COVID 19 – Nhân tố tiềm tàng làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông

Vai trò “nhân tố tiềm tàng làm thay đổi cuộc chơi trên toàn cầu” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) có thể sẽ được bộc lộ một cách đầy đủ tại Biển Đông.

COVID 19 – Nhân tố tiềm tàng làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông

Bài viết của tác giả James Patterson, nhà báo tại Thời báo kinh doanh quốc tế (IBTimes). Bài viết được đăng trên báo IBTimes.

Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động tại tuyến hàng hải quốc tế trong bối cảnh Bộ Quốc Phòng Mỹ phải vật lộn với 1.500 ca được xác định là nhiễm virus SARS-CoV-2 trong lực lượng quân đội của họ.

Đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lên tới đỉnh điểm hồi tháng 2/2020 vừa qua, được coi là dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Mặc dù đang phải nỗ lực để ngăn chặn làn sóng bùng phát COVID-19 lần thứ hai, song Trung Quốc cũng đang dần trở lại nhịp sống bình thường thông qua việc phô trương sức mạnh quân sự. Trong khi đó, Mỹ đang ở vào thời kỳ đỉnh dịch COVID-19 với số lượng người nhiễm và tử vong cao ngất. Có thể nói, SARS-CoV-2 đã gây cản trở cho bất kỳ hoạt động quân sự nào của Mỹ ở Biển Đông.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ, gần đây đã tới thăm Việt Nam, hiện neo đậu tại đảo Guam sau khi có báo cáo cho biết trên con tàu này có hơn 170 ca nhiễm COVID-19. Mọi việc trở nên xấu đi sau khi thuyền trưởng của con tàu này là ông Brett Crozier bị sa thải vì ông đã viết một bức thư thúc giục hải quân Mỹ tăng cường các biện pháp kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 trên tàu. Bức thư đã bị rò rỉ cho giới truyền thông.

Một tàu sân bay khác của Hải quân Mỹ đang neo đậu tại vùng biển châu Á là tàu USS Ronald Reagan. Tuần trước, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với hãng tin CNN rằng trên con tàu này có “rất nhiều” ca dương tính với SARS-CoV-2. Con tàu này hiện neo đậu tại Yokosuka (Nhật Bản) để bảo dưỡng. Các ca dương tính COVID-19 khác trong lực lượng quân đội Mỹ được cho là ở một căn cứ Hải quân tại Sasebo (Nhật Bản) và tại Hàn Quốc.

Một số nhà phân tích, chẳng hạn như Carl Schuster – một thuyền trưởng đã nghỉ hưu của lực lượng hải quân Mỹ và là cựu giám đốc phụ trách các chiến dịch tại Trung tâm Tình báo Liên quân của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ – cho rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sẽ tận dụng lợi thế trong lúc Mỹ đang phải tập trung sự chú ý cho một vấn đề nghiêm trọng khác. Ông nói: “Tôi cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng việc hải quân Mỹ phải đối mặt với những thách thức từ SARS-CoV-2 để tăng cường vị thế ở Biển Đông bằng cách hiện diện và hoạt động tùy thích”.

Vụ một tàu thuộc lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Trung Quốc mới đây đâm chìm một tàu cá của Việt Nam chỉ càng củng cố lập luận rằng mục tiêu của Trung Quốc là giành lợi thế ở Biển Đông. Siêu cường thứ 2 thế giới này tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông và tỏ ra coi thường những lời phản đối của quốc tế và khu vực. Sự phản kháng của các nước láng giềng cũng không phải là thách thức đối với lực lượng quân sự quy mô lớn của Trung Quốc, vì vậy, khu vực này phụ thuộc vào sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ với hy vọng sự hiện diện đó sẽ làm đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, do sự bùng phát của đại dịch COVID-19, hiện giờ Mỹ dường như bị “trói tay” phần nào, ngoài việc lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc đang tăng cường đưa ra những “tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp” ở Biển Đông.

Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, khiến 8 ngư dân Việt Nam bị hất khỏi tàu khi con tàu này chìm. Bà nhấn mạnh: “Vụ việc này là sự kiện mới nhất trong một loạt hành động lâu nay của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) nhằm khẳng định các tuyên bố hàng hải bất hợp pháp của họ và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”. Bà cho rằng Trung Quốc nên “tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chống đại dịch toàn cầu này và ngừng lợi dụng sự sao nhãng hay tình trạng dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông”. Tuyên bố của bà Ortagus cũng chỉ ra rằng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình để công bố 2 trạm nghiên cứu mới mà nước này thiết lập tại các căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập và Đá Subi, đồng thời đưa một máy bay quân sự đặc biệt ra Đá Chữ Thập.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,