⠀
Chúng ta đã sử dụng mạng xã hội một cách thông thái chưa?
Mạng xã hội là dịch vụ kết nối các thành viên cùng sở thích trên internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Tuy nhiên, chúng ta đã sử dụng mạng xã hội đúng đắn chưa?
Bài viết của PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Hiện nay, thế giới có hàng trăm mạng xã hội (mạng xã hội) khác nhau như MySpace, Twitter, Pinterest, Facebook… trong đó phổ biến nhất là Facebook. Ở Việt Nam, Facebook rất được ưa chuộng với 64 triệu tài khoản, xếp thứ 7 toàn cầu. Ngày càng có nhiều người, nhất là người trẻ, người về hưu dành thời gian trên mạng xã hội, đến mức mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng ta.
Mạng xã hội – tiềm năng khổng lồ
Không thể phủ nhận những lợi ích của mạng xã hội như dễ dàng giới thiệu bản thân mình với mọi người, qua đó, giúp người sử dụng tìm kiếm những cơ hội phát triển khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, họ còn tiếp nhận thông tin, học hỏi kiến thức và kỹ năng giúp hoàn thiện bản thân. mạng xã hội còn là môi trường kinh doanh vô cùng lý tưởng để quảng cáo sản phẩm, giúp bạn có thể tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng với chi phí thấp hơn kinh doanh truyền thống rất nhiều…
Nghiên cứu còn cho thấy, nếu sử dụng hợp lý, mạng xã hội còn giúp cải thiện não bộ và làm chậm quá trình lão hoá vì làm con người bớt cô đơn, não bộ sẽ càng được rèn luyện tốt hơn, nâng cao khả năng phán đoán, ra quyết định cho con người.
Tuy nhiên, sự tự do trên mạng xã hội làm người sử dụng dễ bị lãng phí thời gian, sa vào sống ảo, trầm cảm vì thiếu tương tác thật sự với bên ngoài. Không gian ẩn danh và ít rào cản của mạng xã hội còn là môi trường thuận lợi cho tội phạm, phát ngôn thù ghét. Không phải bỗng nhiên thời gian đầu Facebook buộc người dùng phải trên 18 tuổi nhưng vì không quản lý được nên đành “thả nổi”.
Theo kết quả thống kê từ một nghiên cứu của Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, hơn 93% trẻ từ 15 – 19 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh hiện có xu hướng sử dụng hoặc nghiện sử dụng Facebook. Đây là con số đáng báo động nhưng nếu gia đình, nhà trường có nhiều kinh nghiệm để tự tin hướng dẫn người trẻ trong đời thực thì là một điều may mắn. Tuy nhiên, trong thực tế, đa phần người lớn lại kém công nghệ thông tin hơn người trẻ nên con trẻ hoàn toàn cô đơn trong việc tìm chỗ đứng trên mạng.
Dù muốn hay không, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Thay vì vô vọng cấm người trẻ sử dụng như kiểu tìm cách “nhốt hươu trong rừng”, sao ta không hướng dẫn các em sử dụng sao cho đúng đắn và hiệu quả?
Hãy là người sử dụng thông minh
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân và những nghiên cứu khác, theo tôi, người dùng mạng xã hội nên tuân thủ một số nguyên tắc.
Thứ nhất, chỉ kết bạn với những người mình thực sự biết và tin tưởng. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, có thói quen kết bạn bất kỳ người nào mà mình tò mò và nhận lời kết bạn bất kỳ ai kết bạn với mình vì nghĩ không mất gì và “càng nhiều bạn càng tốt”, chỉ là ảo thôi mà. Nhưng ngay khi có người ngỏ lời muốn kết bạn, Facebook cũng nhắc bạn là bạn có thật sự biết người ấy không và chỉ nên chấp nhận người bạn tin tưởng, nhưng ít ai để ý. Nghiên cứu đã cho thấy, chúng ta chỉ có năng lực duy trì quan hệ với tối đa 150 người cho nên hãy đầu tư cho những mối quan hệ thực sự thay vì có vài nghìn “bạn” không hề qua lại.
Thứ hai, không click vào những thông tin vô bổ, độc hại. Có lần được mời làm diễn giả trong một cuộc hội thảo do đoàn thanh niên trường tổ chức ở một trường đại học có tiếng, tôi rất ngạc nhiên khi có sinh viên chê trách mạng xã hội toàn đưa ra các thông tin “rác” kiểu ăn chơi, tội phạm… Tôi bảo, sao tôi chỉ thấy đưa toàn thông tin về học bổng, giáo dục, văn hoá, xã hội? Rất đơn giản bởi mạng xã hội khá “khôn ngoan”, luôn lưu lại những chủ đề bạn thường quan tâm để gửi lại cho bạn. Vì thế, loại thông tin trên mạng xã hội cung cấp cho bạn là do bạn quyết định mà thôi.
Thứ ba, để bạn bè online biến thành offline. Cuộc đời quá rộng lớn nên như người xưa nói: “Tu 10 kiếp mới có duyên cùng nhau ngồi trên một chuyến đò”.
Đằng sau mỗi tài khoản trên Facebook đều là những con người, những số phận như tất cả chúng ta. mạng xã hội cho chúng ta cơ hội biết đến những người bạn mà trong đời thường ta khó có cơ hội được gặp. Nhưng cũng cần cảnh giác là “Trăm nghe không bằng một thấy”, những gì bạn đọc được chưa chắc đã là toàn bộ sự thật về con người đó. Trước khi gửi lòng tin cho ai nên tìm cơ hội gặp gỡ trò chuyện trực tiếp.
Thứ tư, hãy chia sẻ quan điểm, đừng chia sẻ thông tin cá nhân. mạng xã hội là nơi tuyệt vời để chia sẻ những quan điểm và tìm người đồng cảm. Tuy nhiên, hãy lưu ý để những điều bạn chia sẻ không gây rắc rối cho bản thân. Hãy kể về ngôi nhà bạn yêu quý nhưng đừng tiết lộ địa chỉ. Hãy khoe chuyến đi của bạn cùng gia đình nhưng đừng thổ lộ ở nhà không còn ai kẻo khi quay về bạn sẽ chỉ còn ngôi nhà trống. Đặc biệt với người trẻ, các thông tin về cuộc sống, bạn bè, những bức xúc với gia đình có thể dễ dàng bị lợi dụng để lôi kéo bạn vào cạm bẫy mà bạn không hay.
Thứ năm, hãy sử dụng mạng để học hỏi, không phải để trút giận. Khi gặp ý kiến trái chiều, hãy lắng nghe, tìm hiểu thêm thông tin trước khi nổi giận. Xã hội phát triển được nhờ sự đa dạng trong tư tưởng, không phải nhờ sự đơn điệu. Vì vậy, hãy nhớ nằm lòng câu nói được cho là của triết gia người Pháp Voltaire: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó”. Đừng đi ngược xu thế lịch sử bằng việc tìm cách bịt miệng người khác. Hãy vui vẻ khi tìm được người cùng quan điểm nhưng nếu không thể thuyết phục nhau, hãy rời bỏ laptop và đi làm việc khác.
Cuối cùng, hãy hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội. Mọi nghiên cứu đều nói không nên sử dụng máy tính liên tục quá 45 phút và không vào mạng xã hội nhiều hơn 2 giờ/ngày vì sẽ rơi vào trạng thái đờ đẫn, không tập trung, mất thăng bằng trong cuộc sống. Rất nhiều bạn trẻ cả đi trên đường, vào lớp học, lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào chiếc smartphone, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và học tập. Bạn có thể cài những phần mềm để quản lý thời gian vào mạng, để có thời gian cho cuộc sống thực.
Mạng xã hội là một phát minh vĩ đại để kết nối con người nhưng phát minh nào cũng chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng đắn. Vì thế, tài khoản Facebook bạn dày công chăm sóc sẽ tô điểm hay huỷ hoại cuộc đời bạn là do bạn quyết định.
Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Tags: Quan điểm sống, Thế giới số, Văn hóa ứng xử