Điện ảnh kinh dị và bạo lực: Đứa con quái thai của văn minh nhân loại

Một tác phẩm điện ảnh nhất thiết phải đem niềm vui thực sự cho người trẻ, chứ không phải là sợ hãi hay bạo lực. Nền tảng của điện ảnh là đem con người xích lại gần nhau, chứ không phải là khiến con người xa nhau.

Điện ảnh kinh dị và bạo lực: Sản phẩm quái thai của nền văn minh nhân loại

Tác giả: Minh Thạnh, nhà nghiên cứu Phật học ứng dụng.

Bằng những cảnh tượng kinh hoàng và rùng rợn, nhiều người trẻ tìm kiếm sự kinh sợ giả tạo bằng điện ảnh kinh dị và bạo lực trên màn ảnh. Hàng ngàn bộ phim kiểu này ra đời thu hút không biết bao nhiêu người trẻ và họ thưởng thức những bộ phim như vậy để đưa mình vào thế giới đầy kinh dị và bạo lực và bản thân họ bị tưới tẩm những hạt giống kinh dị và bạo lực mà họ không biết.

Xem phim là để giải trí nhưng họ lại mang đến cho mình sự sợ hãi, căng thẳng, hơi thở gấp gáp trong suốt quá trình xem và cả sau khi xem. Có người còn không dám đi vệ sinh một mình chỉ vì xem bộ phim kinh dị. Có người bắt chước hành vi bạo lực trong phim để chứng minh cái kiểu anh hùng rơm. Cách thức hưởng thụ các mối nguy hiểm rình rập là cách thức làm sống dậy lối sống sáo mòn đầy chán nản của người trẻ. Họ đánh giá bộ phim sau có kinh dị bằng hay bạo lực bằng những bộ phim bạo lực trước.

Sự lừa dối bản thân bằng những pha nguy hiểm theo kiểu kỹ thuật điện ảnh đưa họ vào thế giới ảo với nỗi sợ hãi ảo cùng bạo lực ảo. Nhưng càng ngày càng tưới tẩm những hạt giống như thế thì vô hình chung sẽ ăn sâu vào tiềm thức của người trẻ và biến họ thành nạn nhân. Không biết có bao nhiêu tội ác được gây ra do bắt chước cho giống phim ảnh. Hưởng thụ cảm giác kinh dị và bạo lực được dẫn dắt từ cái tâm thèm muốn kinh dị và bạo lực, sự chấn động về tâm lý hay cảm giác hưng phấn khi chứng kiến sự kinh dị bạo lực.

Thế giới ảo của điện ảnh bạo lực đã đi vào thế giới thực và biến thế giới thực thành thế giới đầy bạo lực. Nó có thể tạo nên sự rối loạn về tinh thần hay tim mạch cho người xem và nhiều khi hoang tưởng về những sự nguy hiểm hoang đường không thực sự có. Số lượng người phạm tội vì hành động bạo lực do phim ảnh ngày càng trẻ hóa.

Những chương trình được cho là điều kỳ thú như nuốt rắn sống hay sống chung với bò cạp, đóng đinh vào thân người hay cho xe cán qua được ca tụng như trò anh hùng nhưng thực chất đó là trò đầy bạo lực, có tác động không nhỏ đến tâm lý trẻ em. Nhiều bộ phim bạo lực đã nguỵ biện thành tên khác là phim hành động. Phim hành động cũng chỉ là biến tướng của phim bạo lực mà thôi.

Tác giả có nghe một người trẻ tuyên bố rằng thật là sướng con mắt khi được xem cảnh đánh võ thuật rùm beng trên phim. Sự đam mê bạo lực do tác hại của điện ảnh bạo lực mang lại làm giảm giá trị con người và đóng góp vào việc thực hiện hành vi của người trẻ trong đời sống hàng ngày của họ. Người nghiện loại phim này trở nên nóng nảy, hay gắt gỏng, suy nghĩ đầy bạo lực và hận thù, thậm chí dẫn đến chán nản và tuyệt vọng, đồng thời họ tôn thờ những thần tượng ảo trong phim ảnh và dùng những lời nói của các nhân vật trong phim đó làm kim chỉ nam cho lối sống của họ.

Điện ảnh ra đời là để đưa con người đến chân thiện mỹ cho nên điện ảnh cần phải phục vụ cho mục tiêu đó. Người có ý thức xây dựng bộ phim có tính giáo dục, có tính nhân bản, có tính bảo vệ trẻ em, có tính xây dựng nền tảng yêu thương và tạo dựng đoàn kết xã hội, là người biết xây dựng hòa bình; còn người lạm dụng điện ảnh để đưa con người vào những phiêu lưu mạo hiểm không đáng có, chém giết bạo loạn, đồi truỵ và buông thả ngôn từ, lên án hay chỉ trích, kích động kinh dị bạo lực làm hại môi trường làm hại trẻ em thì người này là kết quả của tội ác chiến tranh.

Những bộ phim kinh dị bạo lực là thứ chất độc hóa học làm ô nhiễm môi trường của người trẻ và làm băng hoại đạo đức xã hội, cho nên thiết tưởng giải thưởng Oscar hay giải thưởng Cannes không nên trao tặng bất cứ danh hiệu nào cho những loại phim như vậy.

Một tác phẩm điện ảnh nhất thiết phải đem niềm vui thực sự cho người trẻ, chứ không phải là sợ hãi hay bạo lực. Nền tảng của điện ảnh là đem con người xích lại gần nhau, chứ không phải là khiến con người xa nhau. Các đề tài về gia đình, bạn bè, học đường dựa trên việc xây dựng tình thương cần phải đưa vào điện ảnh và cần được quảng bá, còn những bộ phim mang tính ảo tưởng kích động những hạt giống bất thiện thì không nên sản xuất. Người chiến binh chỉ xem những bộ phim lành mạnh vì anh ý thức rằng xem phim là để khoẻ mạnh thân tâm, không phải để nhọc nhằn thân tâm.

Theo ĐÀM LINH THẤT

Tags: , ,