Kênh đào Suez và lời cảnh tỉnh về Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như kế hoạch cho các quốc gia tại lục địa Á – Âu – Phi vay vốn để phát triển cơ sở hạ tầng dường như chỉ là hình thức “hiện đại hóa” kế hoạch thuộc địa hóa của các đế quốc châu Âu thế kỉ 19.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Tom Holland, đăng trên Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông). Tom Holland đã có 20 năm kinh nghiệm đóng góp nhiều bài bình luận giá trị về các vấn đề châu Á trên tờ báo này.

Bài học đắt giá của Ai Cập và kênh đào Suez

Có thể kể ra nhiều ví dụ, nhưng có lẽ điển hình nhất là bài học đắt giá của người Ai Cập trong lịch sử hiện đại. Đế quốc Ottoman của Ai Cập trong thế kỉ 19 do vua và các tổng trấn lãnh đạo. Các vị vua Ai Cập luôn nghĩ rằng với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, lẽ ra Ai Cập cũng phải giàu có và phát triển như các cường quốc châu Âu. Và theo họ, điểm khác biệt mấu chốt chính là cơ sở hạ tầng hiện đại.

Các đời tổng trấn Ai Cập liên tục tiến hành các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng đường xá, đường sắt, cầu đường, trong đó công trình nổi tiếng nhất là kênh đào Suez.

Ban đầu, dự án kênh đào Suez được Pháp tài trợ một phần thông qua hình thức cổ phần. Tuy nhiên, khi chi phí xây dựng tăng lên gấp đôi, chính phủ Ai Cập đã phải vay thêm tiền từ các quốc gia châu Âu để bù vào các khoản thâm hụt và tiếp tục hoàn thiện kênh đào Suez, cũng như các dự án khác.

Kênh đào Suez được mở cửa chính thức năm 1869 cùng với nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác, tuy nhiên doanh thu từ các công trình này lại thấp hơn rất nhiều so với mong đợi của Ai Cập.

Năm 1874, Ai Cập đã rơi vào cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài. Sau nhiều lần “nương tay” với “con nợ”, chính phủ Anh đã đề nghị đổi nợ lấy cổ phần và ép giá cổ phần sở hữu kênh đào Suez xuống còn 4 triệu bảng Anh.

Với nỗi lo người Ai Cập có cơ hội giành lại kênh đào Suez, chính phủ Anh đã thiết lập một tổng trấn mới để thao túng và ảnh hưởng từ trong nội bộ Ai Cập.

Sau đó, người dân Ai Cập đã nhận thức được tình trạng này và năm 1882, quân đội Ai Cập đã nổi dậy để giành lại quyền kiểm soát đất nước. Trước mối đe dọa ấy, chính phủ Anh đã điều lực lượng quân sự đến bảo vệ kênh đào, và quân đội Anh đã tái thiết lập quyền hạn của vị tổng trấn bù nhìn sau các trận đụng độ với Ai Cập.

Phải hơn 70 năm sau, người Ai Cập mới hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Anh và khẳng định chủ quyền bằng cách quốc hữu hóa kênh đào Suez.

Chu trình này – các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng việc vay vốn nước ngoài, không đủ tiền trả nợ, khủng hoảng tài chính, đổi nợ lấy cổ phần và tình trạng nô lệ kinh tế – dường như chỉ là một sự kiện trong lịch sử. Nhưng không khó để phát hiện những “bằng chứng” Trung Quốc đang lặp lại chính lịch sử này thông qua những sự kiện xảy ra dọc tuyến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc sẽ không hành động giống phương Tây?

Hãy cùng xét ví dụ cảng Hambantota nằm gần cực Nam của Sri Lanka. Chỉ vài năm trước đó, Hambantota vẫn là một cảng đánh cá yên bình. Tuy nhiên cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa, người được đông đảo người dân Sri Lanka ủng hộ, lại có khát vọng lớn hơn: Ông muốn xây dựng một cảng lớn và hoàn thiện, song song với việc phát triển ngành vận tải và công nghiệp phụ trợ để Hambantota có thể cạnh tranh với Singapore và Dubai trong lĩnh vực vận tải đường biển.

Ông Rajapaksa đã vay tiền từ Trung Quốc để thuê chính các nhà thầu Trung Quốc đến xây dựng cảng trong mơ của mình, đồng thời triển khai dự án sân bay và mạng lưới đường cao tốc. Chỉ trong vài năm, khoản tiền Sri Lanka nợ Trung Quốc đã lên đến khoảng 8 tỉ USD.

Cảng Hambantota chính thức đi vào hoạt động năm 2010, nhưng hầu hết tàu thuyền từ các quốc gia khác đều lựa chọn trung thành với các cảng truyền thống. Do doanh thu từ cảng này không đủ để trả nợ cho Trung Quốc, cuối năm 2016, chính phủ Sri Lanka đã đồng ý với thỏa thuận đổi món nợ 1,2 triệu USD lấy cổ phần của Trung Quốc. Với thỏa thuận này, Trung Quốc được sở hữu 80% cổ phần và nắm quyền quản lí cảng Hambantota trong 99 năm.

Tất nhiên Trung Quốc vẫn chưa thực hiện “nước cờ” gián điệp kinh tế, hay gài các cố vấn quân sự vào bộ máy chính quyền để đảm bảo con nợ hoàn trả đủ tiền. Tuy nhiên ta vẫn có thể thấy một số dấu hiệu khá rõ ràng. Ví dụ, thời gian gần đây, nhiều sĩ quan an ninh Trung Quốc đã trở thành cố vấn cho lực lượng quân đội Pakistan được triển khai để bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc cấp vốn.

Có vẻ Trung Quốc đã lĩnh hội được bài học của đế quốc châu Âu cách đây 150 năm: ai cũng có thể xây đường, nhưng nếu muốn xây dựng một con đường trong khu vực đầy rủi ro, thì sớm muộn gì người có tham vọng ấy cũng phải chịu trách nhiệm về dòng tiền lưu thông trên tuyến đường đó, hoặc đối mặt với nguy cơ mất vốn đầu tư.

Trung quốc luôn khẳng định các khoản vay của họ đem lại lợi ích cho các quốc gia đang phát triển, và sự hiện diện của Trung Quốc tại các quốc gia này không ảnh hưởng đến chủ quyền của họ. Nhưng đó cũng là điều người Anh từng nhiều lần khẳng định tại Ai Cập trong giai đoạn 1882 – 1922.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , , ,