Khi đàn sư tử đá Trung Hoa ngồi chồm hỗm khắp đất nước Việt Nam

Vấn đề ở đây không phải là của con sư tử đá. Vấn đề ở đây là ở toàn bộ môi trường xung quanh. Nếu người Việt nào cũng được giáo dục ý thức rành rọt về văn hóa truyền thống thì không cần phải đuổi theo nhắc nhở, cấm đoán họ về con sư tử Tàu.

Khi đàn sư tử đá Trung Hoa ngồi chồm hỗm khắp đất nước Việt Nam

Những tranh luận về sư tử đá ở Việt Nam gợi ra một chuyện: Năm 2012, ở Dominica, Trung Mỹ, người ta cũng tranh cãi gay gắt vì hai con sư tử đá Trung Quốc.

Chuyện là chính phủ Trung Quốc hỗ trợ vốn cho nước này xây lên một cây cầu, gọi là cầu Hữu nghị Dominica – Trung Quốc. Đầu cầu đặt một đôi sử tử đá – tất nhiên không phải sư tử “tả thực” kiểu phương Tây mà là loại “sư tử Tàu” giống với loại gây tranh cãi ở nước ta.

Dân Dominica tức giận. Họ cho rằng không thể tồn tại một biểu tượng của Trung Quốc ở giữa lòng thủ đô, nơi có rất nhiều khách du lịch qua lại. Họ kéo nhau ra cầu… cùng phá sư tử Tàu.

Cãi qua cãi lại, cuối cùng chính quyền đành lòng dẹp hai con sư tử này đi vì đằng nào cũng không thể để nó trong tình trạng bị phá hoại ở đó được.

Chưa bàn đến hành vi tự ý phá hoại của một số người Dominica, nhưng có một điểm chính yếu trong câu chuyện này: Đấy là người dân nước này vạch ra một ranh giới rõ ràng về văn hóa. Hỗ trợ nhau thì “ô kê”, đặt tên cầu là “Hữu nghị Trung – Dominica” rất hoan nghênh, nhưng để một biểu tượng văn hóa ngoại lai ở trung tâm thủ đô thì họ không chấp nhận được.

Dominica thuộc vào nhóm nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao của thế giới. Nhưng có lẽ đấy không phải là gốc rễ: Vấn đề là họ theo văn hóa Pháp lai với văn hóa thổ dân, đặt con “sư tử Tàu” vào nó nổi bật lên, nhận ra ngay và… “ngứa mắt” ngay.

Sư tử Tàu ở Dominica trước khi bị dẹp.

Còn chúng ta, đã thản nhiên chấp nhận những con “sư tử Tàu” khắp phố phường, trước cổng doanh nghiệp, cơ quan, và thậm chí là trước các di tích. Sự tương đồng nhất định giữa văn hóa Trung Quốc và văn hóa Việt Nam khiến cho cái ranh giới giữa “sư tử Tàu” và phần còn lại của khung cảnh Việt Nam trông không rõ ràng mấy. Trông cũng quen quen, hợp nhãn, đèm đẹp.

Vấn đề của chúng ta là cái sự quen mắt này. Hay là nói rõ hơn, chúng ta không tô đậm được văn hóa Việt Nam để nếu có “yếu tố lạ” thì nó tạo thành cái gai trong mắt ngay lập tức như là dân Dominica.

>> Chùm ảnh: Bộ sưu tập linh vật cổ quý giá nhất Việt Nam
.

Đến hôm nay, người ta mới lôi ra bàn xem con nghê, con sấu, những con gì “thuần Việt” đáng đặt trước thềm các công sở, di tích. Đến hôm nay, khi sư tử đá Trung Quốc đã há miệng cất tiếng gầm khắp mọi miền đất nước rồi, người ta mới loay hoay phân biệt ranh giới.

Vấn đề ở đây không phải là của con sư tử đá. Vấn đề ở đây là ở toàn bộ môi trường xung quanh. Nếu người Việt nào cũng được giáo dục ý thức rành rọt về văn hóa truyền thống thì không cần phải đuổi theo nhắc nhở, cấm đoán họ về con sư tử Tàu.

Chúng ta đã làm đủ nhiều để quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam cho chính người Việt Nam hay chưa, để nếu có “yếu tố lạ” thì người ta còn nhận ra, hay là trong tranh tối tranh sáng về văn hóa thì con gì cũng chui vào được?

Hẳn là nhiều người hôm nay đọc báo mới được nghe giải thích về “con nghê”, một linh vật thuần Việt. Cũng như mãi đến Tết Nguyên đán mấy năm gần đây mới có học giả phân tích cho họ thế nào là đèn lồng Việt Nam, thế nào là đèn lồng Trung Quốc. Bao nhiêu năm nay có ai nói với họ về thứ xa lạ ấy đâu. Có khi còn phải cảm ơn con sư tử đá của Tàu.

Theo LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: ,