Chiến dịch Mậu Thân 1968 và sự sụp đổ của bộ máy tuyên truyền Mỹ

Có thể nói, Chiến dịch Mậu Thân là lần đầu tiên trong lịch sử một cuộc chiến tranh được lên sóng truyền hình trực tiếp khắp thế giới.

Chiến dịch Mậu Thân 1968 và sự sụp đổ của bộ máy tuyên truyền Mỹ

Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 hay còn được gọi là Tổng công kích — tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện ghi hằn dấu ấn không thể nào quên vào trong lòng những người dân Mỹ, đặc biệt là những người yêu chuộng hòa bình và những tổ chức, cá nhân phản chiến.

Trước đó, người dân nước Mỹ chỉ biết tới chiến tranh Việt Nam qua những bài báo, những đoạn phim tài liệu được “định hướng” một cách khéo léo khiến người dân Mỹ vẫn tin rằng cuộc chiến Việt Nam chỉ đơn giản là một chuyến “du lịch tới miền rừng rậm nhiệt đới”, đúng như lời các sỹ quan tuyên truyền của Mỹ “quảng cáo” khi họ chiêu mộ thanh niên Mỹ gia nhập quân đội để tham chiến ở Việt Nam.

Đến khi chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 nổ ra, người dân Mỹ mới “bàng hoàng” nhận ra rằng “chuyến du lịch” mà quân đội Mỹ hay nhắc tới ám chỉ cuộc chiến ở Việt Nam lại là một chuyến đi không khác nào “du lịch mạo hiểm” đối với cả người Mỹ và những người Việt Nam bản địa. Cuộc chiến này dữ dội hơn rất nhiều lần những gì người Mỹ tưởng tượng.

Khi đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dự định đánh một trận lớn, gây tiếng vang, “Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị” (lời Tổng bí thư Lê Duẩn). Và sự thật là chúng ta đã đánh một trận rất lớn, không những làm tung tóe ra các khả năng chính trị mà còn làm “tung tóe” cả xã hội Mỹ thời điểm bấy giờ.

Chiến dịch Mậu Thân nổ ra đúng lúc trình độ khoa học kỹ thuật của các “nhà đài” ở Mỹ đạt đến đỉnh cao nhất với công nghệ truyền hình trực tiếp ngay từ hiện trường. Những hình ảnh thảm khốc về cuộc chiến tranh Việt Nam xưa nay vốn vẫn bị giới truyền thông Mỹ cố gắng hạn chế đăng tải nay đã được lột tả một cách trần trụi qua các đoạn phim truyền hình trực tiếp từ hiện trường, đưa tới cho khán giả Mỹ và toàn thế giới những hình ảnh thật nhất, chưa hề qua kiểm duyệt.

Các nhà đài lớn bậc nhất thế giới lúc bấy giờ như NBC, ABC,… đều có phóng viên thường trú thường trực ở Việt Nam. Khi chiến dịch Tết Mậu Thân nổ ra, phần lớn các phóng viên thường trú đều đã đi nghỉ dài ngày hoặc về nước. Tuy nhiên ngay khi thông tin về cuộc chiến được đăng lên, hàng trăm nhà báo, phóng viên chiến trường đã ngay lập tức quay trở lại Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ truyền tải thông tin của mình.

Kèm theo đó, hàng tấn thiết bị hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ bao gồm các máy quay phim màu, máy ảnh màu, những ống kính tiêu cự lớn, những thiết bị ghi âm ghi hình và quan trọng nhất là những hệ thống truyền hình trực tiếp cho phép các phóng viên Mỹ truyền trực tiếp những thước phim nóng hổi nhất của cuộc chiến về thẳng nước Mỹ trong thời gian nhanh nhất có thể. Chính vì mục đích đưa tin nóng hổi, nhanh, chính xác và kịp thời mà khâu “kiểm duyệt” vốn bị làm khá gắt gao với những hình ảnh từ chiến tranh Việt Nam đã bị hầu hết các nhà đài “bỏ qua”.

Những phóng viên chiến trường lão làng, gạo cội của Mỹ được trang bị áo giáp và mũ sắt không kém gì một binh lính chuyên nghiệp, tuy nhiên vũ khí của họ lại là chiếc máy quay, máy ảnh đã khiến cả nước Mỹ chao đảo khi nhận ra sự tàn bạo mà Mỹ đang mang tới đất nước Việt Nam.

Cuộc chiến nổ ra ngay giữa thành phố Sài Gòn lớn nhất Nam Việt Nam, nơi mà thời thuộc Pháp đã được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Cuộc chiến diễn ra ngay giữa phố xá với nhà cửa san xát và những người dân thường chạy loạn ngay giữa chiến trường đã khiến nước Mỹ sửng sốt. Những người dân Mỹ tiến bộ với tinh thần bác ái, nhân hậu không thể tin được những đồng tiền đóng thuế của mình lại được sử dụng vào một cuộc chiến tranh tàn bạo và phi nghĩa như vậy.

Bên cạnh việc đưa tin về cuộc chiến Mậu Thân, rất nhiều phóng viên chiến trường trên thế giới cũng đều đổ xô đến chiến trường Nam Việt Nam lúc bấy giờ với hy vọng sẽ có được những thước phim, những bức ảnh để đời để thăng tiến cho sự nghiệp của mình. Chính vì vậy, ngày càng nhiều hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến được đưa về không chỉ Mỹ mà còn nhiều nước khác trên thế giới với đội ngũ phóng viên thường trú ở Việt Nam tăng lên theo cấp số nhân mỗi ngày.

Những hình ảnh đẫm máu của binh lính Mỹ và chư hầu trên chiến trường Việt Nam được truyền tải trực tiếp về nước Mỹ với tần xuất ngày càng dày đặc, lượng người theo dõi ngày càng lớn và ngay cả những kênh truyền hình chuyên về… quảng cáo của Mỹ cũng chèn thêm những giờ phát sóng đưa tin về cuộc chiến này để thu hút thêm lượng người xem đã gây nên một cuộc đại khủng hoảng truyền thông về chiến tranh Việt Nam trên ngay chính nước Mỹ.

Hàng loạt các thanh niên đến tuổi quân dịch quyết định biểu tình, đốt thẻ quân dịch, nhất quyết không chịu tòng quân để tham chiến trên chiến trường Việt Nam, hàng nghìn cựu chiến binh Mỹ cũng được đưa lên các phương tiện truyền thông Mỹ để kể lại khoảng thời gian ác mộng của họ ở Việt Nam, nước Mỹ chưa bao giờ căm ghét chiến tranh đến như thế.

Những cuộc biểu tình, bao vây Nhà Trắng, cô lập Lầu Năm Góc của những đám đông quá khích đã khiến cuộc chiến Mậu Thân ảnh hưởng to lớn tới toàn bộ xã hội và nền kinh tế ở Mỹ khi hàng loạt giá trị cổ phiếu trên phố Wall sụt giá nghiêm trọng vì dân biểu tình quá đông đã lấp kín phố Wall trong một thời gian khiến các sàn chứng khoán tại đây hoạt động cực kỳ khó khăn do nhân viên không thể lách qua đám đông đến chỗ làm được.

Có thể nói, đúng như lời của Tổng bí thư Lê Duẩn, cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã khiến cả nước Mỹ “tung tóe” với hàng chục vạn người xuống đường biểu tình, những thanh niên đến tuổi nhập ngũ đốt thẻ quân dịch, những ông bố bà mẹ xuống đường biểu tình để con cái không phải ghi danh tới chiến trường Việt Nam còn quốc hội Mỹ phải xem xét lại cuộc chiến này.

Cuối cùng, phía Mỹ đã phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Rõ ràng, về mặt chiến lược, Mỹ đã thua đau trong trận này khi cả nước Mỹ đứng lên phản đối cuộc chiến phi nghĩa này.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,