‘Hoại tử phần hồn’ – hiểm họa cho một thế hệ người Việt

Nên nhận ra một sự thật là quá trình “hoại tử” phần hồn có thể xảy ra với mỗi người, mỗi gia đình – “tế bào” của xã hội, chứ không còn là chuyện của ai khác.

‘Hoại tử phần hồn’ – hiểm họa cho một thế hệ người Việt

Khi xã hội xuất hiện những chuyện như học sinh tạt cả chậu a-xít vào mặt thầy giáo, cầm dao rượt đuổi thầy chạy lòng vòng quanh trường, dùng những từ ngữ lưu manh chửi rủa thầy cô, còn phụ huynh thì “đột nhập” vào lớp học hành hung thầy cô ngang nhiên trước sự ngỡ ngàng của cả trường… thì những hành động đó đã không thể được coi là bình thường trong thang bậc giá trị về luân lý đạo đức. Đặc biệt với xã hội Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời.

Phải chăng truyền thống đó đang bị một cú giáng trúng đỉnh đầu bởi vụ một hiệu trưởng tổ chức mua bán dâm học sinh vị thành niên vừa bị phanh phui mới đây? Nếu xã hội không mau quên thì những “ký ức khủng khiếp” trước đây về nhân cách của người thầy so với cú giáng này chắc chưa thấm vào đâu. Từng có những ông thầy gạ tình học sinh đổi lấy điểm; có cô giáo bắt cả lớp học liếm ghế hay tát vào mặt nhau để trừng phạt tội vô kỷ luật; vì thù oán đồng nghiệp một cô giáo mầm non nhẫn tâm bỏ thuốc trừ sâu vào nồi canh của các cháu bé; có những người thầy thản nhiên giao khoán học sinh của họ cho công an giam giữ tra hỏi đến khủng hoảng tâm thần… Những ví dụ đó chỉ mới là vài nét chấm phá của một thực trạng xuống cấp về đạo đức nghiêm trọng trước hết là ngay trong chính môi trường giáo dục và rộng hơn là nền tảng đạo đức xã hội. Có người so sánh, hiện tượng đó chính là những nốt “hoại tử” trên “phần hồn” của xã hội. Đáng buồn thay, những nốt hoại tử đó chẳng những không bị ngăn chặn mà đang có nguy cơ ngày càng nhiều hơn, lan rộng hơn và càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho riêng ngành giáo dục vì đã để xảy ra và không thể ngăn chặn những nốt “hoại tử” này. Xét cho cùng, từng giáo viên hay cả ngành giáo dục cũng phải chịu ảnh hưởng trước mọi biến động của thời cuộc. Sự xuống cấp về nhân cách của một vài thầy giáo là hệ lụy của một xã hội coi nhẹ việc rèn luyện phẩm chất con người và thiếu kiên quyết với những hành vi chà đạp luân thường đạo lý.

Khi mà sự trung thực không được coi trọng và cuộc sống hàng ngày khiến người ta nghĩ rằng có thể tiến thân bằng mọi giá, các loại bằng cấp đều có thể mua được bằng tiền và quyền, vai trò của người thầy sẽ không còn trọn vẹn như truyền thống nữa. Quan hệ giữa thầy và trò trở thành quan hệ “đối tác”. Ngay từ trên ghế nhà trường, các công dân tương lai đã “được” chứng kiến và “bị” tác động bởi những quan niệm, cách hành xử đó. Điều nguy hiểm là mặc dù các truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được tôn vinh, nhưng thực chất chỉ còn là những nghi thức, hoặc trở thành các cơ hội. Đáng buồn thay, không ít trẻ em bắt đầu cuộc đời cắp sách đến trường bằng việc chứng kiến phụ huynh của chúng buộc phải biết cách “nắm bắt” các cơ hội như thế nào thì con em họ mới có thể đường hoàng bước vào các ngôi trường đầy thành tích.

Điều quan trọng và thật cần thiết là giờ đây mỗi người nên nhận ra một sự thật là quá trình “hoại tử” phần hồn có thể xảy ra với mỗi người, mỗi gia đình – “tế bào” của xã hội, chứ không còn là chuyện của ai khác. Để ngăn chặn nó phải kiên quyết “nói không” với các hành xử phi đạo lý. Coi trọng phẩm giá con người tức là phải có nhận thức đúng về bậc thang giá trị, trong đó phẩm giá con người phải được đo bằng sự trung thực và năng lực thực sự chứ không thể và không phải bằng những thứ bên ngoài hoặc do “xin-cho” mà có. Chúng ta cần một nền giáo dục mà trước khi học sinh trở thành “ông này bà nọ”, họ phải thành con người với đầy đủ ý nghĩa nhân văn của nó. Vì vậy, nhân cách của các nhà giáo dục hay nói rộng hơn là của những “người lớn” trong xã hội, trước tiên phải thực sự là tấm gương cho thế hệ trẻ soi mình. Bằng không, mọi lời kêu gọi hay mọi nghi lễ tôn vinh đạo lý làm người đều chỉ là nói suông và hình thức.

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Tags: , ,