⠀
Erwin Rommel – viên tướng phát xít Đức khiến đổi phương nể phục
Viên tướng Rommel khác biệt với phần đông sĩ quan còn lại của phát xít Đức. Đối phương của nhân vật này cũng nể phục tài năng và sự hào hiệp của ông.
Nói đến quân đội Đức Quốc xã, chúng ta thường nghĩ ngay đến sự bạo tàn và phi nghĩa. Thế nhưng trong hàng ngũ sĩ quan quân đội đó, có ít nhất một người khác biệt với số đông còn lại. Người đó là Thống chế Erwin Rommel. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã tỏ rõ là một bậc thầy chiến thuật trên chiến trường, một nhà lãnh đạo xuất sắc, và một con người hào hiệp, đối xử tốt với cấp dưới cũng như tù binh. Chính vì lẽ đó, ông nhận được sự kính phục của cả quân Đồng minh (kẻ thù của ông trên chiến trường Thế chiến 2) và sự tôn vinh của dân tộc Đức. Erwin Rommel vẫn là cảm hứng nghiên cứu cho giới sử gia quân sự phương Tây cho tới tận ngày nay.
Erwin Rommel xuất thân trong một gia đình không có truyền thống quân sự. Cha và ông của Rommel làm nghề giáo. Mẹ Rommel là con gái một quan chức cao cấp. Thế nhưng năm 1910, khi 19 tuổi, Rommel vẫn gia nhập trung đoàn bộ binh Wurttemberg số 124. Hồi ấy nghề sĩ quan quân đội đang là mốt, sau khi Đế chế Đức ra đời vào năm 1871.
Trong Thế chiến 1, Rommel chiến đấu với lon trung úy ở Pháp, Romania và Italy. Ngay từ thời kỳ này Rommel đã bộc lộ rõ sự can trường và năng lực lãnh đạo thiên bẩm của mình và đã được trao huân chương nhờ những phẩm chất đó.
Sau chiến tranh, con đường tiến thân rộng mở cho Rommel. Thế nhưng ông đã từ chối nhận vị trí trong bộ tổng tham mưu quân đội Đức-Phổ. Cả trong thời Cộng hòa Weimar và Quốc xã, ông đều ở lại vị trí sĩ quan tuyến trước của binh chủng bộ binh.
Như nhiều vị tướng khác, Rommel có năng lực nổi bật về giảng dạy và vì thế, ông được cử vào các vị trí tại nhiều học viện quân sự khác nhau của Đức. Kinh nghiệm trận mạc trong Thế chiến 1 cộng với ý tưởng của ông về việc huấn luyện tân binh đã tạo thành nội dung chính trong cuốn giáo trình ông viết có tựa đề “Các cuộc tấn công bộ binh”.
Năm 1938, sau khi Đức sáp nhập Áo, Đại tá Rommel được chỉ định làm chỉ huy của trường sĩ quan ở Wiener Neustadt, gần Vienna.
“Cáo sa mạc”
Đầu Thế chiến thứ 2, Rommel được bổ nhiệm làm chỉ huy lực lượng bảo vệ tổng hành dinh của Quốc trưởng Đức Quốc xã Adolf Hitler và bắt đầu được Hitler để mắt đến.
Cũng từ đây, Rommel bắt đầu có cơ hội chứng minh tài thao lược xuất chúng của mình. Vào tháng 2/1940, ông lên làm chỉ huy Sư đoàn xe tăng Panzer số 7. Trước đó ông chưa bao giờ chỉ huy các đơn vị thiết giáp như thế này. Nhưng ông đã nhanh chóng nắm bắt được năng lực vô cùng lớn của lực lượng cơ giới và thiết giáp trong quá trình đột kích. Chỉ 3 tháng sau đó, trong cuộc tấn công bờ biển Pháp, ông đã thể hiện rõ sự táo bạo và xông xáo của mình trên chiến trường.
Thành công của Rommel trong các chiến dịch năm 1939 và đặc biệt là cuộc tấn công Tây Âu vào năm 1940 đã khiến Hitler hài lòng và bổ nhiệm ông làm chỉ huy quân đoàn châu Phi vào tháng 2/1941. Quân đội Đức được điều tới châu Phi để hỗ trợ quân phát xít Italy vừa bị quân đội Anh đánh bại.
Sa mạc vùng Bắc Phi đã trở thành nơi Rommel bộc lộ hết tài năng quân sự của mình. Tại chiến trường này, ông thường xuyên mở các cuộc tấn công xuất quỷ nhập thần, giành chiến thắng trước cả những lực lượng có ưu thế hơn mình. Bạn bè và kẻ thù cùng gọi ông bằng biệt danh “Cáo sa mạc”. Ông đã đánh bại người Anh ở Gazala vào tháng 5/1942 và chiếm được Tobruk sau đó. Các tướng lĩnh và chính trị gia Anh – đối thủ của Rommel khi ấy, nhìn chung đều nể phục Rommel và thừa nhận tài năng của ông. Còn trùm phát xít Hitler, rất ấn tượng trước các thắng lợi đó, đã cất nhắc ông lên cấp bậc Thống chế.
Ngay cả khi không tuân theo mệnh lệnh của Hitler về việc phải tử thủ ở châu Phi, Rommel vẫn được Hitler mến mộ và bổ nhiệm làm tư lệnh phòng thủ Bức tường Đại Tây Dương vào tháng 2/1944 (ông phụ trách Tập đoàn quân B). Ông được trao nhiệm vụ bảo đảm cho Tây Âu là bất khả công phá. Cụ thể, ông phải bảo vệ bờ biển Pháp trước một cuộc đổ bộ có thể xảy ra do quân Đồng minh tiến hành.
Rommel dù nổi tiếng với vận động chiến trên sa mạc châu Phi nhưng khi ấy vẫn sáng tạo hệ thống phòng thủ dựa trên các công sự duyên hải. Rommel tin rằng cách phòng ngự thành công duy nhất ở khu vực ven biển là bằng mọi giá phải ngăn đối phương lập đầu cầu đổ bộ đường biển. Theo ông, sau khi đổ bộ thành công, sức mạnh không quân của phe Đồng minh sẽ vô hiệu hóa các chiến dịch phản kích bằng lực lượng thiết giáp.
Để phòng ngự hiệu quả, ông mạnh dạn đề xuất bố trí lực lượng dự bị ngay sau các công trình phòng thủ bờ biển để sẵn sàng phản kích. Tuy nhiên các thượng cấp của ông lại máy móc áp dụng cách làm truyền thống là bố trí lực lượng dự bị cách xa tuyến đầu.
Sau này, có một số ý kiến cho rằng Rommel thiếu đầu óc chiến lược, chỉ chúi mũi vào các vấn đề cấp chiến thuật, phớt lờ vấn đề hậu cần. Các chỉ trích này là khá nông cạn. Đành rằng tài năng của Rommel thể hiện rõ nhất trong một trận đánh cụ thể, ở những đòn vận động chiến dũng mãnh và hiểm hóc, ở sự lãnh đạo hiệu quả và quyết đoán vào những thời khắc quyết định. Nhưng trong các bài viết chuyên đề của mình cùng những cuộc nói chuyện được ghi lại, Rommel cũng chứng tỏ tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Nếu được giao chỉ huy trên một tầm rộng hơn ở Mặt trận Phía Đông thì ông hoàn toàn có thể tỏa sáng như Thống chế Erich von Manstein.
Không phạm tội ác chiến tranh
Ngoài tài năng, Rommel còn nổi tiếng về sự hào hiệp và khoan dung của mình. Ông chỉ đơn giản hành động với tư cách là một quân nhân yêu nước. Ông chỉ thị cho binh sĩ và sĩ quan cấp dưới phải tôn trọng người dân nước sở tại. Ông đã lờ đi nhiều mệnh lệnh của cấp trên phải xử tử các tù binh.
Một câu chuyện thời đó kể rằng khi Rommel phát hiện quân Italy lấy đồng hồ đeo tay và các đồ đạc của tù binh Anh, ông đã ra lệnh phải trả lại ngay lập tức cho chủ nhân.
Có lẽ trong các lực lượng quân sự Đức Quốc xã ngoài chiến trường trong Thế chiến 2, chỉ có lực lượng dưới quyền của Rommel là trong sạch nhất.
Thời đó trong thế giới Arab có một tâm lý phổ biến là coi Rommel như một người “giải phóng” vùng Bắc Phi khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Còn tại Đức, bộ máy tuyên tuyền của phát xít mô tả ông như một vị “Thống chế của Nhân dân” bất khả chiến bại.
Rommel cũng rất thương yêu binh sĩ dưới quyền và quý trọng xương máu của họ. Khi quân đoàn châu Phi của Đức thất trận, Hitler một mực ra lệnh cho ông phải chiến đấu đến người lính cuối cùng và viên đạn cuối cùng. Thế nhưng Rommel đã bất tuân lệnh của thượng cấp và chủ động cho quân Đức tại đây rút lui để bảo toàn lực lượng.
Anh hùng sa cơ
Mặc dù có nhiều thắng lợi ngoạn mục ở châu Phi, cuối cùng Rommel vẫn bại trận. Hitler chỉ coi Bắc Phi như một chiến trường phụ. Lực lượng phát xít ở đây khá mỏng, thiếu thốn nguồn tiếp tế (nhất là nhiên liệu và xe tăng), thế nhưng Hitler vẫn ra lệnh cho Rommel mở cuộc tấn công vào Cairo và kênh đào Suez. Kết quả là liên quân Đức-Italy đã bị quân Anh chặn lại trong trận El-Alamein (Ai Cập), cách Alexandria 100km. Đến cuối tháng 10/1942, quân đội đế chế Anh dưới trướng của Bernard Montgometry đã giành chiến thắng áp đảo trong trận chiến El-Alamein lần 2. Tàn quân của binh đoàn xe tăng Panzer của Rommel phải rút về Tunisia.
Năm 1944, Rommel nhận thức rõ nước Đức không có cơ chiến thắng. Những đề xuất quân sự của ông về bảo vệ bờ biển (trước cuộc đổ bộ của phe Đồng minh) cũng chỉ là để tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm sau này với phương Tây.
Rommel đã nhiều lần thuyết phục Hitler tin vào thực tế ảm đạm là nước Đức đang thua ở cả mặt trận phía Tây và phía Đông, và rằng Hitler nên thức thời tìm kiếm hòa ước với các nước Đồng minh. Nhưng Hitler không chịu đối mặt với thực tế và không có ý định hòa đàm.
Mùa xuân năm 1944 một số bạn bè của Rommel tham gia nhóm đối lập bí mật chống lại Hitler. Những người này đến gặp Rommel và mời ông làm Quốc trưởng sau khi Hitler bị lật đổ.
Rommel đã quyết tâm sẽ hạ lệnh cho binh sĩ của mình ở mặt trận Phía Tây đồng loạt hạ vũ khí đầu hàng quân Đồng minh. Nhưng vào ngày 17/7/1944, xe ô tô của Rommel trúng bom từ máy bay cường kích của không quân Anh, khiến ông bị thương nặng và phải nhập viện. Phải đến tháng 8, ông mới có thể về nhà dưỡng bệnh.
Sau vụ mưu sát Hitler bất thành vào ngày 20/7/1944, mật vụ Đức phát hiện ra các liên hệ giữa Rommel và nhóm mưu phản.
Dù vậy Hitler không muốn đưa vị chỉ huy nổi tiếng nhất của y, vị “Thống chế của nhân dân” ra xét xử công khai. Theo giới nghiên cứu, Hitler đã cử người đến dàn xếp với Rommel về sự “ra đi” của ông. Theo đó ông sẽ chết vì “những vết thương” (do chiến tranh) vào ngày 14/10/1944 và được tổ chức tang lễ trang trọng theo nghi thức quân đội và nhà nước. Trên thực tế ông đã chết vì tự tử bằng chất độc cực mạnh cyanide.
Trước lời hứa của Hitler, Thống chế Erwin Rommel đã lựa chọn phương án tự tử để tránh bị sỉ nhục tại tòa án phát xít và để bảo đảm an toàn cho gia đình mình.
Tags: Thế chiến II, Đức Quốc Xã