‘Giải mã’ cách tiếp cận mới của chín quyền Biden với Trung Quốc

Tuyên bố về cách tiếp cận mới của Mỹ với Trung Quốc kế thừa chiều hướng chính sách của chính quyền tiền nhiệm, nhưng có một số nét khác biệt.

‘Giải mã’ cách tiếp cận mới của chín quyền Biden với Trung Quốc

Ngày 26/5/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra Tuyên bố về cách tiếp cận mới của Mỹ với Trung Quốc. Có gì đặc biệt trong Tuyên bố này?

“Ba không hai có”

Trước hết, đây là lần đầu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một chính sách riêng về Trung Quốc, hệ thống hóa nội dung về cường quốc châu Á từ tuyên bố và văn bản trước.

Cụ thể, văn bản bao gồm tuyên bố tháng 2/2021 của ông Biden và tháng 3/2021 của ông Blinken về đối ngoại, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD) mới, bản định hướng Chiến lược An ninh Quốc gia hay bản tóm tắt Chiến lược An ninh Quốc phòng.

Tuyên bố trên nhắc đến 3 cơ sở hoạch định chính sách.

Thứ nhất, tình hình thế giới thay đổi nhiều trong 2 năm qua. Đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và các xung đột, đặc biệt là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, làm xói mòn trật tự quốc tế. Các thay đổi này đặt ra nhu cầu hợp tác và đặt ngoại giao làm trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc.

Thứ hai, với Mỹ, Trung Quốc được coi như “thách thức” bởi nước này có đủ năng lực và mục tiêu tái định hình trật tự quốc tế.

Thứ ba, về cơ hội, Trung Quốc là nước “tối quan trọng” với kinh tế toàn cầu, giúp giải quyết các thách thức an ninh chung, đặc biệt là an ninh phi truyền thống.

Trên cơ sở đó, Washington theo đuổi “ba không và hai có” trong “thập kỷ mang tính quyết định”. Mỹ sẽ không: i) theo đuổi xung đột hay Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc; ii) không ngăn chặn Trung Quốc phát triển và iii) không thay đổi bộ máy chính trị Trung Quốc.

Mỹ sẽ không theo đuổi xung đột hay Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc, không ngăn chặn Trung Quốc phát triển và không thay đổi bộ máy chính trị Trung Quốc.

Tuy nhiên, Washington sẽ: i) cải cách trật tự và định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh và để nước này tự thay đổi; ii) đặt ngoại giao lên hàng đầu và sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc.

Theo đó, Mỹ sẽ triển khai chính sách theo 3 hướng: đầu tư, liên kết và cạnh tranh; mở rộng đầu tư vào thế mạnh kinh tế, công nghệ; nghiên cứu và phát triển và dân chủ.

Về liên kết, Mỹ sẽ phối hợp với đồng minh và đối tác để thúc đẩy tầm nhìn chung về AĐD-TBD, Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế AĐD-TBD (IPEF), quan hệ với ASEAN, Bộ tứ, thỏa thuận an ninh AUKUS và châu Âu tại khu vực… Ông Blinken nhấn mạnh hợp tác của Mỹ là bình đẳng và tôn trọng lợi ích các bên, không kèm điều kiện chính trị và không ép ai lựa chọn.

Về cạnh tranh, Mỹ sẽ không để Trung Quốc tiếp cận công nghệ hay dữ liệu nhạy cảm, thương mại “có đi có lại”… Trong khía cạnh an ninh-quân sự, Mỹ sẽ theo đuổi “răn đe chiến lược”, đầu tư vào hệ thống quân sự bất đối xứng, đa dạng hóa lực lượng, chống lại yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông, tiếp tục hỗ trợ Đài Loan (Trung Quốc) phòng thủ…

Điểm khác biệt

Chính sách mới có nhiều nét tương đồng văn bản tương tự thời ông Donald Trump như nhấn mạnh thách thức mang tính hệ thống từ Trung Quốc và nhìn nhận nước này ở góc độ phạm vi toàn cầu thay vì khu vực. Washington không còn hy vọng Bắc Kinh thay đổi như thời ông George Bush hay Barack Obama. Thay vào đó, Mỹ đề cập đến những hành động “ngầm” để gây sức ép của Trung Quốc, khái niệm nhiều học giả coi là “quyền lực sắc nhọn”…

Không loại trừ khả năng ông Biden đã “học tập” ông Trump khi gắn chính sách đối ngoại với người lao động Mỹ để thu hút nhóm ủng hộ “nước Mỹ trước tiên”.

Tuy nhiên, những điểm khác biệt lại đáng chú ý hơn cả.

Thứ nhất, cơ sở chính sách mới của nước Mỹ dưới thời ông Biden cập nhật và cân bằng hơn khi: đề cập đến dịch đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu (điều ông Trump bỏ qua) và chiến sự Ukraine; cân bằng thách thức và cơ hội từ Trung Quốc nhưng không hòa dịu hơn với Bắc Kinh (Ông Trump tập trung vào thách thức hơn với gần 1/3 văn bản, không có phần nào riêng về cơ hội và không nhắc đến “chung sống hòa bình”).

Tuy nhiên, Tuyên bố không nhắc tới nhiều yếu tố có thể góp phần định hình chính sách mới, bao gồm tương quan Mỹ-Trung, ảnh hưởng của các đồng minh, đối tác Mỹ hay tác động từ cá nhân lãnh đạo, nhóm lợi ích, Quốc hội và truyền thông nội bộ Mỹ…

Không loại trừ khả năng ông Biden đã “học tập” ông Trump khi gắn chính sách đối ngoại với người lao động Mỹ để thu hút nhóm ủng hộ “nước Mỹ trước tiên”.

Thứ hai, về định hướng, ông Trump không đặt ngoại giao lên hàng đầu như ông Biden. Trong chiến lược thời ông Trump, từ “ngoại giao” chỉ được nhắc đến hai lần, gắn liền với các nỗ lực ngoại giao không thành công. Còn chính sách mới thời ông Biden lại coi ngoại giao là công cụ đầu tiên.

Thứ ba, về triển khai, ông Trump đưa ra 4 nhóm triển khai trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia 2017, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quân sự và cuộc chiến thương mại. Chính sách mới toàn diện hơn khi có trụ cột kinh tế mới IPEF, mở rộng cạnh tranh sang ngoại giao, nhấn mạnh vai trò của đối tác thay vì của riêng Mỹ.

Chính sách mới cũng không mang màu sắc thực dụng “một đổi một” thời ông Trump mà khéo léo hơn, không để gây ra tổn hại ngoài ý muốn cho đối tác hay ép doanh nghiệp Mỹ phải quay về sản xuất trong nước.

Ông Blinken cũng liên tục “lấy lòng” người Trung Quốc khi: khen ngợi người dân và doanh nghiệp Trung Quốc là động lực phát triển; phê phán bạo lực nhằm vào người gốc Hoa tại Mỹ; nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng triệu sinh viên Trung Quốc tại Mỹ.

Những vấn đề bỏ ngỏ

Về tổng thể, dù tập trung vào đối tác khu vực nhiều hơn, câu hỏi: “chính sách của Mỹ với Trung Quốc định hình chính sách của Mỹ với khu vực hay ngược lại” vẫn chưa có câu trả lời.

Mỹ cũng chưa giải thích vì sao chính sách mới gắn liền với mốc thời gian 10 năm (theo “thập kỷ mang tính quyết định”). Liệu Washington có kỳ vọng biến chuyển xảy ra trong những năm 2030 – thời điểm Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ về quy mô kinh tế?

Về triển khai, dù ông Blinken nhấn mạnh Mỹ vẫn tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc, các lĩnh vực được đưa ra (chống biến đổi khí hậu, COVID-19 và phổ biến hạt nhân, Iran và Bắc Triều Tiên…) lại chưa mang tính đột phá.

Giới quan sát khu vực có lẽ quan tâm đến hợp tác kinh tế hai nước, nhất là khi quan chức chính quyền của ông Biden vẫn còn mâu thuẫn về việc áp thuế lên Trung Quốc (Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen kêu gọi bỏ thuế, trái với quan điểm của Đại diện Thương mại Katherine Tai).

Ngoài ra, mặc dù quan hệ nhân dân được nhấn mạnh, song ông Blinken không đề cập tới khởi động lại các chương trình trao đổi văn hóa-học thuật bị hoãn từ thời ông Trump.

Cuối cùng, Washington cũng tự mâu thuẫn với chính mình khi nước này từng nhiều lần khẳng định các nhóm như Bộ tứ hay IPEF không nhằm chống lại Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính sách mới lại liệt kê những nhóm này trong phần “liên kết”, khẳng định các triển khai trong phần này nhằm mục đích “cạnh tranh” với Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến thông điệp mà Mỹ muốn gửi tới khu vực.

Chính sách mới về Trung Quốc của Mỹ lại liệt kê (các nhóm như Bộ tứ hay IPEF) trong phần “liên kết”, sau đó khẳng định các triển khai trong phần này nhằm mục đích “cạnh tranh” với Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến thông điệp Mỹ muốn gửi tới khu vực.

Giai đoạn mới

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về cách tiếp cận Trung Quốc được đưa ra vào năm 2022, đúng 50 năm sau khi cố Tổng thống Richard Nixon thăm Bắc Kinh.

Nếu như chuyến công du lịch sử ấy đã mở cửa cho quan hệ song phương thì giờ đây, tuyên bố của ông Blinken có thể đánh dấu một giai đoạn mới, khi Mỹ theo đuổi cạnh tranh với Trung Quốc toàn diện hơn.

Thời gian tới, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp để lấp đầy các khoảng trống, xóa bỏ nghi ngại từ đồng minh-đối tác và biến các nội dung chính sách trong Tuyên bố này thành hiện thực.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 

Tags: ,