COVID-19: Nhiều gia đình Mỹ sẽ phá sản vì chi phí khám chữa bệnh

Ở Mỹ, chi phí khám chữa bệnh là vô cùng đắt đỏ, đặc biệt với những người không có bảo hiểm y tế.

COVID-19: Nhiều gia đình Mỹ sẽ phá sản vì chi phí khám chữa bệnh

Gói cứu trợ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo điều kiện cho người dân nước ngày được xét nghiệm virus corona chủng mới miễn phí. Tuy nhiên, các bệnh nhân COVID-19 vẫn sẽ phải tự thanh toán chi phí điều trị. Và đây sẽ là gánh nặng tài chính cực lớn đối với nhiều người Mỹ.

Theo Business Insider, trường hợp của Osmel Martinez Azcue ở Miami là một ví dụ cụ thể. Anh tự đến bệnh viện xét nghiệm virus corona khi có biểu hiện cúm nhẹ sau chuyến công tác tới Trung Quốc. Khi đến phòng khám, anh yêu cầu xét nghiệm cúm trước khi chụp CT vì gói bảo hiểm y tế chi trả có giới hạn.

Kết quả là anh chỉ bị cúm thông thường. Tuy nhiên, Azcue đã rất ngạc nhiên khi công ty bảo hiểm thông báo khoản phí mà anh phải đóng sau đợt khám bệnh trên là 3.270 USD.

Phá sản vì khám bệnh

Business Insider thu thập dữ liệu từ FAIR Health về chi phí trung bình cho các lần khám thông thường tại Mỹ, bao gồm khám ngoại trú và khẩn cấp – công đoạn trước khi xét nghiệm virus corona chủng mới.

Bảng này cũng bao gồm các khoản chi cho xét nghiệm máu hay các bệnh cúm virus thông thường. Trong số 27 triệu dân Mỹ, những người không có bảo hiểm sẽ phải chi trả 100% chi phí khám bệnh, bất kể trường hợp nào.

Giả sử, một người đến bệnh viện trong tình trạng khẩn cấp. Người này được xét nghiệm cúm virus A, B và xét nghiệm máu CMP. Nếu không có bảo hiểm, bệnh nhân sẽ phải chi trả khoảng 1.295 USD tiền khám, trong khi chi phí là 491 USD nếu đóng bảo hiểm y tế. Lúc này, người bệnh chỉ phải trả 20% số tiền, tức 98 USD.

Chi phí các gói khám bệnh thông thường tại Mỹ (USD).

Azcue mới ra trường và đi làm được hơn một năm, với mức lương cơ bản 55.000 USD. Cũng như rất nhiều người dân Mỹ, anh phải gồng gánh khoản chi phí đắt đỏ mỗi lần ốm đau tại bệnh viện.

Theo số liệu được CNBC trích dẫn từ tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ, có tới 66,5% các vụ phá sản cá nhân tại nước này có liên quan đến các vấn đề y tế. Nguyên nhân đến từ việc chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ quá đắt đỏ, mức vượt quá khả năng chi trả của người lao động.

Báo cáo còn cho biết mỗi năm ở Mỹ có 530.000 gia đình nộp đơn xin bảo hộ phá sản do các vấn đề y tế hoặc hóa đơn có liên quan.

66,5% các vụ phá sản cá nhân tại Mỹ có liên quan đến các vấn đề y tế.

Đốt sạch tiền tiết kiệm

Việc chính phủ Mỹ hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID-19 giúp người dân Mỹ đỡ phần nào gánh nặng. Tuy nhiên, chính phủ không trả phí điều trị bệnh. Điều đó có nghĩa những bệnh nhân được điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ICU) sẽ phải chi với số tiền “khủng”, lên tới hàng chục nghìn USD.

Điển hình là trường hợp của Danni Askini, một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Boston (Mỹ). Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, cô mới tá hỏa khi nhìn tờ hóa đơn gần 35.000 USD, theo tạp chí Time.

Theo tổ chức Kaiser Family Foundation, chi phí điều trị trung bình với một người nhiễm COVID-19 ở Mỹ trong trường hợp có bảo hiểm và không có bệnh nền vào khoảng 9.763 USD. Trường hợp bệnh nhân phải điều trị thêm các biến chứng, số tiền có thể lên tới 20.292 USD.

Theo phân tích của SmartAsset dựa trên dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) năm 2016, 50% số hộ gia đình Mỹ chỉ có tối đa 4.500 USD trong tài khoản tiết kiệm.

Tức là với một người bình thường như Azcue, việc khám chữa COVID-19 có thể đốt sạch số tiền tiết kiệm của anh. Thậm chí với những người có nhiều bệnh nền và tài chính eo hẹp hơn, việc chữa bệnh sẽ dẫn đến khối nợ lớn.

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Mỹ, người dân nước này gặp rất nhiều khó khăn với chi phí y tế vượt quá khả năng thanh toán. Khảo sát của Kaiser Family Foundation cho thấy chỉ 49% người Mỹ có bảo hiểm y tế. Và ngay cả những người đi làm, có bảo hiểm như Azcue vẫn có thể bị cháy túi khi đi khám bệnh.

Báo cáo của Kaiser Family Foundation chỉ ra rằng 26% người trưởng thành tại Mỹ không quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe do nguồn tài chính có hạn, trong khi 21% người dân bỏ qua một số xét nghiệm bắt buộc với lý do tương tự.

Theo HƯƠNG GIANG / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,