Chính sách của Trung Quốc với Myanmar từ năm 2021 và dự báo những năm tới

Chính sách của Trung Quốc với vấn đề Myanmar thời gian qua là gì? Và trong thời gian tới chính sách của Trung Quốc dành cho quốc gia này ra sao?

Chính sách của Trung Quốc với Myanmar từ năm 2021 và dự báo những năm tới

Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí.

Myanmar đã quay lại thời kỳ cầm quyền của quân đội từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Sự kiện này một lần nữa thồi bùng phong trào đấu tranh đòi ly khai giữa các sắc tộc, tôn giáo với chính quyền trung ương Myanmar, bên cạnh đó là làn sóng phản đối mạnh mẽ của Phương Tây cùng với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc – một siêu cường về kinh tế và có chung đường biên giới với Myanmar, dường như đang “ấp ủ” điều gì đó khi có những phản ứng được cho là khá “nhẹ nhàng” về những vấn đề bất ổn tại khu vực này. Vậy chính sách của Trung Quốc với vấn đề Myanmar thời gian qua là gì? Và trong thời gian tới chính sách của Trung Quốc dành cho quốc gia này ra sao?

Quan điểm của Trung Quốc về khủng hoảng tại Myanmar [1]

Sự phát triển nhanh chóng của chính quyền dân sự Myanmar là một đòn giáng mạnh vào chế độ được kiểm soát bởi lực lượng quân đội đã tồn tại qua nhiều thập kỷ của chính quyền quân sự nước này. Việc cáo buộc các quan chức cấp cao của chính quyền dân sự liên quan đến các vấn đề bầu cử đã dẫn đến sự chuyển giao quyền lực chính trị của quốc gia, kéo theo các tình trạng xung đột chính trị, biểu tình, phản đối chính quyền, bên cạnh đó là làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia, khu vực Châu Âu. Nhưng dưới góc nhìn của Trung Quốc, sự chuyển giao quyền lực chính trị này là điều được dự báo từ trước, mặc dù vậy, thái độ của Trung Quốc trước vấn đề này lại không quá căng thẳng như những quốc gia Phương Tây, khi quốc gia này xây dựng mối quan hệ thân thiện với cả hai Đảng và kêu gọi đối thoại hòa bình nhằm sớm cải thiện tình hình trong khu vực.

Trong quan điểm của chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung lập, ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế xoay quanh các vấn đề của Myanmar, và là một nhân tố cốt lõi về hòa bình và đàm phán tại quốc gia này. Đây là một điều dễ hiểu, với bối cảnh chuyển giao quyền lực nhà nước đặc biệt của Myanmar, Trung Quốc không thể công khai ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc xung đột này.

Khi chính quyền Quân sự Myanmar hứng chịu làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều thế lực bên ngoài, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ ngoại giao với chính quyền này. Trong cách tiếp cập đối với tình hình tại Myanmar, Trung Quốc có cách tiếp cận thận trọng với cuộc xung đột tại quốc gia Đông Nam Á, đồng thời tránh để họ bị cuốn vào cuộc đối đầu với các bên liên quan. Sự trừng phạt của một số quốc gia Phương Tây đối với Myanmar như một bàn đạp để Trung Quốc xác lập được vị thế, gia tăng được tầm ảnh hưởng của họ tại đất nước láng giềng.

Không những vậy, không chỉ đơn thuần là một quốc gia láng giềng với Trung Quốc, Myanmar còn có vai trò quan trọng đối với cấu trúc an ninh khu vực Đông Nam Á, thậm chí rộng hơn, bao phủ toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Nam Thái Bình Dương. Quan điểm công nhận chính quyền quân sự thể hiện một chiến lược dài hạn của Trung Quốc. Mặc dù trước đó, chính quyền tướng Min Aung Hlaing không quá quan tâm tới sáng kiến “Vành đai- Con đường” của Trung Quốc, nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng không mong muốn một quốc gia “láng giềng” của họ có một nhà lãnh đạo chính trị thân phương Tây và càng không muốn quốc này bị “Phương Tây hóa” dưới sự dẫn dắt của chính quyền dân sự.

Trong tình thế gần như bị cô lập về chính trị, các quốc gia ASEAN cũng có những phản ứng tương đối phức tạp về vấn đề Myanmar. Điều này gây nhiều khó khăn cho quá trình hội nhập quốc tế của chính quyền quân sự Myanmar. Trước những diễn biến phức tạp đó, Trung Quốc đang thể hiện mình là một chiếc “phao cứu sinh” của chính phủ Myanmar khi liên tục có các hành động nhằm liên kết và hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này từng bước tham gia vào những hoạt động của đời sống  kinh tế-chính trị quốc tế. Điều đó cũng nhằm làm hạn chế sự hiện diện của Mỹ tại khu vực đồng thời tăng cường vai trò của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề an ninh toàn cầu.

Quan hệ hai nước trên các lĩnh vực trong bối cảnh hậu chuyển đổi chính trị.

Quan hệ hai nước trong bối cảnh COVID-19

Bối cảnh COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và an ninh chính trị toàn cầu. Đối với hiện trạng của Myanmar, đại dịch lại càng tạo ra một một thách thức lớn. Các nước phương Tây ra sức lên án, chỉ trích mạnh mẽ hành động của chính quyền quân sự quốc gia này. Nắm bắt tình hình đó, Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ Myanmar trong công tác phòng chống dịch bệnh với mục tiêu chính là ổn định Myanamr bằng cách viện trợ vật tư, y tế dọc hành lang biên giới hai nước. Các chuyên gia, cơ quan hành chính và quân đội Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào công tác giúp đỡ, xây dựng những biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm đối phó những diễn biến phức tạp của đại dịch tại quốc gia này. Đây cũng là cách tiếp cận “hoàn hảo” của Trung Quốc về vấn đề Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác kinh tế-thương mại của hai quốc gia sau này. [2]

Về phía Myanmar, chính quyền Yangon đánh giá cao những sự hỗ trợ của Trung Quốc trong vấn đề đối phó với dịch bệnh. Bà Khin Khin Gyi, Giám đốc Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm Trung ương – Sở Y tế Công cộng Myanmar cho biết “Chúng tôi phải nói rằng vắc xin do Trung Quốc cung cấp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát COVID -19 ở đây. Tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong được kiểm soát trong đợt thứ ba của COVID-19 là nhờ sự giúp đỡ của một người hàng xóm tốt bụng-Trung Quốc”. Mối quan hệ hợp tác thực chất của hai quốc gia trong bối cảnh quốc tế đặc biệt đã đặt nền móng cho những  hợp tác của hai bên trong nhiều lĩnh vực ở những năm tiếp theo đạt được nhiều kết quả lớn. [3]

Hợp tác giao lưu văn hóa, giáo dục

Hợp tác giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và giáo dục là một trong ba mục tiêu lớn của mối quan hệ hợp tác hai bên. Ngày 8/7/2023, Hội thảo chuyên đề “Sáng kiến Văn minh Toàn cầu và tăng cường trao đổi văn hóa, học hỏi lẫn nhau giữa Trung Quốc và Myanmar” đã được tổ chức tại Yangon. Hội thảo chỉ ra nhiều phương hướng hợp tác mới trong mối quan hệ hai bên. Thông qua hội thảo, hai nước hy vọng những tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa sẽ góp phần gắn kết tình hữu nghị giữa hai nước, học hỏi, tham vấn lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là những lĩnh vực xoay quanh “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar” [4].

Gần đây nhất, ngày 11/01/2024, sự kiện giao lưu văn hóa, giáo dục thân thiện Trung Quốc-Myanmar được tổ chức tại Yangon đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng, một lần nữa nhất mạnh đến tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa hai quốc gia. Thông qua sự kiện, Trung Quốc và Myanmar khẳng định sẽ thúc đẩy trao đổi văn hóa và quan hệ nhân dân giữa hai bên, đồng thời giao lưu và học hỏi giữa các nền văn minh.[5]

Quan hệ kinh tế [6]

Quan hệ kinh tế hai nước trong bối cảnh hiện nay đang có những chuyển biến thuận lợi. Chính quyền quân sự Myanmar đã có nhiều động thái đón nhận tích cực hơn về sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc. Những sự quan tâm của cộng đồng quốc tế liên quan đến vấn đề xung đột tại quốc gia này cũng tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc thể hiện “vai trò mới” của mình. Nhưng ngược trở lại, những sự quan tâm đó cũng là thách thức cho “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar”. Tầm nhìn chiến lược của Hành lang kinh tế là có, nhưng cũng không thể tránh được những khó khăn, vấn đề an ninh con người là thách thức lớn được đặt ra, và cần có sự hợp tác của cả hai bên.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar được ký kết dưới thời chính quyền bà Aung San Suu Kyi. Đây được coi là bước khởi sắc cho cả hai bên trong bối cảnh thế giới mới, nhưng đó chỉ là sự khởi sắc bước đầu khi những vấn đề liên quan đến môi trường, xung đột sắc tộc, đặc biệt là sự chuyển giao quyền lực chính trị tại Myanmar đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện và xây dựng hành lang này.

Thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng: cơ sở hạ tầng xuống cấp do ảnh hưởng từ chính trị là nút thắt nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế của Myanamr, tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế tài chính của đất nước. Hiện trạng hiện nay cho thấy cơ sở hạ tầng của Myanmar không đủ để phục vụ cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng thường xuyên xảy ra tại các khu dân cư hoặc các cụm công nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế của nước này. Dự án cảng nước sâu Kyaukphyu được ký kết giữa hai quốc gia hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Myanmar. Khi chính quyền quân sự nước này bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sinh kế của người dân và cũng đồng thời giảm tải áp lực cho nền kinh tế đất nước. Thông qua dự án, Trung Quốc cũng có một mạng lưới giao thông vận tải mới, có thể rút ngắn hơn khoảng cách tuyến đường từ Trung Quốc đến Trung Đông, châu Phi, châu Âu, bên cạnh đó là sự đáp trả những chiến lược mà Mỹ và Ấn Độ đưa ra nhằm kiềm chế Trung Quốc. [7]

Tình hình công nghiệp tại Myanmar cũng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến các vấn đề năng lượng và thâm hụt tài nguyên. Mặc dù với vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên khoáng sản nhưng đại đa số các nguồn năng lượng của quốc này luôn rơi vào tình trạng “bị động” dẫn đến sự phát triển trì trệ của đất nước. Với thực trạng như vậy, chính sách hợp tác phát triển công nghệ lắp ráp được chính quyền Bắc Kinh đề xuất nhằm khắc phục và định hình một số ngành công nghiệp mới cho Myanmar. Điều này giúp cho nền kinh tế của Myanmar được tái cơ cấu lại, mở rộng quy mô công nghiệp, dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên quốc gia.

Quan hệ chính trị xã hội

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Myanmar hồi năm 2020, ông đã chỉ ra mối quan hệ giữa hai đảng hai nhà nước là mối quan hệ PaukPhaw-anh em cùng một mẹ (theo tiếng Myanmar), nhấn mạnh đến hữu nghị hai nước đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Và ông cũng đặc biệt quan tâm đến sự hợp tác thực chất của hai quốc gia trong bối cảnh mới, tình hình mới.

Trước bối cảnh chỉ chích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, mối quan hệ chính trị của Trung Quốc và Myanmar vẫn được duy trì. Việc thiết lập mối quan hệ với cả hai Đảng của Myanmar cho thấy sự tôn trọng độc lập chính trị của Trung Quốc. Và chính quyền Bắc Kinh cũng đứng ra kêu gọi hai bên cùng đối thoại nhằm giải quyết các bất đồng tái thiết lập ổn định, an ninh chính trị khu vực.

Vấn đề an ninh quốc gia cũng được hai bên đẩy mạnh hợp tác nhằm khắc phục những bất ổn xoay quanh các vấn đề biên giới. Trong hội nghị cấp Bộ lần thứ 17 về thực hiện “thỏa thuận hợp tác và quản lý biên giới”, hai bên đã trao đổi về việc duy trì đường biên giới rõ ràng, ổn định và thịnh vượng, tiếp đó là các cơ chế họp, làm việc trong công tác phòng chống gian lận điện tử xuyên biên giới. Trong cuộc xung đột giữa lực lượng nổi dậy ở miền bắc Myanmar với chính quyền quân sự nước này đã khiến hàng nghìn người dân phải di tản, trong đó phần đông người dân chọn Trung Quốc là điểm đến. Trước tình hình như vậy Bộ Công an Trung Quốc đã có cuộc họp với Bộ Nội vụ Myanamar nhằm tiếp đến thỏa thuận duy trì sự ổn định vùng biên giới giữa hai nước – chi tiết bản thỏa thuận không được công bố. [8]

Một hiện trạng được nổi lên trong mối quan hệ hai bên đó là những nhóm nổi dậy chống chính quyền tại Myanmar. Trong giai đoạn đầu, chính quyền Trung Quốc đã có những hành động thiết thực nhằm hỗ trợ Myanmar với mục tiêu là hướng tới sự ổn định tại khu vực này. Nhưng với diễn biến ngày càng phức tạp khi Liên minh ba anh em với nòng cốt là sự hợp tác của ba lực lượng nổi dậy – Quân đội Arakan, Quân đội Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar, Quân đội Giải phóng quốc gia Ta’ang, đã cùng nhau đứng lên chống chính quyền, gây tình trạng bất ổn tại khu vực biên giới hai nước. Lực lượng nổi dậy này với sự trợ giúp từ một số quan chức “tha hóa” của Trung Quốc, đã có được những trang bị vũ khí quân sự và tiến hành nổi dậy, chiếm đóng một số khu vực mà trước đây chính quyền quân sự kiểm soát. Với tình hình diễn biến ngày càng leo thang gây ra nhiều khó khăn cũng như bất ổn cho khu vực biên giới hai nước, Trung Quốc đã kêu gọi hai bên ngừng bắn và cùng nhau ngồi vào “bàn đàm phán” nhằm tái thiết lại sự ổn định biên giới.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa quân đội Myanmar và lực lượng nổi dậy nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Hai bên đã đồng ý ngừng bắn ngay lập tức, rút quân nhân và giải quyết các tranh chấp cũng như những vấn đề liên quan thông qua đàm phán hòa bình”. Trung Quốc hiện nay rất lo ngại khi diễn biễn cuộc xung đột đã vượt quá tầm kiểm soát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh biên giới của Trung Quốc. Theo giới chức Trung Quốc, lệnh ngừng bắn do Trung Quốc gợi mở đã đi tới thỏa thuận rằng cả hai bên cam kết không làm tổn hại đến sự an toàn của cư dân biên giới và các nhân viên Trung Quốc đang làm việc tại Myanmar. Lệnh ngừng bắn này phù hợp với lợi ích của tất cả các bên trong vấn đề Myanmar, đồng thời cũng hướng tới duy trì hòa bình, sự ổn định ở khu vực biên giới hai nước. [9]

Dự báo chính sách của Trung Quốc đối với Myanmar

Về vấn đề kinh tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác thực chất của hai bên nhằm phát triển hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar. Về bản chất của hành lang kinh tế này, Trung Quốc muốn tận dụng vị trí địa lý của Myanmar với mục đích mở rộng con đường ra Ấn Độ Dương của mình, tiếp đến là có thể kiểm soát được mạn sườn phía đông của eo biển Malacca để tối ưu hóa lợi thế của eo biển này. Duy trì hợp tác thực chất của đôi bên cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền quân sự Myanmar nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc bầu cử dân chủ mà theo dự kiến sẽ được tiến hành vào năm 2025.

Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác của hai bên trong vấn đề tài nguyên nhằm khai thác tối đa được lợi nhuận có được từ lợi thế của cả hai nước. Một bên có nguồn tài nguyên dồi dào, và đang rất cần bổ sung thêm nguồn lực tái thiết đất nước. Trong khi đó, bên con lại có công nghệ, nguồn vốn hùng mạnh, đồng thời có thể hỗ trợ cung ứng năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong ngoại giao Đảng và ngoại giao Nhà nước, Trung Quốc vẫn sẽ ủng hộ, hợp tác với chính quyền quân sự trong thời gian tới dựa trên tình hữu nghị hai nước và đặc biệt là tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị của nhau. Trung Quốc tiếp tục củng cố vai trò là cầu nối để Myanmar có thể hội nhập sâu hơn vào các vấn đề quốc tế, khu vực.

Thời gian tới, chính quyền Bắc Kinh cũng cho ra thêm nhiều hành động hơn về các vấn đề xung đột tại Myanamr. Khi đã có sự thỏa thuận về lệnh ngừng bắn giữa chính quyền quân sự và lực lượng nổi dậy, Trung Quốc chắn chắn sẽ có những hành động cứng rắn hơn trong các vấn đề biên giới nhằm đảm bảo đời sống, an ninh chính trị của quốc gia này.

———————-

Tài liệu tham khảo:

1. “故意對緬甸政變無感? 專家認中國正等待危機帶來提高影響力好機會”, Radio Taiwan Intl, https://www.rti.org.tw/news/view/id/2090774
2. Xuwan Ouyang (2023): “Chinese health aid to Myanmar dủing Covid-19”, Humanitarian Advisory Group, https://humanitarianadvisorygroup.org/chinese-health-aid-to-myanmar-during-covid-19/
3. “China’s vaccine support benefits Myanmar’s COVID-19 fight”, Asia-Pacific, https://english.news.cn/asiapacific/20211231/93962cd9d9e041d4b169dd00e817fcce/c.html
4. “践行全球文明倡议 深化中缅文化交流互鉴”座谈会在缅甸举”, 人民日报, http://world.people.com.cn/n1/2023/0709/c1002-40031217.html
5. “丝路心相通”中缅友好文化教育交流活动在仰光举行”, 人民日报, http://world.people.com.cn/n1/2024/0111/c1002-40156945.html
6. “一带一路”推动中缅“胞波”持续升温”, Practicing The Chinese Way, https://www.foundation.citic/icms/null/null/ns:LHQ6LGY6LGM6MmM5Y2Q1ODY3MzQ4MzA1OTAxNzZkNzE4OWMwMjE2ZTgscDosYTosbTo=/show.vsml
7. “中缅签皎漂港补充协议 增战略出海口”, United Daily News, https://weareunited.com.my/12112611/
8. “中缅举行《边境管理与合作协定》执行情况第17轮司局级会晤”, https://www.mfa.gov.cn/wjdt_674879/sjxw_674887/202308/t20230829_11134995.shtml
9. “中国外交部:缅军和三民地武组织在中国斡旋下同意停火”, Lianhe Zaobao, https://www.zaobao.com.sg/realtime/china/story20240112-1461687

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , , ,