Chùm ảnh: Bộ sưu tập linh vật cổ quý giá nhất Việt Nam

Tích tà, bồ lao, thao thiết, si vẫn, tiêu đồ… là tên gọi những linh vật Việt Nam độc đáo mà rất nhiều người Việt chưa bao giờ biết đến.

Chùm ảnh: Bộ sưu tập linh vật cổ quý giá nhất Việt Nam

Linh vật là những sinh vật huyền thoại hoặc có thật được con người linh thiêng hóa như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, linh vật có nhiều loại khác nhau do người Việt sáng tạo hoặc xuất hiện trong quá trình giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa bên ngoài.

Những hiện vật dưới đây được giới thiệu tại một triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội.

Hình chim lạc trên trống đồng Đông Sơn, khoảng 2.000 – 2.500 năm trước, phát hiện tại Thọ Vực, Ứng Hòa, Hà Nội.

Chim lạc là vật tổ của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang – Âu Lạc, gắn với huyền thoại về nguồn gốc dân tộc qua tín ngưỡng thờ vật Tổ.

Hình giao long trang trí trên giáo đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, cách đây 2.000 – 2.500 năm.

Giao long được cách điệu từ cá sấu, là vật Tổ biểu trưng cho sức mạnh của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang – Âu Lạc.

Hình giao long trang trí trên tấm che ngực bằng đồng, thời kỳ Đông Sơn.

Hình rồng trang trí trên gương đồng, thế kỷ 1-3. Hiện vật khai quật tại Thiệu Dương, Thanh Hóa.

Ở Việt Nam, hình tượng Rồng đã xuất hiện từ buổi đầu dựng nước Văn Lang – Âu Lạc và trở thành biểu tượng linh thiêng gắn với Tổ Tiên, cội nguồn dân tộc thông qua truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Mặt khác, do nằm trong khu vực là cái nôi của nền văn minh lúa nước, Rồng Việt Nam còn giữ vai trò là một Phúc thần mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trải qua tiến trình phát triển hơn 2 ngàn năm, hình tượng rồng trong nghệ thuật Việt Nam đã nhiều lần biến chuyển về đặc điểm, phong cách nghệ thuật, đồng thời mang thêm những ý nghĩa biểu tượng mới gắn với Thần quyền và vương quyền.

Hình rồng chạm trên đổ cửa bằng đá thời Lý, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh.

Hình rồng trang trí trên đĩa gốm hoa lam thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Hình rồng đắp nổi trên lư hương bằng đất nung, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.

Tượng rồng bằng vàng thời Nguyễn, thế kỷ 19-20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Tượng rồng trên ấn “Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo” bằng vàng, thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu Trị 7 (1847), nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Hình kỳ lân trang trí trên đĩa gốm nhiều màu thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Theo truyền thuyết, kỳ lân là loài vật có móng guốc, thân phủ vẩy cá, là biểu tượng cho lòng nhân từ, mỗi khi nó xuất hiện là điềm báo có thánh nhân, minh quân ra đời. Hình tượng này phổ biến từ thời Lê sơ (thế kỷ 15), khi Nho giáo phát triển đến đỉnh cao.

Hình kỳ lân móng rồng trên hũ gốm hoa lam thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Tượng kỳ lân bằng gỗ dùng để trang trí kiến trúc thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20.

Tượng kỳ lân trên ấn “Đề thống tướng quân” bằng đồng thời Lê sơ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1515).

Tượng rùa trên ấn “Quốc mẫu chi bảo” làm bằng bạc và vàng, thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ 1 (1802), trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Rùa là con vật được linh hóa, biểu trưng cho sự bền vững trường tồn, thường được tạc trong thức đội bia đá, tháp Phật hoặc trang trí trên đồ vật.

Khay gốm hoa lam vẽ hình Long mã cõng Hà đồ (trái) và Thần quy chở Lạc thư (phải) thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802 – 1820).

Long mã là một dáng hóa thân của kỳ lân, thường được thể hiện chạy trên sóng nước (lấy từ tích Vua Vũ trị thủy).

Từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18), rùa thường xuất hiện thành cặp với long mã trong đề tài về Hà đồ – Lạc thư, cặp biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi, được áp dụng trong nhiều mặt của cuộc sống.

Tượng long mã bằng đồng thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20.

Lá đề hình phượng bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11 – 13.

Theo truyền thuyết, phượng là vua của các loài chim, mang nhiều đức tính, phẩm hạnh cao đẹp. Phượng chỉ xuất hiện vào thời thái bình, ẩn mình khi loạn lạc nên nó là biểu tượng cho thái bình, thịnh trị. Ngoài ra, phượng còn là hình ảnh tượng trưng cho phụ nữ quý tộc, hoàng gia thời phong kiến. Ở Việt Nam, hình tượng này xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật ở hầu hết các thời đại lịch sử.

Hình phượng trang trí trên đĩa gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Cặp phượng chầu bằng gỗ, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.

Hình phượng trang trí trên hộp trầu bằng vàng thời Nguyễn, niên hiệu Minh Mạng thứ 5 (1824), nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Hình chim phượng trang trí trên lống ấp vàng thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Tượng chó đá thời Lê Trung Hưng (trên trái), hổ đá thời Trần (trên phải), nghê đá thời Lê Trung Hưng (dưới).

Chó là linh vật gần gũi với đời sống tâm linh của người Việt Nam, thường được tạc bằng đá trấn giữ trước cổng nhà hoặc cổng đình, đền, miếu… để cầu phúc, trừ tà. Một số nơi có tục thờ Chó.

Hổ là loài vật được người Việt linh hóa, biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh giống như sư tử. Hổ thường được đặt trấn giữ ở cổng các công trình kiến trúc cổ. Trong điện thờ Mẫu thường có ban thờ Ngũ Hổ tượng trưng cho Ngũ Hành, trấn giữ 5 phương.

Hình ngựa có cánh trên bình gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Ngựa có cánh (Pegasus) là ngựa thần biểu tượng cho sự thông thái trong văn hóa phương Tây, được truyền vào Việt Nam từ thời Lê sơ (thế kỷ 15) trên đồ gốm xuất khẩu thông qua đặt hàng của thương nhân phương Tây. Hình tượng này tiếp tục được sử dụng trong trang trí đồ gốm thời Mạc – Lê Trung Hưng.

Phù điêu tiên cưỡi hạc bằng gỗ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.

Hạc vốn là linh vật của đạo Lão, tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, trường sinh bất tử. Tuy nhiên, ở Việt Nam hạc trở thành biểu tượng của cá Phật giáo, Nho giáo… thường được mô tả đứng trên lưng rùa hoặc trong đề tài tiên cưỡi hạc ở đình làng.

Đèn hình tích tà bằng đồng, thế kỷ 1 – 3.

Tích tà là linh vật huyền thoại có nguồn gốc Á Đông, hình thức giống như sư tử có cánh. Đây là linh vật trấn giữ mang ý nghĩa biểu tượng trừ tà, xua đuổi điều xấu, mang lại tốt lành.

Bồ lao trên quai chuông đồng của chùa Thanh Long (Thái Bình), thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772).

Theo truyền thuyết, bồ lao là động vật biển thường được thể hiện dưới dạng rồng hai đầu, thích âm thanh lớn, thích gầm rống, rất sợ cá kình, khi bị cá kình đuổi thì kêu rất to. Người xưa đúc chuông thường tạo hình quai bồ lao, dùi hình cá kình với mong muốn tiếng chuông kêu vang xa, do đó từ “bồ lao” cũng được dùng để chỉ tiếng chuông chùa.

Tay nắm cửa hình tiêu đồ bằng đồng, thế kỷ 1 – 3.

Theo truyền thuyết, tiêu đồ là linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình. Bởi vậy, tiêu đồ thường được chạm trên tay nắm cửa ra vào, ngụ ý răn đe kẻ lạ, bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.

Hình thao thiết đúc nổi trên tai thạp đồng, khoảng thế kỷ 2 TCN – 2 SCN.

Theo truyền thuyết, thao thiết là con vật ham ăn vô độ, thậm chí có thể ăn cả cơ thể mình. Vì vậy, hình ảnh thao thiết chỉ là phần đầu với hai chân trước nhìn chính diện trông vừa dữ tợn, vừa uy nghi. Ban đầu, thao thiết được trang trí trên bộ đồ ăn để nhắc nhở phép lịch sự trong ăn uống. Về sau thao thiết xuất hiện trên nhiều loại vật dụng khác, tượng trưng cho sự no đủ, bền vững.

Hình chim thần Garuda trên mảnh tháp bằng đất nung, thời Lý, thế kỷ 11 – 13.

Garuda là loài chim thần có nguồn gốc từ Ấn Độ, thường được miêu tả như người – chim, tượng trưng cho sức mạnh và chân lý. Ở Việt Nam, Garuda xuất hiện trong nghệ thuật Champa như vật cưỡi của thần Ấn Độ giáo Vishnu. Trong nghệ thuật Phật giáo Đại Việt từ thời Lý (thế kỷ 11 – 13) đến thời Mạc (thế kỷ 16), Garuda là linh vật trấn giữ các góc tháp, đỡ góc bệ thờ hoặc mái đao chùa… Đây là hình tượng tiêu biểu cho sự giao lưu văn hóa Đại Việt – Champa.

Hình cá hóa rồng trên đĩa gốm nhiều màu thời Lê sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Cá hóa rồng vốn là truyền thuyết được lưu truyền phổ biến ở Việt Nam, gắn với tích “Ngư dược Vũ môn” của Nho học, tượng trưng cho sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để tiến tới thành công của sĩ tử. Trong nghệ thuật Việt, đề tài cá hóa rồng bắt đầu xuất hiện từ thời Trần (thế kỷ 13 – 14), phổ biến và đạt đến đỉnh cao thời Lê sơ (thế kỷ 15).

Tượng si vẫn (con kìm) bằng đất nung thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.

Theo truyền thuyết, si vẫn là động vật biển có đuôi cong, đập sóng thì mưa xuống. Bởi vậy người xưa thường đặt nó trên nóc mái các công trình kiến trúc với ý nghĩa phòng ngừa hỏa hoạn. Ở Việt Nam, nó còn được gọi là con kìm, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như đầu rồng đuôi cá, đầu rồng đuôi si…

Hình tượng con trâu trong bộ tượng 12 con giáp bằng ngọc thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Ở Việt Nam, 12 cop Giáp gồm Tí (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Mèo), Thìn (Rồng), Tị (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Lợn), tương ứng với 12 chi trong lịch pháo Á Đông, dùng để tính thời gian theo chu kỳ quay của mặt trăng. 12 con giáp còn được dùng để liên kết các yếu tố liên quan đến vận mệnh, cuộc sống con người.

Tượng sư tử / nghê chầu bằng gỗ sơn thiếp, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.

Sư tử nguyên là linh vật Phật giáo, được truyền vào Việt Nam theo sự du nhập của Phật giáo, nhưng được cải biến phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Từ thời Trần (thế kỷ 13 – 14), khi Nho giáo phát triển, Sư tử được chọn làm biểu tượng của sức mạnh vương quyền thì hình tượng Sư tử xuất hiện phổ biến ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, vừa đa dạng về đặc điểm hình thức vừa truyền tải nhiều ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp khác nhau. Về đặc điểm tạo hình cơ bản có hai loại: hình Sư tử (các chi tiết hình thể của sư tử) và kết hợp đặc điểm Sư tử – Chó (đầu Sư tử, thân Chó). Trong đó, hình Sư tử xuất hiện ở mọi thời đại, trên nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Hình Sư tử – Chó ít nhất bắt đầu xuất hiện từ thời Lê sơ (thế kỷ 15), chủ yếu trên đồ thờ cúng, trong trang trí kiến trúc hoặc trong tư cách là linh vật trấn giữ…

Cũng như các nước Á Đông, ở Việt Nam, Sư tử còn có tên gọi khác là Nghê. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, Sư tử được gọi là Nghê khi tạc làm bệ tượng Phật, là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát, đội lư hương hoặc ngồi trên nắp đỉnh trầm, dù đều trong hình tướng Sư tử. Ở Việt Nam thì diễn biến khá phức tạp. Thông thường, linh vật này được gọi là Sư tử khi tạo theo hình tướng Sư tử, gọi là Nghê khi mang đặc điểm kết hợp của Sư tử và Chó. Tuy nhiên, nhiều khi, những hình sư tử nhỏ trong trang trí hoặc đồ thờ cúng cũng được gọi là Nghê hoặc Lân. Có những linh vật trong hình Sư tử – Chó, dân gian thường gọi là Nghê, nhưng trong văn bản chính thống ghi chép về việc tạo tác này vẫn gọi là Sư tử… Bệ tượng Phật tạo hình Sư tử thường gọi là “Sư tử tọa”, nhưng đôi khi cũng gọi là “Nghê tòa”, tục danh gọi là Ông Sấm…

Tượng nghê bằng đất nung thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18, phát hiện tại An Lạc, Khoái Châu, Hưng Yên.

Tượng nghê chầu làm bằng gốm men trắng và lục dùng làm đồ thờ cúng (trái) và Bình rót có quai hình nghê làm bằng gốm men lam xám dùng để đựng nước, rượu cúng (phải) thời Mạc, thế kỷ 16.

Tượng sư tử / nghê bằng sành, thế kỷ 18 – 19. Dạng tượng này thường được gắn trên đầu hai trụ biểu các công trình kiến trúc cổ với chức năng trấn giữ, canh gác.

Tượng sư tử trên ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” bằng vàng, thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709).

Tượng sư tử trên các ấn làm bằng ngọc, cẩm thạch, thủy tinh thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Tượng sư tử / nghê trên ấn làm bằng bạc thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Hình sư tử / nghê gắn trên nắp đỉnh trầm làm bằng gốm mem rạn thời Lê Trung Hưng niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).

Cặp sư tử / nghê chầu làm bằng gỗ sơn thiếp thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20.

Hình sư tử hí tiền trên bình gốm hoa lam thời Lê Sơ, thế kỷ 15, hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Đề tài sư tử hí tiền, sư tử hí cầu bắt đầu xuất hiện từ thời trần về sau, phổ biến và đạt tới đỉnh cao thời Lê Sơ, là hình ảnh biểu trưng của sự thái bình thịnh trị. Đây vốn là ý nghĩa của kỳ lân, được gán ghép cho sư tử.

Tượng sư tử bằng đá cát của văn hóa Chămpa, thế kỷ 10, khai quật tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Tượng sư tử chầu bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11 – 13.

Đầu sư tử bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11 – 13. Đây là vật trang trí kiến trúc hoặc làm đầu máng xối nước. Hình thức này xuất hiện phổ biến dưới thời Lý – Trần (thế kỷ 11 – 14).

Cổ bệ tượng Phật chạm hình sư tử chầu ngọc bằng đá, thời Lý, thế kỷ 11 – 13. Đây là một phần trong kết cấu bệ tượng Phật, ở vị trí đỡ tòa sen cho Đức Phật ngồi, mô phỏng theo Phật thoại về con Kim Nghê (Sư tử lông vàng) bảo vệ Phật pháp. Hình thức nghệ thuật này phổ biến dưới thời Lý – Trần (thế kỷ 11 – 14).

Voi đội bình làm bằng gốm men rạn, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.

Voi vốn là linh vật Phật giáo, tượng trưng cho chân lý, trí tuệ và sự kiên định. Đức Phật cũng từng được đầu thai dưới dạng Voi trắng trong giấc mơ của Hoàng hậu Maya. Voi còn là vật cưỡi của Phổ Hiền Bồ Tát. Với ý nghĩa như vậy, voi cũng hiện diện trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, voi còn là linh vật có sức mạnh trấn giữ khi đặt hai bên đường Thần đạo trước lăng mộ hoặc phủ phục trước cổng đền, miếu… Hình tượng voi xuất hiện trong đồ thờ cúng mang ý nghĩa tượng trưng cho sự kiên định và trong sạch.

Tượng voi làm bằng đá cát của văn hóa Chămpa, thế kỷ 10, khai quật tại Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Tượng uyên ương bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11 – 13. Theo Phật thoại, uyên ương là một trong các hóa thân của Đức Phật.

Trong nghệ thuật Việt, uyên ương xuất hiện phổ biến trong trang trí kiến trúc cung đình và chùa tháp thời Lý – Trần trong tư thế dang cánh đậu trên các viên ngói bò lợp mái.

Cặp tượng rắn đầu người làm bằng gốm men trắng, thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20.

Với người Việt, rắn là biểu tượng của Thần Nước, đại diện cho hai thành tố đối lập tốt và xấu. Tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt có tục thờ Rắn, mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Nhìn chung, rắn ít xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình. Trong văn hóa Champa, Rắn được gọi là Naga, vua của loài rắn, được du nhập vào theo Ấn Độ giáo. Naga là anh em họ và là kẻ thù của Chim thần Garuda. Bởi vậy, Naga thường được thể hiện trong hình thức bị chim Thần Garuda tiêu diệt.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , , , , , , ,