⠀
Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Ngay sau khi thành lập chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, bộ phận Điện – Nhiếp ảnh được tổ chức nằm trong Bộ Thông Tin – Tuyên Truyền.
Vì thiếu thốn trang bị kĩ thuật, hoạt động chủ yếu của bộ phận này là tổ chức đoàn chiếu phim lưu động chiếu ở những nơi công cộng và lập toa xe Điện ảnh đi chiếu phim dọc Quốc lộ I từ Bắc vào Nam với một máy chiếu Débri 16 mm và hai bộ phim tài liệu về phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Pháp do Việt kiều gửi về tặng.
Tại các thành thị, mạng lưới các rạp chiếu bóng do người Pháp và Hoa kiều làm chủ tiếp tục chiếu các phim của Pháp và các nước đồng minh sản xuất.
Thời gian này, tại Pháp, nhà quay phim Mai Trung Thứ cùng Việt kiều hướng về Tổ quốc tổ chức nhóm điện ảnh Sao Vàng, quay được nhiều phim tài liệu có giá trị như: Hồ Chủ Tịch tại Pháp. Hội nghị Phông – te – nơ – blô, Sinh hoạt của 25.000 Việt kiều tại Pháp (hoặc Phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Pháp).
Sau khi cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hoạt động điện ảnh được tổ chức đầu tiên tại các chiến khu Nam Bộ. Năm 1947, Điện ảnh Khu 8 bắt đầu hoạt động, tiếp đến là Tổ Xi-nê Khu 9 và Điện ảnh Khu 7 được thành lập. Các nhà điện ảnh đầu tiên: Mai Lộc, Khương Mễ, Lê Minh Hiền, Tô Cương, Nguyễn Hiền, Nguyễn Thế Đoàn, Nguyễn Phụ Cấn, Vũ Sơn… phải bí mật lặn lội vào Sài Gòn mua máy móc, phim nhựa, hóa chất, tổ chức quay phim ngay tại các chiến trường và trong chiến khu, dùng guồng tự tạo in tráng phim trong buồng tối đặt trên các ghe xuồng lưu động, dưới hầm sâu hoặc trong những cái lu to. Từ năm 1948 đến 1951, các cơ sở điện ảnh trên sản xuất được hàng chục bộ phim có giá trị tư liệu lớn, trong đó Trận Mộc Hóa (1948) là bộ phim tài liệu kháng chiến đầu tiên của Việt Nam do Điện ảnh Khu 8 xây dựng hoàn toàn mọi khâu, từ quay, in tráng đến phổ biến cho bộ đội và nhân dân xem, mở đầu cho quá trình hình thành nền Điện ảnh dân tộc. Tiếp đó, Điện ảnh Khu 8 thí nghiệp làm bộ phim phổ biến khoa học đầu tiên: Bệnh lợn đóng dấu.
Đầu năm 1951, do tình hình chiến sự lan rộng, điện ảnh ba khu 7, 8, 9 nhập lại thành Điện ảnh Nam Bộ, tiếp tục quay các phim ngắn và làm bộ phim thể nghiệm Đả Đảo Đế quốc dài 150 m phim 160mm gồm đủ các yếu tố phim truyện, tài liệu, hoạt họa.
Cuối năm 1951, quân đội Pháp càn quét liên tục để củng cố Nam Bộ, điện ảnh phải phân tán về các tỉnh, số lớn các nhà làm phim sau đó ra Việt Bắc quay phim và mang phim ra chiếu.
Tại vùng rừng núi phía Bắc, hoạt động điện ảnh gặp nhiều khó khăn hơn ở Nam Bộ. Chiến khu ở xa các đô thị, không thuận lợi cho việc mua sắm trang thiết bị, phim nhựa. Năm 1950, Phan Nghiêm cải tiến máy chiếu Paillard Bolex cũ thành máy quay phim, quay được bộ phim tài liệu 16 mm đầu tiên ở Việt Bắc, Trận Đông Khê với những ảnh tư liệu quý giá: đồn Đông Khê cháy dưới hoả lực đại bác của ta, những tên giặc từ hầm nghầm giơ tay ra hàng v.v… Tiếp đó, là đến phim Trao đổi tù binh ở Thất Khê.
Năm 1951, sau chiến dịch Biên Giới, đường thông thương với quốc tế được mở. Phan Nghiêm mang những phim mới quay xong sang Berlin (CHDC Đức) dự LIên hoan Thanh Niên Thế Giới và quay bộ phim tài liệu Hoạt động của đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tại Đại hội Liên Hoan Thanh Niên Thế Giới tại Berlin.
Thời gian này, các nhà điện ảnh Nam Bộ được cử ra Bắc đã quay được những tư liệu lịch sử về Đại Hội II của Đảng và những sinh hoạt của Hồ Chủ Tịch trên chiến khu Việt Bắc.
Với ba bộ máy chiếu và những bộ phim của Liên Xô, Trung Quốc, Tiếp Khắc gửi tặng cùng các máy chiếu, máy nổ chiến lợi phẩm, các đội chiếu lưu động được thành lập và hoạt động trong các vùng tự do không bị quân Pháp chiếm đóng.
Năm 1952, đạo diễn Mai Lộc thực hiện bộ phim tài liệu Chiến Thắng Tây Bắc là phim 35 mm đầu tiên, dài 8 cuốn, mở đầu cho những phim có nội dung khái quát từng giai đoạn chiến đầu lớn. Tiếp đó, đoàn làm phim tài liệu màu Việt Nam trên đường thắng lợi của Liên Xô do đại diễn R. Carmen dẫn đậu, đã giúp đỡ các bạn đồng nghiệp Việt Nam nhiều kinh nghiệm để xây dựng những phm tài liệu nghệ thuật có quy mô lớn.
Ngày 15/3/1952, trên chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh Nghiệp Quốc Gia Chiếu Bóng và Chụp Ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh Điện ảnh Việt Nam với tư cách một tổ chức Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng và quản lý hoạt động điện ảnh một các tập trung, toàn diện trong cả nước, hoàn chỉnh quá trình hình thành điện ảnh dân tộc được mở đầu từ bộ phim Trận Mộc Hóa của điện ảnh Nam Bộ.
Cơ sở đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam đặt tại đồi Cọ của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với những buồng tối đống bằng ván, đặt những guồng tráng phim thủ công bằng gỗ. Tại đây, Phan Nghiêm đã nghiên cứu , mầy mò, chế biến một máy chiếu phim 16 mm cũ thành máy in phm và thu lượm các chi tiết máy cũ, vỏ đồ họpp chế tạo thành máy ghi âm quang tính, mởi đầu cho loạt máy mang tên Tự Cường do anh chế tạo. Phim tài liệu 16 mm Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ I là phim đầu tiên được ghi lời thuyết minh và âm nhạc bằng máy Tự Cường I. Do phòng Thu tiếng được trang bị cách âm sơ sài, có thể nghe thấy tiếng muông thú và côn trùng của núi rừng Việt Bắc lẫn trong phần tiếng của phim. Bộ phim thứ hai được ghi âm bằng máy Tự Cường I là Giữ làng giữ nước quay năm 1953. Đạo diễn Mai Lộc và các nhà quay phim Quang Huy, Trần Quốc Ân đã khái quát một đề tài lớn: cuộc chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm ở tả ngạn sông Hồng. Cảnh du kích đánh mìn diệt đoàn tàu hỏa quân sự chở xăng dầu Pháp được quay trực tiếp tại trận, được giới điện ảnh trong và ngoài nước đánh giá cao.
Thành công lớn, tiêu biểu cho sự trưởng thành của điện ảnh Việt Nam là phim tài liệu Điện Biên Phủ (1954) do một tập thể lớn các nhà điện ảnh đầu tiên của ta thực hiện, có giá trị cao về mặt tư liệu, về nghệ thuật chính luận, khái quát được hình ảnh cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ của quân và dân Việt Nam dẫn tới thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong vùng Pháp tạm chiếm từ 1945 – 1954, quân đội Pháp có tổ chức chiếu bóng lưu động và làm phim thời sự, tài liệu tuyên truyền cho chính sách của Pháp tại Đông Dương. Các rạp chiếu bóng đều chiếu phim của Pháp, Mĩ và một số nước khác.
Một số tư nhân bỏ vốn, mời đạo diễn và quay phim Hồng Kông về làm được một số phim truyện như Kiếp Hoa, Nghệ thuật và Hạnh phúc, Phạm Công Cúc Hoa… nhưng cũng như Cánh Đồng Ma, Trận phong ba thời Pháp thuộc trước đây, đều lệ thuộc vào các thành phần sáng tác chính và cơ sở vật chất – kĩ thuật của nước ngoài, nên không có tiếng vang trong và ngoài nước.
Theo PHẠM NGỌC TRƯƠNG / ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM
Tags: Kháng chiến chống Pháp, Điện ảnh, Việt Nam giai đoạn 1945-1954