Karl Marx nói về nền nghệ thuật Hy Lạp cổ

Sức hấp dẫn của nghệ thuật Hy Lạp đối với chúng ta không mâu thuẫn với cái giai đoạn xã hội chưa phát triển đã sản sinh ra nghệ thuật đó. Ngược lại, sức hấp dẫn đó chính lại là sản phẩm của giai đoạn ấy và nó gắn liền với sự kiện là những điều kiện xã hội chưa chín muồi đã sản sinh ra nghệ thuật đó, và chỉ có trong những điều kiện đó nó mới sản sinh ra được, – những điều kiện xã hội đó đã vĩnh viễn không bao giờ có thể trở lại được nữa.

Karl Marx nói về nền nghệ thuật Hy Lạp cổ

Trích từ bản thảo Karl Marx viết vào cuối tháng 8/1857,  công bố lần đầu trên tạp chí “Die Neue Zeit”, Bd.1, các số 23 – 25, những năm 1902 – 1903. Nguyên văn là tiếng Đức.

Đối với nghệ thuật, người ta biết rằng những thời kỳ hưng thịnh nhất định của nó hoàn toàn không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội, do đó cũng không tương ứng với sự phát triển của cơ sở vật chất của xã hội, cơ sở này dường như cấu thành cái xương sống của tổ chức xã hội. Ví dụ, so sánh người Hy Lạp, hay cả Shakespeare nữa, với các dân tộc hiện đại. Đối với một số hình thức nghệ thuật, ví như thể anh hùng ca, thậm chí người ta lại còn thừa nhận rằng: những hình thức đó không bao giờ có thể được sáng tạo ra dưới cái hình thức cổ điển lừng lẫy một thời trong lịch sử thế giới, một khi sáng tác nghệ thuật đã bắt đầu với tư cách là sáng tác nghệ thuật; như vậy, người ta thừa nhận rằng trong bản thân lĩnh vực nghệ thuật, một số hình thức nghệ thuật quan trọng chỉ có thể xuất hiện ở giai đoạn thấp của sự phát triển của nghệ thuật. Nếu điều đó diễn ra ở trong giới hạn của nghệ thuật, trong mối quan hệ giữa các loại nghệ thuật khác nhau, thì càng không lấy gì làm lạ khi điều đó cũng diễn ra trong mối quan hệ giữa toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật với toàn bộ sự phát triển của xã hội. Khó khăn chỉ là ở chỗ đưa ra được một công thức chung về các mâu thuẫn đó. Chỉ cần xác định tính chất đặc thù của các mâu thuẫn đó là có thể giải thích được những mâu thuẫn đó.

[M-22] Ví dụ, chúng ta hãy lấy mối quan hệ giữa nghệ thuật Hy Lạp, rồi sau đó hãy lấy mối quan hệ giữa Shakespeare với thời đại chúng ta. Ai cũng biết rằng thần thoại Hy Lạp không những cấu thành kho tàng của nghệ thuật Hy Lạp, mà còn là miếng đất đã nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp nữa. Có lẽ nào cái quan điểm đối với tự nhiên và các quan hệ xã hội, cái quan điểm làm cơ sở cho trí tưởng tượng Hy Lạp, và vì vậy làm cơ sở cho nghệ thuật Hy Lạp lại có thể tồn tại khi đã có những máy dệt tự động, đường sắt, đầu máy xe lửa và điện tín? Thần Vulcan còn có ý nghĩa gì bên cạnh Công ty Robert và thần Jupiter – bên cạnh ống thu lôi, và thần Hermes bên cạnh Crédit Mobilier. Bất cứ một câu chuyện thần thoại nào cũng đều khắc phục, khống chế và hình thành các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng; do đó, nó sẽ biến mất khi người ta thực sự khống chế được các lực lượng này. Bên cạnh Printing House Square thì thần Pharma sẽ ra sao? Tiền đề của nghệ thuật Hy Lạp là thần thoại Hy Lạp, tức là tự nhiên và bản thân các hình thái xã hội đã được trí tưởng tượng của dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật và vô ý thức. Đó là những vật liệu của nghệ thuật Hy Lạp. Nhưng không phải bất kỳ loại thần thoại nào, nghĩa là bất kỳ công việc chế biến nào có tính chất nghệ thuật và vô ý thức đối với tự nhiên (ở đây chữ tự nhiên bao hàm tất cả mọi cái vật thể, do đó, bao gồm cả xã hội nữa). Thần thoại Ai Cập không bao giờ có thể là miếng đất hay là cái lòng của người mẹ sản sinh ra nghệ thuật Hy Lạp. Nhưng dầu sao thì cũng là một thứ thần thoại. Như vậy, quyết không phải là một sự phát triển xã hội gạt bỏ mọi quan hệ thần thoại đối với tự nhiên, mọi việc thần thoại hóa tự nhiên, do đó  sự thần thoại hóa này đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một trí tưởng tượng độc lập với thần thoại.

Mặt khác, Achiles có còn tồn tại được nữa không trong thời đại thuốc súng và đạn chì? Hay là nói chung, trường ca “Ilias” có thể tồn tại được nữa không bên cạnh bàn in, hay hơn thế nữa, bên cạnh máy in? Và những câu chuyện cổ tích, những bài ca và những nàng thơ, do đó những tiền đề tất yếu của loại sử thi, đã chẳng biến đi một cách tất yếu khi chiếc bàn in xuất hiện, hay sao?

Nhưng cái khó không phải là ở chỗ hiểu được rằng nghệ thuật Hy Lạp và thể anh hùng ca gắn liền với những hình thái nhất định của sự phát triển xã hội. Điều khó hiểu là ở chỗ nghệ thuật Hy Lạp, thể anh hùng ca, vẫn tiếp tục đem lại cho ta một sự thỏa mãn về thẩm mỹ, và trên một phương diện nào đó, chúng còn được dùng làm tiêu chuẩn, làm cái mẫu mực mà chúng ta không thể đạt tới được.

Một người lớn không thể trở lại thành trẻ con mà không rơi vào tính trẻ con. Nhưng lẽ nào người lớn lại không thích trước sự ngây thơ của trẻ con, và lẽ nào người đó lại không được mong muốn diễn lại, trên một mức độ cao hơn, cái bản chất chân chính của mình? Lẽ nào trong bản chất của trẻ con, ở mỗi một thời kỳ cái bản tính của nó lại không sống lại trong cái sự thực tự nhiên của nó hay sao? Và tại sao thời niên thiếu của xã hội loài người, trong lịch sử ở nơi nào mà nó đạt tới một sự phát triển đẹp đẽ nhất, lại không được có một sức hấp dẫn mãi mãi đối với chúng ta, với tư cách là một giai đoạn không bao giờ lắp lại nữa? Có những đứa trẻ không được giáo dục tốt và những đứa trẻ khôn sớm như người lớn. Nhiều dân tộc cổ đại thuộc về loại đó. Những người Hy Lạp là những đứa trẻ bình thường. Sức hấp dẫn của nghệ thuật Hy Lạp đối với chúng ta không mâu thuẫn với cái giai đoạn xã hội chưa phát triển đã sản sinh ra nghệ thuật đó. Ngược lại, sức hấp dẫn đó chính lại là sản phẩm của giai đoạn ấy và nó gắn liền với sự kiện là những điều kiện xã hội chưa chín muồi đã sản sinh ra nghệ thuật đó, và chỉ có trong những điều kiện đó nó mới sản sinh ra được, – những điều kiện xã hội đó đã vĩnh viễn không bao giờ có thể trở lại được nữa.

Theo TRIETHOC.EDU.VN

Tags: , ,