7 mối liên hệ giữa rừng và khí hậu

Báo cáo đặc biệt của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu) về biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, suy thoái đất, quản lý bền vững đất đai, an ninh lương thực và các dòng khí nhà kính trong hệ sinh thái trên cạn được công bố vào tháng 8/2019. Bạn sẽ không thấy bất kỳ tham chiếu nào về “rừng” hay “phá rừng” trong tiêu đề Báo cáo. Ở phần Tóm tắt, rừng tiếp tục bị “cuốn” vào các phạm trù rộng hơn về suy thoái đất và quản lý đất bền vững, do đó che khuất một trong những chiến lược quan trọng nhất cho cả vấn đề giảm thiểu và thích ứng khí hậu: bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới.

7 mối liên hệ giữa rừng và khí hậu

Tuy nhiên, Báo cáo xác nhận rất nhiều điều chúng ta đã biết về mối quan hệ giữa rừng nhiệt đới và biến đổi khí hậu cũng như tiết lộ một số khía cạnh khoa học tương đối mới về cách rừng tương tác với khí quyển. Dưới đây là các tóm tắt:

1. Phá rừng không phải là “thủ phạm” duy nhất đóng góp đáng kể vào vấn đề phát thải khí nhà kính hiện nay và bảo vệ, phục hồi rừng có thể đóng một vai trò đặc biệt trong giải pháp

Trong Báo cáo của IPCC về nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác, phá rừng và suy thoái đất than bùn góp phần lớn vào 13% tổng lượng khí thải CO2 do con người gây ra. Nhưng vì các khu rừng đang phát triển cũng là bồn chứa các-bon nên con số ròng này – là kết quả của khấu trừ sự cô lập khỏi tổng phát thải – ẩn đi vai trò tiềm tàng của chúng trong giảm thiểu. IPCC kết luận với “mức độ tin cậy cao” rằng tiềm năng giảm phát thải từ giảm nạn phá rừng gần bằng với tổng phát thải từ lĩnh vực đất đai nói chung, tức giảm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải toàn cầu. Theo Báo cáo, “giảm tỷ lệ phá rừng và suy thoái rừng là một trong những lựa chọn hiệu quả và mạnh mẽ nhất để giảm thiểu biến đổi khí hậu với lợi ích giảm thiểu lớn ở cấp độ toàn cầu”.

2. Cải thiện quản lý các khu rừng trên thế giới là một chiến lược giảm thiểu đúng đắn và điều này cũng rất quan trọng với nhiệm vụ thích ứng cũng như các Mục tiêu phát triển bền vững

Quả thật, theo Báo cáo, quản lý rừng được cải thiện là một trong 9 lựa chọn đối ứng (trong tổng số 40 lựa chọn) với lợi ích đạt được từ trung bình đến to lớn cho toàn bộ 5 thách thức được báo cáo nêu ra: giảm thiểu, thích ứng, sa mạc hóa, suy thoái đất và an ninh lương thực. Giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng cũng là một trong 5 phương án đối ứng mang lại tiềm năng giảm thiểu lớn để giải quyết các thách thức khác mà phải không mạo hiểm đánh đổi. Báo cáo cũng lưu ý bảo tồn – phục hồi rừng và đất than bùn cùng các lựa chọn không cần thay đổi mục đích sử dụng đất mang lại những tác động tích cực cho phát triển bền vững như giảm nghèo đói và tăng cường sức khỏe, nước sạch và vệ sinh.

3. Trồng rừng dẫn đến sự thay đổi việc sử dụng đất phải được tiếp cận một cách chọn lọc hơn

Mặc dù việc tăng độ che phủ cây xanh có tác dụng lưu trữ nhiều các-bon hơn, tuy nhiên, các sáng kiến trồng rừng và tái trồng rừng cũng có thể làm tăng cạnh tranh đất đai và gây ra hậu quả bất lợi cho các Mục tiêu phát triển bền vững. Ví dụ, IPCC cảnh báo trồng rừng quy mô lớn có thể làm tăng giá thực phẩm, từ đó đe dọa tới an ninh lương thực.

4. Tác động của thay đổi độ che phủ rừng đối với khí hậu cục bộ của các khu vực xung quanh có thể còn quan trọng hơn các tác động toàn cầu

Mặc dù tập trung thích đáng cho việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris, song IPCC cũng cảnh báo chúng ta nên chú ý đến các tác động của rừng đối với nhiệt độ và lượng mưa địa phương cũng như khu vực, ví dụ, Báo cáo cho thấy các khu rừng luôn giảm được hiện tượng nhiệt độ cực đoan. Thật hấp dẫn khi nghĩ đến hiệu ứng này trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục gần đây ở châu Âu (trồng nhiều cây ở Paris!), hãy tưởng tượng phá rừng có ý nghĩa thế nào đối với những người sống ở vùng nhiệt đới, nơi nhiệt độ nóng hơn và tiếp cận với chăm sóc sức khỏe hạn chế hơn.

5. Các tác động của rừng đối với khí hậu không chỉ là vấn đề khí nhà kính

Báo cáo của IPCC giải thích cách rừng ảnh hưởng đến khí hậu địa phương, khu vực và toàn cầu thông qua nhiều con đường, ngoài lưu trữ các-bon. Phá rừng có thể góp phần làm ấm hoặc làm mát qua thay đổi hiệu ứng albedo (hoặc lượng ánh sáng mặt trời phản chiếu); giảm bốc hơi nước – ảnh hưởng đến làm mát không khí; ảnh hưởng đến việc giải phóng các sol khí và các hợp chất hữu cơ sinh học dễ bay hơi vốn ảnh hưởng đến sự hình thành mây; và thay đổi độ gồ ghề của bề mặt trái đất có thể ảnh hưởng đến tốc độ gió. Một hình ảnh hữu ích minh họa các hiệu ứng này có thể được tìm thấy trong Báo cáo Rừng nhiệt đới và Biến đổi khí hậu: Khoa học mới nhất.

Sự kết hợp và tương tác của các yếu tố này rất phức tạp. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào quy mô xáo trộn rừng, vĩ độ, tính thời vụ và các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm sẵn có và tuyết phủ, đặc biệt, các điều kiện này cũng sẽ thay đổi theo thay đổi của khí hậu.

Các mô hình hệ thống trái đất không đồng nhất về quy mô hoặc thậm chí hướng đi của sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu do các tác động kết hợp hóa sinh và lý sinh của nạn phá rừng, nhưng nhìn chung, ảnh hưởng của chúng có thể bị chi phối bởi phát thải khí nhà kính.

6. Jimmy Buffett đã đúng: Vấn đề vĩ độ

Lời bài hát của Buffett rằng với những thay đổi về vĩ độ thì “không gì còn giống hệt như trước”. Theo Báo cáo của IPCC, điều đó cũng đúng với tác động của nạn phá rừng thông qua các hiệu ứng phi khí nhà kính được mô tả ở trên. Ở vùng cực bắc có vĩ độ cao, nạn phá rừng gây ra hiện tượng làm mát vì hiệu ứng albedo chi phối – ở các cảnh quan không có cây xanh, tuyết phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời; vỏ cây hấp thụ bức xạ nhiệt. Ở vùng ôn đới, mất rừng gây ra hiện tượng ấm lên, mặc dù hiệu ứng biến thiên nhiều hơn. Phá rừng ở vùng nhiệt đới rõ ràng dẫn đến sự ấm lên, trong khi tái trồng rừng/trồng rừng sẽ dẫn đến hiện tượng làm mát với các hiệu ứng lý sinh khuếch đại các hiệu ứng phát thải vốn đã rất đáng kể.

7. Bản thân rừng đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

Sự tương tác giữa rừng và khí hậu không chỉ là một chiều. Báo cáo của IPCC mô tả sức khỏe và chức năng của từng cây và các hệ sinh thái rừng đa dạng bị ảnh hưởng bởi gia tăng tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt.

Rừng cũng dễ bị tổn thương bởi các loại sâu bệnh mới nở rộ ở nhiệt độ ấm hơn. Nhưng tác động đáng kể nhất của biến đổi khí hậu tới rừng là tăng thêm khả năng dễ bị tổn thương với hỏa hoạn do mùa cháy và hạn hán kéo dài hơn, kết hợp với tình trạng phá rừng và suy thoái rừng.

Hỏa hoạn là nguồn phát thải quan trọng ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là khi chúng diễn ra trong các khu rừng nhiệt đới giàu các-bon như ở Indonesia và Brazil.

Vậy chúng ta nên làm gì?

Báo cáo mới cho thấy rõ rằng rừng là một phần của hệ thống khí hậu: Rừng ảnh hưởng đến khí hậu trên quy mô lớn và qua nhiều con đường; biến đổi khí hậu tác động đến rừng và có thể làm trầm trọng thêm nạn suy thoái rừng; còn con người góp phần vào cả hai phía thông qua quản lý rừng và thay đổi độ che phủ rừng. Vấn đề chính là bảo tồn các khu rừng nhiệt đới thậm chí còn quan trọng hơn chúng ta nghĩ trước đây, cả về làm mát khí hậu toàn cầu và mang lại các lợi ích khác cho khí hậu địa phương.

Có nhiều chiến lược để bảo vệ rừng và đặc biệt là chấm dứt nạn phá rừng nhiệt đới. Những phát hiện của Báo cáo IPCC – rõ ràng hoặc ngầm định – gợi ý các cách sau:

• Hỗ trợ các quốc gia còn nhiều rừng giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng với trọng tâm bảo vệ các hệ sinh thái giàu các-bon, khó thay thế, cung cấp nhiều lợi ích chung, chẳng hạn rừng nguyên sinh, than bùn và rừng ngập mặn. Nhiều quốc gia đã đưa các mục tiêu liên quan đến rừng vào kế hoạch khí hậu, được gọi là đóng góp được xác định ở cấp độ quốc gia (NDC); những nỗ lực của các nước này cần được hỗ trợ và thành công của họ cần được tưởng thưởng bằng nguồn tài chính phù hợp với khuôn khổ REDD + của UNFCCC, vốn đã kích thích đầu tư vào sử dụng đất bền vững.

• Giảm cạnh tranh đất: Nhất quán với Báo cáo Tài nguyên Thế giới gần đây, IPCC xác định các hành động như tăng năng suất nông nghiệp, giảm tổn thất và lãng phí lương thực là chiến lược “đúng đắn” để giảm phá rừng trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu bù đắp an ninh lương thực và khí hậu.

• Công nhận vai trò quản lý rừng của người dân bản địa: IPCC xác định kiến thức và thực tiễn bản địa là những đóng góp quan trọng cho khả năng phục hồi khí hậu. Báo cáo kết luận rằng việc tăng quền sở hữu cho các cộng đồng bản địa sẽ có kết quả quản lý rừng tốt hơn, đặc biệt là trao quyền cho họ để loại trừ các chủ thể bên ngoài đang tìm cách chiếm đoạt đất đai và tài nguyên của họ. Những phát hiện này đặc biệt phù hợp với Báo cáo gần đây của Global Witness về các nhà bảo vệ môi trường cho thấy “trung bình, mỗi tuần của năm 2018 có hơn ba nhà hoạt động bị giết vì bảo vệ đất đai của họ khỏi sự xâm chiếm của các ngành công nghiệp như khai khoáng, khai thác gỗ và sản xuất công-nông nghiệp”.

• Giảm phát thải từ nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức: Bản thân rừng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, do đó, thiếu sự tiến bộ trong việc giảm phát thải từ các nguồn khác sẽ làm tăng nhu cầu bù đắp dựa vào rừng đồng thời làm suy yếu tiềm năng của rừng. Đầu tư vào rừng và các lựa chọn giảm thiểu lĩnh vực đất đai chỉ có thể hiệu quả khi là một phần của cả hai / và chiến lược để giữ cho hành tinh này mát mẻ.

Theo BAOVEMOITRUONG.GOV.VN

Tags: ,