Hiểm họa cho đất nước khi quan chức ‘sổ lồng’ kiểm soát quyền lực

Đại án Việt Á chính là cái giá đắt phải trả của các cán bộ, công chức đã nhúng chàm và cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc những người đang trọng nhậm, nếu “sổ lồng” kiểm soát quyền lực.

Dư luận đang nóng ran sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra kết luận về vụ đại án Việt Á. Theo kết quả điều tra, các bị can trong vụ án này đã có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi bằng các chiêu trò, thủ đoạn, như: Thổi giá kit test; đánh tráo chương trình nghiên cứu kit test của Nhà nước thành của tư nhân; đưa và nhận hối lộ hàng triệu USD… Đây là những hành vi cực kỳ nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với Nhà nước, tài sản của Nhân dân; thậm chí, gián tiếp khiến sản xuất, lưu thông hàng hóa và đời sống xã hội tại nhiều địa phương bị đình trệ. Trong vụ án này, suy xét kĩ có thể nhận thấy, một số quan chức đã “sổ lồng” kiểm soát quyền lực, tự tung tự tác chỉ đạo, ra lệnh cho cấp dưới làm trái các quy định của pháp luật nhằm trục lợi trong “liên minh ma quỷ” với Việt Á.

Từ một điểm nóng dịch đến điểm nóng đại án Việt Á

Trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, cao điểm là hai năm 2020-2021, đã có một số lần thực hiện cách ly, phong tỏa diện rộng cả nước, hoặc khu vực, tỉnh, huyện, xã… Người dân bắt đầu làm quen với khái niệm “giấy đi đường”, “vùng xanh”, “vùng đỏ”. Đương nhiên, tình huống này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản, hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ một ca dương tính được ghi nhận, lập tức cả khu phố, cả làng bị phong tỏa. Người dân thành thị khốn khổ vì việc hạn chế đi lại, làm ăn; người dân nông thôn còn thêm khốn đốn vì không được ra đồng thu hoạch nông sản và cực đoan hơn, nông sản khi mang cái “án” ở vùng có người dương tính với COVID-19 thì cũng rất khó được tiêu thụ.

Trong bối cảnh ấy, Hải Dương – một tỉnh duyên hải có nhiều sản phẩm nông nghiệp nức tiếng, từng vài lần bị phong tỏa trong đại dịch. Đã xuất hiện những chiến dịch “giải cứu” nông sản Hải Dương, từ tự phát đến có tổ chức, nhằm hỗ trợ bà con trong dịch giã, đồng thời cung cấp cho các đô thị cũng có lúc rơi vào tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm vì thực hiện giãn cách xã hội. Thời kỳ đó, nhiều tỉnh, thành đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, cả làng, cả xã, cả quận, huyện. Điều đặc biệt là Hải Dương rất tích cực, chủ động xét nghiệm diện rộng từ các khu công nghiệp đến thôn làng nhằm thực hiện phương châm “phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”. Đến khi đại án Việt Á bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phanh phui, quá trình điều tra dần hé lộ những thủ đoạn thâm độc và bẩn thỉu lợi dụng đại dịch toàn cầu để trục lợi.

Trong vụ đại án Việt Á, riêng tại Hải Dương, ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy và ông Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương là những bị can nổi cộm. Theo kết quả điều tra, Phạm Xuân Thăng nhận hối lộ 4 tỉ đồng, Phạm Duy Tuyến nhận hối lộ với số tiền cực lớn, lên đến 27 tỉ đồng. Tuy số tiền Phạm Xuân Thăng nhận hối lộ không lớn so với một số bị can, song đã góp phần “chủ chốt” vào tính chất và hậu quả nghiêm trọng của vụ án.

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã lập gần 40 công ty để thực hiện “chu trình” ký hợp đồng, xuất hóa đơn mua bán lòng vòng nhằm tạo dòng tiền ảo, nâng khống giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư y tế đầu vào phục vụ sản xuất kit xét nghiệm trước khi bán cho CDC, bệnh viện công các tỉnh, thành phố. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, Phan Quốc Việt điện thoại cho Phạm Duy Tuyến đề nghị cho Việt Á vào tỉnh Hải Dương xét nghiệm hỗ trợ chống dịch, nhưng Tuyến nói việc này do lãnh đạo tỉnh quyết định.

Phan Quốc Việt tìm cách tiếp cận, nhờ ông Nguyễn Thanh Long tác động tới ông Phạm Xuân Thăng; ông Long khi đó giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Thăng là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông Long giới thiệu với ông Thăng về năng lực, kinh nghiệm chống dịch của Việt Á và đề nghị cho công ty này về Hải Dương hỗ trợ, phối hợp xét nghiệm chống dịch. Sau khi có sự đồng ý của ông Thăng, Công ty Việt Á đưa nhân công, máy móc, thiết bị về CDC Hải Dương lắp đặt, thực hiện công tác xét nghiệm để tiêu thụ kit xét nghiệm do Việt Á sản xuất. Từ sự chỉ đạo của ông Thăng, CDC Hải Dương mà trực tiếp là ông Phạm Duy Tuyến đã “bỏ qua” nhiều quy định của pháp luật, bất chấp những thiệt hại về kinh tế, xã hội có thể xảy ra để tạo điều kiện cho Việt Á trục lợi. Riêng mỗi kit xét nghiệm, Việt Á ăn chênh lệch khoảng 330.000 đồng… Đây là một trong những động cơ khiến Hải Dương tiến hành nhiều đợt xét nghiệm tràn lan, góp phần làm cho Việt Á đạt doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng trong một thời gian ngắn kỷ lục!

Sau này khai nhận với cơ quan điều tra, Phạm Xuân Thăng thừa nhận: “Việc kết luận, chỉ đạo liên quan đến Công ty Việt Á là không đúng thẩm quyền, không đúng quy chế, quy định pháp luật, dẫn đến việc Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến lợi dụng để phạm tội”. Có thể khẳng định, chính việc “sổ lồng” khỏi các quy định về kiểm soát quyền lực đã gây ra hậu quả to lớn với xã hội.

Những túi quà chứa đầy đô la và sự suy thoái

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát và WHO công bố là đại dịch toàn cầu, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trương giao các đơn vị khoa học nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Lợi dụng chủ trương này, Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ KH&CN) để Công ty Việt Á được phê duyệt tham gia, phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài. Quá trình tham gia nghiên cứu, Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế. Sau đó, Việt tiếp tục đề nghị Nguyễn Văn Trịnh – cán bộ Văn phòng Chính phủ và Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế hỗ trợ.

Nguyễn Thanh Long và thư ký cũ của ông ta là Nguyễn Huỳnh đã can thiệp, tác động Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (đơn vị đầu mối cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế của Bộ Y tế) tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Bộ Y tế ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test COVID-19 cho Công ty Việt Á, biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.

Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit test cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ. Để “trả ơn” các quan chức, cán bộ tiếp tay cho mình, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số bị can như: Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD; Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN 200.000 USD; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN 50.000 USD; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ KH&CN 350.000 USD; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh, nguyên thư ký của ông Nguyễn Thanh Long 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế 100.000 USD.

Những túi quà chứa đầy USD đã khiến các quan chức, cán bộ nêu trên mờ mắt. Là Bộ trưởng, tư lệnh ngành Y, ông Nguyễn Thanh Long và những quan tham đã tiếp tay cho Việt Á “phù phép”, đẩy giá kit test lên gần 500.000 đồng/kit. Đây là một cái giá “trên trời”, khiến Nhà nước và Nhân dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại rất lớn trong thời gian dịch hoành hành. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Công ty Việt Á chi hoa hồng lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

Do giá kit test của Việt Á không có căn cứ nên sau khi ra thông báo giá hiệp thương tạm tính, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương để xác định giá chính thức làm cơ sở ký hợp đồng, thanh toán nhưng do sự thao túng, chỉ đạo của Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế không thực hiện mà thanh toán cho Công ty Việt Á thông qua nguồn tài trợ của các ngân hàng… Đáng chú ý, khi kiểm tra giá hiệp thương, đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất, một thành viên đoàn kiểm tra có ý kiến đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của Công ty Việt Á nhưng ông Nguyễn Thanh Long không chỉ đạo kịp thời…

Như đã nêu ở phần trên, quá trình Công ty Việt Á sản xuất, thương mại hóa sản phẩm kit test, ông Nguyễn Thanh Long tiếp tục giới thiệu Phan Quốc Việt với lãnh đạo một số địa phương, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tiêu thụ kit test. Chính vì vậy, đã có hàng loạt Giám đốc CDC và lãnh đạo tỉnh “nhúng chàm”, mà Hải Dương là một ví dụ điển hình.

Đại án Việt Á chính là cái giá đắt phải trả của các cán bộ, công chức đã “nhúng chàm” và cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc những người đang trọng nhậm, nếu “sổ lồng” kiểm soát quyền lực, thoát ly khỏi những nguyên tắc, quy định của pháp luật và đạo đức công vụ thì sẽ dẫn đến hậu quả tai hại với xã hội và chính bản thân, gia đình.

Theo TRẦN DUY HIỂN / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,