⠀
Khi chúc Tết, lì xì biến thành hối lộ
Nên luật hóa việc nhận, tặng quà và thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng bao thơ lì xì biến tướng.
Mừng tuổi, chúc Tết là nét đẹp văn hóa của người Việt
Ở nước ta, tục mừng tuổi xuất hiện từ lâu đời. Theo tác phẩm Việt Nam phong tục của nhà báo, nhà văn nổi tiếng Phan Kế Bính (1875 – 1921) thì “Cúng gia tiên xong con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài đồng xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi”.
Tục mừng tuổi ở Việt Nam, đã trở thành một nét đẹp văn hóa đầu năm mới. Khi Tết đến Xuân về, mọi người thường bỏ tiền vào chiếc phong bao màu đỏ để mừng tuổi (chủ yếu cho trẻ em và người già), với ý nghĩa cầu mong điều may mắn, tốt lành, xua đuổi ma quỷ. Với trẻ em thì cầu chúc hay ăn chóng lớn, thông minh, học giỏi; với người già thì chúc sức khỏe dồi dào, an khang, trường thọ…
Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết còn gọi là tiền “mở hàng”. Xưa còn có lệ tiền cho vào phong bao phải là tiền lẻ, ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Số tiền trong phong bao lì xì không nhiều, nhưng với cả người nhận và người trao lì xì đều mang đến cho nhau sự vui vẻ và mong ước cho nhau được đón nhận may mắn khi bước sang năm mới.
Từ hàng nghìn năm qua, mỗi dịp năm hết Tết đến, tục mừng tuổi đầu năm mới đã trở thành một mỹ tục của dân tộc, mọi người luôn trân trọng, gìn giữ bởi nó vừa mang ý nghĩa tình cảm vừa mang nghĩa tâm linh sâu sắc.
Tục mừng tuổi về sau, hình thành nhiều hình thức khác nhau. Nếu như trước kia việc trao nhận tiền mừng tuổi chỉ bắt đầu từ ngày mồng 1 Tết thì ngày nay, thời điểm trao nhận tiền mừng tuổi, tặng quà đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện cả trước và sau Tết Nguyên Đán, đối tượng được chúc Tết nhiều trường hợp là cả cộng đồng. Như các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân nói chung chúc Tết, tặng quà các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc; mừng thọ các bậc cao niên; tặng quà người có công, người nghèo và những người yếm thế…
Biến tướng của chúc Tết, tặng quà
Trước hết phải khẳng định, tục mừng tuổi đầu năm mới vẫn được đa số nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội kế thừa, duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp của nó một cách trong sáng, vô tư.
Tuy nhiên, không ít người đã lạm dụng và biến tướng phong tục chúc Tết thành những “biến chủng” độc hại trong xã hội, để thực hiện mục đích đầu tư quan hệ.
Nhiều năm nay, việc lợi dụng chúc Tết để “đầu tư quan hệ” đã trở thành vấn nạn và để lại nhiều hệ lụy. Năm nào Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ cũng đều ra chỉ thị “Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức…”.
Một công chức chia sẻ trên báo “…hầu hết mọi người vẫn không từ bỏ được hoặc không dám từ bỏ chuyện chúc Tết. Tôi là một công chức còn trẻ, mấy năm trước đều đến chúc Tết lãnh đạo cơ quan, năm nay tôi không đi lễ Tết các lãnh đạo nhưng lòng thấy không yên”.
Một nhà báo viết rằng, “Quà biếu là gánh nặng đối với những người cấp dưới, những người tạo dựng mối làm ăn, những người muốn thăng quan tiến chức, những người muốn thoát khỏi trách nhiệm của mình, những người cậy nhờ người có quyền chức việc này, việc nọ …”.
Ông Lê Như Tiến, ĐBQH Khóa XII và Khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội chia sẻ: “Tôi thấy rằng, chúng ta cũng không nên quá cực đoan về chuyện là có nên hay không nên biếu quà Tết cho cấp trên và biếu quà lẫn nhau. Trước hết, quà Tết cũng như là quà bình thường trong những dịp trọng đại, đó là nét đẹp truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam chúng ta”.
Nhưng, vấn đề đáng lo ngại là sự biến tướng. Đó là hối lộ trá hình, nó biến cái đẹp của người Việt Nam thành những mưu đồ mang tính vụ lợi, thì chúng ta cần phê phán và không được ngăn chặn sẽ gây những hệ lụy khôn lường, đặc biệt đây sẽ là cơ hội, là “đất sống” cho tệ tham nhũng, hối lộ.
Nhận định của ông Lê Như Tiến rất chính xác. Các đại án tham nhũng kit xét nghiệm Việt Á, Chuyến bay giải cứu; của doanh nghiệp là những minh chứng không thể chối cãi.
Ở hầu hết các quốc gia văn minh, quan chức thậm chí nguyên thủ nhận quà biếu là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, ở các quốc gia đó luật pháp quy định chặt chẽ, nghiêm minh, rạch ròi và cơ quan thực thi pháp luật giám sát rất chặt chẽ việc nhận quà. Tài khoản của nguyên thủ quốc gia và mọi quan chức cũng như người dân được giám sát rất khắt khe.
Bởi vậy, muốn tiếp tục tại vị chức vụ đang đảm nhiệm, từ nguyên thủ quốc gia đến mọi công chức đều tự giác khai báo trung thực quà biếu. Theo quy định, của pháp luật, quà biếu có giá trị ở mức nào nguyên thủ hoặc công chức được nhận, ở mức nào phải tự nguyện, tự giác xung công quỹ.
Để xóa bỏ tình trạng dùng danh nghĩa chúc Tết, tặng quà nhằm mục đích “đầu tư quan hệ” để vụ lợi, không chỉ dừng lại ở các chỉ thị của các cơ quan có thẩm quyền về việc cấm đi chúc Tết, tặng quà cơ quan, lãnh đạo cấp trên mà phải luật hóa các hình thức tặng và nhận quà, đi kèm với nó là cơ chế để các cơ quan pháp luật cùng các tổ chức chính trị, xã hội và người dân giám sát chặt chẽ.
Đồng thời thực hiện cải cách mạnh mẽ công tác quy hoạch, lựa chọn, bổ nhiệm nhận sự; xóa bỏ chế độ xin – cho trong phân bổ nguồn lực. Phải thật lòng, thực chất và quyết liệt trong việc thực hiện công khai minh bạch hai lĩnh vực này.
Thực hiện tốt các giải pháp trên đây không chỉ giữ gìn những trị tốt đẹp, trong sáng phong tục chúc Tết của dân tộc mà còn xóa bỏ được vấn nạn biến tướng chúc Tết, tặng quà để đầu tư quan hệ nhằm mục đích trục lợi; góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả, căn cơ; xây dựng bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch mà Đảng đang quyết tâm xây dựng.
Theo NGUYỄN HUY VIỆN / VIETNAMNET
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Tết Nguyên đán