⠀
Chủ nghĩa tiêu dùng và thời trang: Kẻ hủy diệt môi trường
Chỉ trong vòng vài thập kỷ qua, ngành thời trang đã thay đổi chóng mặt. Sự thống trị của các hãng thời trang nhanh đã làm thay đổi cục diện của ngành này. Gần đây, khi vấn đề thời trang và môi trường đang được chú ý đến, thời trang nhanh đang nhận những sự chỉ trích mạnh mẽ về những tác hại môi trường khủng khiếp.
Ngành thời trang đã thay đổi như thế nào?
Thời trang nhanh là khái niệm mô tả loại thời trang đi từ sàn diễn tới tay người tiêu dùng với tốc độ rất nhanh; có nghĩa là bắt xu hướng nhanh, thiết kế nhanh, sản xuất gấp rút và lên kệ ngay lập tức với một giá thành thật rẻ, sẵn sàng cho công chúng lựa chọn. Một vài ý kiến cũng cho rằng, sản phẩm thời trang nhanh không chỉ nhanh chóng tới tay người tiêu dùng, mà còn nhanh chóng đi thẳng tới bãi rác – bị lãng phí, bị vứt bỏ không thương tiếc.
Những thập niên 80, thời trang nhanh bắt đầu xuất hiện và dần dần chiếm lĩnh thị trường. Phải nói, thời điểm đó chính là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”; có quá nhiều yếu tố ủng hộ cho sự phát triển của ngành công nghiệp đặc biệt này. Khoa học công nghệ phát triển, dẫn đến sản xuất đại trà các sản phẩm may mặc ngày càng dễ dàng; thế giới dần bước vào toàn cầu hóa, việc sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động rẻ mạt từ các nước đang phát triển dần trở nên phổ biến; và, công nghệ thông tin mở ra cơ hội cho công chúng tiếp cận dễ dàng những xu hướng mới nhất, những phong cách bắt mắt nhất.
Nguyên lý của ngành thời trang nhanh rất đơn giản: nhanh và rẻ. Và để ra lợi nhuận, bán càng nhiều càng tốt. Vì vậy, họ không chỉ chạy theo xu hướng, họ tạo ra xu hướng thời trang. Trước đây, ngành thời trang chỉ có hai mùa chính là xuân hạ và thu đông. Vậy tội gì không tạo thêm mùa – càng nhiều mùa càng nhiều xu hướng, càng bán được hàng – thậm chí, chẳng cần mùa, mỗi tuần ra ngay một bộ sưu tập mới! Trong marketing, đây gọi là “create demand” – tạo ra nhu cầu. Khách hàng chết chìm trong đủ loại xu hướng dọc ngang, mỗi lần đến cửa hàng lại nhìn thấy một phong cách mới. Quần áo cũ ở nhà thì vừa lỗi mốt, mua lại chẳng mất bao nhiêu, có vứt đi cũng chẳng thấy phí. Và thế là “văn hóa vứt đi” được tạo ra – chúng ta cứ mua tiếp và mua tiếp, mua rồi không dùng, rồi vứt vô tội vạ.
Tất nhiên, những điều này có tác hại khủng khiếp lên môi trường. Từ việc trực tiếp làm ô nhiễm thêm không khí, đất và nước trong quá trình sản xuất; đến thải ra lượng rác khổng lồ mất đến 200 năm, thậm chí hơn, để hoàn toàn phân hủy. Và, sự bùng nổ của thời trang nhanh là biểu hiện của một vấn đề gốc rễ hơn: chủ nghĩa tiêu dùng.
Chủ nghĩa tiêu dùng
Chủ nghĩa tiêu dùng đang được ưu ái hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa tiêu dùng là một trật tự xã hội đề cao, khuyến khích hoạt động tiêu dùng. Chủ nghĩa tiêu dùng sẽ dẫn đến tiêu dùng quá đà, vốn là câu trả lời cho hiện tượng sản xuất quá đà. Tức là khi cung nhiều hơn cầu, nhà sản xuất sẽ không giảm sản xuất mà sẽ kích cầu. Tại sao? Câu trả lời là lợi nhuận. Càng tiêu dùng, càng lợi nhuận. Chu kỳ sản xuất và tiêu dùng này có thể mở rộng đến vô cùng; ấy thế nhưng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu cho sản xuất lại chỉ có giới hạn.
Thời trang nhanh chính là hiện thân của chủ nghĩa tiêu dùng. Tại sao thời trang nhanh lại thành công đến thế? Trong thời đại này, con người dường như mất dần kết nối với thế giới xung quanh, kết nối với nhau. Thay vào đó là cuộc đua bất tận của tiền bạc, của sự sở hữu; ai sở hữu nhiều hơn người đó thắng. Nắm được một xã hội chao đảo, mất dần các giá trị, những nhà marketing đại tài đã thành công khi gắn sản phẩm của mình với sự bối rối của công chúng. Mua chiếc quần này, bạn sẽ trở thành người sành điệu, hợp mốt! Mặc chiếc áo này, bạn sẽ trở nên xinh đẹp và ai cũng yêu quý bạn! Tất cả những gì bạn cần làm để thể hiện giá trị bản thân, là mua, mua, và mua; càng mua nhiều càng hạnh phúc: tiêu dùng tạo nên giá trị của bạn. Ngành công nghiệp thời trang đã mở rộng gấp 4 lần chỉ trong 2 thập kỷ; mỗi năm có 80 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất. Nhưng với cái giá nào?
“Ăn no, mặc ấm; ăn ngon, mặc đẹp” – chuyện may mặc đã luôn là nhu cầu của chúng ta. Thế nhưng bạn có để ý từ khi nào, bạn mua chẳng phải vì bạn cần, mà chỉ vì “cứ thấy đẹp là mua”, “thấy rẻ quá nên mua”. Với từng quyết định dường như nhỏ nhặt, không đáng kể của bạn, môi trường đang chết dần chết mòn.
E. E. Calkins, một trong những người tiên phong trong áp dụng “nghệ thuật quảng cáo”, cho rằng có hai loại hàng hóa:
Một là, những thứ mà chúng ta sử dụng, như ô tô, máy cạo râu. Hai là, những thứ mà chúng ta sử dụng hết, như kem đánh răng, hay bánh kẹo.
Thời trang nhanh khiến ta nhầm rằng những thứ đáng nhẽ ra ta phải sử dụng trong một thời gian dài – quần áo, giầy túi – trở thành những thứ ta sử dụng hết – khi phong cách lỗi mốt, ta vứt chúng đi. Và cũng chẳng mấy khó khăn khi vứt những món đồ ấy, xét cho cùng, chúng rẻ bèo, chẳng đáng để bạn bận tâm, phải không? Bạn nhầm. Cái giá của từng chiếc quần, chiếc áo là quá lớn. Từ khâu sản xuất, dệt nhuộm gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước; tới vận chuyển, tiêu thụ thải hàng ngàn tấn khí thải ra môi trường; và cuối cùng là rác thải chất đống không thể tái chế, hàng trăm năm không phân hủy; bạn không nhìn thấy, nhưng thiên nhiên đang oằn mình gánh chịu. Nên nhớ, lòng tham từng đồng lợi nhuận có thể vô hạn, chu kỳ sản xuất – tiệu dùng có thể mở rộng tới vô cùng, nhưng thiên nhiên thì không. Và thiên nhiên sắp kiệt sức rồi.
Tạm kết
Đây chẳng phải là vấn đề của riêng ai. Bạn có thể trách nhà sản xuất, trách những nhà máy xí nghiệp từng ngày nhả khói, xả hóa chất ra sông ra biển. Nhưng chừng nào bạn còn mua những sản phẩm may mặc hủy hoại môi trường ấy, thì bạn chính là vấn đề. Dừng việc chạy theo những xu hướng phù phiếm rót vào tai những giá trị ảo, đừng tiếp tục mua những sản phẩm được thiết kế để lên kệ một tuần rồi ra thẳng bãi rác. Hãy có trách nhiệm với những gì mình mua, tối đa hóa đồ dùng của bạn. Vì trái đất đã hứng chịu đủ lắm rồi.
————————–
Tư liệu tham khảo:
Phim Tài liệu The True Cost (2015)
An Analysis of the Fast Fashion Industry (2016)
Sneaky Ways H&M Gets You To Spend Money (2019)
Theo ALTERE / SPIDERUM.COM
Tags: Tiêu dùng, Thời trang, Chủ nghĩa tiêu dùng