Đừng tiếp tay cho những thương hiệu thời trang tàn phá môi trường

Biến đổi khí hậu đang tác động đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, kể cả thay đổi tập quán kinh doanh lâu nay. Với ngành thời trang, một khi người tiêu dùng ý thức việc mua sắm của họ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, các nhãn hàng thời trang lớn phải lắng nghe và đáp ứng.

Đừng tiếp tay cho những thương hiệu thời trang tàn phá môi trường

Chẳng hạn lâu nay ngành thời trang tiêu dùng nhanh cạnh tranh nhau để nhanh chóng đưa các sản phẩm ăn khách giá rẻ ra thị trường nhằm thu hút người tiêu dùng. Muốn vậy họ phải áp dụng cách sản xuất đại trà nên lúc nào cũng còn một lượng hàng thừa không bán hết.

Hãng thời trang H&M năm ngoái thông báo lượng hàng tồn kho của họ lên đến 4,3 tỉ USD và cứ tăng dần, chứng tỏ hàng làm ra bán không hết dù đã có nhiều đợt giảm giá. Hãng Stefano Ricci chuyên làm thời trang đắt tiền lại không muốn giảm giá vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu nên hàng năm đều quyết định hủy một lượng hàng tồn kho lớn. Hãng đồng hồ Cartier cũng mua lại đồng hồ Cartier bán không hết đem về nấu chảy.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, ngành may mặc chiếm chừng 10% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu; ngành này lại tiêu thụ năng lượng còn lớn hơn ngành hàng không và vận tải biển cộng lại. Cứ mỗi giây lại có một lượng quần áo thải chở đầy một xe tải được đem chôn hay đốt bỏ.

Theo một khảo sát của Nielsen, 48% người tiêu dùng Mỹ khi được hỏi đều trả lời sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm bớt tác động lên môi trường. Đặc biệt với giới trẻ, ý thức bảo vệ môi trường còn cao hơn các thế hệ trước; đến 53% những người trong độ tuổi từ 21-34 nói họ sẵn lòng từ bỏ một thương hiệu thời trang quen thuộc để mua hàng thân thiện với môi trường hơn. Cùng câu hỏi này, chỉ có 34% thế hệ từ 50-64 tuổi sẵn lòng làm điều tương tự.

Áp lực từ ý thức của người tiêu dùng đã tác động lên các doanh nghiệp. Nhãn hàng thời trang đắt tiền Burberry thường đốt bỏ hàng bán không hết; năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018 họ đã đốt bỏ lượng hàng trị giá đến 38 triệu USD. Khi cổ đông chất vấn sự lãng phí này, Burberry tuyên bố họ không đốt bỏ sản phẩm nữa mà quyên tặng cho các nơi hay đem đi tái chế. Phần lớn các doanh nghiệp thời trang nay đã đặt mục tiêu sản xuất vừa đủ hàng để bán, không dư thừa.

Một loạt các doanh nghiệp chuyên bán đồ cũ ra đời như ThredUp Inc. hay Poshmark, chỉ hoạt động trên mạng. Người có quần áo vẫn còn mới nhưng vì lý do gì đó không thích nữa gửi đến các nơi này để xả hàng; người mua vào chọn lựa thoải mái, hy vọng mua hàng thời trang giá chỉ bằng một góc hàng mới. ThredUp cho tờ Los Angeles Times biết mỗi ngày họ nhận được chừng 100.000 món quần áo phụ nữ và trẻ em. Một lần nữa, người mua nhiều nhất là giới trẻ, vừa do ý thức môi trường vừa do muốn chi tiêu tiện tặn. Mô hình này đang được các nhà đầu tư quan tâm; ThredUp đã kêu gọi được 380 triệu USD vốn đầu tư.

Các hãng thời trang như H&M không dễ gì từ bỏ mô hình xem thời trang là chóng qua để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm quần áo theo mốt, mặc một thời gian rồi thải ra mua món khác; họ không dại gì khuyên người tiêu dùng mua loại mặc bền, không lo lỗi mốt bởi làm thế với các hãng thời trang là tự sát. Tuy nhiên, H&M cũng phải cam kết đến năm 2030 sẽ chỉ dùng nguyên liệu tái chế hay nguyên liệu từ các nguồn bền vững. Đại diện doanh nghiệp này khi trả phỏng vấn của Bloomberg cho biết 70% tác động của ngành may mặc lên môi trường xảy ra trong khâu sản xuất; họ hứa hẹn sẽ áp dụng công nghệ mới hấp thụ khí thải, tổ chức tiếp nhận sản phẩm khách muốn thải để đem về tái chế và đổi bằng phiếu giảm giá cho khách hàng.

Dù là thủ thuật quảng bá, tiếp thị hay là nỗ lực thật lòng, phải ghi nhận nhiều doanh nghiệp đang có những động thái giảm nhẹ hiện tượng biến đổi khí hậu do họ góp phần gây ra. Adidas thử nghiệm loại giày cá nhân hóa, sản xuất theo yêu cầu của từng khách để giảm lượng hàng đổi trả, giảm hàng tồn kho. Ralph Lauren tuyên bố đến năm 2025 chỉ dùng nguyên liệu từ các nguồn bền vững. Một số hãng thời trang cho biết sẽ chỉ sử dụng phẩm nhuộm không độc hại cho môi trường.

Ý thức về thảm họa biến đổi khí hậu đang thúc đẩy giới trẻ có hành động. Bên cạnh các cuộc tuần hành phản kháng sự thờ ơ của chính phủ các nước, giới trẻ còn đi đầu trong thay đổi thói quen tiêu dùng, kể cả việc đi lại, du lịch, mua sắm, đặc biệt là chuyện ăn mặc. Doanh nghiệp phải chú ý đến xu hướng này để kịp thời thích nghi với một thế giới đang lo âu chuyện biến đổi khí hậu.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN 

Tags: , ,