⠀
Chuyện đau lòng từ những phát hiện mới trong thiên nhiên Việt Nam
Phát hiện loài mới, ngoài những lợi ích to lớn cho nhân loại thì đôi khi các nguyên nhân khách quan lại trở thành thảm hoạ cho chính loài mới được công bố và cả hệ sinh thái trong khu vực loài mới sinh sống và phát triển bởi lòng tham của con người.
Những trăn trở này như một mảng màu tối trong bức tranh bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam hiện nay. Câu chuyện đau lòng vì những loài mới vừa được phát hiện nhưng sắp bị tuyệt chủng sẽ phần nào cảnh báo được việc nâng cao ý thức trong công cuộc bảo vệ những tài sản vô giá mà cha ông chúng ta đã đồ xương máu để gìn giữ.
1. Câu chuyện về lan hài Cảnh Paphiopedilum canhii
Có lẽ rất ít các quốc gia trên thế giới có nhiều loài lan hài được phát hiện và công bố như ở Việt Nam , Việt Nam chính là xứ sở của lan hài với rất nhiều loài. Hiện nay theo thống kê của các nhà nghiên cứu về hoa lan ở Việt nam, đã có hơn 20 loài lan hài được công bố. Hầu hết các loài lan hài sống ở những vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở, thảm thực vật còn hầu như nguyên vẹn chưa bị tác động bởi bàn tay con người và chúng chỉ nảy mầm khi cộng sinh với một loài nấm. Đã có rất nhiều những nhà nghiên cứu hoa lan ước mong có cơ hội tìm thấy một loài lan hải mới ở Việt Nam. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, kể từ khi loài lan hài Hằng được phát hiện ở Việt Nam năm 1983, ước mong đó tưởng chừng như vô vọng. Nhưng tháng 5/2010 các nhà khoa học Việt, Nga đã phát hiện và công bố một loài lan hài mới được mang tên nhà sưu tầm hoa lan Chu Xuân Cảnh – Paphiopedilum canhii.
Lan hài Cảnh Paphiopedilum canhii – Ảnh: Chu Xuân Cảnh
Có thể nói đây là một khám phá rất lớn của các nhà khoa học, đã không chỉ gây ngỡ ngàng cho các nhà nghiên cứu hoa lan trên thế giới mà còn là niềm hân hoan của hàng ngàn nhà trồng hoa lan trên khắp hoàn cầu. Loài lan hài Cảnh Paphiopedilum canhii một lần nữa đã minh chứng Việt Nam là một đất nước không chỉ đa dạng sinh học nhất nhì trong khu vực mà còn là vùng đất còn có rất nhiều những loài chưa được nghiên cứu, công bố. Tuy nhiên, sự phát hiện và công bố của loài lan này cũng đồng nghĩa với những thảm họa lại bắt đầu xảy ra đối với loài lan tuyệt đẹp này.
Lan hài Cảnh có vùng phân bố rất hẹp ở những ngọn núi cao phía Bắc Việt Nam, Khi loài này được công bố các nhà khoa học đã CỐ TÌNH không ghi rõ địa điểm, tọa độ vùng phân bố của loài mới này mà chỉ ghi rất ngắn gọn là phát hiện ở phía bắc Việt Nam. Các nhà khoa học lo sợ rằng, những địa điểm chính xác là miếng mồi thơm ngon cho những kẻ buôn lan trong nước và quốc tế sẽ tàn phá để kiếm những nguồn lợi kếch xù. Trên nhiều diễn đàn và một số trang web buôn bán hoa lan, đã chào bán cây lan này với giá 300-500 USD/cây.
Lan hài Cảnh Paphiopedilum canhii bị tận diệt để buôn bán. Ảnh: Chu xuân Cảnh
Rất nhiều những nhà sưu tầm hoa lan ở Việt Nam và trên thế giới đang tìm mọi cách để khai thác, sở hữu loài hoa lan đặc hữu, tuyệt đẹp và quí hiếm này. Thế là một cuộc tìm kiếm bắt đầu diễn ra. Anh Chu Xuân Cảnh là người đầu tiên phát hiện cũng chỉ dám sở hữu hai cây làm tiêu bản và một cây duy nhất để theo dõi quá trình phát triển, phát hoa trong quá trình nuôi trồng nhằm giới thiệu với bạn bè có cùng thú vui trồng, ngắm hoa lan. Đã nhiều lần anh được đề nghị với những món tiền hấp dẫn từ các nhà sưu tầm hoa lan của Đài Loan, Pháp, Đức để được sở hữu một vài cây lan giống; nhưng anh đã từ chối thẳng thừng vì anh hiểu được rằng đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của một con người đối với thiên Việt Nam. Hơn nữa đây lại là loài lan hài quí hiếm được mang tên mình và anh không thể vì một chút lợi trước mắt mà đánh mất là một vinh dự rất vô cùng lớn lao đó. Mới đây, anh cùng chúng tôi có dịp quay lại nơi phát hiện vùng phân bố của loài hoa lan này. Một sự thật đau lòng là toàn bộ những cây lan phân bố ở đây đang bị tuyệt diệt đến mức thảm hại để bán cho các nhà sưu tầm hoa lan quốc tế. Hiện nay, nhiều nơi tại Điện Biên lan hài Cảnh đã được cân bán bằng kg, rất nhiều vùng đã hoàn toàn bị tuyệt diệt trong tự nhiên.
2. Câu chuyện về cây thuốc quí hiếm Thạch tùng răng cưa Huperzia serrata
Cây thạch tùng răng cưa Huperzia serratathuộc họ Thông đất – Lycopodiaceae là một loài thân cỏ mọc ở đất, cao từ 10-40 cm, thân đơn hay lưỡng phân 1-2 lần, hình trụ. Lá hình bầu dục, đầu nhọn, phiến lá tương đối mỏng, nổi rõ gân giữa, mép lá có răng cưa. Túi bào tử ở nách lá hình thận màu vàng tươi.
Cây thạch tùng răng cưa hiện nay được biết nhiều ở Trung Quốc dưới tên là Qian Ceng Ta qua các bài thuốc chữa các bệnh bầm máu, rách cơ, sốt và tinh thần phân lập. Hoạt chất chính của cây này là một alcaloide có tên Huperzine. Chất này được các nhà khoa học Trung Quốc cô lập lần đầu tiên vào năm 1948, và các thí nghiệm lâm sàng cũng như các ứng dụng điều trị đều đã được tiến hành ở quốc gia này. Nhưng ở các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, nó lại được sử dụng rộng rãi như là thức ăn bổ trợ, và được bán rộng rãi trên thị trường. Sau khi các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố, thì các nhà khoa học châu Âu đã kết luận rằng chất này có tác dụng trong việc chữa trị các bệnh về trí nhớ, đặc biệt đối với bệnh alzeimer của người già. Alcaloide này có khả năng xuyên qua hàng rào mạch máu não và tác động trực tiếp lên não bộ với liều lượng rất thấp tính bằng microgram. Trên thực tế, alcaloide này ức chế việc sản sinh ra acétylcholinestérase, một enzym tạo ra sự suy thoái của acétylcholine. Khi mà enzym này bị thiếu hụt, hoặc chỉ có với hàm lượng rất thấp thì hàm lượng acétylcholine trong não tăng lên, giúp cho trí nhớ và các chức năng nhận thức được cải thiện. Nguồn cung cấp chất này tốt nhất là từ cây Thạch tùng răng cưa Huperzia serrata (khoảng 0,1%)
Thạch tùng răng cưa Huperzia serrata. Ảnh: Đỗ Xuân Cẩm
Ở Việt Nam cây thạch tùng chỉ mọc ở núi cao trên 1000 m. Loài này chỉ mới được phát hiện ở Sapa (Lào Cai). Chúng thường mọc dưới tán rừng quanh năm ẩm ướt, nhiều mùn. Hiện nay giá 1 kg tươi được bán ngay tại Việt Nam là 300 USD cho các lái buôn cây thuốc người Trung Quốc. Chính vì vậy trong lần khảo sát năm 2010 tại Sapa – sau 2 ngày miệt mài tìm kiếm chúng tôi chỉ thu được đúng 3 mẫu cây non rất nhỏ và hầu như vùng phân bố của loài này trước đây thấy rất nhiều ở Sapa đã gần như bị xóa sổ.
Mới đây loài này được tìm thấy ở một tỉnh cao nguyên miền trung, nhưng nếu như không muốn chúng tuyệt chủng thì không nên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì đó là thảm họa mới cho loài cây thuốc quý hiếm này.
3. Câu chuyện về loài Cá rồng Scleropages formosus
Cá rồng hay còn gọi là cá mơn tên khoa học của chúng là Scleropages formosus. Loài cá thuộc họ Osteoglossidae và bộ Clupeiformes này có thân thon dài và dẹp, có một đôi râu mõm dài, vẩy to, vây ngực dài, vây ngực và vây lưng nằm về phía sau, cơ thể đạt đến chiều dài 90 cm và nặng gần 8 kg. Đây là loài cá rất hiếm đã có nhiều đoàn khảo sát điều tra về loài này nhưng chưa có bất cứ ghi nhận cụ thể nào. Có thể được coi như đã tuyệt chủng và ở Việt Nam chúng có vùng phân bố hẹp ở sông La ngà, Trị An . . .
Hiện nay tại TP HCM, theo những người nuôi cá kiểng loài cá có biểu tượng cho sự thịnh vượng may mắn này được gọi với những cái tên hết sức mỹ miều – Kim long, giá một cặp khoảng 1 kg trở lên không dưới 10 triệu đồng, còn đối với loài Hắc long và Hồng long được nhập khẩu từ Indonesia có giá hàng chục ngàn USD. Hầu hết các loại cá rồng được nuôi ở thành phố HCM là những giống ngoại nhập cho nên xét về mặt giá trị khoa học chúng không thể so sánh được với loài cá bản địa ở Việt Nam.
Cá rồng Scleropages formosus. Ảnh: Nguyễn Thị Liên Thương.
Năm 2010 loài cá này đã được phát hiện ở Đồng Nai và những người chơi cá cảnh sẵn sàng bỏ ra số tiền bằng với giá của một chiếc xe máy đắt tiền để nhằm cơ hội sở hữu một cặp cá rồng để nuôi cảnh. Để có một cặp cá rồng Việt Nam độc nhất vô nhị là mong ước của nhiều người nuôi cá cảnh. Nhưng đối với giá trị khoa học, sự tồn tại và phát triển của chúng trong tự nhiên thì không có giá trị nào sánh bằng. Loài cá này trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới là nguồn gen quý hiếm, là tài sản của đất nước. Chúng ta không được phép khai thác và tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, với số lượng cá thể còn rất ít trong tự nhiên, môi trường sống ngày càng bị thu hẹp do ô nhiễm nguồn nước, rừng bị tàn phá khiến loài này cũng đang trên đà bị tuyệt chủng hoàn toàn. Nếu chúng ta không có chính sách bảo vệ kịp thời, sẽ mất đi một nguồn gen quý hiếm như thế.
*
Câu chuyện phát hiện vùng phân bố của các loài lan hài Cảnh, thạch tùng răng cưa, cá rồng… kéo theo nguy cơ gây tuyệt chủng cho chúng bởi bàn tay con người là một cảnh báo cần quan tâm. Nên chăng, ngay từ bây giờ cần có ngay các qui định chế tài chặt chẽ, đồng thời có biện pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ không chỉ đối với các loài lan hài mà cả hàng loạt loài sinh vật khác ở Việt Nam.
Nếu như sự tuyệt chủng là một trong những qui luật của tạo hoá tại sao chúng ta lại phải suy nghĩ và quan tâm nhiều đến chuyện mất mát các loài? Câu trả lời sẽ là mối tương quan giữa sự tuyệt chủng và sự hình thành loài. Sự hình thành loài là một quá trình diễn ra rất chậm chạp, bằng sự tích lũy dần dần của hiện tượng đột biến gen và những thay đổi trong sinh giới qua hàng ngàn nếu như không muốn nói là hàng triệu năm. Nếu như tốc độ hình thành loài ngang bằng hoặc vượt tốc độ tuyệt chủng thì sự đa dạng sinh học sẽ được giữ nguyên hoặc thậm chí còn tăng. Trong lịch sử các thời kỳ địa lý trước đây đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự tiến hoá hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy vậy những hoạt động của con người đã làm cho tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài. Sự mất mát các loài xảy ra như trong thời gian hiện nay là không theo bất kỳ một qui luật nào và hậu quả trong tương lai là khôn lường và không thể cứu vãn nổi.
Một trong những quan niệm mang tính đạo đức là mỗi loài sinh ra đều có quyền tồn tại. Con người hoàn toàn không có quyền tiêu diệt các loài mà ngược lại phải nỗ lực hành động nhằm hạn chế tối đa sự tuyệt chủng của chúng.
Theo VNCREATURES.NET
Tags: Đa dạng sinh học, Đạo đức môi trường, Con người và thiên nhiên