⠀
Có thể cho những kẻ tham nhũng ‘nộp tiền chuộc tội’ hay không?
“Như thế thì khác gì nộp tiền chuộc tội?” – đồng nghiệp của tôi bật ra câu hỏi trong khi đang chăm chú đọc bài tường thuật về một đề xuất tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng.
Tác giả: Nguyễn Văn Đáng, Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách.
Tôi không thể ngay lập tức trả lời đúng hoặc sai cho thắc mắc của đồng nghiệp; vì ý kiến của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí không thể tóm gọn trong một câu hỏi đơn giản như vậy.
Trong tham luận tại Hội nghị, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho chủ trương để nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng tăng phòng ngừa; giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả đối với nhóm tội phạm tham nhũng, kinh tế. Điều này nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, hướng tới mục tiêu vừa đạt hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, vừa đảm bảo tính nhân văn.
Quan điểm này theo tôi có tính hợp lý nhất định, bởi tình hình thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng của Việt Nam gần đây còn thấp. Trong 10 năm qua, theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, chỉ đạt 34,7% con số được kiến nghị thu hồi.
Trừng phạt nặng về kinh tế đối với các loại tội phạm kinh tế là xu hướng phù hợp, từng được áp dụng trong lịch sử và vẫn phát huy hiệu quả tại các quốc gia hiện đại. Các triều đại phong kiến Việt Nam từng cho phép nộp tiền chuộc tội vì mục đích nhân đạo. Thời Lý, Luật Hình thư ban hành năm 1042 cho phép người 10-15 tuổi và 70-80 tuổi cùng quyến thuộc nhà vua chuộc tội bằng tiền, ngoại trừ phạm Thập Ác. Thời Trần, quan chức phạm tội thì xem xét bậc cao hay thấp mà đền tiền, nhưng đều bị đánh 80 trượng.
Trong khi đưa kiến nghị của mình, ông Trí đề xuất tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc: khi phát hiện vi phạm của cơ quan hành chính, VKS sẽ kiến nghị khắc phục. Nếu cơ quan nào không khắc phục thì VKS khởi kiện để yêu cầu tòa phán quyết. Nhưng, ấn tượng về chống tham nhũng ở Trung Quốc những năm vừa qua là sự nghiêm khắc và quyết liệt, điển hình là trường hợp cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân.
Ông Lưu vốn là công thần của ngành đường sắt Trung Quốc. Tháng 7/2013, Lưu bị kết án tử hình vì lợi dụng quyền hành nâng đỡ 11 người thăng tiến, nhận 64,6 triệu nhân dân tệ (10,5 triệu USD) tiền hối lộ từ năm 1986 đến 2011. Năm 2015, ông này được giảm án xuống chung thân, xét đến những đóng góp to lớn cho ngành đường sắt.
Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam quy định khung hình phạt cao nhất đối với nhóm tội tham nhũng là tử hình kèm theo các hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, Nghị quyết số 03/2020 có hiệu lực từ 15/2/2021 cũng quy định những tình tiết giảm nhẹ với tội phạm tham nhũng, trong đó có các trường hợp như: Vi phạm không vì động cơ cá nhân mà do yêu cầu sáng tạo, đột phá trong công việc; Không được hưởng lợi, phải làm theo yêu cầu của cấp trên; Chủ động khai báo, nộp lại tài sản chiếm đoạt…
Như vậy, luật đã có đủ cương và nhu, đủ mạnh để răn đe và cũng tạo cơ hội khắc phục hậu quả.
Nhưng tội phạm tham nhũng thực tế không giảm.
Vì vậy, đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao dù mang tính cấp tiến vẫn gây ra lo ngại nhất định do ý muốn “giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự” chưa được lý giải rõ ràng; lại nêu ra trong bối cảnh các vụ án tham nhũng liên tiếp được đưa ra xét xử như hiện nay.
Tham nhũng ở Việt Nam không chỉ để lại hậu quả kinh tế, tài chính thuần túy.
Tham nhũng trong lĩnh vực y tế có thể đánh đổi bằng tính mạng của hàng triệu người bệnh; trong lĩnh vực giáo dục, có thể ảnh hưởng đến nhận thức và trình độ của nhiều thế hệ… Trên hết, tham nhũng đồng nghĩa với sự xâm phạm lợi ích công, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chính sách và chính quyền. Hệ lụy của tiêu cực, tham nhũng là rất lớn, không thể chỉ quy ra thành thiệt hại vật chất.
Tinh thần nổi bật và xuyên suốt tại Hội nghị phòng, chống tham nhũng là bài trừ tham nhũng để bảo vệ lợi ích công, củng cố lòng tin của người dân vào chính sách, vào Đảng và Nhà nước. Bởi thế, bất kỳ giải pháp mới nào cũng cần tính tới mọi hệ lụy tiềm năng, không chỉ các hệ lụy vật chất nhìn thấy được.
Singapore đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với tội tham nhũng và thu được kết quả tốt. Năm 2021, Singapore đứng trong nhóm bốn nước ít tham nhũng nhất thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch quốc tế. Tuy nhiên, là người làm công tác nghiên cứu, tôi nhận thấy, thành công của Singapore là kết quả tổng hợp từ quá trình xây dựng nền kinh tế hiện đại, hệ thống hành chính hiệu quả, hệ thống luật pháp chặt chẽ, cùng ý chí chính trị phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ.
Thu hồi tài sản công là nhiệm vụ quan trọng của chiến dịch bài trừ tham nhũng. Tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp có thể liên quan tới nhiều yếu tố, chẳng hạn như các quy định pháp lý còn thiếu chặt chẽ, ý thức và năng lực thực thi chính sách của cán bộ còn thấp… Để gia tăng tỷ lệ tài sản thu hồi, trước hết cần xem xét lại hệ thống luật pháp và quy trình, cách thức thực thi.
Tham nhũng ở nước ta hiện vẫn được coi là giặc nội xâm, với những diễn biến phức tạp. Bởi thế, chủ trương giảm xử lý hình sự với tội tham nhũng chỉ nên triển khai khi chúng ta phân loại rõ các nhóm tội phạm tham nhũng và đồng thuận về tính chất, mức độ của những hành vi tham nhũng có thể cho phép “nộp tiền chuộc tội”.
Theo VNEXPRESS
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Luật pháp