Điều cần biết về tác động của dân số đến đa dạng sinh học

Một loạt các mối quan hệ giữa sự tăng trưởng dân số, mức tiêu dùng, sự biến động của các hệ sinh thái và sự suy thoái loài là rất phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, các nhà sinh học đều cơ bản thống nhất những điểm như sau:

Tác động của dân số đến đa dạng sinh học

Tăng dân số là một trong số những điều kiện xác định kiểu lọai và cường độ các họat động của con người mà gây nên suy thoái đa dạng sinh học. Bản thân kích thuớc dân só là một yếu tố quyết định đến qui mô sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người – nguồn tài nguyên mà các loài khác cũng phụ thuộc vào. Gia tăng dân số, cùng với sự gia tăng mức tiêu dùng tính trên đầu người, đã đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của những hệ sinh thái do con người chi phối/chiếm ưu thế trong đó sự tồn tại của các loài hoang dã thường khan hiếm. Sự gia tăng dân số hiện nay đã khiến cho những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học càng khó khăn, tốn kém hơn và mâu thuẫn với các nhu cầu của con người.

Tăng dân số đã khiến cho nhu cầu về lương thực thực phẩm và nơi ăn, chốn ở tăng lên. Việc tăng cường cung ứng các nhu cầu thiết yếu trên đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Mở rộng sản xuất nông nghiệp và đô thị hóa đóng vai trò rõ nhất trong việc làm suy thoái các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước và góp phần quan trọng vào sự bồi lắng của các con sông và vùng ven biển. Thâm canh nông nghiệp và đô thị hóa còn gây ra ô nhiễm nguồn nước. Và cuối cùng là việc xây dựng các con đập là một trong hai nguyên nhân cơ bản của sự tuyệt diệt các loài nước ngọt (nguyên nhân kia là các loài sinh vật xâm lấn).

Gia tăng dân số và suy thoái Đa dạng Sinh học

Một thực tế rõ ràng là cả con người và các loài động thực vật đều cần đến các nguồn tài nguyên. Do đó, khi con người phát triển đông lên và chiếm cứ nhiều đất đai hơn thì sẽ để lại phần tài nguyên ít hơn cho những loài khác.

Có thể tổng kết mối quan hệ giữa dân số với đa dạng sinh học bằng một số nhận định dưới đây:

Gia tăng dân số là một trong các nguyên nhân sâu xa gây nên thất thoát đa dạng sinh học

Những nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng nguyên nhân sâu xa của thất thoát đa dạng sinh học bao gồm gia tăng dân số, sự di dân đến các khu vực nhạy cảm sinh thái, đói nghèo và bất bình đẳng, các chính sách khuyến khích việc tiêu dùng tài nguyên một cách không bền vững, và thiếu nhận thức đúng đắn về môi trường.

Nhu cầu ngày càng tăng về lương thực, thực phẩm và nhà ở do dân số tăng đã góp phần vào làm suy thoái đa dạng sinh học

Việc chuyển đổi đất rừng và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp cùng với việc sử dụng không có kiểm soát phân bón, thuốc trừ sâu là những yếu tố quan trọng dẫn đến tuỵệt chủng loài, và sự mở rộng đô thị hóa cũng dẫn đến mất mát hay phá vỡ các hệ sinh thái. Sự gia tăng dân số hiện nay tại các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học, do cả tăng tự nhiên lẫn do di cư, đã khiến cho những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng khó khăn và mâu thuẫn với nhu cầu của con người.

Mật độ dân số có mối liên quan chặt chẽ đến sự suy thoái và mất mát các nơi cư trú của sinh vật, và sự mất mát này là cao nhất ở những nơi có dân cư đông đúc nhất

Một nghiên cứu gần đây về mật độ dân số và sự mất nơi cư trú đã chỉ ra rằng trong số 50 quốc gia không có sa mạc ở châu Á và châu Phi, thì tại mười quốc gia đông dân nhất đã mất đi trung bình là 79% sinh cảnh của các loài. Mật độ dân cư trung bình ở các nước này là 2.687 người trên một km2. Mười quốc gia có dân số thấp nhất thì mất đi khoảng 47% diện tích nơi cư trú của các loài và mật độ dân số trung bình tại đây chỉ có 95 người/km2.

Gia tăng dân số đang là sức ép lớn nhất tại các khu vực giàu có về đa dạng sinh học

Hơn 1,1 tỷ người hiện đang sống tại 25 điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới.

Các nhà sinh học cho rằng các điểm nóng đa dạng sinh học có tính toàn cầu là những khu vực đang bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới. Nghiên cứu của tổ chức Hành động Quốc tế về Dân số (Population Action International) đã chứng minh rằng các điểm nóng là nơi sinh sống của chừng khoảng 20% dân số toàn cầu, mặc dù ranh giới của những vùng này chỉ chiếm khoảng 12% diện tích bề mặt trái đất. Dân số vẫn đang tiếp tục tăng tại tất cả các điểm nóng đa dạng sinh học (trừ điểm nóng tại vùng biển ngoài khơi Thái Bình Dương). Có tới 19 trên tổng số 25 điểm nóng đa dạng sinh học có tốc độ tăng dân số ở mức 1,8%, nhanh hơn tốc độ tăng dân số trung bình của thế giới (1,3%).

Bên cạnh các điểm nóng về đa dạng sinh học, các nhà khoa học còn phân ra những vùng hoang dã nhiệt đới chính hiện còn tồn tại trên thế giới. Đó là vùng Thượng Amazon và Guyana ở Nam Hoa Kỳ, lưu vực sông Congo ở châu Phi và quần đảo Tân Ghinê/Melanesia nằm giữa châu á và Australia. Chừng khoảng 75 triệu người đang sinh sống tại những cánh rừng đang bị đe dọa suy thoái này. Và tốc độ tăng dân số trung bình tại những khu vực này lớn gần gấp 2,5 lần tốc độ tăng dân số trung bình trên thế giới.

Tại các điểm nóng đa dạng sinh học thuộc các quốc gia phát triển, sự di dân đang là một nguyên nhân quan trọng gây nên gia tăng dân số. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra tại các vùng có tính độc đáo về sinh học ở California, Florida, Hawaii, tây nam Australia và New Zealand. Hầu hết sự di cư gây tác động đến các điểm nóng đa dạng sinh học là di cư nội tại – tức là người dân chuyển đến những nơi có khí hậu ấm áp hơn và dến các vùng duyên hải trong phạm vi nước mình. Tuy nhiên, dòng di cư từ các nước đang phát triển cũng góp phần vào sự gia tăng dân số tại các vùng này trong vòng nửa thập kỷ qua.

Quần thể loài người đã vượt quá ngưỡng chịu đựng sinh thái

Dựa vào các tính toán so sánh mối tương quan giữa kích thước cơ thể với diện tích nơi cư trú, các nhà khoa học đã thấy rằng quần thể loài người hiện đã lớn gấp 30 lần giá trị dự kiến. Chúng ta đã bước vào thời kỳ mà số lượng người, mức tiêu thụ trên đầu người và những ứng dụng của công nghệ đã làm biến đổi các quá trình địa lý và khí hậu toàn cầu.

Sự gia tăng dân số song hành với sự gia tăng của các loài vật nuôi cây trồng

Người ta ước tính rằng tổng trọng lượng của 10 tỷ động vật nuôi trên thế giới lớn gấp 2 lần tổng trọng lượng của toàn nhân loại. Cả con người và các loài vật nuôi cùng có tốc độ tăng số lượng quần thể tương tự nhau. Vật nuôi và cây trồng cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn và nơi cư trú. Chất thải gia súc và tồn dư của phân bón, thuốc trừ sâu là nguồn gây ô nhiễm đáng kể đối với sông ngòi và các hệ sinh thái biển và ven bờ.

Trái đất đang trải qua sự suy giảm đáng quản ngại của tính đa dạng gen di truyền

Các hợp chất có nguồn gốc thực vật đang chiếm một phần tư tổng các loại dược phẩm hiện nay. Việc chuyển đổi đất sang các mục đích sử dụng khác nhau của con người như canh tác nông nghiệp, phát triển đô thị và khu công nghiệp, cùng với sự du nhập vô tình cũng như có chủ đích các loài ngoại lai, đang là hai nguyên nhân quan trọng nhất hiện nay khiến cho các loài thực vật bị tuyệt chủng. Hơn nữa, dân số đông đúc và sự di chuyển dễ dàng của con người từ nơi này sang nơi khác đã tạo điều kiện cho các loại bệnh truyền nhiễm rất dễ bùng phát trong khi các nguồn hợp chất để bào chế ra thuốc lại đang bị mất dần.

Càng ngày các vi sinh vật gây bệnh, các loài chuột, bọ gây hại và các loại cỏ dại càng thích nghi với những hệ sinh thái do con người tạo ra hay làm biến đổi đi. Danh sách ngày một dài thêm các bệnh nguy hiểm của con người là một minh chứng cho nhận định trên. Một số bệnh, trong đó điển hình có virus HIV, Ebola và cúm gà, đã được khẳng định là dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang con người.

Với những sức ép lớn lao kể trên của dân số đến tính đa dạng sinh học, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ổn định và thậm chí giảm bớt qui mô dân số. Hiển nhiên, bản thân việc giảm dân số không đủ để ngăn chặn làn sóng tuyệt chủng các loài. Cần phải có những chương trình sâu rộng hơn nhằm vào việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo công bằng trong xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường theo hướng bền vững, bảo vệ các nơi cư trú giàu tính đa dạng sinh học, ngăn chặn sự xâm lấn của các loài ngoại lai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các hoạt động công nông nghiệp và làm giảm bớt những biến đổi khí hậu do con người gây ra. Tất cả những nỗ lực trên không những sẽ bảo vệ được các hệ sinh thái giàu loài mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của các thế hệ mai sau.

Theo BIODIVN.COM

Tags: , ,