‘Dự kiến kế hoạch thanh tra’: Một trò vòi tiền doanh nghiệp tinh vi

Cách đây không lâu, một doanh nhân nói với tôi về những khoản hối lộ mà họ phải bỏ ra để yên ổn làm ăn. Cứ mỗi năm, có những cơ quan nhà nước lại lên một danh sách dự kiến kế hoạch thanh tra cho năm tới, rồi bằng cách nào đó, những doanh nghiệp có tên trong danh sách đều phong thanh biết kế hoạch.

‘Dự kiến kế hoạch thanh tra’: Một trò vòi tiền doanh nghiệp tinh vi

Tác giả: Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công.

Không doanh nghiệp nào thích bị thanh tra, nên không ít đơn vị tìm cách “chạy” để không phải nằm trong danh sách chính thức.

Cách “làm ăn” này khá an toàn vì cái “dự kiến kế hoạch thanh tra” kia chỉ là một tờ giấy vu vơ, khi chưa có văn bản chính thức có dấu hay chữ ký nào ban ra. Sau này, cấp trên có kiểm tra công vụ thì cũng không ai chỉ ra được sai phạm.

Những phản ánh như vậy từ phía doanh nghiệp với các chuyên gia pháp chế của VCCI như chúng tôi, là không hiếm. Tôi chia sẻ với anh, thực ra, có một cách để chống lại tình trạng này, là áp dụng quản lý rủi ro.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa tất cả thông tin về các doanh nghiệp mình đang quản lý vào một bảng dữ liệu, mỗi doanh nghiệp là một hàng. Các cột là thông tin của doanh nghiệp như quy mô, ngành nghề, địa điểm, ngày đi vào hoạt động, các lần gửi báo cáo trước đây, lịch sử vi phạm, lịch sử thanh kiểm tra, và bất kỳ thông tin nào khác phục vụ mục tiêu đánh giá rủi ro.

Các thông tin đó được quy thành điểm số để chấm mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Ví dụ, đối với cơ quan quản lý môi trường, doanh nghiệp thuộc ngành nghề nguy cơ cao như sản xuất hoá chất sẽ có điểm rủi ro cao hơn doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. Doanh nghiệp quy mô lớn có điểm rủi ro về môi trường cao hơn. Doanh nghiệp có lịch sử vi phạm thì điểm rủi ro cao hơn doanh nghiệp chưa từng vi phạm…

Những doanh nghiệp vừa mới bị thanh tra, nếu không có vi phạm, điểm rủi ro ngay lập tức về không, và thời gian tới đợt thanh tra tiếp theo có thể sẽ xa hơn.

Tất cả điểm số thành phần được tổng hợp lại thành điểm rủi ro cuối cùng. Mỗi năm, cơ quan nhà nước chỉ việc quyết định trên dữ liệu có sẵn. Ví dụ, năm tới họ có đủ nguồn lực để thanh tra 20% số doanh nghiệp, phần mềm máy tính sẽ tự động chọn ra 20% doanh nghiệp rủi ro cao nhất để đưa vào danh sách.

Như vậy, việc chọn ai để thanh tra là hoàn toàn khách quan. Cán bộ cố tình đưa thêm hoặc rút bớt doanh nghiệp khỏi danh sách vì động cơ cá nhân sẽ bị lộ.

Không chỉ giúp giảm tham nhũng, quản lý rủi ro cũng giúp cơ quan nhà nước tiết kiệm thời gian, nhân lực đồng thời tăng hiệu quả thanh tra, kiểm tra. Biện pháp này còn khiến các doanh nghiệp có thêm động lực tuân thủ pháp luật tốt hơn. Tuân thủ tốt những lần trước, doanh nghiệp sẽ được hưởng tần suất kiểm tra thấp hơn, phạm vi kiểm tra ít hơn và làm các thủ tục nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Tôi từng được nghe phó giám đốc cơ quan phòng cháy chữa cháy của New York chia sẻ, việc áp dụng quản lý rủi ro giúp họ giảm đến 80% thiệt hại từ các vụ cháy, với một nửa số nhân lực. Cách đây gần 20 năm, họ thường phải đi kiểm tra từng công trình với tần suất như nhau, sân vận động cũng giống quán cà phê, khách sạn cũng giống nhà dân. Tới khi áp dụng quản lý rủi ro, nơi nào rủi ro cao bị kiểm tra nhiều, rủi ro thấp thì bị kiểm tra ít, thiệt hại do cháy nổ giảm đi rất nhiều.

Quản lý nhà nước dựa trên quản lý rủi ro là một cách làm đúng đắn và trở thành trào lưu quản trị công trên thế giới. Quản lý rủi ro được ứng dụng vào việc thanh tra các báo cáo kiểm toán độc lập, kiểm soát cá nhân xuất nhập cảnh, kiểm toán các hợp đồng mua sắm công, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, giám sát nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Tại Việt Nam, hai ngành thuế và hải quan đã áp dụng biện pháp quản lý rủi ro từ nhiều năm nay. Mỗi khi doanh nghiệp nộp tờ khai hải quan, hệ thống tự chạy ra container thuộc luồng xanh, luồng đỏ hay luồng vàng. Cán bộ hải quan chỉ cần kiểm tra theo luồng, chứ không thể tuỳ tiện kiểm tra vì yêu ghét hay phong bì dày mỏng. Các doanh nghiệp cũng có động lực tốt hơn để tuân thủ pháp luật hải quan, giúp những lô hàng sau đó được giải phóng nhanh hơn, giảm chi phí lưu kho bãi.

Ngành thuế thậm chí còn sử dụng trí tuệ nhân tạo “đào bới” trong cơ sở dữ liệu của người nộp thuế để xem trong những con số mà doanh nghiệp báo cáo, con số nào có nguy cơ bị gian lận cao hơn để từ đó yêu cầu doanh nghiệp giải trình kỹ hơn. Cán bộ thuế đi kiểm tra nhàn hơn nhiều vì không còn phải xem hết tất cả số liệu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế cũng đỡ áp lực phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra.

Quốc hội đang sửa đổi Luật Thanh tra và vấn đề áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra cũng được nhiều ý kiến đưa ra, nhưng dường như những người làm công tác thanh tra vẫn còn ngần ngại.

Cảm nhận của tôi khi làm việc với nhiều cán bộ cấp cục vụ là, số người biết về quản lý rủi ro không nhiều, số người biết cách triển khai một hệ thống như vậy thì rất ít.

Nhưng mọi điều chưa biết, không biết đều có thể được đào tạo. Cán bộ cũng đã thuộc nằm lòng lời dạy “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”. Áp dụng quản lý rủi ro có lợi cho cả dân lẫn nhà nước nhưng tại sao số người thực sự muốn làm như thế gần như không có.

Câu hỏi không khó để trả lời.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,