⠀
Cuộc cách mạng giáo dục nhìn từ Đài Loan
Giáo dục của Đài Loan cách đây 30 năm gần như giống hệt nền giáo dục chúng ta hiện nay. Nhưng chỉ sau 15 năm cải cách, họ đã làm cả thế giới kinh ngạc.
Về bậc tiểu học, Đài Loan thuộc về 10 nước thành công nhất trên thế giới. Ở cấp trung học, Đài Loan xếp hàng thứ 4 (5) trong bảng đánh gía của PISA (2013). Trong bậc đại học, hiện nay có tới 96% học sinh sau trung học tiếp tục bậc đại học. Trong các bảng xếp hạng của THES và QS, tuy Đài Loan tương đối nhỏ bé (cả diện tích lẫn dân số), nhưng vẫn có mặt trong tốp 100 đại học hàng đầu thế giới – National Taiwan University (NTU – ĐH Quốc Gia Đài Loan) xếp trong khoảng 51-60 – và gần 20 đại học xếp trong số 500 đại học hàng đầu thế giới.
1. Mục đích của giáo dục không thể tách rời khỏi những cuộc cách mạng chính trị và kinh tế, hay tôn giáo, nhưng nó không đồng nhất với những cuộc cách mạng trên; đồng thời mục đích của giáo dục khác với mục đích của chính trị, tôn giáo, kinh tế, do vậy, phương thế giáo dục cũng không đồng nhất với đường lối của các cuộc cách mạng khác.
Đài Loan ý thức được sự khác biệt này khi họ tách giáo dục ra khỏi chính trị, và tổ chức khiến các cơ quan giáo dục có thể độc lập không bị giới quan chức (trung ương và địa phương) lũng đoạn. Luật giáo dục, luật giáo viên và những bộ luật liên quan ra đời nhắm bảo vệ sự độc lập này.
Tại đại học, sinh viên có quyền nhận xét chấm điểm giảng viên, tham dự vào nhiều sinh hoạt của khoa, viện, đại học… gồm cả những hoạt động quan trọng và có tiếng nói trong việc chọn hiệu trưởng, viện trưởng, giảng viên, chủ nhiệm, vân vân… |
Cách mạng giáo dục bắt đầu với việc đặt lại chính mục đích giáo dục. Chính con người, hay gần hơn, con người đi học, mới là mục đích giáo dục. Người học vì chính mình chứ không phải vì ai khác. Cái học cho gia đình, cho nhà nước, cho đảng phái hay giáo hội không còn là mục đích chính nữa. Tương tự, người công tác giáo dục, hay người đem kiến thức đến cho người học là những cộng tác viên, chứ không giữ vai trò chính yếu như thấy trong nền giáo dục hiện nay của Việt Nam. Chỉ khi đã xác định mục đích, thì sau đó giáo dục mới nhắm đến phương thế, và từ phương thế tìm ra phương pháp, kỹ thuật để đạt tới mục đích chính. Nói cách khác, phương thế, phương pháp, kỹ thuật chỉ là những mục tiêu mang tính cách công cụ và tạm thời (instrumental purposes) thuộc tầm chiến thuật nhiều hơn.
Sự thành công của bất cứ nền giáo dục nào cũng phải được đánh gía bằng chính cái kết qủa, tức đạt tới mục đích chính, đó là người học: làm thế nào để học sinh tự có khả năng sống, khả năng giao tiếp, và khả năng tự phát triển hoàn thiện. Từ nhận định như vậy, hệ thống giáo dục xứ Đài được đa diện hóa, đa nguyên hóa để cho mỗi học viên có thể lựa chọn tùy theo mục đích, ý thích lựa chọn của họ. Các đại học được tự do cạnh tranh, mở những môn học thích hợp, và chọn lựa mục đích đeo đuổi của họ. Tài chánh được phân chia hợp lý hơn, công bằng hơn. Mọi người công dân đều có quyền được trợ cấp. Học sinh trường công hay tư 12 năm bắt buộc, đều miễn phí. Tại đại học, hay cao đẳng, sinh viên trường công cũng như tư đều được trợ cấp một phần học phí. Nhà nước giám sát học phí, giữ lại ở mức thấp nhất để mọi con em có thể theo học. Cần phải nói, đó là học phí ở xứ Đài rất thấp (so cả với Việt Nam, nếu tính theo thu nhập bình quân). NTU, tuy xếp hạng trong khoảng 51-60 trên thế giới, nhưng học phí chỉ bằng 1/20 của những đại học cùng hạng bên Mỹ, Nhật hay ngay bên Hồng Công. Cần phải nói thêm, con cái của cán bộ, giáo viên, binh sĩ, cảnh sát, bưu điện, vân vân… và của những gia đình thu nhập thấp đều được trợ cấp học phí hoàn toàn.
2. Lấy học sinh làm chủ thể của giáo dục
Đài Loan giảm các sức ép lên học sinh. Thi cử được đa dạng hóa, và giảm bớt những nội dung không cần thiết, tăng thêm nhiều kỳ tuyển sinh, trao lại cho đại học quyền tự tuyển sinh. Những môn học gần gũi với đời sống hơn. Ngôn ngữ mẹ đẻ được khuyến khích, và nhà nước trợ cấp các trường học mở những khóa ngoại ngữ cho những học sinh trong gia đình dị chủng hay khác ngôn ngữ (Đã có nhiều lớp Việt ngữ trong nhiều trường tiểu học và trung học cho con em những gia đình Đài-Việt). Vì chú ý đến con người toàn diện, nên giáo dục thể lực, giáo dục giao tiếp, giáo dục nghệ thuật… cũng rất được chú trọng. Bất cứ trường học nào cũng có sân vận động, hồ bơi, giáo viên thể dục, giáo viên nghệ thuật, âm nhạc1… Học sinh, sinh viên đều có tiếng nói của họ. Tại đại học, sinh viên có quyền nhận xét chấm điểm giảng viên, tham dự vào nhiều sinh hoạt của khoa, viện, đại học… gồm cả những hoạt động quan trọng và có tiếng nói trong việc chọn hiệu trưởng, viện trưởng, giảng viên, chủ nhiệm, vân vân…
Cách mạng giáo dục bắt đầu khi nhận ra tính sai lầm của mục đích và phương pháp cũ. Do vậy, cách mạng giáo dục (hay trong trường hợp nhẹ hơn, mà chúng ta gọi là cải cách) đòi buộc hoặc phải phá bỏ quan niệm, mục đích, và phương pháp cũ, phải sửa sai, định hướng và tìm kiếm những phương pháp mới để cải tiến nền giáo dục cũ. |
3. Là “đồng chủ thể”, giáo viên, giảng viên tự điều hành khoa, viện, trường. Họ bầu ra các Ủy ban điều hành, giám sát. Họ quyết định sinh hoạt chính của khoa, viện, trường. Họ có quyền quyết định nhân sự, thăng chức, vân vân. Chủ nhiệm khoa chỉ mang tính đại biểu, và chỉ có 1 phiếu trong Ủy ban. Quyền hành của hiệu trưởng bị hạn chế. Có lẽ, hiệu trưởng là người mang rất nhiều trách nhiệm nhưng lại rất ít quyền lực. Bộ Giáo dục hoàn toàn không có quyền chen vào trong nhà trường. Các đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo… hoàn toàn bị cấm sinh hoạt trong bất cứ nhà trường nào.
4. Một lớp học tự chủ, trọng con người
Đài Loan, chuyển mình từ một xã hội đóng kín, độc đảng, bảo thủ… qua một xã hội mở, đa nguyên với người dân là chủ thể đích thực. Tương tự, giáo dục Đài Loan cũng chuyển mình, từ lối học khoa cử, từ chương, bắt chước, thụ động sang một lối học tự chủ, trọng năng lực sáng tạo, cởi mở, đa nguyên và nhất là trọng con người hơn. Sự chuyển đổi tương đối thành công, không tạo ra bất an, hay bạo lực. Giống như thành công trong kinh tế và chính trị, giáo dục Đài Loan hôm nay đã có một chỗ đứng đáng nể ở Á châu, và trên thế giới. Công nghệ, kỹ thuật, cũng như khoa học của xứ Đài đã được trọng thị, và đương đóng góp một phần rất quan trọng vào sự “phát triển trong ổn định” của xứ Đài.
5. Chính sách tài chính
Một yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển giáo dục Đài Loan là Đài Loan đầu tư gần tới 2% của GDP cho giáo dục đại học (1.93% cho năm 2008), và số tiền đó được phân phát “công bằng” cho mọi sinh viên (học phí tại trường công hay tư đều rất thấp, và không cách biệt lắm. Vì tất cả tư hay công đều được nhà nước trợ cấp từ 2.000- 4.000 USD cho mỗi đầu sinh viên. Những sinh viên xuất sắc, con nhà nghèo, hay con cái giới công chức, quân nhân, giáo viên, bưu điện… đều được học bổng trợ cấp tiền học). Lí do, số tiền có được là do mọi người dân đóng thuế, do đó mọi người đều có quyền được phân chia một cách công bằng. Chính vì vậy mà tuyệt đại đa số học sinh sau trung học đều tiếp tục học đại học, hay sau đại học2. Và đây cũng là một nguyên do về sự thành công của Đài Loan trong đào tạo nhân tài.
***
Sự thành công giáo dục của Nhật, rồi Đại Hàn, và những nước thuộc vùng Đông Á khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hình như có một đặc tính gì chung giữa các nước này. Có lẽ không ít người sẽ đặt câu hỏi, tại sao Đài Loan, Nhật, Đại Hàn, Hương Cảng và Tân Gia Ba nhưng không phải là Việt Nam, một nước có nhiều nhân tài và cùng nền văn hóa Đông Á như họ?
————————————————-
Chú thích:
1. Tại Đài Loan với 23 triệu dân họ có trên 30 âm nhạc viện. Rất nhiều đại học đều có Khoa âm nhạc, và dàn nhạc giao hưởng. Nổi tiếng có ĐH Sư Phạm Đài Loan, ĐH Đông Ngô, ĐH Văn Hóa, ĐH Phụ Nhân, ĐH Đông Hải, ĐH Nghệ Thuật (hầu hết là tư thục). Bất cừ trường nào từ tiểu học đến đại học cũng có hồ bơi, sân vận động.
2. ĐHQG Đài Loan (NTU) là trường công với khoảng 30.000 sinh viên (15.000 cấp đại học, 15.000 cấp nghiên cứu), và với diện tích trên 36.500 ha đất (365 km vuông). NTU chưa phải là trường có tỉ lệ nghiên cứu sinh cao nhất ở Đài Loan.
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG (2014)
Tags: Đài Loan, Giáo dục