Chữa lành và làm giàu bền vững từ rừng: Bài học từ Hàn Quốc

Áp lực khủng khiếp của một xã hội công nghiệp khiến người Hàn Quốc ngày càng có nhu cầu tìm về thiên nhiên để giải tỏa căng thẳng. Song, sau chiến tranh, tài nguyên rừng của Hàn Quốc gần như kiệt quệ…

Chữa lành và làm giàu bền vững từ rừng: Bài học từ Hàn Quốc

Tác giả: Nguyễn Nam Cường, thạc sĩ Quản lý Giáo dục, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc).

Đồng nghiệp của tôi thảo luận về bộ phim The Glory nhiều đến độ tôi không thể kìm nén sự hiếu kỳ mà ghé mắt xem thử.

Bộ phim – kể về một phụ nữ rơi vào vòng xoáy hận thù vì những tổn thương sâu sắc do bạo lực học đường – rốt cuộc cuốn hút tôi không chỉ bởi các xung đột kịch tính, mà còn bởi… phim trường.

The Glory được quay trong công viên hồ nhân tạo Sejong với diện tích 320.000 m2, lớn nhất Hàn Quốc. Công viên hồ này nằm ở phía bắc Vườn ươm quốc gia Sejong. Khi tìm hiểu kỹ phim trường, tôi nhận được từ bộ phim một thông điệp khác cho riêng mình: thiên nhiên có thể giúp chữa lành.

Áp lực khủng khiếp của một xã hội công nghiệp khiến người Hàn Quốc ngày càng có nhu cầu tìm về thiên nhiên để giải tỏa căng thẳng. Song, sau chiến tranh, tài nguyên rừng của Hàn Quốc gần như kiệt quệ. Phần khác, vì khó khăn để mưu sinh, họ cũng tận diệt rừng. Nhưng nước này sớm xác định rõ, rừng không chỉ là nguồn tài nguyên để khai thác gỗ, mà còn ẩn chứa những giá trị kinh tế khác như phát triển du lịch nông thôn, tạo ra cân bằng sinh thái. Đến nay, mức độ phủ xanh rừng của Hàn Quốc đang đứng vào top đầu của thế giới là gần 63%, với 6,3 triệu ha rừng, theo số liệu của Cục Kiểm lâm Hàn Quốc tháng 12/2020. Rừng cung cấp phúc lợi công cộng với giá trị 221 triệu tỷ won (khoảng 195 tỷ USD), chiếm khoảng 11,7% GDP, tạo ra một lực lượng lớn lao động liên quan đến lĩnh vực này.

Để tăng cường diện tích cây xanh, Hàn Quốc đầu tư tạo ra những khu rừng nhỏ, hay còn gọi là vườn đô thị. Từ đây định nghĩa vườn ươm của họ ra đời.

Trồng cây, tái tạo rừng được Hàn Quốc triển khai song song với khai thác hợp lý.

Thành phố Sejong, nơi được phát triển như một thủ đô hành chính với nhiều cơ quan chính phủ tập trung lại, đang dần trở thành một thành phố du lịch dựa vào việc phát triển rừng và vườn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà “The Glory” chọn công viên hồ nhân tạo Sejong làm bối cảnh quay. Công thức quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch thông qua phim ảnh đã được áp dụng nhuần nhuyễn ở Hàn Quốc.

Năm 2021, vườn ươm Quốc gia Sejong đón hơn 1,6 triệu khách du lịch và hiện tiến tới mốc hai triệu khách. Sau khi xem The Glory, tôi đã ghé thăm khu vườn ươm Sejong. Họ cất công sưu tầm 2,24 triệu cây thuộc 4.100 loài đang phát triển trên một khu đất có tổng diện tích 650.000 m2, rộng bằng 90 sân bóng đá. Trong các nhà kính có quy mô lớn, người Hàn Quốc dù không cần đi du lịch ra thế giới cũng có thể nhìn thấy các loài thực vật từ vùng Địa Trung Hải và vùng nhiệt đới.

Họ lồng ghép các loại cây xuất hiện trong câu chuyện của những bộ truyện tranh nổi tiếng như Harry Potter hoặc những bộ phim Hollywood như Chúa tể những chiếc nhẫn. Cứ ba tháng chủ đề được thay đổi một lần để kích thích trẻ con tìm về với khu vườn, yêu cây và mến rừng. Một cô bé Hàn Quốc háo hức kể với tôi rằng, cháu đã ăn rất nhiều chuối bán trong siêu thị nhưng chỉ khi đến đây, cháu họ mới biết cây chuối trông như thế nào.

Ngoài ra, họ có khu trưng bày và giới thiệu các loại cây đã được nghiên cứu, trồng thử và đưa ra bán cho người dân để trồng trong nhà.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng lớn 42% (so với trung bình của thế giới là 29%), đứng thứ năm trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được hơn 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này. Song việc phát triển du lịch từ rừng, đi kèm với các dự án trồng thêm nhiều cây xanh chưa thực sự phát triển.

Nhiều tỉnh đã duy trì được các làng hoa có truyền thống có lịch sử vài trăm năm như làng hoa Sa Đéc của Đồng Tháp, làng hoa Cái Mơn của Bến Tre hay phố hoa Đà Lạt. Song, những nơi này thường chỉ nhộn nhịp mỗi dịp Tết đến xuân về, chưa thật sự phát triển đến mức tạo ra công ăn việc làm thường xuyên, đem lại giá trị thương mại lớn. Những địa phương này cũng đã nhen nhóm phát triển du lịch nông thôn qua vườn và cây xanh nhưng chưa tạo được điểm nhấn.

Những quan sát về Hàn Quốc giúp tôi nhận thấy, Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn nữa nguồn tài nguyên xanh dồi dào, nhờ công nghệ làm vườn và phát triển du lịch từ rừng, theo cách trân trọng và nhân rộng hơn nữa diện tích cây xanh thay vì phá rừng, xây các công trình bê-tông hóa để hút khách ngắn hạn.

Bảo tồn rừng không chỉ là cách để chữa lành, mà còn có thể thu được “tiền tươi thóc thật” bằng việc đánh thức nhiều giá trị bền vững khác.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,