Đôi nét về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở Nam Bộ

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên (còn gọi là Phật Thầy Tây An) khai lập vào cuối năm 1849 tại Cốc ông Đạo Kiến (nay là Tây An cổ tự, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Đôi nét về đạo Bửu sơn kỳ hương ở Nam Bộ

Thới Sơn Tự (Tịnh Biên, An Giang) được coi là Tổ đình của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Nam bộ là nơi có nhiều nét riêng biệt về địa lý, là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Có môi trường sinh thái đa dạng, phong phú về loại hình nhưng lại đồng nhất về phương diện hình thái học. Khí hậu Nam bộ với tính chất cận xích đạo, có sự phân biệt khá rõ ràng giữa mùa mưa và mùa khô. Chính những đặc điểm địa lý- sinh thái nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn của vùng đất Nam bộ này ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá và tâm linh của người dân Nam bộ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng “Tam giáo” là: Khổng giáo – Lão giáo – Phật giáo dẫn đến quan niệm cho rằng những ngọn núi trong Thất sơn cùng với dòng Cửu Long hợp thành “sơn cao, thuỷ thâm” đã tạo nên huyệt “chỉ sơn” ở vùng Thất sơn, nơi chung tụ khí thiêng của đất trời, sông núi. Từ xa xưa cư dân Nam bộ gọi vùng đất “linh địa” này là Bửu sơn (núi quý), nơi âm-dương hoà hợp, nơi xuất hiện những nhân vật hiển linh cứu đời. Điều đó đã phần nào chứng tỏ vị trí của Thất sơn trong đời sống tâm linh của một bộ phận cư dân Nam bộ. Trên thực tế có thể thấy việc xuất hiện nhiều ông Đạo nơi đây là điều kiện khách quan đưa đến sự ra đời của các tôn giáo địa phương vùng Nam bộ mà Bửu Sơn Kỳ Hương là tôn giáo đầu tiên trong số đó.

Người dân miền Tây Nam bộ những năm giữa thế kỷ XIX chịu đựng nhiều rủi ro do chiến tranh, cướp bóc, đói kém, dịch bệnh hoành hành. Cuộc sống đầy bế tắc, chính vì vậy khi ông Đoàn Minh Huyên dạy: đó là điềm trời báo trước sắp có đổi đời, ai ăn ở hiền đức, có nhân, có nghĩa sẽ được sống đời an lạc, thanh bình mãi mãi. Vừa chữa bệnh vừa truyền bá tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương, vừa tổ chức khai hoang lập ấp, lập trại, lập chùa, ông Đoàn Minh Huyên đã thu phục được hàng vạn tín đồ tin theo. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy giáo pháp “Học Phật-tu nhân” và việc báo đáp “Tứ đại trọng ân” tức là ân Trời, Phật; ân quân vương; ân cha mẹ và ân sư phụ. Ông Đoàn Minh Huyên khuyên tín đồ muốn làm tròn đạo làm người thì mọi người phải có bổn phận đền đáp tứ ân nêu trên, là nấc thang thứ nhất đưa con người tiến trên con đường đạo hạnh. Tứ đại trọng ân chi phối tư tưởng, đời sống của mọi tín đồ. Việc quan niệm “học Phật” có nghĩa là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương phải noi theo gương đức Phật, với việc trì niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà (Nam mô A-Di-Đà-Phật). Tuy nhiên, trong quá trình thuyết giáo, ông Đoàn Minh Huyên không coi việc học Phật là yếu tố cốt lõi đối với tín đồ khi tu hành, mà đây được xem là nền tảng mang tính định hướng cho tín đồ hướng tới khi tự tu nhân.

Tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương coi việc “tu nhân” là tôn chỉ tối thượng trong tu hành, điều đó giúp cho con người loại trừ những cái xấu xa và hướng thiện, tự rèn sửa tâm tính, làm lành lánh dữ, tích đức cho sau này khi được dự “Hội Long Hoa“. Việc “tu nhân” còn giúp con người ta luôn sống đúng với đạo làm người, giúp ích gia đình, xã hội, có luân thường đạo lý, có đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy “Ngũ đại giới cấm” làm giới luật, bao gồm: cấm sát sinh, hại người hại vật; cấm tham lam, trộm cắp, hưởng thụ của phi nghĩa, không làm mà hưởng; cấm tà dâm, trụy lạc (cả tâm dâm và thân dâm); cấm rượu chè, hút chích, ma tuý, cờ bạc, điếm đàn, mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán; cấm gian dối, vọng ngữ, châm chọc, chia rẽ… Tuy nhiên, đến nay giới luật đã có sự phát triển, bổ sung cho phù hợp với quan niệm về thuần phong mỹ tục từng vùng. Từ chức việc (cư sĩ) đến tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đều được tự do để tóc, râu, được dựng vợ gả chồng, đều có gia đình riêng và tự làm ăn, sinh sống.

Về nghi lễ và cách thờ cúng: trong những chùa Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên dựng lên trước đây, không bài trí hình ảnh hay cốt tượng Phật giáo, mà chỉ cho thờ một tấm vải màu đỏ, gọi là Trần Điều được treo trước tường chính điện. Trên bàn thờ bày hoa, nước lã, nhang, đèn, không có chuông, mõ. Theo quan niệm của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì tấm Trần Điều thể hiện tấm lòng từ bi, bác ái, đoàn kết, yêu mến đồng bào, nhân loại.

Ngoài ra, tín đồ còn lập bàn thờ tại gia đình bàn thờ gia tiên có thờ Trần Điều, ngoài sân có bàn thờ Thông Thiên. Cúng lạy 2 lần trong ngày (sáng sớm và chiều tối), cúng lạy gia tiên trước, cúng Tam bảo và sau cùng là cúng lạy tại bàn thờ Thông Thiên.

Các lễ trọng hàng năm, dựa theo Phật giáo gồm: Lễ thượng ngươn (Rằm tháng giêng); Lễ Phật đản; Lễ Vu Lan (Rằm tháng bảy); Lễ Hạ ngươn (Rằm tháng mười). Ngoài ra, còn có các lễ theo tập quán dân tộc, tết Đoan Ngọ và lễ giỗ Phật Thầy Tây Ân (12/8 ÂL).

Do đặc điểm không có chức sắc, không hình thành tổ chức Giáo hội nên đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phát triển theo phương pháp truyền thừa, truyền giảng giáo lý của Thày tổ cho các đệ tử thân tín, hết lớp trước truyền lại cho lớp sau, tùy thuộc vào khả năng truyền giảng và uy tín của các ông Đạo. Vì vậy, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ có chức việc quản tự tại các chùa, không phân chia đơn vị tín đồ làm cơ sở của đạo, cho nên nền tảng tổ chức cơ bản của đạo chính là chùa Bửu Sơn Kỳ Hương bởi vì chùa là tổ chức độc lập, là nơi thờ tự chung của cộng đồng cư sĩ, tín đồ sinh hoạt lễ nghi tôn giáo ở mỗi địa phương do ông Đoàn Minh Huyên hoặc đệ tử của ông dựng lên. Chùa còn là đầu mối điều hành, tổ chức và quản lý mọi hoạt động nghi lễ tôn giáo.

Hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có khoảng 15.000 tín đồ sinh sống tập trung ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre.

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong quá trình hình thành và phát triển, tín đồ của đạo luôn có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc đóng góp nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: , ,