⠀
Cục diện Biển Đông năm 2024 và dự báo tình hình năm 2025
Tình hình Biển Đông trong năm 2024 về tổng thể vẫn ở trạng thái ổn định, nhưng các thành tố cấu trúc nên cục diện khu vực đã liên tục vận động và có nhiều điểm mới mẻ so với năm trước đó.
Năm vừa qua, các căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn chủ yếu giữa Trung Quốc với Philippines và các đồng minh của Manila. Không những các căng thẳng đã thể hiện trên thực địa, nó còn gia tăng bộc lộ ở trên mặt trận pháp lý. Điều đó tiếp tục trở thành động lực, thu hút sự tham gia sâu hơn của các quốc gia, vùng lãnh thổ trong và ngoài khu vực vào vấn đề Biển Đông. Bên cạnh căng thẳng Trung Quốc – Philippines, các bên liên quan khác cũng có những tương tác đáng chú ý, khiến việc nhận định cục diện Biển Đông trở nên khó khăn hơn.
Sự chuyển biến của một số yếu tố ảnh hưởng
Vai trò của Biển Đông ngày càng tăng nhưng cũng ngày càng trở nên thiếu ổn định.
Trong năm 2023, tổng giá trị thương mại đi qua Biển Đông đã đạt khoảng 7.000 tỉ USD chiếm 24% giá trị thương mại toàn cầu. Con số này vào năm 2016 lần lượt là 3.370 tỉ USD và 21%. Riêng eo biển Malacca đã ghi nhận 23,7 triệu thùng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ khác được trung chuyển, con số này nhiều hơn 13% so với eo biển Hormuz. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là ba quốc gia đáng chú ý ở Đông Á có nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ tuyến thương mại biển này. Đồng thời, đây cũng là các nước đang trực tiếp tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược trong khu vực. Rõ ràng, tầm ảnh hưởng về kinh tế của tuyến đường qua Biển Đông đang ngày một gia tăng. Nhưng rủi ro an ninh có thể xuất hiện ở Biển Đông cũng gia tăng tương ứng trước tác động của tình hình quốc tế.
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng ở biển Đỏ đã khiến một phần đáng kể các tàu thương mại buộc phải chuyển hướng, vòng qua mũi Hảo Vọng trước khi tiến vào liên đại dương Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này làm gia tăng thêm chi phí cũng như rủi ro, tạo thêm các gánh nặng tài chính cho các đơn vị vận chuyển gây ra sự gián đoạn đối với dòng chảy thương mại liên khu vực. Tuyến hàng hải đi qua Biển Đông vì vậy sẽ chịu ảnh hưởng ở cả hai mặt.
Hơn nữa, tính thiếu ổn định trong vai trò đang lên của Biển Đông thể hiện ở chỗ, ngoài Biển Đỏ, nguy cơ xảy ra xung đột tại các nút thắt thương mại biển khác ngày một gia tăng – như trường hợp của eo biển Đài Loan. Rủi ro đối đầu địa chính trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh hàng hải ở khu vực này. Mặt trái của nó sẽ làm suy yếu vai trò kinh tế của tuyến đường biển thương mại qua Biển Đông. Thế mạnh về tự do hàng hải ở Biển Đông có thể sẽ bị mất đi.
Thứ hai, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm tới chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cụ thể, Diễn đàn Bộ trưởng về Hợp tác ở khu vực Ấn độ dương – Thái Bình Dương 2024 đã thu hút khoảng 74 quốc gia tham gia. Đồng thời, số lượng các quốc gia tổ chức đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hoặc các văn kiện tầm nhìn có liên quan ngày một tăng. Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa hai đại dương, vấn đề Biển Đông đã được nhắc đến nhiều hơn trong các chương trình nghị sự cũng như chính sách của các nước trên thế giới. Nhưng cách tiếp cận của các nước này không giống nhau, một số quan tâm đến tự do hàng hải, lợi ích kinh tế, trong khi một số khác quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò thực tế của Biển Đông tùy vào thời điểm, bối cảnh.
Quá trình chuyển giao quyền lực tại các quốc gia trong khu vực và thế giới đặt ra những cân nhắc chiến lược cho các bên. Đánh giá về cục diện Biển Đông năm 2024 cần lưu ý đặc biệt đến vấn đề chuyển giao quyền lực ở nhiều nước trong khu vực và thế giới thời gian vừa qua. Tâm điểm trong năm nay được đổ dồn về cuộc bầu cử tại Mỹ. Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế, bao gồm cả vấn đề Biển Đông là điều tất yếu với sự trở lại của ông Donald Trump. Có điều, nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump chỉ bắt đầu từ năm 2025. Trong những ngày cuối cùng của năm 2024, việc Tổng thống hiện tại của Mỹ – Joe Biden sẽ hoàn tất “kế hoạch Biển Đông” của mình như thế nào trước khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ có tác động đáng kể. Bản thân các nước xung quanh điểm nóng Biển Đông cũng hiểu rõ giai đoạn chuyển tiếp quyền lực của Mỹ, do vậy, nhiều nước có xu hướng án binh bất động, chờ các động thái rõ ràng hơn từ phía Washington. Điều này có thể sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng đầu nhiệm kỳ của ông Trump.
Ngoài ra, sự thay đổi quyền lực ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á cũng được xem là một nhân tố tác động không nhỏ đối với tình hình ở Biển Đông. Tân Thủ tướng Shigeru Ishiba vẫn chưa có nhiều động thái khẳng định quan điểm của ông về vấn đề Biển Đông. Liệu rằng chính sách của ông Shigeru Ishiba có sự khác biệt nào so với người tiền nhiệm Fumio Kishida hay không. Điều đó sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với tham vọng can dự vào Biển Đông của Nhật Bản. Thời gian cầm quyền của ông Shigeru Ishiba vẫn còn dài và cần có nhiều tính toán chiến lược cụ thể hơn. Thời gian sẽ tiếp tục trả lời cho câu chuyện vai trò của Nhật Bản đối với tình hình Biển Đông như thế nào. Trong khi đó, khủng hoảng chính trị đang xảy ra ở Hàn Quốc cũng sẽ đặt ra một câu hỏi về tương lai các chính sách can dự bên ngoài của nước này. Hoàn toàn không thể loại trừ khả năng Hàn Quốc cũng sẽ tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông trong tương lai.
Những chuyển biến đáng chú ý về vấn đề Biển Đông trong năm 2024
Quân sự hóa biển Đông: không chỉ có dấu ấn của Trung Quốc, dấu ấn của Mỹ cũng gia tăng nhanh chóng
Sau khi Mỹ được tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới ở Philippines trong năm 2023, sức mạnh hậu cần của Mỹ ở khu vực được gia tăng đáng kể. Cùng với căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh các vùng biển tranh chấp, Mỹ cũng gia tăng các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông.
Đầu tiên, Mỹ cùng các đồng minh đã mở rộng quy mô của cuộc tập trận thường niên Balikatan. Cuộc tập trận diễn ra trong khoảng thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024 đã ghi nhận nhiều dấu ấn mới. (1) Tần suất tương tác giữa Philippines với các đồng minh gia tăng nhanh chóng. Trong vòng chưa đầy một tháng, Philippines không chỉ lần đầu tiên tiến hành tập trận quân sự toàn diện với Mỹ, Nhật Bản và Australia ở Biển Đông, mà còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo 3 bên với Mỹ và Nhật Bản. (2) Số lượng đối tác tham gia tập trận chung gia tăng đột biến. Cuộc tập trận năm 2024 đã có sự xuất hiện lần đầu tiên của lực lượng Pháp cùng 10 quốc gia khác với tư cách quan sát viên. Đặc biệt, Nhật Bản đang trở thành một đối tác tiềm năng có thể sẽ tham gia trực tiếp trong tương lai gần. (3) Lần đầu tiên, vị trí của cuộc tập trận Balikatan đã được đẩy ra ngoài phạm vi 12 hải lý của Philippines. Động thái này có thể ẩn chứa hàm ý, Manila cùng các đồng minh của họ đã tính đến phương án “lấy lại những gì đã mất”. (4) Trong thời gian diễn ra tập trận, Mỹ đã công bố rằng, họ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung Typhon tới đảo Luzon của Philippines. Đây là một bước tiến đáng chú ý trong tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Mỹ.
Tiếp đến, Mỹ tăng cường các hoạt động ngoại giao quân sự với các quốc gia xung quanh Biển Đông. Đặc biệt, các hoạt động này đã sử dụng một lực lượng tàu mặt nước tương đối hùng hậu. Cụ thể, tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã có chuyến thăm tới cảng Klang ở bờ biển phía Tây Malaysia vào tháng 11/2024. Trước đó 2 tháng, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng đã có những hoạt động xung quanh khu vực Biển Đông. Không những vậy, 3 tàu khu trục hộ tống gồm: tàu USS Frank E. Petersen Jr. đã có chuyến thăm tới Singapore, trong khi USS Spruance và USS Michael Murphy đã đến Thái Lan. Vào tháng 7/2024, tàu chỉ huy USS Blue Ridge và tàu Waesche của Mỹ cũng đã cập bến quân cảng Cam Ranh của Việt Nam. Mặc dù trong chuyến thăm Việt Nam, hai bên chỉ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa quốc phòng, nhưng sự hiện diện của các tàu hải quân Mỹ cũng ấn chứa nhiều tham vọng quân sự của Washington trong khu vực.
Đồng thời, Mỹ đang thúc đẩy quá trình hiện diện quân sự ở Biển Đông của các thế lực bên ngoài, chủ yếu là các nước đồng minh của Mỹ. Nhật Bản và Australia đang trở thành hai nhân tố tiêu biểu cho xu hướng này. Trong năm 2024, Nhật Bản đã có ít nhất 3 lần tham gia các cuộc tập trận với Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông. Lần thứ nhất vào tháng 4/2024, lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) triển khai tàu khu trục Js Akebono tham gia diễn tập quân sự cùng với lực lượng của Mỹ, Australia và Philippines. Lần thứ hai vào tháng 9/2024, cũng với các lực lượng của ba nước đã nêu và có thêm sự tham gia của New Zealand. Lần thứ ba, Nhật Bản đã tham gia tập trận Balikatan vào tháng 11/2024 với tư cách quan sát viên. Sự gia tăng hiện diện quân sự của Nhật Bản có xu hướng ngày càng rõ ràng hơn, nhất là khi Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) được ký kết hồi tháng 7/2024. Tương tự như Nhật Bản, Australia cũng gần như tham gia đầy đủ các cuộc tập trận mà Nhật Bản có mặt ở Biển Đông. Tháng 11/2024, lần đầu tiên Australia và Philippines đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng tại Canberra. Các thỏa thuận quốc phòng giữa hai bên đang mở đường cho Australia hiện diện quân sự nhiều hơn ở khu vực Biển Đông.
Tất nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục quá trình quân sự hóa Biển Đông. Vấn đề này tuy đã tồn tại từ lâu, nhưng quá trình gia tăng ảnh hưởng của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc hơn nữa trong năm 2024. Đáp lại các hoạt động quân sự trên Biển Đông của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động tập trận, tuần tra và tăng tốc cải tạo các cơ sở trên Biển Đông mà họ đang chiếm giữ. Ngoài ra, Trung Quốc đã gia tăng cả quy mô và tính chất của các hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Ví dụ, năm 2023, một báo cáo đã chỉ ra, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã tăng 35%. Con số này tiếp tục tăng trong năm 2024 và dân quân biển của Trung Quốc hoạt động rất tích cực ở Biển Đông. Liên quan tới căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc với Philippines, các bên đã ghi nhận nhiều hoạt động tác chiến điện tử nhằm vào nhau. Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới trong việc kiểm soát các hoạt động gây hấn bằng các cách thức phi truyền thống.
Cán cân lực lượng ở khu vực Biển Đông tiếp tục có những thay đổi so với những năm trước.
Sự tham gia ngày một sâu sắc hơn của Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan và các đối tác, đồng minh khác của Mỹ đang cho thấy lực lượng có chung tham vọng kiềm chế Trung Quốc đang ngày một gia tăng so với những năm trước đây. Mặc dù vậy, sự tham gia của các quốc gia này mới chỉ ở giai đoạn đầu, lực lượng liên hợp do Mỹ đứng đầu tuy đã gia tăng về số lượng nhưng chưa làm thay đổi sự cân bằng lực lượng ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng, và ASEAN vẫn duy trì được vai trò trung tâm của mình.
Đối với Mỹ, nhờ bổ sung thêm các căn cứ quân sự mới ở Philippines, năng lực hậu cần gia tăng đã giúp cho nước này có thể triển khai thêm lực lượng hải quân đông đảo hơn. Sức mạnh quân sự của Mỹ ở Biển Đông nhờ vậy cũng tăng lên đáng kể. Một nguồn tin cho rằng, trong năm 2024, số lượng các hoạt động hàng hải đa phương của Philippines đã gấp 3 lần năm 2023, và hầu hết các hoạt động này đều có sự góp mặt của Mỹ. Rõ ràng, sự hỗ trợ của Mỹ đã góp phần quan trọng tạo ra bước tiến nhảy vọt của Philippines đối với các hoạt động trên biển. Điều này cũng thu hút sự tham gia của nhiều đối tác, đồng minh khác hơn.
Đối với Nhật Bản và Australia, hai quốc gia này đều đang nằm trong những cơ chế hợp tác an ninh quan trọng do Mỹ đứng đầu, đồng thời trở thành hai nhân tố tích cực nhất hỗ trợ cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông mà Mỹ đề ra. Kể từ khi điều chỉnh chính sách quốc phòng theo hướng chủ động hơn, Nhật Bản đã có nhiều động thái đưa các phương tiện quân sự hiện đại xuất hiện ở Philippines. Điều tương tự cũng xảy ra đối với trường hợp của Australia. Những động thái này đang khiến Philippines trở thành một tiền đồn quan trọng, tập kết mọi nguồn lực cho liên minh ngăn chặn Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, một số đối tác đồng minh ở châu Á và châu Âu cũng đang có những động thái tham gia sâu vào tình hình Biển Đông. Hoặc ít nhất, họ đã bày tỏ ý định hiện diện ở Biển Đông thông qua 2 điểm: tham gia các cuộc tập trận chung với tư cách quan sát viên và tích cực lên tiếng ủng hộ quan điểm của Mỹ, Philippines trên các diễn đàn an ninh quốc tế.
Về phần mình, các nước ASEAN vẫn tăng cường năng lực quốc phòng, không bị động và không để các diễn biến trên biển vượt qua lằn ranh đỏ chủ quyền của mỗi quốc gia. Trong xu hướng quân sự hóa Biển Đông, các nước cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua cải tạo, gia cố các điểm đảo thuộc chủ quyền của mình ở trên biển, từng bước nâng cao năng lực tác chiến, năng lực ứng phó với các tình huống va chạm trên biển và không ngừng hiện đại hóa quốc phòng, xây dựng được lực lượng đủ mạnh nhằm đạt được sự cân bằng với các thế lực bên ngoài.
Khi các bên hạn chế kích động các xung đột truyền thống, họ có xu hướng chuyển sang các phương thức đấu tranh phi truyền thống mới, ví dụ như các chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công mạng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng các phương tiện không người lái… Cuộc đua không hồi kết sẽ liên tục kéo theo sự tham gia sâu hơn của lực lượng tác chiến của nhiều quốc gia, khiến cán cân lực lượng sẽ tiếp tục có những chuyển biến mới trong những năm tiếp theo. Hơn nữa, xu thế hiện nay đang cho thấy, các cường quốc đang sẵn sàng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc đua quân sự hóa ở biển Đông. Năng lực phát triển AI không đồng đều giữa các quốc gia cũng đang góp phần tạo ra sự chênh lệch về cán cân lực lượng giữa các bên liên quan.
Vai trò trung tâm của ASEAN vẫn được duy trì nhưng khả năng chi phối tới chính sách của các bên ở Biển Đông còn hạn chế.
Các cơ chế hợp tác do ASEAN giữ vai trò điều phối như Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trường Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)… tiếp tục được tổ chức trong năm 2024 nhằm thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về an ninh của khu vực. Tuy nhiên, thực tế đã phản ánh rõ các cơ chế này không đủ để chấm dứt tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines.
Tác động của các nước lớn và các rạn nứt bên trong mối quan hệ nội bộ ASEAN đã và đang khiến tổ chức này không có được sự thống nhất cần thiết để tự giải quyết các vấn đề đang diễn ra. Philippines trong thời kỳ của Tổng thống Marcos gần như đã đảo ngược chính sách đối ngoại với hai siêu cường Mỹ – Trung Quốc từ người tiền nhiệm. Philippines đã cải thiện quan hệ đồng minh và làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đẩy cao căng thẳng với Trung Quốc, Philippines lại không có đối tác thực sự ủng hộ tiếng nói của họ trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế này đẩy Manila vào tình thế phụ thuộc vào bên ngoài nhiều hơn là đi theo lợi ích chung của khu vực.
Các động thái ngoại giao không có nhiều kết quả làm gia tăng chia rẽ giữa các bên.
Trong năm 2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2024 để trao đổi về nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ đã không gặt hái được những kết quả như mong muốn. Thậm chí, sự xuất hiện của ông Antony Blinken không thực sự được hoan nghênh ở Trung Quốc.
Một số dự báo cho những năm tiếp theo
Về tổng thể, Biển Đông trong năm 2025 vẫn sẽ là một điểm nóng chiến lược, có tầm ảnh hưởng tới toàn cầu. Căng thẳng trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vẫn sẽ tồn tại theo cả hai hình thức biểu hiện gồm: va chạm trên thực địa và tăng cường đấu tranh về pháp lý, đối ngoại. Trong khi đó, các quốc gia xung quanh, nhất là các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng sẽ không chịu ngồi im.
Kể từ năm 2025, biến số có ảnh hưởng đáng chú ý tới tình hình Biển Đông là sự thay đổi thượng tầng chính trị ở Mỹ. Sự trở lại của Donald Trump đang đặt ra nhiều kịch bản phát triển đối với cục diện ở Biển Đông.
Một mặt, giống như ở nhiệm kỳ thứ nhất, thay vì ra sức hỗ trợ Philippines như nhiệm kỳ của ông Joe Biden, Mỹ sẽ tỏ ra “thiếu nhiệt tình” hơn với đồng minh của họ ở Đông Nam Á. Nhưng ở một mặt khác, “sự thiếu nhiệt tình” ở nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ không giống như chính sách có phần lạnh nhạt trong nhiệm kỳ đầu tiên. Mấu chốt nằm ở việc, Mỹ đã lôi kéo thành công các đồng minh của họ can dự vào vấn đề Biển Đông. Thay vì việc phải tập trung quá nhiều cho Philippines, Mỹ sẽ đẩy một phần trách nhiệm này cho Nhật Bản, Australia và các đồng minh khác của họ. Sự hỗ trợ của Mỹ sẽ có tính thất thường tùy theo các “bài toán được – mất” ở mỗi thời điểm cụ thể.
Dưới tác động của các chính sách thời Trump 2.0, tình hình khu vực cũng như cục diện Biển Đông có thể sẽ có những thay đổi đáng kể.
Trước hết, trong quan hệ Mỹ – Trung, mâu thuẫn kinh tế giữa hai siêu cường sẽ được tái hiện, sẽ xuất hiện nhiều nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tất nhiên, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ duy trì trạng thái cạnh tranh toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhưng thứ tự ưu tiên về tổng thể có thể sẽ có dịch chuyển từ ưu tiên cạnh tranh về an ninh sang trạng thái cân bằng giữa cạnh tranh an ninh và “tách rời” kinh tế. Để cân bằng, thỏa hiệp chính trị sẽ là giải pháp thường xuyên được hai bên sử dụng. Điều này sẽ khiến cục diện Biển Đông khó có thể có bước ngoặt lớn, nhưng tính phức tạp thậm chí là thất thường sẽ gia tăng và đó sẽ là đặc trưng chính của tình hình Biển Đông thời Trump 2.0. Nguy cơ đổ vỡ, bùng phát xung đột sẽ không lớn, mặc dù không thể hoàn toàn loại trừ.
Tiếp theo, Philippines sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thích ứng với các chính sách của Trump. Về kinh tế, Philippines đã giảm thiểu đáng kể mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong 2 năm vừa qua. Trong trường hợp chính sách “nước Mỹ trên hết 2.0” của Trump được thực thi, Philippines có thể sẽ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi không Mỹ không “ngó ngàng” gì đến họ, nhưng đồng thời, Manila cũng đã đi quá xa trong quan hệ với Bắc Kinh, khó có thể phục hồi mối quan hệ này trong một sớm một chiều. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế Philippines sẽ ngày càng suy yếu, và mặc dù là một bên tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nước này sẽ đánh mất dần khả năng tự quyết. Đối tác kinh tế đủ tin cậy nhất của Philippines sẽ là các thành viên ASEAN. “Sự trở lại” ngôi nhà chung ASEAN của Philippines có thể sẽ diễn ra. Khi đó, tiến trình đàm phán COC sẽ có thêm những hi vọng mới, nhưng cũng khó có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng.
Liên quan đến các bên tham gia vào vấn đề Biển Đông khác, chiến lược chia tách các liên kết cũ để tạo dựng các liên kết tiểu đa phương mới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ chế dựa trên bộ khung “Mỹ, Philippines +” hoặc “Mỹ, Autralia +” sẽ trở thành các ưu tiên chính sách của Mỹ thời Donald Trump 2.0 đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Đồng thời, các cơ chế hiện có như AUKUS, JAPHUS, QUAD sẽ tiếp tục được Mỹ và đồng minh cải biến, nhất là tiềm năng mở rộng AUKUS ở trụ cột thứ hai được đánh giá là có nhiều khả năng được thực thi sớm. Những năm tới, sự điều chỉnh của các cơ chế hợp tác này sẽ khiến cấu trúc lực lượng ở Biển Đông liên tục được điều chỉnh. Có nghĩa rằng, việc phân tuyến lực lượng ở Biển Đông vẫn chỉ đang trong giai đoạn phát triển, chưa được định hình một cách ổn định.
Quá trình tập hợp lực lượng ở Biển Đông tiếp diễn cũng sẽ kéo theo sự tăng tốc của quá trình quân sự hóa Biển Đông. Dĩ nhiên, không chỉ có Trung Quốc đơn độc trong vấn đề này, sự hiện diện quân sự sẽ gia tăng nhanh cả về số lượng phương tiện cũng như số lượng quốc gia tham gia. Trò chơi quyền lực ở Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn. Cùng với đó, các hoạt động tác chiến phi truyền thống cũng sẽ được áp dụng, ví dụ như: các hoạt động tác chiến điện tử, tấn công mạng, kể cả việc sử dụng các phương tiện không người lái nhằm cản trở các hoạt động trên thực địa của đối phương. Bên cạnh giá trị địa chiến lược của Biển Đông, mong muốn các đồng minh thể hiện vai trò nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á sẽ là một trong những động lực chính cho trò chơi quyền lực ở Biển Đông. Tuy nhiên, những chuyển biến này sẽ không làm mất đi sự tự do hàng hải vẫn đang tồn tại ở Biển Đông hiện nay.
Cùng với những kịch bản phát triển trên thực địa, cuộc chiến pháp lý giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cũng sẽ tiếp tục được triển khai trong những năm tới. Nhưng kết quả chung của các phương án pháp lý này đều không thể góp phần giải quyết triệt để các căng thẳng trên biển. Chừng nào các bên chưa thể tìm được tiếng nói chung với nhau thông qua việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông COC, các động thái pháp lý khác sẽ không thể tạo ra các thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong một cục diện như vậy, những thời cơ và thách thức mới sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới chiến lược biển của Việt Nam.
————————-
Tài liệu tham khảo:
1. Noi Maloney (2024), Disputes in South China Sea could disrupt trade lanes, lead to war, experts say, https://www.freightwaves.com/news/disputes-in-south-china-sea-could-disrupt-trade-lanes-lead-to-war-experts-say
2. CSIS, Global Trade Through the South China Sea, https://chinapower.csis.org/much-trade-transits-south-china-sea/
3. Nik Martin (2024), How South China Sea tensions threaten global trade, DW, https://www.dw.com/en/south-china-sea-tensions-pose-threat-to-international-trade/a-69926497
4. Die Bundesregierung (2024), Progress report on the implementation of the Federal Government’s policy guidelines for the Indo-Pacific for the year 2024, https://www.auswaertiges-amt.de/blob/2677526/9fbc35a4f327e4cf6648fadb20e3b56d/240925-llip-en-fortschrittsbericht-data.pdf, p.6
5. Công an nhân dân Điện tử (2024), Thấy gì từ Balikatan 2024?, https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thay-gi-tu-balikatan-2024–i731698/
6. Việt Nga (2024), Australia cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Philippines, VOV, https://vov.vn/the-gioi/australia-cam-ket-day-manh-hop-tac-quoc-phong-voi-philippines-post1135177.vov
7. Philip J. Heijmans (2024), China militia presence increases in South China Sea: report, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/02/29/asia-pacific/politics/china-militia-south-china-sea/
8. Faith Argosino (2024), West PH Sea: Navy conducts 10 multilateral maritime activities this year, https://www.inquirer.net/419247/west-ph-sea-navy-conducts-10-multilateral-maritime-activities-this-year/
9. Julio Amador III (2024), DIME Strategy: What Manila can do after the June 17 South China Sea clash, Philstar, https://www.philstar.com/news-commentary/2024/07/10/2369163/dime-strategy-what-manila-can-do-after-june-17-south-china-sea-clash
Theo HOÀNG HẢI / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Biển Đông, Nghiên cứu quốc tế