⠀
e-Estonia – mô hình kiểu mẫu của chính phủ điện tử
Khi đề cập đến những chính sách phát triển của Estonia, tờ Atlantic đã nhận định Estonia – đất nước nhỏ bé ở phía bắc châu Âu với 1,3 triệu dân, đã trở thành một chính phủ điện tử (e-government) kiểu mẫu.
Có lẽ, thế giới biết nhiều về Estonia chính là từ The Daily Show, chương trình truyền hình Mỹ trong vòng nửa tiếng phát vào đêm muộn thứ ba hằng tuần, khi ông Taavi Rõivas , cựu Thủ tướng nước này xuất hiện vào tháng 3/2016 để đối thoại về mô hình Estonia điện tử (e-Estonia). Mô hình này nhằm mục tiêu tạo ra một quy trình hiệu quả bằng việc đưa nhiều quy trình về thủ tục truyền thống lên hệ thống trực tuyến, ví dụ như bỏ bầu cử phiếu. Việc xây dựng mô hình e-Estonia gắn liền với sự phát triển của đất nước Estonia hiện đại.
Bắt đầu từ những năm 1980, Estonia, một quốc gia thành viên của Liên bang Xô viết, đã trở thành tâm điểm của sự phát triển công nghệ và phát triển phần mềm cũng như đi đầu trong chính sách giáo dục. Sau sự tan rã của Xô viết vào đầu những năm 1990, Estonia đã nhanh chóng chuyển đổi để tận dụng khả năng công nghệ đã được tích lũy của mình, và những nhà chính trị trẻ như Mart Laar – người tạo ra thuế căn hộ đầu tiên của châu Âu, cũng như các nhà lãnh đạo giàu tinh thần đổi mới sáng tạo như Toomas Hendrik Ilves và Taavi Rõivas, đã trở thành những “nhà lãnh đạo tri thức” (intellectual leader) ở khu vực Trung và Nam Âu. Họ chính là những người tạo ra bước đột phá trong đổi mới cho đất nước này kể từ khi tách ra độc lập.
Dưới sự lãnh đạo của họ, Estonia trở thành một quốc gia luôn luôn thử nghiệm những điều mới mẻ, thử nghiệm những ý tưởng chính sách mới. Với việc thực hiện những điều đó, Estonia đã tạo ra một nền văn hóa chính trị tập trung vào đổi mới sáng tạo, trong đó điểm nhấn là mô hình “e-Estonia”. Trong khoa học chính trị, người ta vẫn gọi đó là một phiên bản của chính sách khởi nghiệp và với việc này, Estonia đã xây dựng thương hiệu của mình là một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Những đổi mới trong chính sách quản lý
Một trong những đổi mới sáng tạo trong chính sách nổi bật là việc Estonia áp dụng thuế đồng đều (flat tax) – loại thuế áp dụng theo cùng tỷ lệ nộp tiền cho mọi đối tượng, vào năm 1994 và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên bãi bỏ phương pháp thu thuế truyền thống. Điều này cho thấy, Estonia đã sẵn sàng tiếp cận những thách thức kinh tế và chính trị bằng việc mạnh dạn thử nghiệm chính sách. Trong những năm tiếp theo, Estonia trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng hình thức bỏ phiếu từ xa bằng các thiết bị điện tử, trong đó bỏ phiếu tại nhà qua máy tính cá nhân nối mạng được áp dụng vào năm 2005 và bỏ phiếu qua tin nhắn dạng SMS trên điện thoại di động năm 2011.
Estonia còn là quốc gia cựu thành viên Xô viết đầu tiên tham gia Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) vào năm 2011 và đi tiên phong trong việc dạy mã HTML ở cấp tiểu học vào năm 2012.
Joseph M. Ellis, PGS ngành khoa học chính trị tại trường Đại học Wingate, Bắc Carolina (Mỹ) đánh giá, Estonia chính là một mô hình kiểu mẫu về chính quyền điện tử. E-Estonia được xây dựng để hỗ trợ công việc vận hành kinh tế của chính phủ thêm hiệu quả, bền vững, dân chủ và minh bạch hơn. Nền tảng của mô hình này là một cơ sở dữ liệu quốc gia cho phép mọi người dân có thể giải quyết mọi việc từ nộp thuế đến bỏ phiếu. Mỗi người sẽ được chính quyền cấp một thẻ căn cước điện tử kèm một mã định danh kỹ thuật số (digital ID pin). Nhờ vậy, họ có thể thực hiện được bất kỳ giao dịch điện tử nào từ trả thuế đến trả vé xe buýt ở mọi nơi, mọi lúc trên đất nước.
Đổi mới sáng tạo ở Estonia không giới hạn ở khu vực công mà còn lan sang cả lĩnh vực tư bằng sự khuyến khích đổi mới sáng tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Đất nước này là một trong số những quốc gia tiên phong trong việc lắp đặt mạng Wi-Fi chất lượng cao với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Skype – sản phẩm ứng dụng phần mềm có thể kết nối hội thoại và hình ảnh miễn phí giữa những người sử dụng máy tính bảng, máy tính và thiết bị di động khác…, là một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý nhất của Estonia. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Estonia đã tập trung phát triển phần mềm để đem lại nhiều tiện ích của Skype, kết quả là không chỉ người ở Estonia hưởng lợi trực tiếp từ sự thuận tiện khi sử dụng Skype mà Skype còn chọn Estonia để đặt nhiều văn phòng đại điện.
Sự tương tác giữa lĩnh vực công và tư đã góp phần tạo ra không khí đổi mới sáng tạo tại Estonia. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 trên The Guardian, Tổng thống Ilves đã nhấn mạnh đến di sản giáo dục và thực tế quy mô đất nước nhỏ của Estonia, vì vậy chính phủ nước này đã tập trung nguồn lực vào công nghệ. Như Nền tảng chính sách đổi mới sáng tạo (Innovation Policy Platform), một trang web theo dấu các xu hướng đổi mới sáng tạo, đã viết về Estonia: “Trong giai đoạn 2014-2020, chính phủ đã phân bổ 155 triệu USD vào Chương trình phát triển doanh nghiệp và Chương trình Chứng nhận đổi mới sáng tạo, 87 triệu USD cho những chương trình khởi nghiệp khác và 12,7 triệu USD cho riêng các startup đổi mới sáng tạo”.
Năm nguyên nhân nền tảng của thành công
Vậy nền tảng cho văn hóa đổi mới sáng tạo ở Estonia là gì? Theo đánh giá của Phó giáo sư Joseph M. Ellis, có năm nguyên nhân chính:
Thứ nhất, sau khi Xô viết sụp đổ, không giữ thái độ “địa phương chủ nghĩa” hoặc “mặc cảm” dân tộc – những yếu tố khiến một quốc gia trở thành kẻ bên lề đời sống quốc tế, Estonia đã nhanh chóng mở cửa với thế giới để sẵn sàng chào đón các trí thức phương Tây, doanh nghiệp và chuyên gia chính sách đến với mình. Nhờ vậy Estonia đã nhanh chóng thu hút được các ý tưởng từ khắp nơi trên thế giới. Các ý tưởng xuyên quốc gia như vậy vẫn có ảnh hưởng trong những cuộc đối thoại chính trị và kinh tế của Estonia.
Thứ hai, Estonia học hỏi từ Phần Lan. Quốc gia láng giềng này đã thu hút sự quan tâm của Estonia từ ngày họ còn là thành viên của Liên bang Xô viết và họ nhanh chóng nhận định, đây chính là bài học đổi mới cho chính mình.
Thứ ba, Estonia có một quá trình xây dựng chính quyền mới khá suôn sẻ và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia thành viên Xô viết khác như Moldova, Belarus và Ukraine. Thuận lợi này đã tạo điều kiện cho các nhà cải cách trong cả lĩnh vực công và tư có thể cùng thực hiện được các dự án lớn mà không gặp phải cản trở nào.
Thứ tư, môi trường hoạt động mới mẻ trong lĩnh vực công của Estonia cũng cho phép các nhà hoạch định chính sách tiên tiến và bảo thủ đón nhận những ý tưởng mới. Việc tái sinh của một quốc gia Estonia mới khiến cho nó có thể “bỏ qua” về các loại lợi ích và tư tưởng cũ ở những quốc gia đã được xây dựng từ hàng thập kỷ trước như phương Tây hay Mỹ. Sự trẻ trung của môi trường chính trị Estonia tạo điều kiện cho những ý tưởng mới được thực hiện, do đó Mart Laar trở thành Thủ tướng ở tuổi 31 hay Rõivas ở tuổi 34.
Cuối cùng, tại Estonia, đổi mới sáng tạo có tác động thúc đẩy đổi mới sáng tạo tiếp theo, đem đến một văn hóa quốc gia về đổi mới sáng tạo. Các công chức chính phủ và công dân cũng tự hào với ghi nhận của thế giới về thương hiệu quốc gia “người tiên phong” hoặc đổi mới sáng tạo. Ngược lại, các nhà hoạch định chính sách Estonia cũng không sợ bị cử tri phàn nàn vì dám thử nghiệm những điều mới mẻ và giữ quan điểm chấp nhận rủi ro.
Đám mây điện toán chính quyền (government Cloud) – cơ sở hạ tầng của chính quyền điện tử đã được Estonia tạo dựng như một nền tảng công nghệ có thể cung cấp dịch vụ và quản lý dịch vụ về công nghệ thông tin cho khu vực công một cách đơn giản nhưng an toàn.
Estonia đã thực hiện một giải pháp thu hút sự tham gia của các thành phần công – tư, trong đó có Quỹ Truyền thông thông tin quốc gia (RIKS) – một quỹ phi lợi nhuận được thành lập năm 2000 và do chính Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Truyền thông quản lý cùng một số doanh nghiệp tư như Cybernetica, DELL EMC, Ericsson, OpenNode và Telia – mỗi doanh nghiệp đều có một vai trò cụ thể. Họ đã cùng thảo luận về cách triển khai nền tảng dữ liệu bằng tiếng Estonia, cách đám mây điện toán chính quyền có thể chia sẻ tài nguyên dữ liệu và nhận ra rằng cơ sở hạ tầng vẫn còn chưa sẵn sàng. Một trong những giải pháp là họ tập trung giảm bớt số lượng các khu lưu trữ dữ liệu từ 100 xuống còn 4 vào năm 2012. Do đó, các trung tâm dữ liệu trở nên an toàn hơn, sẵn sàng cho truy cập hơn, linh hoạt hơn trong việc cung cấp các dịch vụ lưu trữ và tư vấn. Điểm mạnh của nền tảng công nghệ này được kết nối với những trung tâm dữ liệu khác và những bên hưởng thụ chính là các Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp và Bộ Cơ sở hạ tầng, Bộ Nội vụ. Để có một hệ thống đám mây điện toán hoàn hảo, cần có sự hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng và đối tác. Đến nay, Đám mây điện toán chính quyền Estonia có 12 khách hàng ký kết hợp đồng, nó còn được sử dụng trong các cuộc bầu cử quốc gia. |
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Bộ máy hành chính, Công nghệ