⠀
Góc nhìn tâm lý học về việc ‘bơ toàn tập’ một ai đó
Sự tẩy chay xã hội từng là một hình phạt phổ biến hàng thiên niên kỷ. Nhưng việc lạnh nhạt với ai đó sẽ phương hại đến cả nạn nhân lẫn thủ phạm.
Kipling Williams đã nghiên cứu những tác động của trò chiến tranh lạnh trong hơn 36 năm, gặp gỡ hàng trăm nạn nhân và thủ phạm trong quá trình này:
Một người phụ nữ lớn tuổi bị cha từ chối nói chuyện với cô ấy trong suốt 6 tháng mỗi lần như một hình phạt trong suốt cuộc đời cô. “Cha cô đã qua đời tại một trong những thời kỳ im lặng đáng sợ đó”, Williams kể với tôi. “Khi cô đến thăm ông tại bệnh viện ít lâu trước khi ông chết, ông ấy đã quay lưng lại với cô và thậm chí còn không phá tan bầu im lặng để nói một lời từ biệt”.
Một người cha dừng nói chuyện với cậu con trai tuổi teen của mình và không thể nào nói chuyện trở lại với con, bất chấp những tổn thương mà ông biết là đang gây ra. “Sự cô lập này đã khiến con trai tôi thay đổi, từ một cậu bé vui vẻ và sôi nổi thành một một người thiếu đạo đức, không quan tâm đến hậu quả của những hành động của nó, và tôi biết mình chính là nguyên nhân”, người cha nói với Williams.
Một người vợ có chồng đã cắt đứt giao tiếp với cô ngay từ giai đoạn đầu trong hôn nhân. “Cô ấy đã phải chịu đựng tình trạng im lặng này suốt 4 thập kỷ, bắt đầu từ một sự bất đồng nhỏ và chỉ kết thúc khi chồng cô chết”, Williams cho biết. Bốn mươi năm cô phải ăn cơm một mình, xem tivi một mình—40 năm sống như người vô hình. “Khi tôi hỏi tại sao cô ấy lại ở bên anh ta trong suốt thời gian đó”, Williams nói, “cô chỉ đáp, ‘Vì ít ra anh ta cũng cho tôi mái nhà che mưa che nắng’.”
Một giáo viên. Một người anh/chị/em. Một người ông/bà. Một người bạn. Mỗi câu chuyện mà Williams, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Purdue, kể với tôi còn gây đau lòng hơn câu chuyện trước. Khi lắng nghe, câu hỏi đọng lại mãi trong tôi là Tại sao những người ấy lại làm chuyện này với người thân thiết của họ?
Chiêu chiến tranh lạnh còn có nhiều tên gọi khác như: xa lánh, cô lập về mặt xã hội, từ chối giao tiếp, bơ toàn tập (dừng liên lạc mà không có lời giải thích nào). Mặc dù các nhà tâm lý học có những định nghĩa mang nhiều sắc thái cho từng thuật ngữ, nhưng về cơ bản thì chúng đều là những hình thức của sự tẩy chay. Và chiêu này chẳng có gì mới. Người Hy Lạp cổ đại đã trục xuất suốt 10 năm đối với những công dân bị xem là mối đe dọa cho nền dân chủ, còn người định cư Mĩ thời xưa đã trục xuất những ai bị cáo buộc hành nghề phù thủy. Các tôn giáo đã cô lập các cá nhân hàng thế kỷ trước: Người Công giáo gọi đó là vạ tuyệt thông, herem (khai trừ một người khỏi cộng đồng Do Thái) là dạng hình phạt cao nhất trong Do Thái giáo, còn người Amish thì có Meidung (nghĩa là bạn bị xa lánh. Xa lánh là một hình thức tẩy chay xã hội mà người Amish sử dụng như một hình phạt vì không tuân theo các quy tắc tôn giáo và văn hóa của họ). Nhà thờ Scientology khuyến cáo “cắt liên lạc” hoàn toàn với bất cứ ai bị cho là chống đối tôn giáo.
“Nghiên cứu của tôi cho thấy cứ 3 người thì có 2 người từng dùng chiêu chiến tranh lạnh với một ai đó; thậm chí số người từng bị chơi chiêu chiến tranh lạnh còn nhiều hơn”, Williams nói. Các chuyên gia nói với tôi rằng mặc dù họ cần có thêm nhiều dữ liệu để biết được chính xác, song các trường hợp về chiến tranh lạnh có thể đã gia tăng trong những năm qua như những hình thức giao tiếp mới được phát minh. “Mọi phương thức kết nối mới đều có thể được sử dụng như một hình thức ngắt kết nối”, Williams cho hay.
Sự tẩy chay cũng có thể biểu lộ theo những cách nhẹ nhàng hơn: một ai đó bước ra khỏi phòng giữa lúc đang nói chuyện, một người bạn ở trường học nhìn sang hướng khác khi bạn vẫy tay với họ, hoặc một người xử lý các bình luận từ tất cả mọi người trong một chuỗi tin nhắn ngoại trừ bạn. “Tẩy chay một phần”, Williams nói với tôi, có nghĩa là những câu trả lời đơn âm—một dấu chấm câu cụt ngủn ở cuối một tin nhắn một từ. Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng thì sự tẩy chay có thể gây ra hậu quả nặng nề khiến nạn nhân trở nên lo lắng, thu mình, trầm cảm hay thậm chí là tự tử.
“Bởi vì loài người chúng ta đòi hỏi giao tiếp xã hội để duy trì sức khỏe tinh thần của mình, cho nên những hậu quả của sự cô lập có thể rất nghiêm trọng”, Joel Cooper, một giáo sư tâm lý học tại Princeton, nói với tôi. “Trong ngắn hạn, chiến tranh lạnh gây ra căng thẳng. Còn về lâu về dài thì sự căng thẳng có thể bị xem là bạo hành”.
Mặc dù thủ phạm có thể dùng chiêu chiến tranh lạnh trong nhiều tình huống khác nhau, song đây là điểm chung ở mọi tình huống: “Người ta sử dụng chiêu chiến tranh lạnh vì họ có thể giành chiến thắng mà trông chẳng có vẻ gì là đang bạo hành người khác”, Williams lý giải, “và bởi vì nó cực kỳ hiệu quả trong việc khiến cho đối tượng cảm thấy tồi tệ”.
Chiến tranh lạnh là một dạng bạo hành đặc biệt xảo quyệt vì nó có thể buộc nạn nhân phải giảng hòa với thủ phạm để cố gắng chấm dứt hành vi này, ngay cả khi nạn nhân không biết tại sao họ phải xin lỗi. “Nó đặc biệt mang tính kiểm soát vì nó tước đi khả năng suy xét, cân nhắc ở cả hai bên”, Williams nói. “Một người làm điều này với người khác, và người đó chẳng thể làm gì được”.
Chiêu chiến tranh lạnh có thể được dùng bởi những người thuộc tuýp tính cách thụ động để né tránh xung đột và đối đầu, trong khi kiểu người có cá tính mạnh thì dùng nó để trừng phạt hoặc kiểm soát. Một số người thậm chí có thể hoàn toàn không ý thức được mình đang chọn cách đó. “Một người có thể tràn ngập những cảm xúc mà họ không thể diễn tả thành lời, vì vậy họ chỉ biết nín lặng”, Anne Fishel, giám đốc Chương trình Trị liệu Gia đình và Cặp đôi tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, nói với tôi. Nhưng bất kể lý do của trò chiến tranh lạnh là gì thì nạn nhân có thể xem nó là một dạng tẩy chay.
Một nghiên cứu phát hiện thấy sự tẩy chay xã hội gây ra một phản ứng ở nạn nhân của nó tương tự như những nạn nhân bị bạo hành thể xác; vùng đai trước của não bộ—khu vực được cho là lý giải về cảm xúc và đau đớn—được kích hoạt ở cả hai trường hợp. “Loại trừ và từ chối gây tổn thương cho con người theo nghĩa đen”, John Bargh, một giáo sư tâm lý học tại trường Yale, cho tôi biết.
Nhưng trò chiến tranh lạnh rốt cuộc cũng gây hại cho thủ phạm. Loài người có khuynh hướng đáp lại những tín hiệu xã hội, vì vậy việc phớt lờ một người nào đó đi ngược lại với bản chất của chúng ta, Williams nói. Do đó, thủ phạm buộc phải biện minh cho hành vi để tiếp tục làm việc đó; họ luôn phải ghi nhớ trong đầu mọi lý do khiến họ chọn cách phớt lờ một ai đó. “Rốt cuộc là bạn phải liên tục sống trong trạng thái giận dữ và tiêu cực”, Williams cho biết.
Tệ hơn nữa, chiến tranh lạnh có thể gây nghiện. Người cha không thể buộc bản thân nói chuyện trở lại với cậu con trai chịu cùng số phận như nhiều người nghiện—thông qua việc lặp đi lặp lại một hoạt động mặc dù biết nó có hại. “Hầu hết những người bắt đầu chiêu chiến tranh lạnh chưa bao giờ có ý định kéo dài chuyện này, nhưng họ có thể khó mà dừng lại”, Williams nói với tôi. “Đó là bãi cát lún tâm lý”.
Chiến tranh lạnh khác với việc bình tĩnh lại giữa một cuộc tranh luận nảy lửa. Một cách để ngăn một cuộc xung đột không trở thành sự tẩy chay là nói rõ chính xác khoảng thời gian mà bạn sẽ rút lui và đặt ra một mốc thời gian cho thời điểm bạn sẽ bắt đầu lại cuộc trò chuyện, Williams nói. Trong một số trường hợp, sẽ ổn khi các mối quan hệ không lành mạnh đột ngột chấm dứt mà không báo trước và không mong đợi sẽ nối lại—chẳng hạn như khi một người yêu hay người bạn đời bạo hành thể xác.
Nhưng khi ai đó dùng chiêu chiến tranh lạnh để loại trừ, trừng phạt hoặc kiểm soát, thì nạn nhân nên nói thẳng với thủ phạm rằng họ mong giải quyết vấn đề. “Bày tỏ nỗi đau của việc bị phớt lờ” là một cách bộc lộ cảm xúc mang tính xây dựng và có thể tạo ra sự thay đổi nếu mối quan hệ thực sự được xây dựng dựa trên sự quan tâm, Margaret Clark, một giáo sư tâm lý học tại trường Yale, đã chia sẻ với tôi trong một email. Theo Fishel, mặc dù nạn nhân của vụ tẩy chay chắc chắn là nên xin lỗi nếu họ đã làm việc gì đó gây tổn thương, “đã đến lúc gọi điện cho một nhà trị liệu tâm lý cặp đôi” nếu người bạn đời của bạn thường xuyên dùng chiêu chiến tranh lạnh. “Một trong những cảm giác khủng khiếp nhất trong một mối quan hệ thân mật là cảm giác bị phớt lờ”, bà cho biết. “Thường thì người ta cảm thấy tốt hơn khi tham gia vào một cuộc xung đột hơn là cảm giác hoàn toàn bị cô lập”.
Nếu thủ phạm vẫn từ chối thừa nhận sự tồn tại của nạn nhân trong thời gian dài thì việc rời bỏ mối quan hệ này có thể là điều đúng đắn. Cuối cùng, cho dù chuyện này kéo dài 4 giờ hay 4 thập kỷ thì trò chiến tranh lạnh nói lên nhiều điều về thủ phạm hơn là nạn nhân phải chịu đựng việc này.
Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM / THE ATLANTIC
Tags: Tâm lý học, Con người và xã hội