ cùng vẻ nam tính, lạnh lùng hay nét thư sinh, mềm mại của các nam nghệ sĩ dần trở thành tiêu chuẩn để nhiều bạn trẻ Việt học theo và hướng tới.
Thông qua đó, các nhãn hàng mỹ phẩm “made in Korea” như Ohui, The Face Shop, The Body Shop… cũng cực kỳ hút khách.
Thông qua các bộ phim, phong cách Hàn đã lan vào những nếp sinh hoạt hàng ngày của giới trẻ. Thử chú ý xem, nếu thấy ở đâu đó có một cô nàng đội mũ lệch, tay cầm điện thoại di động có gắn một con thú bông nho nhỏ, thì chắc chắn đó chính là một fan của dòng phim Hàn thế hệ mới. Cách ăn mặc, trang điểm… hàng ngày của nhiều bạn trẻ Việt đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ngôi sao thần tượng Hàn Quốc.
Qua điện ảnh và âm nhạc, ẩm thực Hàn Quốc cũng đã du nhập vào Việt Nam. Nếu như trước kia, không ai biết gì về kim chi hay rượu sochu; thì ngày nay, để tìm được một nhà hàng Hàn Quốc thật quá dễ dàng.
Tại Hà Nội, các nhà hàng, quán ăn Hàn Quốc rất đông khách. Có thực khách tìm đến với những quán ăn này không hẳn vì yêu thích mà nhiều khi do tò mò, muốn khám phá ẩm thực Hàn Quốc được giới thiệu và quảng bá trên phim ảnh thực chất như thế nào.
Từ đó, ẩm thực Hàn Quốc như kim chi, với Bibimbap (cơm trộn), với Tteokbokki (bánh gạo), Japchae (miến) hay Samgyeopsal (thịt ba chỉ nướng) … trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt và họ tỏ ra rất thích thú với nền ẩm thực mới mẻ này.
Đã có thời, sinh viên Thủ đô xôn xao trước những màn tỏ tình gây sốc ngay tại sân trường hoặc khu ký túc xá theo kiểu Hàn Quốc của những chàng trai Bách Khoa, Thủy Lợi, Báo chí… Hay như nhiều đôi bạn trẻ cố tìm kiếm những con đường, những không gian lãng mạn trong thành phố làm điểm hẹn tình yêu… giống như những hình ảnh mộng mơ mà họ thường thấy trên truyền hình.
Ngoài thời trang, ẩm thực, nhiều bạn trẻ còn tìm học tiếng Hàn Quốc, từ đó, hàng loạt các trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc ra đời, thu hút được số lượng đông đảo các học viên. Điều này càng khẳng định sức ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng văn hóa Hàn Quốc với giới trẻ Việt Nam.
Không thể phủ nhận ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc đã phát triển rực rỡ và thu được quá nhiều thành công, sức lan tỏa của ngành giải trí này không chỉ còn gói gọn trong châu lục mà đã vươn ra ngoài thế giới.
Và mặt trái …
Nói về cách mà một nền văn hóa ảnh hưởng tới nền văn hóa khác, các nhà nghiên cứu đều cho rằng có 2 cách cơ bản là Cưỡng bức (trong bối cảnh bị xâm lược) và Tự nguyện (trong bối cảnh hòa bình và giao lưu hội nhập quốc tế). Và cách mà nền văn hóa Hàn Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam theo cách thứ 2 – Tự nguyện.
Giao lưu văn hóa là điều cần thiết trong xu hướng toàn cầu hóa, tuy nhiên, sự giao thoa, tiếp nhận văn hóa từ quốc gia khác cũng cần phải có chọn lọc. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các bậc phụ huynh “giật mình” trước xu hướng thần tượng “quá đà” các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc của con em mình.
Bắt chước thần tượng, thời nay, nhiều cô gái trẻ Việt Nam còn tìm đến thẩm mỹ viện để nối mi, nâng mũi hoặc phẫu thuật để cho mắt giống thần tượng này, mũi giống thần tượng kia trên phim, bất chấp lời can ngăn của bác sĩ thẩm mỹ.
Có những bạn trẻ còn kỳ công sưu tập những mẫu váy, áo Hàn Quốc trên mạng và đặt may y chang như thế. Thậm chí, có nhiều bạn còn hâm mộ đến mức đặt hàng online qua internet để có cho được những bộ trang phục có xuất xứ “made in Korea” chính hiệu để mặc cho giống hệt với thần tượng của mình.
Gần đây còn xuất hiện xu hướng rất nhiều đôi uyên ương rủ nhau đi chụp ảnh cưới theo phong cách Hàn Quốc. Thay vì chọn áo dài, khăn đóng truyền thống của người Việt hay những chiếc váy hiện đại theo kiểu phương Tây vốn được ưa chuộng xưa nay, các cặp đôi lại xúng xính trong bộ Hanbok truyền thống của người Hàn Quốc với một tâm trạng rất hồ hởi, phấn khích.
Điều đáng nói là có một số bạn trẻ không ý thức được sự chênh lệch giữa ngoại hình, làn da của mình nên cứ vô tư khoác lên người những bộ trang phục ngắn cũn, sặc sỡ, kiểu cách để chứng tỏ sự sành điệu giống thần tượng. Họ không hề biết rằng sự nhái lại này đã gây ra những cách ăn mặc kệch cỡm, lố bịch và tạo ra sự phản cảm cho người đối diện.
“Sự kiện Suju” trong nhạc hội MTV Exit concert vào tháng 4/2010 đã làm hàng trăm người dẫm đạp, chen lấn nhau để vào SVĐ Mỹ Đình, và làm hàng chục khán giả ngất xỉu trong quá trình diễn ra nhạc hội.
Rất nhiều người đã “shock” khi đọc được một câu nói có thật của 1 fan SuJu trong sự kiện MTV Exit concert: “Nếu có 1 ngày thế giới phản bội lại Super Junior, ELF (Ever Lasting Friends – Tình bạn vĩnh cửu – tên gọi Fanclub chính thức của Super Junior) cũng sẽ phản bội cả thế giới. Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem SuJu biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng cũng biết điều và để mình đi”.
Hay lời tuyên bố của một bạn trẻ “Gia đình là phù du, SuJu là tất cả” cũng khiến nhiều người phải giật mình vì sự thái quá trong cách các bạn trẻ này thần tượng các “oppa” Hàn Quốc.
Trong thời đại toàn cầu hóa, việc giao thoa giữa các luồng văn hóa là điều không tránh khỏi, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc đối với giới trẻ Việt Nam. Tất nhiên, không thể phủ nhận những tác động tích cực mà làn sóng Hallyu mang lại như các bộ phim có tính nhân văn, giàu tình cảm về những mối quan hệ xã hội hay những những sản phẩm giải trí hiện đại, sôi động cho giới trẻ… tuy nhiên, sự xâm nhập quá ồ ạt của làn sóng Hallyu cũng tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn.
Trong khi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách đang hướng Việt Nam “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì việc tiếp nhận văn hóa ngoại lai cũng cần cân nhắc và có chọn lọc. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam rất nhạy cảm với những cái mới, hiện đại của nước ngoài và dễ rơi vào sự lệch lạc trong thẩm mỹ.
Cần giáo dục, tuyên truyền đầy đủ để họ có tình yêu, thái độ tôn trọng và ý thức giữ gìn văn hóa của quốc gia mình trước khi tiếp nhận nền văn hóa của một quốc gia khác.
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI
Tags: Suy thoái văn hóa, Hallyu, Hàn Quốc, Giới trẻ