⠀
Điện ảnh Cách mạng Việt Nam – Những bước đi theo dòng lịch sử
Nói về đặc trưng của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, có thể khẳng định là hiếm có nền điện ảnh nào khác trên thế giới có thể bám sát từng bước đi, thậm chí ở trong lòng mọi sự kiện lịch sử của dân tộc như vậy!
Bài viết của TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh).
Ngay từ những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám (8.1945), Chính phủ Cách mạng Việt Nam đã tổ chức một bộ phận “Điện ảnh – Nhiếp ảnh” nằm trong Bộ Thông tin Tuyên truyền. Những thước phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã được ghi lại từ năm 1946 bởi các nhà điện ảnh hoạt động tại Khu 7, Khu 8, Khu 9 – Bưng biền Nam Bộ và khu Đồi Cọ – Thái Nguyên thuộc Chiến khu Việt Bắc. Những “đứa con đầu lòng” của điện ảnh Việt Nam là những bộ phim tài liệu được ra đời từ hai “trung tâm” điện ảnh đầu tiên ấy. Những thước phim vô cùng quý giá về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân được ghi lại trong những bộ phim tài liệu mà nay đã trở thành nhân chứng lịch sử (Trận Mộc Hoá, Chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, Chiến dịch La Ban – Cầu Kè, Chiến thắng Đông Khê, Chiến thắng Tây Bắc…). Từ đây, tên tuổi của các bậc tiền bối điện ảnh như Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền… (Bưng biền); Nguyễn Hồng Nghi, Tiến Lợi, Phạm Văn Khoa, Phan Nghiêm, Hoàng Thái, Phan Trọng Quỳ, Vũ Phạm Từ… (Đồi Cọ) đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” – một tổ chức Điện ảnh Nhà nước của Chính quyền Trung ương.
Điện ảnh thời kỳ chiến tranh
Trong những năm chiến tranh, sinh hoạt điện ảnh trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống, chiến đấu của nhân dân. Mỗi bộ phim ra đời đều được người xem chào đón nồng nhiệt, bởi đó là nguồn động viên to lớn, giúp người ta vượt qua những gian nan, nguy hiểm của chiến tranh. Hoàn cảnh lịch sử đã tạo điều kiện cho sự thành công của thể loại phim tài liệu với hàng chục bộ phim được giải thưởng Vàng tại các LHPQT như Đầu sóng ngọn gió, Du kích Củ Chi, Đường ra phía trước, Những cô gái Ngư Thủy, Trận địa mặt đường, Luỹ thép Vĩnh Linh, Những người săn thú trên núi Đắc Sao, Làng nhỏ ven sông Trà…
Cái mốc quan trọng đầu tiên của phim truyện cách mạng Việt Nam là sự ra đời của bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông năm 1959 gắn với sự hình thành của Xưởng phim truyện Việt Nam. Nhiều bộ phim giai đoạn này có sự chuẩn mực của mỗi khuôn hình, sức biểu cảm của hình ảnh và cách dàn dựng hợp lý và thuyết phục như Vợ chồng A Phủ, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17 – ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Bên cạnh các phim về chiến tranh, một số phim thành công với đề tài xây dựng miền Bắc XHCN như Chuyện vợ chồng anh Lực, Đến hẹn lại lên…
Ngày 9/11/1959 – khai giảng lớp học vẽ phim hoạt hình tại Hà Nội và ngày này được lấy làm ngày thành lập ngành hoạt hình Việt Nam. Bộ phim hoạt hoạ đầu tiên “Đáng đời thằng cáo” ra mắt vào tháng 6/1960. Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của phim hoạt hình Việt Nam là những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt: từ 1965 đến 1975. Trong hoàn cảnh khó khăn dưới những mái lá nơi sơ tán, các nhà làm phim hoạt hình vẫn cho ra đời những tác phẩm trở thành đỉnh cao của hoạt hình VN như Chuyện ông Gióng, Mèo con, Con sáo biết nói, Kặm Phạ Nàng Ngà, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Con khỉ lạc loài…
Điện ảnh thời kỳ hậu chiến
Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 (30/4/1975) đã thống nhất đất nước sau hơn 20 năm chia cắt, bắt đầu một cuộc sống hoà bình. Lần đầu tiên, đề tài chiến tranh nhường chỗ cho đề tài xã hội trở thành trọng tâm phản ánh.
Một số bộ phim tâm lý xã hội được xem như đại diện cho giai đoạn này là Chuyến xe bão táp và Những người đã gặp, Về nơi gió cát và Xa và gần. Ngày lễ thánh… Đề tài lịch sử cách mạng được xây dựng công phu trong Sao tháng Tám, các tác phẩm văn học hiện thực phê phán được đưa lên màn ảnh trong Chị Dậu và Làng Vũ Đại ngày ấy, cuộc sống Sài Gòn được thể hiện mạnh bạo trong Mối tình đầu, Tội lỗi cuối cùng.
Đối với đề tài chiến tranh, các tác giả cũng có cách thể hiện khác: họ dường như đã có đủ thời gian đánh giá, suy ngẫm về những cái cao cả, thiêng liêng, anh hùng, nhìn nhận lại cuộc chiến một cách sâu sắc hơn. Một số phim có tính hình tượng, tính khái quát cao: Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chuyện cổ tích cho tuổi 17…
Thực tế cuộc sống đòi hỏi người làm phim tài liệu không chỉ phản ánh kịp thời và trung thực những sự kiện lịch sử như thời chiến mà phải đi sâu phân tích hiện thực, phát hiện những vấn đề xã hội… nhưng không phải nhà làm phim nào cũng có thể làm được. Hai bộ phim thành công trong giai đoạn này là Đường dây lên sông Đà và Hà Nội trong mắt ai.
Phim hoạt hình sau ngày đất nước thống nhất có “đua nở” cả ở miền Nam và miền Bắc, số lượng phim tăng, đề tài và thể loại phim cũng phong phú hơn.
Điện ảnh thời kỳ đổi mới
Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, ở một số bộ phim truyện đã manh nha những cái mới, những sự đột phá trong cách nhìn, cách phản ánh xã hội và ngôn ngữ thể hiện. Một số phim hài để lại dấu ấn đổi mới trong những năm giao thời này là Thị trấn yên tĩnh và Thằng Bờm. Những sáng tác điện ảnh đầu tiên trong luồng gió Đổi mới gây khá nhiều tranh luận bởi cách phát hiện và phản ánh các vấn đề xã hội táo bạo như Cô gái trên sông, Tướng về hưu, Gánh xiếc rong…
Trong những năm “điện ảnh thị trường” chiếm ưu thế, có sự giằng co giữa dòng phim thương mại và dòng phim nghệ thuật thì Vị đắng tình yêu – bộ phim tươi tắn về đề tài sinh viên xuất hiện có thể xem là cầu nối giữa phim “ăn khách” và phim nghệ thuật.
Đề tài chiến tranh được khai thác khác hẳn thời chiến vì các nhà làm phim đã đủ độ lùi để nhìn nhận cuộc chiến, đổi mới trong cách nhìn nhận vấn đề và phương pháp thể hiện. Có thể kể một số phim thành công như Tuổi thơ dữ dội, Cỏ lau, Lưỡi dao, Ngã ba Đồng Lộc, Vào Nam ra Bắc, Hà Nội 12 ngày đêm… Đề tài hậu chiến được khai thác nhiều, đề cập vấn đề xã hội – gia đình – con người khá sâu sắc và tinh tế như Đời cát, Ai xuôi vạn lý, Bến không chồng… Đề tài nông thôn được dư luận chú ý qua các phim Cây bạch đàn vô danh, Hoa của trời, Thương nhớ đồng quê, Giải hạn, Thung lũng hoang vắng…
Đề tài đương đại được khai thác ấn tượng trong các phim Canh bạc, Hãy tha thứ cho em, Mùa ổi, Lưới trời và Gái nhảy.
Phim tài liệu giai đoạn đổi mới cũng có những sự chuyển hướng vững chắc trong cách tiếp cận cuộc sống và liên tiếp giành được giải Phim ngắn tại bốn kỳ LHP Châu Á – Thái Bình Dương với Trở lại Ngư Thuỷ, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm khùng và Chốn quê. Các phim Nơi chiến tranh đã đi qua và Vì cuộc sống bình yên cũng được trao giải thưởng tại các LHPQT khác.
Phim hoạt hình điêu đứng suốt một thời gian dài thời điện ảnh thị trường, đã dần lấy lại được “đà” qua các bộ phim có sự tìm tòi trong ngôn ngữ thể hiện như Ông tướng canh đền, Trê Cóc, Xe đạp, Sự tích cái nhà sàn.
Điện ảnh Việt Nam trong xu thế hội nhập
Trong vòng một thập kỷ nay, điện ảnh có sự phát triển rõ rệt về thể loại và xu hướng làm phim. Bên cạnh các phim truyền thống thì dòng phim giải trí thương mại do các hãng phim tư nhân sản xuất, đặc biệt là phim của các đạo diễn Việt kiều về nước ngày càng phát triển. Thời xa vắng, Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng của các đạo diễn Việt kiều là những dấu ấn đáng ghi nhận bên cạnh các phim truyền thống – cách mạng Đừng đốt, Mùi cỏ cháy hay phim nghệ thuật Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng…
Có thể nói, thập kỷ qua đã chứng kiến sự nẩy nở đa dạng của các dòng phim, sự quay trở lại khá rầm rộ của khán giả đối với phim Việt. Xã hội phát triển, nhu cầu thưởng thức văn hóa và giải trí của con người cũng phong phú và thay đổi liên tục. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng tác phẩm để các dòng phim truyền thống – cách mạng, nghệ thuật và giải trí cùng phát triển hài hòa cần thiết.
Điện ảnh là ngành có tính quốc tế cao, bởi vậy với chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam hôm nay và khi những người làm điện ảnh có niềm tin, có sự hào hứng, tâm huyết, say mê nghề nghiệp thì Điện ảnh Việt Nam chắc chắn sẽ đứng vững, sẽ bước tiếp trên con đường hội nhập và phát triển.
Theo 24 HÌNH/S
Tags: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Điện ảnh, Văn hóa Việt