Karl Marx và tinh thần của người truyền lửa cho lịch sử

Nhớ tới Karl Marx, đúng ngày sinh của ông, tôi muốn nhắc đến một số điều ông đã viết trong cuộc đời mình.

Karl Marx và tinh thần của người truyền lửa cho lịch sử

Kể từ khi qua đời đến nay, Karl Marx vẫn là một nhân vật lớn trong lịch sử nhân loại ở vai trò một triết gia, một nhà tư tưởng, nhà kinh tế, nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Các tư tưởng trong các trước tác của ông vẫn tiếp tục được áp dụng trong thực tế và gây tranh cãi, biện luận trong đời sống học thuật, lý luận, nhất là khi chúng được nâng lên thành học thuyết, chủ nghĩa.

Vì con người

Tháng 10/2016, tờ The New Yorker đã có bài viết “Karl Marx, yesterday and today” của Louis Menand với dòng “sapô”: “Những tư tưởng của nhà triết học thế kỷ XIX vẫn có thể giúp chúng ta tìm hiểu tình cảnh bất bình đẳng về kinh tế và chính trị của thời đại chúng ta” (The nineteenth-century philosopher’s ideas may help us to understand the economic and political inequality of our time).

 Và tác giả đã kết luận Karl Marx là một nhà nhân đạo chủ nghĩa sau khi phân tích hai cuốn sách của hai nhà nghiên cứu muốn đặt lại Marx vào thời đại ông sống để hiểu đúng tư tưởng của ông: Karl Marx: a nineteenth-century life của Jonathan Sperber (Đại học Missouri)  Karl Marx: greatness and Illusion của Stedman Jones (Đại học London).

Điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến trong ngày sinh Karl Marx hôm nay là tư tưởng vì con người của ông.

Ông không coi con người là công cụ để đạt mục đích của lịch sử, mà ngược lại, lịch sử là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của mình.

Trong tác phẩm Gia đình thần thánh (1845) ông đã nói rõ điều này: “Lịch sử không giống như một cá nhân sử dụng con người để đạt mục đích của hắn. Lịch sử không phải cái gì khác hơn là các hành động của những con người mưu cầu mục đích của họ”.

Ông coi gốc rễ của con người là chính bản thân con người, nên khi xét đoán bất kỳ vấn đề cơ bản nào liên quan đến con người là phải tìm về gốc rễ đó.

Khi trả lời bảng câu hỏi của hai cô con gái Jenny và Laura đưa ra năm 1865, ở câu hỏi về châm ngôn yêu thích nhất của mình, Marx đã chọn câu châm ngôn Hi Lạp “Nihil humani a me alienum puto” (Không có gì thuộc về con người là xa lạ với tôi).

Cũng ở bảng câu hỏi đó, Marx đã cho hai con gái biết câu khẩu hiệu ông yêu thích là “De omnibus dubitandum” (Mọi điều đều phải hoài nghi).

Chắc hẳn ông muốn mọi người đọc ông, hiểu ông ở tư cách một nhà khoa học, chứ không phải thần thánh hóa, tuyệt đối hóa ông như một ông thánh.

Đường tới chủ nghĩa xã hội

Từ con người, vì con người, nên trong chế độ xã hội chủ nghĩa (và cộng sản chủ nghĩa) mà Karl Marx hình dung là sự giải phóng triệt để mọi sự áp bức, nô lệ, cho con người được phát triển toàn diện mọi khả năng sẵn có của mình, thì dân chủ phải là điều kiện tất yếu.

“Dân chủ là đường tới chủ nghĩa xã hội” (Democracy is the road to socialism). Tư tưởng này của Marx mới được nhắc lại gần đây, cụ thể là trong cuốn sách Communism (2007) của Tom Lansford. Nhưng thực ra nó đã được nhắc đến từ năm 1952 trong cuốn The Communist Review(1952) của Đảng Cộng sản Anh khi nói đến chương trình hành động của những người cộng sản.

Đây là một tư tưởng rất quan trọng của Karl Marx và càng rất có ý nghĩa trong dịp này khi nhắc lại cho những người theo Marx và chủ nghĩa Marx, nhưng cũng là chung cho tất cả những ai đấu tranh cho hạnh phúc của con người và nhân loại.

Và nói tới Marx, tôi nhớ tới Prometheus, vị thần trong thần thoại Hi Lạp đã lấy lửa của Zeus, chúa tể các vị thần trên đỉnh Olympus, đem cho loài người.

Vì hành động đó, Prometheus đã bị Zeus xiềng vào vách núi cho chim ưng mổ ngực ngày ngày.

Nhưng Prometheus kiêu hãnh không chịu khuất phục Zeus. Karl Marx thời trẻ đã khâm phục vị thần anh hùng văn hóa này của loài người.

Ông đã đề từ bản luận án tiến sĩ của mình bằng bốn câu thơ trong bi kịch Hi Lạp viết về Prometheus để nói lên chí nguyện đời mình:

“Hãy nên biết đừng hòng ta nhận đổi/ Kiếp nô tì để bớt nỗi đau thương/ Thà cột ta vào vách đá cùm gông/ Còn hơn sống làm tôi trung cho Zeus”.

 Chỉ có con vật mới quay đi trước nỗi đau của đồng loại để liếm láp bộ lông của mình, đó cũng là một câu nói của Karl Marx mà đạo diễn Trần Văn Thủy đã dùng đến trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Chuyện tử tế. Từ đó làm cách mạng là để giải phóng con người, nhất là giải phóng phụ nữ. Trong thư gửi Ludwig Kugelmann (12-12-1868) ông viết: “Những ai biết mọi chuyện lịch sử thì cũng biết rằng những cuộc cách mạng xã hội lớn đều không thể có được nếu không có sự tham gia của phụ nữ. Sự tiến bộ xã hội có thể được đo chính xác bằng vị trí xã hội của phái đẹp”.
.
Nhiều nước vẫn chú trọng việc học chủ nghĩa Marx

Ra đời cách đây ngót nghét gần 180 năm, chủ nghĩa Marx của nhà tư tưởng Karl Marx tiếp tục đóng vai trò đáng kể trong hệ tư tưởng chính trị, trong việc dạy và học ở nhiều nước.

Quảng Trọng Ngọc Ân, học viên cao học ngành địa lý học con người Đại học Đông Phần Lan, chia sẻ các bạn trẻ bên Phần Lan và một số bạn nước khác du học tại Phần Lan, như Đức, dù xem chủ nghĩa Marx là một môn học “khó xơi” và ít khi lựa chọn để làm bài tập qua môn, song vẫn quan tâm và theo học.

Theo anh Ân, tại trường anh học, chỉ có các ngành thuộc khối khoa học xã hội mới được học chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx được xếp vào môn “tư duy lý thuyết” và rất được xem trọng tại Phần Lan, là học thuyết nền tảng hàng đầu của lý thuyết phê phán xã hội.

Tại Nga, đất nước lớn nhất từng vận dụng chủ nghĩa Marx, việc học Marx ngày nay vẫn tiếp tục và được xem là môn học bắt buộc. Phạm Thị Kiều Anh, sinh viên Trường đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), cho biết: “Sinh viên thường phải học triết học, thời lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào từng chương trình khác nhau. Chủ nghĩa Marx được xếp vào triết học nên sinh viên cũng sẽ được học qua môn này. Như ngành tôi đang học thường dành tới hai học kỳ cho môn này”.

DUY LINH

.

Theo PHẠM XUÂN NGUYÊN / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , ,