Đà Nẵng và cái giá phải trả cho một định hướng phát triển sai lầm

Bán hết đất rồi thì sẽ làm gì? Nguồn thu sẽ lấy ở đâu ra? Ai cũng cảnh báo nhưng không nghe thì bây giờ đã rõ ràng quá rồi. Đà Nẵng nguy cơ sẽ chẳng còn vị thế gì…

“Đà Nẵng đã bị biến thành thành phố buôn đất”.

Đó là chia sẻ của ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến phát biểu thừa nhận sai lầm trong quy hoạch phát triển Đà Nẵng thời gian qua của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại sự kiện đối thoại “Tọa đàm mùa xuân” diễn ra ngày 8/3/2018.

Là một người tham gia nhiều hoạt động tái thiết Đà Nẵng, cùng nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam lúc bấy giờ xây dựng các định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng trong những ngày đầu tiên. Sau những phát biểu mang tính đột phá của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, ông Hồ Duy Diệm đã dành cho VietTimes những chia sẻ về những vấn đề liên quan.

Đà Nẵng đã mất rất nhiều vì xẻ đất đem bán

– Có thể nói phát biểu thừa nhận những sai lầm trong quy hoạch Đà Nẵng của Bí thư Trương Quang Nghĩa tại sự kiện “Tọa đàm mùa xuân” do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra ngày 8/3 là những phát biểu đầu tiên của lãnh đạo Đà Nẵng về những hạn chế trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng mà từ trước nay TP này luôn được khen ngợi. Ông nghĩ như thế nào về phát biểu này của ông Trương Quang Nghĩa?

– Đây là câu hỏi hay và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Thứ nhất, khi ông Trương Quang Nghĩa phát biểu như vậy có nghĩa là ông ấy đã nhìn nhận một sự thật khách quan là Đà Nẵng đã có những sai lầm. Và vì những sai lầm đó mà Đà Nẵng đã không phát triển được xứng tầm. Việc này không chỉ ông Nghĩa mà các nhà khoa học, nhân dân cũng đã thấy từ lâu.

– Ông có thể chia sẻ một số nội dung mà ông cho rằng Bí thư Đà Nẵng đã chỉ ra rất đúng về sai lầm trong quy hoạch của Đà Nẵng?

– Bây giờ chúng ta phải xem xét đã sai lầm như thế nào từ định hướng đến thực hiện và nghiệm xét lại quy hoạch phát triển Đà Nẵng đã như thế nào thì mới nhìn thấy được sai lầm.

Để rõ những sai lầm này, chúng ta cần quay lại khi Đà Nẵng còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thì cơ cấu chung của TP Đà Nẵng là TP công nghiệp, mà là công nghiệp sạch, hiện đại, hàm lượng công nghệ cao làm trọng điểm. Trong đó có cảng biển, giao thông vận tải, logicstic, dệt may, cơ khí chế tạo,… vì đây là năng lực, điểm mạnh mà Đà Nẵng đang có từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng. Còn dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch,…là phía sau.

Nhưng khi chia tách từ năm 1997, Đà Nẵng đã rời bỏ các điểm mạnh, vị thế sẵn có, năng lực cốt lõi của mình để rồi tổng thu ngân sách chỉ bằng một doanh nghiệp ô tô ở Quảng Nam. Còn Quảng Nam thì sao, họ vẫn giữ định hướng đó và bây giờ họ đã đạt được những kết quả bền vững về công nghiệp dù trước đó hoàn toàn là nông nghiệp.

Chỉ cần nhìn vào đó, cũng đã thấy định hướng của Đà Nẵng trong suốt thời gian qua đã sai lầm.

Hơn nữa, sai lầm này không phải Bộ Chính trị không thấy mà đã thấy và đưa ra Nghị quyết 33 năm 2003 để điều chỉnh, định hướng Đà Nẵng phát triển toàn diện, cân đối theo cơ cấu công nghiệp, thương mại dịch vụ. Điển hình là xây dựng Cảng Liên Chiểu để phát triển kinh tế biển, lợi thế logistic, lợi thế giao thông, lợi thế trung tâm kinh tế của khu vực…

Bây giờ nhìn lại hiện tại chúng ta thấy thế nào, Nghị quyết 33 đã 15 năm trôi qua, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, Đà Nẵng dường như đã bỏ qua các nội dung định hướng của Bộ Chính trị dành cho Đà Nẵng và đến bây giờ vẫn đang loay hoay giải bài toán này rất khó khăn dù Đà Nẵng có đầy đủ tiềm năng để phát triển hơn thế nữa. Và dù Bộ Chính trị đã chấn chỉnh nhưng Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện được.

Đà Nẵng đẹp chỉ ở bề nổi

– Nói sai lầm liệu có phủi bỏ công sức của những người tiền nhiệm đã có công gây dựng một thành phố mà ai đến cũng trầm trồ, học tập không thưa ông?

– Có thể nói sai lầm nó diễn ra từ chỉ đạo đến thực hiện. Bởi việc quy hoạch Kinh tế-Xã hội sẽ kéo theo những quy hoạch khác như: quy hoạch không gian đô thị, giao thông, nguồn nhân lực,… Và nếu đó là định hướng phát triển cảng biển, công nghiệp công nghệ cao,…thì phải để dành nguồn lực từ đất đai, đào tạo nhân lực, tài chính để phát triển chứ không thể cứ tràn lan ra như vậy được. Còn bây giờ muốn thực hiện các định hướng như đã nói rất khó khăn vì không còn nguồn lực để thực hiện.

Quay lại vấn đề có phủi bỏ công sức của những người tiền nhiệm hay không thì theo tôi nghĩ là không. Chúng ta ghi nhận những gì người tiền nhiệm đã làm được cho Đà Nẵng, nhưng không thể chối bỏ sai lầm của họ. Bởi nếu Đà Nẵng thực hiện đúng như những định hướng được các chuyên gia kinh tế hàng đầu đưa ra theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, thì Đà Nẵng không chỉ như hôm nay mà còn gấp 3, gấp 5 lần con số hiện có. Nhìn từ Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi,…sẽ thấy rõ.

Bên ngoài họ chỉ thấy bề nổi của Đà Nẵng có đường sá khang trang, không có kẹt xe,…nhưng những cái mà Đà Nẵng bị mất họ đâu có nhìn thấy được. Đó là mật độ cây xanh, đó là thiết chế văn hóa, công trình văn hóa công cộng,…Và bây giờ muốn làm thì chi phí sẽ rất cao, sẽ phải chấp nhận cay đắng nếu muốn sửa sai.

Một sai lầm nữa là Đà Nẵng chú trọng phát triển du lịch mang tính phong trào. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng du lịch, nhiều di tích, không gian du lịch,… nhưng khi phát triển lại không chú trọng phát triển các công trình có giá trị để phục vụ du lịch mà dần xóa bỏ, cùng chủ trương mở rộng đường sá, xẻ đất chia lô bán.

Nhưng điều này cũng đã bị các chuyên gia lên án, phê phán Đà Nẵng không gìn giữ các giá trị du lịch từ văn hóa, công trình văn hóa lịch sử, tâm linh, dấu ấn văn hóa. Đơn cử đó là Thành Điện Hải, Núi Bà Nà, không gian Sơn Trà, đền Huyền Trân Công Chúa, làng cổ Nam Ô,…thời gian qua đã bị biến thành nơi màu mỡ cho các tư bản mới. Lợi ích chảy vào túi riêng một bộ phận cá nhân, doanh nghiệp, mà người dân không hề được hưởng lợi điều gì khi cây xanh cũng thiếu, các công trình văn hóa, công viên công cộng, điểm vui chơi giải trí cũng không có…

Và với quan điểm cá nhân, nếu nhìn tổng quát nhất thì một số vị đã biến Đà Nẵng thành một thành phố buôn đất, cò đất, “xẻ thịt” đất ra để bán… Và chấm hết!

Đà Nẵng phát triển không “ký ức”

– Với những sai lầm như ông chia sẻ, Đà Nẵng đã và sẽ trả giá gì cho những sai lầm đó thưa ông?

– Bán hết đất rồi thì sẽ làm gì? Nguồn thu sẽ lấy ở đâu ra? Ai cũng cảnh báo nhưng không nghe thì bây giờ đã rõ ràng quá rồi. Đà Nẵng nguy cơ sẽ chẳng còn vị thế gì, khi cảng biển thì Quảng Nam, Bình Định đang dần định hình vị thế; Cảng hàng không thì nơi nào cũng có; Đường sắt thì họ ở ngay cạnh tuyến huyết mạch đường bộ và Khu công nghiệp sản xuất…

Như tôi đã nói, nếu Đà Nẵng thực hiện đúng như những định hướng được các chuyên gia kinh tế hàng đầu đưa ra theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, thì Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ gấp 3, gấp 5 lần hiện tại. Nếu định hướng đúng đắn, Đà Nẵng sẽ không mất dần những giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh,… Đà Nẵng sẽ không mất đi sự bảo tồn của Sơn Trà, không mất đi những ngôi nhà Pháp cổ, những di tích xa xưa,… Nói nôm na là Đà Nẵng đã phải trả giá đắt khi quy hoạch TP bị “băm nát”, chia lô bán nền, phát triển mà không tính đến giá trị cốt lõi của văn hóa, truyền thống lịch sử…

Hậu quả đó khiến Đà Nẵng không còn nguồn lực để phát triển mang tính bền vững hay chuyển hướng phát triển. Lớn hơn nữa, Đà Nẵng có nguy cơ mất một cái rất quan trọng đó là cơ hội, là nguồn lực con người, năng lực của con người, là những ngành nghề truyền thống có chất xám, tay nghề cao đã bị dần mai một, xóa nhòa vì định hướng sai lầm. Và trả giá lớn nhất là thời gian và nguồn lực đất đai, nguồn lực con người, là cơ hội để quay trở lại với định hướng phát triển đã vạch ra.

– Với những sai lầm như ông vừa nêu, Đà Nẵng liệu có sửa sai được không?

– Tôi chỉ có thể nói rằng, Đà Nẵng không sửa là tụt lại và vướng vào đống bùng nhùng của phát triển tự phát, lộn xộn của trật tự đô thị,… nên bằng giá nào Đà Nẵng cũng phải sửa.

Theo tôi, công trình cầu Thuận Phước là một điển hình của lãng phí, của sai lầm trong quy hoạch và xây dựng , gây hao phí từ nguồn lực, giao thông cho đến bài toán kinh tế của phát triển cảng biển. Định hướng không thành công đã làm tăng gánh nặng giải tỏa hàng hóa lên tuyến đường Ngô Quyền với nhiều tiềm ẩn an toàn giao thông, chi phí vận chuyển,… Và dù đã thấy sai, nhưng bài toán sửa sai cảng Liên Chiểu cũng vẫn chưa làm dù đã nói rất nhiều. Đến nay, cảng vẫn phát triển theo tư duy duy ý chí, phục vụ lợi ích của ai đó chứ không vì sự phát triển của đại bộ phận người dân.

Ông Nghĩa nói như vậy nhưng thực sự tôi chưa biết quyết tâm và năng lực của ông ấy thế nào. Về điều chỉnh quy hoạch, ông Nghĩa đã nói nhiều điểm rất hay. Ví dụ như quy hoạch đường ven biển, đường đi bộ, đi xe đạp,…Nhưng đó là nói, còn làm vẫn chưa thấy động tĩnh gì mấy. Như ở Nam Ô, dự án lấn chiếm biển, lấn chiếm di tích linh thiêng hàng mấy trăm năm của địa phương vẫn chưa thấy động tĩnh gì trong việc điều chỉnh. Đúng ra cần xem xét khi họ chưa làm thì mình yêu cầu dừng và điều chỉnh, phải nhảy vô làm liền, mình sai thì mình sửa,…chứ đừng để họ xây dựng rồi mới điều chỉnh, như vậy là rất khó. Nếu ông Nghĩa làm được như vậy, nhân dân chắc chắn sẽ đồng tình, ủng hộ.

Không sửa thì vô vọng

– Và làm thế nào để sửa sai, để khắc phục sai lầm?

– Theo tôi, cần xác định lại định hướng quy hoạch phát triển Đà Nẵng, điều này đã có, đã được Chính phủ phê duyệt và chúng ta chỉ cần làm theo. Đó là phát triển công nghiệp sản xuất, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ô nhiễm thấp. Phát triển kinh tế biển, định hướng phát triển cảng biển theo hướng liên hoàn, phù hợp với tiềm năng sẵn có của Đà Nẵng. Tiếp theo là thu hồi lại đất công sản, giữ làm của để dành để sử dụng cho phát triển chung của TP. Và Đà Nẵng phải có Nghị quyết quán triệt trong toàn TP, rằng ta đã làm sai và cần đi đúng trở lại. Và đi phải tuân thủ pháp luật, cam kết theo đuổi đến cùng và cương quyết thực hiện như vậy không có tư duy nhiệm kỳ.

Hành động là cần dừng ngay những chỗ có thể dừng được, đó là những dự án chưa xây dựng, hoặc đang xây dựng dang dở, phải đừng ngay để rà soát thì mới điều chỉnh được. Cần thiết phải thu hồi ngay lại để phục vụ định hướng lâu dài.

Ví dụ như Sơn Trà, biển Nam Ô, ven biển Mỹ Khê, Non Nước chẳng hạn, phải dừng ngay những công trình chưa xây dựng, những hạng mục lấn chiếm biển,… không để chiếm tư hữu bãi biển của người dân.

Hay những di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, các công trình kiến trúc gắn mới dấu mốc quan trọng của Đà Nẵng,…cần rà soát, tôn tạo, bảo vệ và vinh danh. Phải dừng lại tất cả những hành động xâm phạm, phải giữ đó cái đã. Như vậy mới gọi là hành động, như vậy mới quyết liệt.

Bên cạnh đó, cần xác định giá trị của Đà Nẵng là cái gì? Họ đến với Đà Nẵng là vì cái gì? Họ đến với Đà Nẵng là họ đến với hệ sinh thái cảnh quan Sơn Trà, đến với danh tích Ngũ Hành Sơn, đến với các dấu ấn xưa, với văn hóa ngàn đời, với những dinh trấn bờ cõi, với bãi biển đẹp hoang sơ được gìn giữ,… chứ không phải là những cây cầu, những hầm chui, những nhà cao tầng, hay những khu nghỉ dưỡng băm nát bãi biển. Đối với thế giới, những thứ Đà Nẵng đang theo đuổi họ còn có hơn chúng ta. Nếu họ đến, rồi họ cũng bỏ đi, bởi nó không có gì khác biệt hơn. Nên chúng ta phải gìn giữ những giá trị mà chỉ riêng chúng ta mới có.

– Vậy theo ông, Đà Nẵng sẽ mất bao nhiêu năm mới sửa được sai lầm này?

– Đây là câu hỏi khó, khó để có thể trả lời được, bởi mình làm sai 15 năm thì có khi phải mất nhiều năm mới sửa được sai. Ví dụ như về cải cách ruộng đất ngày xưa, sai lầm chỉ 1 năm, nhưng mất hơn 20 năm vẫn chưa sửa được sai và đã kìm hãm kinh tế ghê gớm. Bài học cải tạo công thương nghiệp cũng vậy, mất đến hàng chục năm mới khắc phục được.

Định hướng Đà Nẵng là đầu tàu kinh tế của khu vực, nhưng hiện tại các toa đã chạy trước đầu tàu rồi. Vậy thì quay lại với sai lầm quy hoạch của Đà Nẵng, nếu bắt đầu khắc phục sai lầm ngay bây giờ và làm quyết liệt thì chắc Đà Nẵng phải mất khá nhiều năm sau thì mới có thể quay lại mốc phát triển đã đặt ra như định hướng ban đầu của Bộ Chính trị dành cho Đà Nẵng.

Tôi hy vọng sau 20 năm nữa, sửa đổi của ông Nghĩa sẽ thành công. Nhưng muốn vậy thì phải làm ngay từ bây giờ. Còn không thì vô vọng!

– Xin cảm ơn ông!

Theo HỒ XUÂN MAI / VIETTIMES 

Tags: , ,