Hồi kết nào cho xung đột Trung – Ấn trên dãy Hymalaya?

Khu vực đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ là một cao nguyên hình chiếc bát trong một vùng được gọi là Doklam.

Vào ngày 18/06/2017, quân đội Ấn Độ hành quân qua biên giới quốc tế để ngăn chặn sự tiến quân của một nhóm lính biên phòng Trung Quốc. Bảy tuần sau, câu hỏi hóc búa đặt ra là họ đã vượt qua đường biên giới nào. Quân Ấn Độ xuất phát từ bang Sikkim; và tranh chấp ở đây là về việc liệu họ đã xâm nhập vương quốc nhỏ bé núi non hiểm trở Bhutan hay là đã tiến thẳng vào lãnh thổ Trung Quốc.
Xung đột Trung – Ấn,Ấn Độ,Trung Quốc

Gần một “ngã ba”, nơi các đường biên giới phân tách Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan gặp nhau, quân tiếp viện gồm hàng trăm lính Trung Quốc và Ấn Độ đã phải đối đầu với nhau kể từ thời điểm đó, bị kẹt trong một cuộc đụng độ vì một khoảng đất không có giá trị ở độ cao cây cỏ không mọc được.

Ngày ngày báo chí Ấn Độ và Trung Quốc hăm dọa nhau, nhưng các lãnh đạo chính trị và các nhà ngoại giao của họ hầu như không nói chuyện với nhau. Trung Quốc khăng khăng rằng Ấn Độ phải rút quân trước khi bất kỳ cuộc đàm phán về biên giới nào có thể bắt đầu. Làm thế nào mà mọi thứ lại rơi vào cục diện bế tắc cao độ này?

Khu vực đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ là một cao nguyên hình chiếc bát trong một vùng được gọi là Doklam. Theo nhiều khía cạnh, khu vực này mang tính điển hình cho đường biên giới rộng lớn giữa hai gã khổng lồ châu Á. Dãy Himalaya làm nên đường biên giới 4.000 km giữa hai bên, toàn bộ khu vực này đều thưa thớt dân cư và rất ít trong số đó được phân ranh giới chính thức. Thêm vào đó, bản đồ của các khu vực xa xôi thường không chính xác.

Những cuộc xâm nhập, hầu hết là vô tình, xảy ra thường xuyên: ngay cả khi cuộc chạm trán Doklam đang nóng bỏng, một đội quân Trung Quốc đã được phát hiện trên đất Ấn Độ cách đó gần 1.000 km về phía tây Nepal. Sự cảnh giác vẫn được đề cao; mọi người vẫn còn nhớ đến cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, dẫn tới một cuộc xâm lăng ngắn ngủi nhưng theo nhiều hướng của Trung Quốc và gây nhục nhã cho Ấn Độ.

Một cuộc xâm nhập tương đối căng thẳng đã xảy ra vào năm 2014 khi Tập Cận Bình đang trên đường đến Ấn Độ trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc. Hầu hết các hiệp ước phân định biên giới đều được ký trước khi ra đời hai quốc gia hiện đại ngày nay. Nhiều hiệp ước trong số đó đã được ký kết bởi các sĩ quan của đế quốc Anh và nhà Thanh.

Tại Doklam, mấu chốt của tranh chấp là một hiệp ước cũ đầy mâu thuẫn, được ký vào năm 1890. Nó xác định biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan thông qua các đường phân thủy, nhưng đồng thời cũng bằng cách sử dụng các con đèo. Ấn Độ và Bhutan tuyên bố rằng đường phân thủy xác định điểm giao đường biên giới ba nước tại một con đèo gọi là Batang-La. Nhưng cũng chính hiệp định này lại đề cập tới một con đèo khác xa hơn ở phía nam, được gọi là Gymochen.

Cuộc tranh chấp đã được khơi mào bởi những lính công binh Trung Quốc khi họ dường như đang chuẩn bị để làm một con đường tới Gymochen, điểm mà Trung Quốc coi là ranh giới phía nam trong yêu sách của mình. Con đèo này nằm trên một ngọn núi có hướng nhìn ra Hành lang Siliguri, còn được gọi là vùng “cổ gà”, một dải đất quan trọng mang tính chiến lược của Ấn Độ nối liền miền đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước. Vì vậy, Ấn Độ đã can thiệp không chỉ thay mặt Bhutan mà còn vì cân nhắc đến an ninh của chính mình. Ấn Độ khăng khăng rằng một con đường rải nhựa sẽ là một sự thay đổi quá lớn đối với hiện trạng đã được thống nhất bởi hai nước nên Trung Quốc không thể đơn phương thực hiện sự thay đổi đó. Trung Quốc gọi quan điểm của Ấn Độ là một sự xúc phạm.

Mặc dù cả hai nước đều không muốn đối đầu, hiện nay không có cách nào rõ ràng để giải quyết vấn đề. Không bên nào có thể chỉ đơn giản rút quân mà không bị mất mặt; cần có một sự thoả hiệp ngoại giao thông minh. Giải pháp có thể nằm trong tay nước Bhutan nhỏ bé, một quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và được Ấn Độ có xu hướng coi là một phần mở rộng của mình. Nếu quân đội Hoàng gia Bhutan thế chân quân đội Ấn Độ, Trung Quốc có thể sẽ rút lui sự hiện diện mang tính đe dọa của họ, và tất cả các bên đều có thể tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, giải pháp đó sẽ gây ra nguy cơ trực tiếp cho Ấn Độ nếu nó đưa Bhutan tới gần hơn với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Theo VIETNAMNET / NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ / THE ECONOMIST

Tags: , , , ,