Chuyện Phòng không Việt Nam diệt B-52 Mỹ trên dãy Trường Sơn

Nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, Mỹ không ngần ngại điều động cả “pháo đài bay” B-52 tấn công các tuyến đường huyết mạch của ta dọc dãy Trường Sơn.

Chuyện Phòng không Việt Nam diệt B-52 Mỹ trên dãy Trường Sơn

Đưa “rồng lửa” S-75 vượt dãy Trường Sơn đánh B-52

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, buộc Tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon B. Johnson phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Tuy vậy, Lầu Năm Góc chưa từng có ý định từ bỏ kế hoạch ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam thông qua các chiến dịch ném bom tuyến đường mòn Trường Sơn. Người Mỹ không ngần ngại sử dụng cả “pháo đài bay” B-52 và AC-130 tập trung đánh phá ác liệt ra phía Nam Quân khu 4 và trên toàn tuyến huyết mạch này.

Trước mối đe dọa từ các cuộc không kích của máy bay ném bom B-52, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có một quyết định táo bạo khi triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không vào Trường Sơn, với quyết tâm phải bảo vệ bằng được tuyến vận tải chiến lược, đường mòn Hồ Chí Minh.

Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) sử dụng Sư đoàn 367 làm lực lượng cơ động ở Nam Quân khu 4 với 5 trung đoàn pháo cao xạ 224, 230, 280, 281, 284 và 2 trung đoàn tên lửa là 237, 238.

Nhiệm vụ của Sư đoàn 367 là phối hợp với lực lượng phòng không Quân khu 4 và lực lượng 559, kiên quyết bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch, chuẩn bị sẵn sàng tham gia tác chiến bảo vệ binh chủng hợp thành ở giới tuyến.

Ở thời điểm cuối những năm 1960, tổ hợp tên lửa phòng không duy nhất mà Quân chủng PK-KQ được biên chế chính là S-75 Dvina hay còn được gọi với cái tên khác là SAM-2. Và tên lửa S-75 sẽ vũ khí át chủ bài giúp bộ đội phòng không đập tan kế hoạch sử dụng B-52 tấn công đường Trường Sơn của Lầu Năm Góc.

Đường Trường Sơn thuộc loại đường quân sự làm gấp, đa số đường đất đỏ. Mùa mưa thì lầy lội, tạo thành những ổ trâu, ổ voi, vũng ao nhỏ… rất khó khăn cho việc cơ động bằng cơ giới, nhất là khí tài tên lửa cồng kềnh. Đây là một thử thách không nhỏ đối với bộ đội tên lửa nếu muốn triển khai các tổ hợp S-75 đánh B-52.

Tuy nhiên, hệ thống đường Trường Sơn dài hàng ngàn cây số, ngoài các trục chính chạy dọc Bắc-Nam như đường 14, 15 phía Đông; đường 128, 129 phía Tây, thì dọc tỉnh Khammuane và Savannakhet của Lào còn có các tuyến đường trục ngang nối liền Đông và Tây Trường Sơn qua các cửa khẩu của đường 10, 12, 16, 18, 20.

Chính hệ thống đường nhánh dày như mạng nhện của hệ thống đường Trường Sơn đã giúp các đơn vị phòng không quân của chúng ta đưa tên lửa băng qua đỉnh Trường Sơn, vượt sang đất bạn Lào để chiến đấu.

Bước vào mùa khô năm 1970, không quân Mỹ tăng cường sử dụng máy bay ném bom B-52 và cường kích AC-130 đánh phá ngăn chặn ác liệt các nút giao thông tại cửa khẩu 559.

Dù bị các loại máy bay trinh sát của địch khống chế, săm soi ngày đêm trên toàn tuyến, thế nhưng được Đội Trinh sát nhiễu báo động chính xác, kịp thời việc xuất hiện của B-52 và AC-130; các đơn vị vận tải của chúng ta đã chủ động phòng tránh, vận chuyển và đánh địch hiệu quả.

Trên các trọng điểm đường 20, máy bay địch trinh sát ngày đêm, dùng B-52 ném bom ác liệt vào đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê, Lùm Bùm, trên đường 128 và đường 9. Trung đoàn tên lửa 238 nhận lệnh triển khai các tiểu đoàn 56, 81, 84 áp sát các trọng điểm trên đường 20, chuẩn bị sẵn sàng vượt qua đường 128 vào trận địa Máy Húc.

Trong khi đó Trung đoàn 237 gồm 3 tiểu đoàn 69, 82 và 83 cơ động theo trục đường 15 từ Quảng Bình đến Vĩnh Linh, sẵn sàng cơ động thọc sâu theo đường 12 và đường 10, vượt sang Bắc Bản Đông trên đường số 9.

Cuối năm 1970, các tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 367 đều đã trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tích cực tìm cách đánh B-52 và AC-130, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình phức tạp, trận địa tên lửa phòng không S-75 chỉ có thể triển khai được tối đa 2 bệ phóng tên lửa.

Khó khăn trên cuộc các tiểu đoàn tên lửa của Sư đoàn 367 phải cơ động chiến đấu và tác chiến trong điều kiện đơn lẻ, không tập trung được hỏa lực nên hạn chế xác suất tiêu diệt địch, lại dễ dàng bị tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike của Mỹ đánh phá. Điều này này cũng khiến các đơn vị phòng không của chúng ta mất mát không ít.

Chiến công của “rồng lửa” S-75 trên đỉnh Trường Sơn

Đầu năm 1971, Không quân Mỹ tăng cường hoạt động dọc đường 9 từ Khe Sanh đến Sê Pôn. Trung đoàn tên lửa 237 và 238 được lệnh tiếp tục thọc sâu theo đường 12, 20 và đường 10, vượt sang Tây Trường Sơn để đánh B-52 cũng bảo vệ đội hình quân binh chủng hợp thành.

Sau nhiều mất mát và hi sinh, bộ đội tên lửa đã có chiến công đầu tiên trên đỉnh Trường Sơn khi vào ngày 18/3/1971 tại trận địa Tà Păng, Tiểu đoàn 69 thuộc Trung đoàn 237 đã chớp thời cơ bắn rơi một “pháo đài bay” B-52. Chiến thắng này còn tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội chủ lực giải phóng Bản Đông.

Đến tháng 3/1972, cũng trên tuyến vận chuyển chiến lược cửa khẩu 559, Tiểu đoàn 67 thuộc Trung đoàn tên lửa 275, Sư đoàn 377 tại trận địa Mây Húc 2, do nghiên cứu và chuẩn bị khá tốt nên đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc AC-130, bảo đảm cho Chiến dịch Trị Thiên mở màn thắng lợi.

Việc các đơn vị tên lửa của Quân chủng PK-KQ bắn rơi được 2 con át chủ bài của Không quân Mỹ là B-52 và AC-130 vào thời cơ quyết định, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch của đường Trường Sơn huyền thoại.

Từ những kinh nghiệm quý báu này, cộng với kinh nghiệm chiến đấu trong Chiến dịch Trị Thiên (3/1972) đã rút ra được nhiều bài học quý báu cho sự phát triển và trưởng thành của bộ đội tên lửa, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12/1972

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , , ,