Danh hoạ Salvador Dali: Sự điên rồ của một thiên tài

Cùng với Pablo Picasso, Salvador Dali là danh họa Tây Ban Nha kiệt xuất của thế kỷ 20. Ông thường có những ý tưởng lạ đời mà nhiều người cho là điên rồ như cho màu vào bát súp còn thừa của khách trong một buổi tiệc, rồi dùng cọ chấm vào để vẽ hai bức tranh trong vòng hai giờ.

Danh hoạ Salvador Dali: Sự điên rồ của một thiên tài

Salvador Dali trong bức ảnh “Dali Atomicus”, thực hiện năm 1948.

Sinh ngày 11/5/1904 tại thành phố Figueras thuộc tỉnh Catalogne (Tây Ban Nha), Salvador Dali là con một chưởng khế. Mới 5 tuổi, Salvador Dali đã muốn trở thành đầu bếp, lên 7 tuổi muốn trở thành Napoléon. Năm 16 tuổi, ông viết trong nhật ký: “Tôi sẽ trở thành thiên tài. Cả thế giới sẽ biết đến và ái mộ tôi. Có nhiều người sẽ căm ghét, không hiểu tôi. Nhưng tôi sẽ là một thiên tài, tôi chắc là như vậy”.

Cuộc đời cũng chiều theo ý của Dali khi biến ông thành một thiên tài trong ngành hội họa, một họa sĩ được biết tiếng nhiều nhất trong thế kỷ 20 vì những ý tưởng… ngông cuồng. Nhiều người chống lại ông cho rằng, Dali chỉ là một kẻ khoác lác, suốt ngày chỉ biết nói năng lung tung và làm những chuyện không đâu để thu hút sự quan tâm của mọi người. Nhưng Dali lại khẳng định: “Khó ai có thể thu hút sự quan tâm của cả thế giới về một vấn đề nào đó trong suốt 30 phút. Còn tôi, tôi đã làm cho mọi người quan tâm hằng tháng, hằng năm”…

Swans Reflecting Elephants (1937), Salvador Dali.

Năm 1927, Dali bị đuổi khỏi Viện Mỹ thuật San Fernandino vì có hành vi và thái độ kỳ quái. Sau đó, Dali sang Paris gặp và trao đổi ý kiến với họa sĩ Tây Ban Nha, Pablo Picasso.

Năm 1928, Dali tham gia nhóm các họa sĩ theo trường phái siêu thực và đây chính là con đường mà ông chọn để đeo đuổi sự nghiệp cho đến khi qua đời. Đó cũng là quãng thời gian ông gặp gỡ với Gala, người vợ chung thủy của ông sau này, lúc đó đang là vợ của nhà thơ người Pháp Paul Eluard.

The Persistence of Memory (1931), Salvador Dali.

Gala là một phụ nữ Nga quyến rũ, cũng yêu thích trường phái hội họa siêu thực và cả những ý tưởng điên rồ của Dali. Đó còn là quãng thời gian mà những tác phẩm đầu tiên của Dali bắt đầu được biết tiếng trong giới hội họa thế giới như bức “Những ngày đầu xuân”, “Sự hòa hợp của những tâm hồn” hay “Kẻ hoang đàng vĩ đại”.

Tháng 12/1934, lần đầu tiên đến Mỹ, ông đã có những hành động lạ đời thu hút sự quan tâm của công chúng. Trên chuyến tàu thủy xuyên Đại Tây Dương đưa ông và bà Gala đến Mỹ, Dali nhờ một đầu bếp làm cho mình một chiếc bánh mì hình cây gậy dài đến 5 m. Khi tàu cập cảng New York, Dali lấy chiếc bánh mì dài huơ đi huơ lại trước mặt phóng viên báo đài thay vì lấy tay vẫy chào họ. Ngày hôm sau, xuất hiện trong một dạ tiệc do nhà triệu phú Caresse Crosby tổ chức tại New York, Dali cải trang thành một xác ướp biết đi.

The Dream Caused by the Flight of a Bee (1944), Salvador Dali.

Vài năm sau, Dali lại làm một chuyện khùng điên khác khi xuất hiện tại một buổi triển lãm tranh của mình ở khu Trafalgar của thủ đô London trong bộ đồ lặn bằng thép và chỉ có thể thở nhờ một ống dẫn dưỡng khí từ bên ngoài. Cả thủ đô London ùn ùn kéo đến khu Trafalgar để chiêm ngưỡng trò lạ đời của Dali.

Rủi thay, khi đang phát biểu với mọi người, Dali bỗng ngã nhào xuống đất và không đứng dậy được. Không ai dám giúp Dali đứng dậy vì cho rằng đó là một trò đùa của ông. Mãi đến khi ông suýt ngạt thở và bà Gala cảm thấy chồng đang gặp nguy hiểm thì các nhân viên bảo vệ mới chịu vực Dali đứng lên rồi tháo ngay bộ đồ lặn nặng đến 50 kg trên người của ông ra. Buổi triển lãm tranh của Dali suýt nữa đã biến thành thảm kịch vì ý tưởng điên rồ của chính mình.

Galatea of the Spheres (1952), Salvador Dali.

Cung cách vẽ tranh của Dali cũng kỳ lạ và khác người không kém. Ông dùng một khẩu súng kiểu cổ bắn màu vào những tờ giấy trắng trên giá vẽ để cách xa 3 – 4 m. Để vẽ chân dung của Gala theo trường phái siêu thực, Dali đã bỏ mất nhiều ngày đến khu nuôi tê giác của vườn thú Vincennes ở Paris lấy ý tưởng.

Cho đến những ngày cuối đời tại thành phố quê hương Figueras, vào tháng 1/1989, Dali mới đồng ý để nhiếp ảnh gia bậc thầy Helmut Newton chụp cho mình một bức ảnh cuối cùng trong bộ áo choàng bằng lụa đỏ, cổ đeo Huân chương Isabelle do Hoàng gia Tây Ban Nha trao tặng và ngồi trên một chiếc ghế bành. Đó có lẽ là bức ảnh thật nhất của Salvador Dali trong suốt cuộc đời mình, khi mà ông cho là đã quá đủ để đùa cợt với mọi người bằng những ý tưởng ngông cuồng.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,