Giải quyết mối quan hệ tôn giáo – dân tộc, những vấn đề lịch sử và bài học kinh nghiệm

Đạo Thiên chúa du nhập vào nước ta từ thế kỷ 16 và không lâu sau tôn giáo này đã bén rễ nhanh chóng trên mảnh đất vốn tự hào có truyền thống khoan dung tôn giáo, hòa hợp tôn giáo.

Giải quyết mối quan hệ tôn giáo – dân tộc, những vấn đề lịch sử và bài học kinh nghiệm

Nhưng cũng không lâu sau đó, tôn giáo này đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt trong nhiều mối quan hệ giữa giáo dân với lương dân, giữa “việc đạo” với “việc đời”, giữa giáo hội với chính quyền và bao trùm hơn cả là mâu thuẫn giữa Thiên chúa giáo với dân tộc Việt Nam ngay trên quê hương của “tam giáo đồng nguyên”. Mâu thuẫn có lúc lên cao và đã dẫn đến những xung đột, những cuộc chém giết đẫm máu giữa giáo dân và lương dân làm ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Vì sao ở một dân tộc có truyền thống hoà hợp tôn giáo như Việt Nam lại xảy ra những xung đột tôn giáo – dân tộc đáng tiếc như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải trở về với ngọn nguồn của nó, tìm hiểu nguyên nhân chính, nguyên nhân sâu xa của vấn đề tôn giáo – dân tộc.

Việc truyền bá và phát triển đạo Thiên chúa ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, là sứ mạng thiêng liêng của các thừa sai nhằm thực hiện ý Chúa “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa cha, Chúa con và Chúa thánh thần”

Nhưng việc các giáo sỹ phải đi truyền giáo ở một nơi xa xôi “ngoài đạo” (vùng đất mới của phương Đông) thì bản thân giáo hội không thể chu toàn. Vì vậy, họ cần liên kết với các thế lực tư sản mà lúc này chủ yếu là tư sản Pháp để nhờ cậy về tiền bạc và phương tiện. Đổi lại, các thừa sai sẽ có nhiệm vụ thông báo cho Nhà nước tư sản những tin tức cần thiết. Đúng như bản điều trần của Hội Thừa sai Pari gửi cho Quốc hội Pháp năm 1790: “ Hội Thừa sai… có sứ mạng đem ánh sáng của “đức tin” và ảnh hưởng của nước Pháp đến các nước phương Đông”. Còn Napôlêông đã tuyên bố: “Hội truyền giáo nước ngoài sẽ rất có ích cho tôi ở châu á… tôi sẽ cử các giáo sĩ đi điều tra tình hình ở các xứ. Tấm áo của họ sẽ che chở cho họ và sẽ dùng để che dấu những mưu đồ chính trị và thương nghiệp” (Theo “Sự truyền bá và tiếp nhận Thiên chúa giáo ở Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần).

Điều này có nghĩa là khi các giáo sỹ phương Tây truyền đạo Thiên chúa vào Việt Nam thì hẳn không chỉ là cuộc truyền bá “ Đức tin” đơn thuần, mà các giáo sĩ vừa truyền đạo, vừa dọn đường cho thực dân vào xâm lược nước ta. Tới khi thực dân Pháp vào xâm lược và đặt quyền cai trị lên đất nước ta thì các thừa sai sẽ có thêm thuận lợi, sự liên kết giữa thế quyền và thần quyền.

Đối với Việt Nam – một quốc gia có truyền thống chống ngoại xâm thì đây là vấn đề vô cùng nhảy cảm. Phần lớn người dân Việt Nam cho rằng: Các thừa sai nước ngoài là những đối tượng tiếp tay cho kẻ xâm lược, còn những giáo dân theo đạo của kẻ xâm lược thì bị xem là phản bội dân tộc mình.

Với thành kiến đó, những giáo dân vô tội đã phải chịu những áp lực của sự lạnh nhạt nơi chính đồng bào mình, ngay trên chính quê hương mình. Rồi khi triều đình nhà Nguyễn đưa ra các chỉ dụ “bách đạo” mở đầu cho những mâu thuẫn gay gắt giữa tôn giáo và dân tộc sẽ diễn ra sau đó đã vô tình đẩy đồng bào Thiên chúa giáo xa rời dân tộc mình hơn. Như vậy, chúng ta đã rơi ngay vào cái bẫy mà kẻ địch đã gài sẵn. Lợi dụng mâu thuẫn giữa tôn giáo với dân tộc ta, kẻ địch đã sử dụng mọi thủ đoạn để mua chuộc và lôi kéo giáo dân để giáo dân chống lại đồng bào mình ngay cả trong thời gian gần đây. Vì thế, trong thời gian xảy ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã xuất hiện tình trạng “người công giáo dường như bị kẹt giữa hai cực tiến thoái lưỡng nan. Hợp tác với Việt Minh thì … phản lại giáo hội mà liên hiệp với Pháp thì… đối lập với dân tộc”. Như vậy, sự “dính líu” giữa tôn giáo và thực dân khi tôn giáo này du nhập vào Việt Nam đã làm nảy sinh mâu thuẫn mới giữa tôn giáo và dân tộc Việt Nam.

Sau Hoà ước năm 1862, với việc mất 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ đã gây nên sự bất mãn trong nhân dân cả nước, triều đình nhà Nguyễn lại tỏ thái độ khoan dung Công giáo. Trong hoàn cảnh đó, giám mục Gauthier trở về địa phận với một kiểu rất Pháp, rất thực dân: “Vào một ngày cuối tháng 5/1861 tàu Cốtxmao (Cosmao) cập bến Cửa Hội, bắn mấy phát súng đại bác khi Đức cha Ngô Gia Hậu được đông đảo giáo hữu rước về trụ sở giáo phận”. Kiểu trở về giáo phận lần này của giám mục Gautheir rõ như có ý hăm dọa đối với các thế lực chống Thiên chúa giáo ở địa phương. Đáp lại, phong trào Văn thân chống Pháp, chống Thiên chúa giáo ở Nghệ – Tĩnh – Bình được các thừa sai Pháp miêu tả như là cơn “bão táp” và “thật là khủng khiếp”. Tiêu biểu cho phong trào Văn thân là khẩu hiệu “Bình Tây, sát tả”, đỉnh cao là vào năm 1874. Đây là một “vết đen” trong lịch sử quan hệ lương – giáo của dân tộc nói chung và của Nghệ An nói riêng.

Nhưng vị thế của dân tộc Việt Nam đã thay đổi, ngày 2/9/1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã thấy được tính cấp bách và phức tạp của vấn đề giải quyết mối quan hệ tôn giáo – dân tộc. Trong cuộc họp phiên đầu tiên của chính phủ cách mạng ngày 3/9/1945, trước vô vàn vấn đề quốc gia đại sự, Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 vấn đề cấp bách. Trong 6 vấn đề đó có vấn đề giải quyết mối quan hệ tôn giáo – dân tộc, quan hệ lương – giáo, người ra tuyên bố gồm 8 chữ: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”.

Chính sách tôn giáo của Hồ Chí Minh đã làm vô hiệu hoá âm mưu lợi dụng tôn giáo làm công cụ bên trong để phá hoại cách mạng nước ta của kẻ thù. Bởi thực tế, sự gần gũi giữa các thừa sai Thiên chúa giáo với thực dân Pháp xâm lược khi mới vào nước ta chỉ là quan hệ mang tính lịch sử và thời đại. “Sự dính líu của giáo hội La Mã và của Hội Thừa sai Pari với các cuộc xâm lược thực dân của các thế lực tư sản phương Tây … hẳn là đã không hoàn toàn xuất phát từ bản chất thiêng liêng và nhân ái của sự truyền giáo”. Hơn thế, Toà thánh Roma cũng dễ dàng nhận thấy sự bất lợi trong mối quan hệ xung đột giữa tôn giáo với các dân tộc bản địa. Vì vậy, Toà thánh đã sớm có chỉ thị “xây dựng các giáo hội bản xứ phải thật mềm dẻo và đúng với tin mừng … trong việc truyền đạo không được tham dự vào các lĩnh vực chính trị cũng như tôn trọng các nền văn minh và phong tục điạ phương …”.

Thông qua việc nắm bắt được bản chất của vấn đề, Đảng, Bác Hồ đã đề ra được những chủ trương, chính sách tôn giáo đúng đắn góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, độc lập, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác tôn giáo là vấn đề đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đảng xác định: “Tôn giáo còn tồn tại lâu dài”, “Đạo đức tôn giáo còn nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”.

Đồng thời về phía giáo hội toàn cầu đã có nhiều cải cách, giáo hội Việt Nam cũng đã khẳng định: “Là hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quan tâm gắn bó với vận mệnh quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước …”

Bên cạnh đó, Đảng ta cũng khẳng định thêm: “Tình hình hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định … Một số người đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối kích động tín đồ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị” (Nghị quyết 25/TW năm 2003).

Vậy, hiện nay công tác tôn giáo vẫn là nhằm giải quyết mối quan hệ hoà hợp, đồng hành tôn giáo với dân tộc, thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân.

Quá khứ về quan hệ lương – giáo, tôn giáo – dân tộc vẫn còn đó sẽ là bài học cho sự hoà hợp tôn giáo – dân tộc trong hiện tại và tương lai. Hơn thế nữa, trong thời điểm hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo thường nguy trang dưới nhiều hình thức, gây nên sự bất ổn khó lường và tính nguy hại lại rất lớn. Vì vậy, đòi hỏi công tác tôn giáo cũng phải được chú trọng để đáp ứng được với yêu cầu của thời đại.

Thiết nghĩ, đây là việc làm không đơn giản, không phải ngày một ngày hai. Phần lớn các linh mục là những người có kiến thức uyên thâm, được đào tạo rất bài bản. Vì vậy, cán bộ tôn giáo khi tiếp cận với các linh mục ngoài việc phải có kiến thức (đặc biệt là kiến thức tôn giáo), còn cần phải có một phong cách điềm đạm, tự tin, thận trọng nhưng rất chân thành.

Thông qua mối quan hệ gần gũi giữa cán bộ tôn giáo với các chức sắc nhằm trao đổi, hiểu biết, chia sẻ việc đạo và việc đời. Phải tôn trọng thực sự những hoạt động tín ngưỡng chính đáng của giáo dân, xem đó như là một hoạt động văn hoá dân tộc. Ngoài ra, cần xem xét và cố gắng giải quyết những nhu cầu tín ngưỡng chính đáng như rước lễ, đào tạo linh mục….

Có thể nói trong thời gian qua công tác tôn giáo, cũng như mối quan hệ tôn giáo – dân tộc ở vùng giáo Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Nhưng trước một vấn đề lớn – vấn đề tôn giáo, Đảng, Nhà nước cần phải có những chính sách hợp lý và sự quan tâm đầu tư hơn nữa để huy động được tối đa sức dân trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Vì vậy, để giải quyết vần đề này Đảng, Nhà nước cần phải có các chính sách đồng bộ, hợp lý, cần phải có các dự án đầu tư thích hợp nhằm xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng các mô hình xóm, thôn, xã văn hoá, để giúp giáo dân thấy được sự quan tâm thực sự của chính quyền, của Đảng, tạo mối quan hệ gần gũi lương – giáo, chính quyền – giáo hội .

Theo NGUYỄN VĂN PHƯỢNG / TRƯỜNG CHÍNH TRỊ NGHỆ AN

Tags: ,