Graffiti – nghệ thuật của sự nổi loạn

Nạn phân biệt chủng tộc, đói nghèo và sự lộng hành của các băng đảng tội phạm ở New York chính là những chất liệu ban đầu biến graffiti trở thành một phương tiện để giới trẻ nghèo thành thị gửi gắm những thông điệp của mình ra thế giới xung quanh.

Ngược dòng lịch sử, chắc hẳn không ít người ngạc nhiên khi hiện nay những bức tranh tường cổ xưa vẫn được lưu giữ ở phế thành Pompei hay trong các hầm mộ ở thủ đô Roma, Italia.

Chỉ có điều, thời đó chúng không được tô vẽ bằng sơn xịt nhiều màu sắc như bây giờ mà đơn thuần là những ký hiệu hay hình vẽ đơn giản. Các thị dân xưa đã dùng hình thức graffiti để châm biếm các nhà chính trị, quảng cáo các nhà thổ hay chỉ đơn giản để nói lên những nguyện ước riêng tư về tình yêu và tiền bạc.

Theo bách khoa toàn thư Encarta, chữ “graffiti” có nguồn gốc từ động từ Hy Lạp cổ, “graphein”, có nghĩa “viết”. Trong tiếng Ý, “graffiti” là hình thức số nhiều của “graffito”. Theo các nhà nghiên cứu, cái nôi của nghệ thuật graffiti hiện đại được hình thành ở thành phố New York (Mỹ), trong các khu ổ chuột dành cho dân da màu. Nạn phân biệt chủng tộc, đói nghèo và sự lộng hành của các băng đảng tội phạm ở New York chính là những chất liệu ban đầu biến graffiti trở thành một phương tiện để giới trẻ nghèo thành thị gửi gắm những thông điệp của mình ra thế giới xung quanh.

Dạng thông điệp phổ biến đầu tiên của graffiti là sự cảnh báo về phạm vi phân chia địa bàn làm ăn của các nhóm tội phạm. Tên tuổi, địa chỉ của các thủ lĩnh băng nhóm được vẽ chi tiết khắp hang cùng ngõ hẹp để dân buôn bán nhỏ biết đường liên hệ cống nạp tiền cho bọn bảo kê. Graffiti còn là “công cụ im lặng” ưa thích của giới xã hội đen để chúng trao đổi thông tin địa điểm, thời gian mua bán các mặt hàng “cấm” hay thách thức lẫn nhau.

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, niềm yêu thích đối với graffiti vượt khỏi thế giới tội phạm với sự xuất hiện của một chàng trai nhập cư gốc Hy Lạp tên là Demitrius. Demitrius đã đánh dấu sự tồn tại của mình trên đời bằng việc ghi biệt danh “Taki 183” trên tường, toa xe điện ngầm, nhà ga và khắp nơi anh ta đi qua. Demitrius lập tức trở thành “người hùng trong mơ” của biết bao cậu bé nghèo khi chàng ta được tờ tạp chí Time phỏng vấn vào năm 1971. Phong trào vẽ graffiti rộ lên từ đấy.

Cuối thập niên 70, graffiti ồ ạt phát triển với loại hình khác nhau. Không chỉ đơn giản dừng lại ở những ký tự alphabet, “những họa sĩ đường phố” còn mô tả các nhân vật hoạt họa, người thật việc thật dưới dạng 3D. Dĩ nhiên, họ thường làm việc lén lút trong đêm để tránh bị phát hiện. Hệ thống giao thông công cộng và tường của các tòa nhà trong các thành phố lớn ở Mỹ trở thành những “tấm toan vẽ vĩ đại” và “đối tượng phục kích đặc biệt” của các nghệ sĩ graffiti.

Chính quyền bắt đầu lo lắng. Sự tò mò của dân chúng biến thành cơn phẫn nộ tột cùng mỗi khi ai đó, sau một đêm thức dậy bỗng thấy tường nhà mình biến thành một mớ xanh xanh đỏ đỏ rùng rợn và quái đản. Những biện pháp trấn áp và những
vụ bắt bớ liên tục xảy ra. Tác giả của những kiệt tác “nổi loạn” bị phạt tiền, thậm chí nhiều người lâm vào vòng tù tội. Cuối những năm 90, phong trào graffiti tàn lụi dần.

Trong thời hoàng kim của graffiti, không riêng các nhà chức trách Mỹ đau đầu về vấn nạn “nghệ thuật đường phố” này. Giới chức và các nhà xã hội học ở khắp nơi trên thế giới than phiền về khoản chi phí dùng cho việc tẩy xóa các tác phẩm graffiti quá cao, lên đến hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Những công dân mẫu mực ở các đô thị lớn tức giận vì họ cho rằng họ phải nai lưng ra làm việc để đóng thuế phục hồi mỹ quan thành phố từ New York đến Paris, London hay Tokyo.

Trong tình thế đó, các nghệ sĩ graffiti đã tìm về dụng cụ vẽ truyền thống là những tấm toan. Những tác phẩm được giới phê bình tấm tắc khen là “kỳ dị” và khó hiểu. Các gallery bắt đầu lùng sục mua các tác phẩm “graffiti thu nhỏ” được sáng tác trên nền chất liệu bố thô ráp. Giá của những bức tranh loại này bỗng tăng vọt và nhiều nghệ sĩ gặp thời thu về hàng triệu đô la từ tiền bán tranh. Tiếc là, mốt graffiti trường phái “siêu thực” chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn bởi thị hiếu bốc đồng của những nhà sưu tầm nghệ thuật

Sự tồn tại của một tác phẩm graffiti giữa thanh thiên bạch nhật là không thể chấp nhận được đối với những người có con mắt nghi ngại văn hóa hip-hop, theo họ là thứ văn hóa của những kẻ nghèo lông bông. May thay, sự bùng nổ của Internet như là một vị cứu tinh kịp thời cho loại hình nghệ thuật bị xã hội đả kích kịch liệt này. Các tuyệt tác graffiti được ghi hình và số hóa đề phòng trường hợp bị chính quyền tiêu hủy. Các file chứa hình ảnh các bức graffiti rực rỡ được tải lên mạng nhằm kêu gọi các “tín đồ” hip-hop tham gia vào công cuộc bảo tồn văn hóa graffiti trên toàn thế giới.

Cho đến nay, những nhà thẩm mỹ học khó tính nhất cũng phải khâm phục tài năng và sự sáng tạo của không ít các tác phẩm graffiti. Các nhà xã hội học lại nhìn nhận cơn sốt graffiti dưới một góc độ khác. Theo họ, ít nhất đó cũng là thứ văn hóa phản ánh não trạng nổi loạn và cô đơn của giới trẻ thành thị. Graffiti chẳng qua là phương tiện để họ lên tiếng về sự tồn tại của mình trong xã hội công nghiệp bận rộn và lạnh lùng. Tuy nhiên, vẫn chưa có quốc gia nào công nhận graffiti là loại nghệ thuật hợp pháp.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: ,