Học đường không phải là nơi để người ta làm nhục nhau

Năm học mới chỉ bắt đầu vài tháng nhưng chúng ta liên tiếp chứng kiến những câu chuyện làm nhục nhau ở học đường. Học sinh làm nhục nhau, thầy giáo làm nhục học sinh và phụ huynh làm nhục thầy giáo. Tại sao chúng ta dễ dàng làm nhục nhau đến thế?

Tuần trước, một phụ huynh học sinh ở Hà Tĩnh đã mang dao vào trường học, đe dọa, bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi vì đã nhắc nhở, phê bình con của anh ta trước toàn trường vì chậm chễ đóng tiền bảo hiểm. Tất nhiên, vị phụ huynh này, sau đó, bị khởi tố vì tội danh “làm nhục người khác”.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cái tội danh “làm nhục người khác” này. Bởi toàn bộ câu chuyện, từ đầu đến cuối, là cái vòng tròn “làm nhục” nhau giữa những con người trong mối quan hệ giữa thầy và trò, gia đình và nhà trường.

Người cha thô lỗ nóng nảy bị khởi tố không oan, anh ta đáng bị như thế khi làm nhục thầy hiệu trưởng. Nhưng đứa trẻ con anh ta, nó cũng bị làm nhục, tuy mức độ nhẹ hơn, bởi thầy giáo của mình.

Luật pháp, có thể sẽ giúp thầy hiệu trưởng ở Hà Tĩnh đòi lại công lý khi bị làm nhục một cách bạo lực như trong trường hợp cụ thể này.

Nhưng luật pháp, không dễ gì đòi lại công lý cho rất nhiều thân phận bị làm nhục một cách tinh vi, kín đáo, hoặc đầy vô tình, như trường hợp của cậu học trò.

Và thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà người ta vẫn hồn nhiên làm nhục nhau vì muôn trùng lý do. Để thể hiện quyền lực, thể hiện sự ưu việt của bản thân, đến những lý do đơn thuần để giải trí.

Các tình huống làm nhục người khác trong thế giới mà chúng ta đang sống nó nhiều đến mức trở thành quen thuộc, mà nếu như không có những yếu tố phụ như sử dụng bạo lực, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, lập tức, khiến nạn nhân tự tử… thì hầu như không thể có một sự can thiệp nào từ luật pháp.

Nó quen thuộc đến mức, thậm chí người thầy trong vụ việc ở Hà Tĩnh không hề nhận ra mình đã làm nhục học sinh khi gọi cậu bé lên trước toàn trường để nhắc nhở về việc đóng bảo hiểm. Bởi nếu nhận ra, vị hiệu trưởng đó hẳn đã xin lỗi cậu bé trước khi người cha mang dao xông vào trường.

Tôi nghĩ rất nhiều về câu chuyện xảy ra ở Hà Tĩnh. Không phải về chuyện người cha thô lỗ đó có đáng bị truy tố hay không, cũng không phải vì sao người thầy lại làm điều đó với học sinh của mình. Tôi nghĩ về việc vì sao con người ta lại có thể dễ dàng làm tổn thương người khác đến như thế?

Bởi những câu chuyện như thế này bây giờ quá nhiều, sếp nhục mạ nhân viên, cha mẹ nhục mạ con cái, các giới trong xã hội nhục mạ nhau… một cách dễ dàng, và không mảy may nghĩ đến hậu quả. Chúng ta rất dễ dàng nhìn thấy điều đó, đặc biệt ở trên mạng xã hội.

Những người không hề quen biết, chỉ vì nhìn thấy một câu bình luận không đúng ý mình, lập tức có thể lao vào thóa mạ người khác ngay. Tôi nghĩ, đó là một biến thể kỳ dị của đạo đức.

Đạo đức, ở khái niệm nguyên thủy vốn là một con đường để để một cộng đồng có thể theo đó mà hành xử. Khi con đường đó bị cỏ dại phủ lấp, khi nó bị hư hỏng mà không được sửa chữa, khi nó bị ngăn chặn mà không được khơi thông… thì người ta sẽ tìm những lối tắt cho việc hành xử của mình.

Đó có thể là một con đường có nhiều người đi, cũng có thể là một con đường gần cái đích của bản thân, hoặc đơn giản là phù hợp với thói quen, năng lực của mỗi người.

Thầy hiệu trưởng chọn cách gọi học sinh lên trước toàn trường để nhắc nhở mua bảo hiểm vì thầy cho rằng cha mẹ nó không kịp thời đóng tiền bảo hiểm, ảnh hưởng tới thành tích của trường là vô đạo đức. Đứa trẻ sinh ra trong gia đình như thế mà học ở ngôi trường này cũng là vô đạo đức.

Nên việc thầy làm như vậy là uốn nắn nó đúng với đạo đức của thầy. Đạo đức của thầy là học sinh phải thực hiện mọi điều để đảm bảo thành tích của trường. Đạo đức ấy phù hợp với quyền năng của một thầy hiệu trưởng.

Vị phụ huynh cầm dao đến trường đe dọa bắt thầy hiệu trưởng phải xin lỗi vì anh ta cho rằng thầy hiệu trưởng nhắc nhở học sinh như vậy là vô đạo đức. Và một người cha không thể đòi lại danh dự cho con mình cũng là vô đạo đức. Anh ta chọn cách mang dao đến trường đòi lại danh dự cho con, đó là đạo đức của anh ta, và là con đường phù hợp nhất với khả năng của anh ta.

Cả người thày và người cha trong câu chuyện này, nếu họ biết, hoặc nhớ câu “điều mình không muốn, thì đừng áp dụng cho người khác”, thì đã chẳng xảy ra chuyện gì. Câu nói đó, từng là một trong những lời dạy căn bản để làm người, là một bài học vỡ lòng về đạo đức.

Nhưng, có lẽ, con đường để hành xử đúng đắn của cộng đồng mà chúng ta đang sống đã bị phủ lấp lâu rồi, và chúng ta đang đi trên những con đường khác nhau, hiểu về đạo đức không còn giống nhau nữa. Chúng ta giống như những kẻ lạc đường gặp nhau.

Theo PHẠM TRUNG TUYẾN / VOV

Tags: , ,