Đằng sau việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ chương trình tàu sân bay

Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, các tàu sân bay Trung Quốc cơ bản không theo kịp cạnh tranh ngày một gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng Bắc Kinh có lý do để tin rằng sẽ đến lúc thực tế đó thay đổi.

Lý do để xem thường

Nếu Trung Quốc có ý định đối đầu trực diện với Mỹ bằng hai tàu sân bay hoạt động ở những vùng biển quốc tế, thì điều này sẽ chẳng khác gì việc lấy trứng chọi đá. Một phần nguyên nhân nằm ở chỗ các tàu sân bay của Trung Quốc có nhiều hạn chế. Cả Liêu Ninh lẫn tàu mẫu 001A đều sử dụng các động cơ diesel thông thường, dẫn đến hạn chế về tốc độ và tuổi thọ so với các tàu sân bay chạy bằng hệ thống lò phản ứng hạt nhân hiện đại của Mỹ và Pháp. Cả hai tàu đều không có kích thước lớn. Tàu mẫu 001A chỉ có khả năng mang theo 32-36 máy bay tiêm kích đa nhiệm (cùng với hơn 10 trực thăng), thua xa siêu tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ với sức chứa khoảng 90 máy bay cánh cố định hoặc cánh xoay. Liêu Ninh và tàu mẫu 001A sử dụng hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu (STOBAR) cho các máy bay, thua xa hệ thống ống phóng tiêu chuẩn được ứng dụng trên các tàu sân bay hiện đại. Sẽ phải mất nhiều thời gian để làm chủ những công nghệ tàu sân bay tiên tiến. Chi phí cũng sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đơn giản chỉ sao chép hay cải tiến các thiết kế từ thời Liên Xô.

So sánh Tàu sân bay Loại 001A của Trung Quốc với Tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ

Một vấn đề khác mà Trung Quốc gặp phải là việc chế tạo một tàu sân bay có khả năng mang theo nhiều máy bay tấn công khác hẳn với việc sở hữu một cụm tàu tấn công bao gồm một tàu sân bay và một loạt tàu ngầm, tàu nổi như tàu khu trục, tàu hành trình, hậu cần cùng với sức mạnh đường hàng không đến từ hỏa lực phòng không, sức mạnh chống ngầm, cảnh báo sớm, chế áp điện tử. Không có những thành tố này, tàu sân bay chẳng khác nào những chú vịt ngồi (rất dễ bị tấn công-ND).

Năng lực tác chiến chống ngầm của Trung Quốc vẫn còn hạn chế, đồng nghĩa tàu sân bay dễ trở thành mục tiêu tấn công của ngư lôi đối phương. Tàu ngầm nguyên tử mà Trung Quốc sở hữu được cho là chỉ ngang với thực lực của Mỹ những năm 1980. Hệ thống STOBAR gặp thách thức trong khi xử lý việc cất-hạ cánh của máy bay cảnh báo sớm cánh cố định hay các máy bay kiểm soát, khiến tàu sân bay Trung Quốc không có được sự hỗ trợ từ trực thăng cảnh báo sớm hoạt động ở trần bay cần thiết để mở rộng tầm giám sát. Khác với máy bay tiêm kích đa năng mới nhất, mạnh nhất F-35 của Mỹ, mẫu tiêm kích hàng đầu J-20 của Trung Quốc không phù hợp với tàu sân bay. Hơn thế, Bắc Kinh cũng không có kinh nghiệm trong việc kết hợp những bộ phận cấu thành phức tạp này thành một nhóm tàu tấn công thống nhất. Trên thực tế, huấn luyện và kinh nghiệm luôn là yếu tố bất lợi đối với Trung Quốc trong tất các chiến dịch tác chiến ngoài khơi ở mọi tầm mức. Mỹ đã thực thi các chiến dịch tàu sân bay từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc mới chỉ hoàn tất các khóa huấn luyện phi công nội địa chuyên lái tiêm kích J-15 được trang bị trên tàu sân bay vào năm 2015.

Cuối cùng, đó là vấn đề về hậu cần. Tầm tác chiến của Trung Quốc sẽ phải vượt xa các căn cứ chủ chốt vốn đặt nặng trọng tâm vào tác chiến trên bộ. Với số lượng ít ỏi tàu chiến chạy bằng năng lượng nguyên tử, Trung Quốc sẽ luôn phải đau đầu với hoạt động tiếp liệu. Mỹ đã thiết lập được nhiều căn cứ tiền duyên, cứ điểm hậu cần và trung tâm bảo dưỡng trên khắp thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu hướng đến việc tiếp cận một số điểm đóng trú cơ bản ở Ấn Độ Dương, dù đã đầu tư mạnh vào nhiều cảng nước sâu tại nhiều nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Những vấn đề về hướng đi

Xét tới sự trỗi dậy của Trung Quốc ở mọi phương diện, hướng đi rõ ràng là quan trọng hơn việc cân bằng lực lượng hiện tại. Chương trình đóng tàu của Trung Quốc đang cho thấy một năng lực bùng nổ, có thể chế tạo được nhiều loại tàu ngày một tinh vi, có tốc độ cao. Ví dụ như, tàu sân bay thứ ba được cho là sẽ có kích thước lớn hơn nhiều so với Liêu Ninh và tàu mẫu 001A. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể mang theo nhiều máy bay hơn, với chủng loại đa dạng hơn, trong đó có cả máy bay với tải trọng lớn hơn, tầm tác chiến xa hơn. Sau đó, Trung Quốc có thể sẽ hướng trọng tâm vào phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai không xa, cho phép mở rộng phạm vi tác chiến, nâng cao tốc độ và giải quyết những e ngại về tiếp liệu. Hơn thế, tàu mẫu 001A được đóng với thời gian chỉ bằng một phần ba thời gian đóng tàu USS Gerald Ford. Lẽ đương nhiên, chiếc USS Gerald Ford lớn hơn, phức tạp hơn và tham vọng tác chiến của Trung Quốc cũng hạn chế hơn Mỹ trong tương lai gần. Nhưng vì thế các tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ sớm được đưa vào biên chế, cho phép giải quyết được những hạn chế trong vận hành mà không sợ biến các tàu này thành “vịt què” khi tác chiến.

Lịch trình đóng tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc

Nhưng thành công của Trung trong chế tạo các tàu chiến mới với tốc độ chóng mặt, cũng như khả năng bắt kịp công nghệ mũi nhọn, còn nói lên nhiều điều hơn thế. Số lượng tàu chiến Trung Quốc đóng mới trong 3 năm qua lớn hơn tổng số tàu chiến có trong biên chế hải quân của bất kì một quốc gia châu Âu nào, ngoại trừ Pháp. Trong thời gian này, Trung Quốc từ chỗ không có một tàu khu trục nào đã có trong tay 37 chiếc. Riêng năm 2016, Trung Quốc đã bổ sung vào biên chế 23 tàu nổi mới (Mỹ chỉ có 6 chiếc), trong đó có một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mẫu 052D và 3 tàu tên lửa mẫu 054A. Theo Lầu Năm Góc, đến năm 2020, Trung Quốc có thể sở hữu tới 69-78 tàu ngầm, vượt xa con số 31 chiếc (hầu hết là loại cũ hoặc mua lại từ nước ngoài) ở thời điểm một thập kỉ trước. Theo báo cáo của Văn phòng tình báo hải quân Mỹ, hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) hiện có tổng cộng hơn 300 tàu chiến các loại, gồm tàu tấn công mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra tên lửa – là lực lượng hải quân lớn nhất ở châu Á. (Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đạt con số 326 tàu chiến sau 5 năm tới).

Điểm nổi bật nhất là việc Trung Quốc sau một thời gian ngắn đã thay thế các loại tàu lạc hậu, tiến sát đến công nghệ của nước ngoài. Năm 2015, Lầu Năm Góc đánh giá khoảng 70% số tàu ngầm của Trung Quốc (bao gồm cả tàu chạy động cơ hạt nhân và động cơ diesel), tàu khu trục, tàu tên lửa có “thiết kế hiện đại”, vượt xa tỉ lệ 30%-40% của một thập kỉ trước. Theo Văn phòng tình báo hải quân Mỹ, tàu tên lửa lớp Giang Khải (lớp 054A), tàu khu trục lớp Lữ Dương (mẫu 052B/C/D) và tới đây là tàu khu trục mẫu 055 đều được xem là các thiết kế hiện đại, có sức mạnh, với nhiều điểm sánh ngang với các mẫu tàu chiến hiện đại nhất của phương Tây.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể duy trì được đường hướng phát triển hải quân như hiện nay hay không một khi tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những thập kỉ tới và gây ra những khó khăn về ngân sách mới. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề không liên quan khác về khả năng đóng tàu mới và tốt hơn. Điểm quan trọng nhất có lẽ là liệu Bắc Kinh có thể sử dụng sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) để thiết lập mạng lưới hậu cần và căn cứ phục vụ nhằm duy trì sự hiện diện hải quân toàn cầu hay không. Bất luận ra sao, sẽ luôn hợp lý khi mặc định rằng Trung Quốc ít nhất còn tụt hậu về công nghệ trong cuộc chạy đua tàu sân bay và ngành công nghiệp đóng tàu có khả năng xóa nhòa giới hạn này. Câu hỏi thực sự là tại sao Trung Quốc lại muốn vậy và điều đó có thể cho thấy điều gì về toan tính chiến lược của Trung Quốc.

Giá trị chiến lược đang biến mất của tàu sân bay

Dù có sở hữu các cụm tàu sân bay hùng mạnh đến đâu đi chăng nữa thì một ngày nào đó, quyết định dồn nguồn lực cho tàu sân bay sẽ là bất thường. Quan trọng nhất, các tàu sân bay không giúp giải quyết những vấn đề chiến lược cấp thiết nhất của Trung Quốc. Thực tế, công cuộc hiện đại hóa hải quân đã được thúc đẩy quá nhanh và làm cho các tàu sân bay bỗng chốc trở nên lạc hậu. Vấn đề này liên quan đến hai quan điểm cốt lõi của học thuyết hải quân: thống trị đại dương và chống phong tỏa đường biển.

Theo Alfred Thayer Mahan, người được xem là cha đẻ của chiến lược hải quân Mỹ, thống trị đại dương về cơ quản là quyền lực không thể thách thức trong việc bảo đảm giao thương hàng hải, tác chiến quân sự ở bất cứ thời điểm nào và bất kì khu vực nào của một nước mà không đặt mình vào tình huống nguy hiểm bị tấn công từ đối thủ. Chống phong tỏa đường biển đơn giản chỉ là khả năng thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào tàu đối phương, ngay cả khi không đủ năng lực chặn đứng một cuộc tấn công nhằm vào mình. Đương nhiên, đạt được ngưỡng thống trị đại dương là khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi các tàu sân bay phải tạo ra chiếc ô bảo vệ cho tất cả các tàu chiến khác. Trong khi đó, một nước có thể sở hữu năng lực chống phong tỏa mà không cần có hạm đội tàu nổi lớn, chỉ cần có đủ tên lửa chống hạm đặt trên bờ, máy bay và tàu ngầm. Hầu hết các nước coi chống phong tỏa là mục tiêu chiến lược chủ chốt.

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ là nước thống trị đại dương trên hầu khắp toàn cầu, nhất là gần như toàn bộ Tây Thái Bình Dương. Điều này cho phép Mỹ thường xuyên điều động các tàu sân bay đến vùng biển ngoài khơi giáp các khu vực xung đột và thiết lập sức mạnh hàng không bá chủ. Thực tế, cách đây 22 năm, Chính quyền Clinton từng công khai điều một cụm tàu sân bay và một tàu đổ bộ tấn công tới eo biển Đài Loan, nhằm thể hiện khả năng của Mỹ bảo vệ Đài Loan trước đòn tấn công từ Trung Quốc. Bắc Kinh lúc đó hầu như chẳng thể làm được gì. Nhưng ngày nay tình hình đã đổi khác.

Trên khắp toàn cầu, việc phổ biến các tên lửa chống hạm có điều khiển chính xác cùng với các tàu ngầm động cơ diesel có khả năng tàng hình đã dần phá hủy năng lực của Mỹ về tầm tác chiến mà không lo bị đáp trả. Tính dễ bị tổn thương này thể hiện rõ nhất ở Biển Đông và biển Hoa Đông – nơi Trung Quốc từng bị liệt vào hàng dễ bị tấn công bởi bên ngoài. Ngay sau vụ mất mặt liên quan đến sự đối đầu ở eo biển Đài Loan, công cuộc hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc đặt nặng trọng tâm vào việc xây dựng tiềm lực chống xâm nhập, xem đây là một phần trong chiến lược lớn hơn về chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD). Nói một cách đơn giản, mục đích của kế hoạch này là xây dựng một “pháo đài hải quân” mà khi kết hợp với tên lửa bờ biển, không quân, thủy lôi và các tàu dân sự giả dạng sẽ khiến một cuộc tấn công nhằm vào Trung Quốc phải trả giá đắt, buộc Mỹ và đồng minh phải dừng ý định tấn công.

Đặc biệt, tàu sân bay sẽ là mục tiêu dễ bị tấn công ở vùng biển gần khu vực Trung Quốc. Mối lo ngại rõ ràng này xuất hiện từ những năm đầu thập kỉ, khi một đô đốc cấp cao của Mỹ phát biểu trước Quốc hội, nói rằng tàu sân bay Mỹ có thể chỉ tồn tại được một đến hai ngày trong trường hợp nổ ra chiến tranh toàn diện với Liên Xô. Tàu sân bay Mỹ thường xuyên vắng mặt trong các cuộc thao diễn, tập trận quân sự gần đây, đặc biệt là không tham gia các cuộc diễn tập đối phó với một cuộc tấn công bất đối xứng nhằm vào hải quân Mỹ ở những vùng biển căng thẳng như vùng Vịnh hay Biển Đông. Năm 2015, hải quân Pháp đã rất tế nhị khi tạo điều kiện để Mỹ giữ thể diện, với việc không công bố báo cáo về một nhóm tàu ngầm của Pháp đã “đánh chìm” tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và các tàu nổi hộ tống trong một cuộc diễn tập. Mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ sẽ còn tăng khi các hệ thống tác chiến điện tử đặt trong không gian, các tên lửa có tầm bắn dài hơn, chính xác hơn, các hệ thống không người lái được đưa vào tác chiến.

Tàu sân bay Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương như vậy, còn chiến lược A2/AD của Trung Quốc ở vùng biển gần lại chẳng cần đến tàu sân bay. Theo thời gian, khi tầm hoạt động, tốc độ tác chiến và độ tinh vi trong tiềm lực chống phong tỏa đường biển tăng lên, Trung Quốc sẽ tính đến việc xây dựng chiến lược, theo chiều sâu từng bước đẩy lớp bảo vệ hướng ra biển khơi, cho đến khi Bắc Kinh về mặt lý thuyết có khả năng thống trị các vùng biển có các tuyến hàng hải huyết mạch dọc theo cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” – tức một loạt đảo nhỏ từ Nhật Bản đến Indonesia, dọc từ biển Đông đến biển Hoa Đông. Hiện tại, một cường quốc hải quân khác cũng có thể sử dụng những đảo này để bao vây các tuyến hàng hải giao thương của Trung Quốc, khiến kinh tế Trung Quốc bị hủy hoại. Tàu sân bay hầu như không có tác dụng trong việc xử lý điểm nghẽn này. Hơn thế, với việc Trung Quốc ngày càng bị bao vây thắt chặt bởi các cường quốc thù địch sở hữu tiềm lực chống phong tỏa đường biển ngày một lớn, bởi các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, đảo Guam, Philippines hay Singapore cộng với các cụm tàu sân bay tấn công đóng trú của Mỹ, tàu sân bay Trung Quốc nằm sát trong tầm hỏa lực của đối thủ, khiến chúng không thể đóng vai trò trung tâm trong bất kỳ một chiến lược nào như vậy. Kho vũ khí của Trung Quốc có mạnh thêm bao nhiêu cũng không thể giúp các tàu sân bay này sống sót khi đối mặt với một cuộc tấn công từ Mỹ.

Với Trung Quốc, tàu sân bay có lẽ chỉ thực sự chứng minh được tính dễ bị tổn thương thay vì là một vũ khí uy lực. Chi phí để phát triển và duy trì các cụm tàu sân bay là đặc biệt lớn. Tại Mỹ, để hoàn thiện một cụm tàu sân bay tấn công và máy bay chiến đấu đi kèm cần hơn 35 tỷ USD, chưa kể đến khoản tiền 1 tỷ USD duy tu bảo dưỡng hàng năm. Việc đóng mới, vận hành ở Trung Quốc có thể rẻ hơn, nhờ chi phí lao động, nhân công thấp hơn. Nhưng chương trình tàu sân bay chắc chắn sẽ ngốn nhiều nguồn lực mà lẽ ra sẽ được phân bổ cho các hệ thống quan trọng khác, làm suy yếu nguồn nhân lực tài năng do phải lấy đi hàng nghìn thủy thủ để phục vụ số tàu chiến mới. Đơn cử như trong báo cáo năm 2013, hải quân Mỹ ước tính Trung Quốc có thể chế tạo hơn 1.200 tên lửa chống hạm DF-21D được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, với chi phí ngang với số tiền mà Mỹ bỏ ra cho một tàu sân bay. Hơn thế, thành công hay thất bại trong chiến lược của Trung Quốc lại phụ thuộc nhiều vào khả năng của Bắc Kinh trong việc đạt được thỏa thuận với một nước thuộc “chuỗi đảo thứ nhất” để bảo đảm khả năng tiếp cận tới Thái Bình Dương, xuất phát từ việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc hạn chế hơn so với Mỹ và đồng minh. Thế nhưng, việc đóng mới tàu sân bay chỉ làm gia tăng nghi ngờ từ các nước trong khu vực về ý đồ của Trung Quốc.

Lý do thúc đẩy kế hoạch tàu sân bay

Bắc Kinh đương nhiên nhận thức được những điểm bất cập nêu trên và đồng thời cũng đã ưu tiên phát triển các lực lượng khác thuộc PLA bên cạnh tàu sân bay. Vậy tại sao Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng tàu sân bay? Trước hết, đó là tham vọng chiến lược của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông hay biển Hoa Đông. Các tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với Trung Quốc vượt ra ngoài hai vùng biển này. Đơn cử như phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tới châu Âu đều được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và đây cũng là tuyến đường nhập khẩu nhiên liệu thiết yếu từ Trung Đông. Hệ quả là, để tránh bị phụ thuộc vào cung đường ở Biển Đông và eo biển Malacca, Trung Quốc đang phát triển các hạ tầng xuất khẩu và nhập khẩu ở nhiều nước ven biển Ấn Độ Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phát triển năng lực hàng hải, các căn cứ cơ sở, mạng lưới hậu cần cần thiết để luôn giữ cho các hành lang này mở trong trường hợp xảy ra xung đột ở phía Đông Trung Quốc. Học thuyết hải quân của Trung Quốc hiện nay hướng tới việc duy trì sự hiện diện thường trực của tàu sân bay ở Ấn Độ Dương.

Hơn thế, Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết phải hướng sự chú ý lớn hơn tới lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi. Trên thực tế, các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc ngày càng ủng hộ ý tưởng cho rằng các tên lửa dẫn đường có tầm bắn ngày một xa đòi hỏi năng lực thực hiện đòn tấn công phủ đầu nhằm vào một đối thủ ở vùng biển ngoài khơi phía Đông “chuỗi đảo thứ nhất” – một nhiệm vụ mà tàu sân bay chắc chắn sẽ có vai trò rõ ràng, nổi bật hơn. Ví dụ như Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 yêu cầu chuyển trọng tâm từ phòng thủ bờ biển sang “kết hợp giữa phòng thủ biển gần và bảo vệ biển khơi” khi đề cập đến việc cần phải trung hòa một đối thủ từ xa trước khi kẻ thù này có thể ra đòn tấn công bằng máy bay cất cánh từ các căn cứ mặt đất và tên lửa nhằm vào đất liền Trung Quốc. Theo một báo cáo nội bộ năm 2016 của hải quân Trung Quốc mà tạp chí The National Interest (Mỹ) có được, các sĩ quan tại Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc thậm chí còn thúc đẩy hơn nữa bước đi này, kêu gọi mở rộng tiềm lực chống xâm nhập khu vực tới tận các vùng biển thuộc cái gọi là “chuỗi đảo thứ hai” (Honshu, quần đảo Mairana, Palau và phía Tây Indonesia), đồng thời phát triển sức mạnh “chống tấn công biển khơi” nhằm thực thi đòn đánh phủ đầu để đáp trả một cuộc tấn công của đối phương nhằm vào bờ biển Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc bắt đầu hướng đến khái niệm tấn công mạnh là cách phòng thủ tốt nhất.

Thế nhưng, thiết lập vị thế thống trị đại dương ở Tây Thái Bình Dương bao trùm “chuỗi đảo thứ nhất” hay bồn địa Ấn Độ Dương sẽ vẫn là một nhiệm vụ quá sức, ngay cả khi Trung Quốc đạt được bước tiến lớn về thiết kế tàu sân bay, công nghệ lẫn kinh nghiệm. Như đã đề cập ở phần trên, các nhóm tàu sân bay của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đều tác chiến xa nhà, nằm ngoài tầm hỏa lực hỗ trợ của tên lửa bờ biển, nhưng lại nằm gọn trong tầm bắn của các hệ thống vũ khí chống phong tỏa đường biển của các cường quốc trong khu vực. Chuỗi hậu cần cho các tàu sân bay có thể dễ dàng bị cắt đứt nếu Trung Quốc không thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc đối với các tuyến hàng hải huyết mạch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, còn các căn cứ thuộc BRI lại dễ bị sức mạnh đường hàng không của đối phương áp chế. Vì thế, năng lực của tàu sân bay giúp Trung Quốc bảo vệ lợi ích ở các vùng biển ngoài khơi trong trường hợp xảy ra xung đột vẫn chỉ mang tính khát vọng là chủ yếu.

Giữ lựa chọn mở

Cũng có thể Trung Quốc không hề ảo tưởng về việc sẽ đạt được sức mạnh hải quân biển khơi ngang hàng với Mỹ và Bắc Kinh vẫn xem đầu tư thời gian, tiền của cho tàu sân bay là việc đáng làm ngay cả khi không có kế hoạch sớm thách thức thế bá chủ của Mỹ ở các đại dương. Trên thực tế, tờ Thời báo hoàn cầu từng nhấn mạnh: “Trung Quốc không cần phải xây dựng hải quân có sức mạnh như Mỹ. Chúng ta không cần gây chiến tranh ở những vùng biển ngoài khơi trên thế giới và vì thế không cần quá nhiều tàu sân bay vượt khả năng thực có. Chúng ta không có ý định làm cảnh sát toàn cầu”.

Cuối cùng, Mỹ vẫn đầu tư mạnh cho tàu sân bay bất chấp các dấu hiệu cho thấy tính khả dụng của loại vũ khí này đang giảm. Mỹ chưa từng có một trận đụng độ hải quân nào lớn kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (thực tế cũng không nước nào có). Sẽ không có một thế lực nào đủ sức thách thức thế bá chủ hải quân của Mỹ trong ít nhất một thế hệ nữa. Thế nhưng, Mỹ vẫn có kế hoạch đầu tư 43 tỷ USD cho việc đóng mới 3 tàu sân bay nữa, cứ 5 năm sẽ hạ thủy một tàu.

Mỹ làm vậy một phần là bởi hoạch định chiến lược của bất kì một siêu cường nào cũng tính đến những kịch bản tồi tệ nhất, kế đến là bởi duy trì ưu thế vượt trội là cách thức phù hợp để răn đe bất kì một cường quốc nào có ý định thách thức Mỹ. Tàu sân bay cũng có giá trị trong việc trấn an đồng minh, hỗ trợ cứu trợ thảm họa, giữ các tuyến đường biển luôn mở, cung cấp hỏa lực đường hàng không cho các cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các kẻ thù có sức mạnh.

Trung Quốc sẽ có lợi ích lớn hơn trong những chiến dịch tác chiến kiểu này khi hướng sự quan tâm ra bên ngoài, nhất là tại những khu vực mà Bắc Kinh cho rằng Mỹ không hào hứng ngăn chặn Trung Quốc và cũng là trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách chứng tỏ trước các láng giềng nghi ngờ về khả năng của Bắc Kinh trong việc cung cấp các lợi ích an ninh khu vực tương tự như vai trò của Mỹ hiện nay. Ở cấp độ tối thiểu, tàu sân bay Trung Quốc là biểu tượng danh tiếng quốc gia. Rất khó để chỉ rõ xem tàu sân bay có lợi ích rõ ràng ra sao, nhưng Bắc Kinh có động cơ chính trị khi muốn người dân trong nước quen với ý niệm Đảng Cộng sản đang biến Trung Quốc thành siêu cường.

Cuối cùng, Bắc Kinh có thể nghĩ rằng sức ép về chính trị và ngân sách có thể đẩy Mỹ vào thế ngày càng bị cô lập, tạo cơ hội để Trung Quốc nổi lên thành một cường quốc áp đảo ở Tây Thái Bình Dương mà không cần tốn một viên đạn nào. Đương nhiên, những cường quốc khu vực – cụ thể là Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc, sớm lên tiếng khẳng định Trung Quốc sẽ rất dễ dàng nhảy vào lấp chỗ trống từ sự thoái lui của Mỹ trong một viễn cảnh như thế, trong khi những nước yếu thế hơn như Việt Nam và Indonesia cũng đang phát triển tiềm lực thực sự về chống tiếp cận. Nhưng lợi ích suy giảm của Mỹ tại khu vực chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc tự do hơn trong hành động.

Từ góc nhìn này, Trung Quốc không cần phải quyết định chính xác tàu sân bay sẽ được sử dụng vào mục đích gì ở thời điểm hiện tại. Việc xây dựng một hạm đội tàu sân bay, làm chủ huấn luyện, công nghệ, hạ tầng và tuyến hậu cần bổ trợ để chúng hoạt động theo đúng nghĩa sẽ mất hàng thập kỉ, đó là chưa kể đến việc Mỹ và đồng minh cùng lúc đó sẽ cải thiện các hệ thống của riêng mình.

Nói cách khác, lợi ích mà tàu sân bay đem lại cho Trung Quốc có lẽ được mô tả chuẩn xác nhất dưới góc độ là một nỗ lực để giữ các lựa chọn mở. Trung Quốc không thể toàn quyền quyết định đâu là mẫu cường quốc hải quân mà mình sẽ hướng tới; có quá nhiều nhân tố nằm ngoài vòng kiểm soát của Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc muốn sẵn sàng thúc đẩy hình ảnh hải quân của mình ra bên ngoài nếu/khi xuất hiện cánh cửa mở.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / GEOPOLITICAL FUTURE

Tags: , ,