Chiến địa Hải Phòng 12/1972: Chia lửa cho Hà Nội

Hải Phòng ban ngày đã vắng, đêm lại càng vắng vì lạnh. Tháng 12, sắp đến ngày Noel, nội thành vàng vàng ánh điện. Gió đông lay lắt chao đèn đường, nhiều lúc điện tắt phụt, tối om.

Chiến địa Hải Phòng 12/1972: Chia lửa cho Hà Nội

Từ đầu năm 1972, Cửa Cấm bị thủy lôi Mỹ phong tỏa, thi thoảng mới có tàu nhỏ được hoa tiêu dẫn vào, dò dẫm từ đảo Long Châu tới đèn Nam Triệu cũng mất cả ngày. Còi báo động chốc chốc lại rú lên trên nóc Nhà hát Thành phố. Con phố đổ xuống Phà Bính ngày thường đông là thế, những ngày này vắng hẳn. Có ai đó muốn sang bên Thủy Nguyên, phải chờ khi có xe của bộ đội xuống phà, mới tất tả dắt xe đạp băng theo xuống bến. Bộ đội ai cũng có mũ sắt, còn dân thì có mũ rơm. Những công nhân bến phà còn mặc cả áo rơm, đan kiểu gi-lê, trông mới đầu ngồ ngộ, rồi cũng thấy quen.

Nhiều trận bom Mỹ giội vào Khu An Dương từ giữa năm, hay những trái bom bi nổ chậm bất thần nổ ở trong phố, khiến dân chúng phải đi sơ tán về mãi vùng quê tận An Lão, Kiến Thụy…

Trên đường ra Quán Toan hay về An Hải chỉ thấy xe bộ đội, những chiếc xe dài ngoẵng chở đạn tên lửa giắt đầy lá, cuốn bụi lầm từ Ruồn về.

Tới ngày 18/12 thì Hải Phòng vắng hẳn, lệnh sơ tán triệt để đã được ban hành, thành phố bây giờ là chiến địa. Trên các tầng nhà cao hay tháp nước, thấp thoáng những khẩu đội cao xạ trực chiến. Hải Phòng phập phồng, căng thẳng chờ máy bay Mỹ tới.

Những chiến sĩ tên lửa của đoàn Nam Triệu hay đoàn Hạ Long biết rõ những đường bay của không quân Mỹ vào thành phố này. Chúng vào ăn cướp rất nhanh và cũng bay ra rất nhanh.

Cấp chỉ huy bộ đội phòng không Hải Phòng đã quán triệt cho chiến sĩ của mình đặc điểm tác chiến ở vùng cửa biển, rằng thời gian địch xuất hiện rất ngắn, nếu không cảnh giác sẽ lỡ thời cơ chiến đấu. Đã có những bài học, khi phát hiện địch, báo động vào cấp 1 không kịp, thì bọn A6, F8U đã kịp ném bom, bay ra.

Bảng tiêu đồ 9×9 trên xe P-12 của Tiểu đoàn hỏa lực 72 còn lưu dấu chì xanh về đường bay của không quân Mỹ. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt luôn nhắc nhở anh em trắc thủ, địch thường bay vào, lấy cửa Nam Triệu làm điểm kiểm tra và đột nhập Hải Phòng từ phía chính Đông. Hướng thứ hai, lấy cửa sông Văn Úc làm điểm kiểm tra tập hợp đội hình vào đánh Hải Phòng từ phía Tây Nam. Các tốp B-52 vào Hải Phòng từ trước đến nay đều sử dụng cả hai đường bay này.

Buổi trưa, chiến sĩ nuôi quân ở bếp tiểu đoàn vào phố về phàn nàn, thịt bán tem phiếu ở cửa hàng đã ít, nhưng rau cũng khó mua, chợ không có người bán. Chiến tranh tác động đến từng chi tiết của đời sống. Hậu cần tiểu đoàn sốt ruột, làm sao cho bộ đội có đủ rau, đủ thịt duy trì bữa ăn bình thường. Quản lý bếp ăn nhanh nhẹn chạy lên xin tiểu đoàn cho xe tải về huyện mua bí và su hào dự phòng chiến đấu dài ngày… Nhưng một lúc sau, anh chạy về bếp tiu nghỉu, không nói không rằng, vơ hết giấy tờ, sổ sách, quần áo cơm vào ba lô rồi thì thào như buôn bạc giả “Cơ động! Cơ động!”.

Tin tiểu đoàn phải cơ động trận địa lan nhanh. Bếp trưởng bảo: Xin người hỗ trợ hậu cần chứ? Hôm trước cũng thế, chắc lại rút ra quanh quẩn ngoại thành chứ gì? Cái gì cần thì mang, không chết mệt, bỏ lại ít đồ không dùng, về lấy sau. Chính trị viên phó xuống phổ biến: Mang đi tất cả, cơ động xa, chuẩn bị nấu ăn trên đường vài ngày. Cử một tổ đi trước chuẩn bị… cơm nước theo kiểu dã ngoại!

Rồi mọi người cũng biết, cùng với tiểu đoàn 71, Tiểu đoàn 72 lên chi viện “chia lửa” cho Hà Nội. Xe bánh lốp chạy trước, xe bánh xích bao giờ cũng chậm nên đành chạy sau. Dân quân và bà con tiễn bộ đội ra tận đường cái lớn. Ngồi trong ca-bin, sĩ quan điều khiển Dựng ngoái lại nhìn những ngọn dừa, khóm tre mờ dần, lòng anh thắt lại. Sê và con ở lại, không biết thế nào. Cu Dưỡng thì mới hơn một tuổi. Từ ngày 22/12, bọn B-52 đã đánh vào Hải Phòng, nhà lại gần trận địa, bọn A6, F-111 nó “xăm xoi” trận địa tên lửa dữ lắm, may mà có bà ngoại…

Ngồi ở thùng xe, các trắc thủ Chiêu, Tuyền và Khoa thì có vẻ háo hức. Họ chưa có gia đình, lên trên ấy, cứ địa bàn lạ là vui rồi. Mới có mấy ngày, hơn chục “thằng” B-52 rơi quanh Hà Nội, trên ấy các tiểu đoàn đang đánh tốt, thời cơ cho 72 lại càng nhiều. Khoa làm động tác “vê tay quay” rõ dẻo, biết đâu cơ hội cho kíp 2 lại là Hà Nội.

Nói thì nhanh, nhưng cũng gần hai ngày đêm, Tiểu đoàn 72 mới vào tới Yên Phong (Hà Bắc). Trận địa Đại Chu, nghe thì quen, không ngờ nó ở sâu thế. Ven đường cấp huyện, rẽ qua làng, vào cánh đồng gần cây số nữa.

Những chiếc xe đại xa đỏ quạch bụi đường lùi vào công sự, cắt moóc, chạy ra làng sơ tán. Đạn nạp vào bệ phóng nghe rõ tiếng xích cuộn rào rào. Tiếng búa đóng cọc mát chí chát. Dân quân Yên Phong vào đông, hỗ trợ căng cáp, kéo dây điện thoại cho đài 1, cho xe thông tin tiếp sức nằm ở rìa làng. Trắc thủ kháo nhau, nhiều “em” xinh lắm, con gái Quan họ đấy nhá! Làm sao có những ngày thong thả nữa nhỉ?\

Tuyền nghĩ thầm, tưởng lên Hà Nội thì hay hơn, giữa đồng không mông quạnh thế này, ở Minh Kha còn thích hơn. Nhưng rồi các trắc thủ kíp 2 cũng chẳng còn thời gian mà so bì. Sáng nay chỉnh tham số, chỉnh phương vị chuẩn, huấn luyện cách đánh B-52 gấp gáp. Trưởng xe UNK giao máy sớm, suốt đêm qua các kỹ thuật viên hì hục kiểm tra cáp, “làm tham số”, may sao cơ động hai ngày đường, máy vẫn ngon, đồng bộ các đài, bệ, không có gì phải lo. Điều bất ngờ nhất họ vừa được biết: Kíp 2 vào trực.

Đã suốt mấy tháng qua, kíp 1 bao giờ cũng là “át chủ bài” của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt. Thực ra tiểu đoàn trưởng nào cũng muốn cho mình có cả kíp 1 và kíp 2 đều tay trong xạ kích. Nhưng khi đối mặt với bọn B-52, người chỉ huy ai cũng muốn “đánh phải chắc thắng”, nên coi trọng kíp đánh tốt, cũng là lẽ thường. Dư luận trong tiểu đoàn xì xào, mấy cậu kíp 2 “đen-ta run” sai số lớn. Chiêu, Tuyền, Khoa biết họ nói về mình. Thực ra trong huấn luyện và chiến đấu với “bọn F”, “bọn A” (máy bay F111 và A6 của Mỹ) vào Hải Phòng, trắc thủ của đoàn Nam Triệu đều rất khá. Không những chuyển trạng thái nhanh mà còn bám bắt mục tiêu trên hiện sóng khá tốt. Phải thừa nhận kíp 1 của 72 cũng giỏi. Trong thành tích bắn rơi tới 35 máy bay của Tiểu đoàn 72, từ ngày nhận khí tài lần đầu đến nay, phần lớn chiến công thuộc về kíp 1. Nhưng đánh bọn B-52 thì… hãy chờ xem!

Buổi đoàn cán bộ Sư đoàn Phòng không Hà Nội đến “nhận quân” và động viên Tiểu đoàn 72 cũng diễn ra chóng vánh. Các chỉ huy nhìn anh em từ xa về, trận địa còn ngổn ngang nên cũng thông cảm.

Bữa ăn trưa hôm ấy ở Tiểu đoàn 72 không thể nói là ngon miệng, dẫu khá nhiều rau và thịt, vì ai cũng hồi hộp với những suy nghĩ mông lung không biết quả đạn mình phóng ra có hạ được B-52 không. Thành thử ai cũng ăn quáng quàng rồi tranh thủ “làm một giấc”. Giấc ngủ giữa trận địa Đại Chu, với các chiến sĩ tên lửa thật quý giá vì đã vạ vật trên xe mất hai ngày trời. Nhưng chỉ được một lúc họ đã phải bật dậy vì tiếng còi báo động hú lên xé tan bầu không khí tĩnh lặng buổi trưa. Lúc đó khoảng hơn 13 giờ.

Trên xe điều khiển, tiêu đồ 5×5 cặp bút chì vào kẽ tay theo hút tốp mục tiêu vào hướng X, cự ly ngắn dần. Lệnh “phát sóng” “sục sạo”, rồi “đồng bộ”… phóng!.. Xe rung lên nhè nhẹ cùng tiếng nổ xé từ ngoài bệ đạn. Cháy rồi! Chỉ trong khoảnh khắc mục tiêu mất dạng trên màn hình trước mặt các trắc thủ. Tiếng hô reo mừng từ bên ngoài lọt cả vào xe. Cả xe chiến đấu hừng hực khí thế chuyển hướng ăng-ten, nhưng lệnh về cấp 2 nhanh chóng truyền về. Nhanh quá! Kíp trắc thủ ai nấy đều hể hả xuống xe. Ngoài kia, trời tháng Chạp vẫn hun hút gió lạnh. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt mừng lắm, nhìn đồng hồ 13 giờ 36 phút, như thế là vừa triển khai, nhưng khí tài kỹ thuật tốt. Chuẩn, chuẩn! Anh nói ra mồm với Nguyễn Văn Dựng. Thoáng 1 chút chau mày, anh nghĩ gì? Dựng nhìn anh bối rối, không dám hỏi. Ừ! Có thể anh lo mấy xe đạn chưa về, chở từ Ruồn lên đây phải hai ngày, mà chưa có tin gì. Ngoài kia trận địa chỉ còn 2 trái đạn. Đúng ra lúc này đã phải nạp đạn bổ sung rồi.

* * *

Đúng là tuổi trẻ vô tư, niềm phấn khích bắn rơi máy bay F4 khiến các trắc thủ, pháo thủ của Tiểu đoàn 72 xôn xao khắp từ bếp ăn đến cả khi về nhà bạt. Họ đã chia lửa cho Hà Nội từ ngày đầu tiên lên đây. Nhưng niềm khát khao hạ gục B-52 vẫn đau đáu trong lòng các anh. Dựng về, kéo mấy trắc thủ ra nói nhỏ: Trên phê bình tiểu đoàn ta. Sao? Mọi người thắc mắc, gương mặt ai nấy ỉu xìu. Dựng nói giọng nghiêm trọng, bắn rơi bọn F4, trên không khuyến khích, dành đạn đánh B-52. Các đơn vị ở Hà Nội đang khan đạn. Này anh em nhớ nhé, bây giờ không có kiểu bắn bồi, bắn nhồi hai ba đạn nữa đâu nhá!

Trở về nhà bạt, nằm xuống, trắc thủ góc phương vị Tuyền trăn trở lắm. Hôm qua anh tranh luận với mấy người, biết rõ hơn, trận địa này cùng với “thằng” 71 cũng từ Hải Phòng lên, có nhiệm vụ đánh bên sườn các đường bay vào Hà Nội. Đánh theo phương pháp P hay phương pháp T thì cũng phải “vê” tay quay giữ cho thao tác ổn định. B-52 cơ động hướng không nhiều, nhưng sai một ly đi một dặm.

Còn Nguyễn Văn Chiêu, trắc thủ góc tà thì khẽ nhắm đôi mắt, tay múa nhẹ như “lên đồng”. Nhưng không phải múa, anh đang hình dung ra khi “thằng B” vào đến cự ly bị phát hiện thì dẻ sóng góc tà của anh phải hạ xuống ra sao, đều đều, chắc chắn thế nào. Rồi khi chuyển về bám tự động, bàn tay mở ra sao để ấn tay quay “ngọt” nhất…

Cũng là sinh viên vào bộ đội tên lửa như Chiêu và Tuyền, Khoa hình dung và nắm được các phương pháp bám sát, lái đạn. Bắn khi nhìn thấy mục tiêu và bắn khi không nhìn thấy mục tiêu, đều là phương pháp bắn có cơ sở khoa học. Có điều là nhiễu B-52 nặng quá, trắng đục màn hình… thời cơ quan trọng lắm. Khoa hiểu sĩ quan điều khiển Dựng, người chỉ huy của anh cũng trăn trở không kém. Trên Hà Nội, các tiểu đoàn bắn theo dải nhiễu khá tốt…

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chắt không giấu anh em lời nhắc nhở của cấp trên, về việc các anh đã “cao hứng” bắn rơi tốp F4. Nói xong anh thấy lòng nhẹ hơn. Cấp trên có lý, là cấp chỉ huy hướng đánh trả, chỉ huy chiến dịch tổng hợp, chỉ huy lực lượng chiến dịch, họ có nỗi lo lớn. Còn cấp tiểu đoàn như anh là cấp chỉ huy xạ kích, phải lo bắn cho trúng. Trên giao cho anh quản lý hướng chủ yếu là NN.

Bắn theo phương pháp nào là hợp lý? Chỉ câu hỏi vậy thôi mà anh phải nhiều đêm mất ngủ. Khi phát hiện chính xác dải nhiễu, đánh theo phương pháp 3Đ, liệu có chắc ăn. Còn bắn theo phương pháp T, các trắc thủ của anh có bám sát tốt? Dẫu là kíp 2 tham gia trực trận này, anh hiểu rõ từng người, họ vốn là các sinh viên kiến thức về hình học không gian. Dựng, sĩ quan điều khiển vốn là sinh viên, Dựng và anh đã nhiều lần “đồ giải”, đưa ra các tình huống B-52 vào. Theo các phương pháp mà cấp trên dày công tập huấn, các anh chú trọng phân tích tính chất mục tiêu, tốc độ và đường bay cụ thể.

Trên hướng NN các anh được phân công chặn địch, nó sẽ vào tới đâu? Đâu sẽ là cự ly “nó” chuyển góc bay? Nếu là cự ly A, nếu là cự ly B… các giả định được đưa ra. Nguyễn Văn Chắt tin ở anh em. Địch đánh vào Hải Phòng, thời gian xuất hiện ngắn mà anh em còn bình tĩnh bám sát. Ở trên này, thời gian B-52 xuất hiện chắc chắn dài hơn, các tốp hộ tống cũng vậy. Động thái của các tốp hộ tống, cự ly giãn cách… Phải làm chủ cự ly phóng. Chắt trao đổi cùng anh em khá kỹ. Cự ly, cự ly! Các trắc thủ của Chắt tuy chỉ là hạ sĩ quan, chưa qua trường bài bản, nhưng qua luận giải, Chắt biết cái đầu của họ đã mang cách nghĩ phân tích già dặn hơn chức trách. Cách nghĩ của cấp chỉ huy bắn.

Trong chiến đấu, có những “binh sĩ” hiểu ý định của chỉ huy, hành động ăn ý, thì đó là niềm vui, là phúc chứ không bao giờ là họa.

Trận đánh của Tiểu đoàn 72, đối mặt với B-52 trên bầu trời Hà Nội vào đêm hôm sau 27-12. Lúc 23 giờ 1 phút, sau khi tiểu đoàn vào cấp 1, lệnh trên giao cho Tiểu đoàn 71 và 72 tiêu diệt tốp B-52 lao vào đánh phá Hà Nội.

Nhìn lên bảng tiêu đồ, Chắt thấy phương vị 190 có 3 tốp B-52 đang vào gần. Tiểu đoàn 72 được lệnh diệt tốp 491. Anh suy tính rất lung. Lúc đầu anh xác định sẽ đánh theo phương pháp 3Đ, nhưng Chắt hiểu ý định của trên khi giao cho tiểu đoàn anh chặn hướng chính, nếu bắn ở xa theo phương pháp 3Đ không chắc, Lập tức Chắt quyết định để mục tiêu vào cự ly, theo anh là “đắc địa” nhất, lệnh phát sóng.

Lại nói Dựng, lúc này anh lập tức quay ăng-ten về giẻ quạt 180-21 độ. Quả nhiên tại phương vị 190, trên nền nhiễu đục, Dựng cảm nhận mỗi lúc một rõ có dấu hiệu mục tiêu ở cự ly X km. Không còn nghi ngờ.

Lệnh bắn theo phương pháp T. Lần lượt trắc thủ phương vị, góc tà bật về chế độ bám sát T. Sau đó một khắc, trắc thủ cự ly cũng quyết đoán bật về TĐ.

– Tiêu diệt tốp 491, cự ly B2!

– Phóng!

Một tiếng “cạch” rất lạnh, trái đạn lao lên lừng lững, kéo theo vệt lửa màu cam ngùn ngụt. Ngay sau đó, trái thứ hai cũng phụt lên bám theo, cả trận địa mù mịt khói cam và mùi thuốc đạn. Họ đã bắn bồi trái nữa.

Tất cả các cặp mắt trong xe điều khiển ngắm theo tín hiệu đạn “bắt cửa sóng” bay lên theo quỹ đạo, rất nhanh đạn lao vào mục tiêu gần dần, gần dần rồi nhòe sáng… Chiêu nhìn trên màn hình góc tà, mục tiêu hạ thấp độ cao gấp gáp.

Rơi rồi! Rơi rồi!

Sĩ quan điều khiển Dựng thở nhẹ một cái thật khoan khoái. Cửa xe UNK bật mở, tiếng hô từ bên ngoài vang động. B-52 cháy rồi! Lúc đó là 23 giờ 03 phút đêm 27 tháng Chạp. Chiếc máy bay B52 do Tiểu đoàn 72 bắn rơi tại chỗ. Ta bắt được phi công ngay tại Hà Nội. Hai trái đạn phóng lên tại trận Đại Chu đêm ấy, có ai ngờ là hai trái đạn cuối cùng kết thúc đợt đánh chặn Không quân Mỹ lao vào suốt 12 ngày đêm khét lẹt.

* * *

Lời khen ngợi của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với trận đánh của Tiểu đoàn 72 vẫn còn vang vọng: “Chiến công đặc biệt xuất sắc”. Xuất sắc vì bắn rơi tại chỗ. Các cơ quan chức năng đều xác nhận, chiếc máy bay vẫn còn nguyên hàng chục quả bom. Nếu tốp B-52 đó nó kịp ném ra, nếu… thì Hà Nội bị thêm một vệt bom đau thương biết ngần nào.

Cung lửa bên sườn Hà Nội đã phát huy uy lực của một trận địa lợi hại, chặn đứng các tốp B-52 đánh vào từ phía Đông Nam.

Chúng tôi đã về thăm quê của sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng. Anh quê ở xã Việt Ngọc, Tân Yên, Bắc Giang, là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp, nhập ngũ năm 1966. Dựng về Tiểu đoàn 72 năm 1968, nơi có kinh nghiệm đánh máy bay trinh sát bay thấp nổi tiếng toàn quân chủng.

Bí thư chi đoàn xã Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng là cô Nguyễn Thị Sê, hoa khôi của vùng khi ấy. Trai tài, gái sắc gặp nhau, Dựng-Sê nên duyên vợ chồng. Đứa con đầu của họ sinh năm 1971. Họ có với nhau tới 4 mặt con.

Sau chiến tranh, Dựng được trên cử đi học chỉ huy phòng không ở Liên Xô. Trở về nước, dần dần Dựng được giao chức tiểu đoàn trưởng hỏa lực. Nhưng không may, năm 1986 căn bệnh trọng đã cướp đi cuộc sống của anh.

Gái Hải Phòng về làm dâu miền bán sơn địa Bắc Giang, Sê tần tảo nuôi 4 con thơ dại. Nhưng nghiệt ngã thay, chứng bệnh suy tim cấp chẳng bao lâu lại nhằm vào Sê. Năm 1992, Sê đã đi theo chồng.

Những đồng đội phòng không miền Kinh bắc suốt những năm tháng sau này, luôn quan tâm về tinh thần và chút ít vật chất cho những đứa con của người sĩ quan điều khiển tên lửa hào hoa, can trường ấy.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chắt nay vẫn còn. Ba trắc thủ đã vào tuổi lục tuần. Nguyễn Văn Chiêu hiện là chủ một gia đình tương đối đông đúc và đầm ấm tại ngõ 43, phố Trung Kính (Hà Nội). Sau khi rời quân ngũ, Nguyễn Văn Chiêu học tiếp đại học và về công tác tại Tổng cục Kỹ thuật vào năm 1979. Năm 1986, anh chuyển ngành về Bộ Công nghiệp nhẹ và làm việc tại Nhà máy Cơ khí Quang Trung.

Nguyễn Văn Tuyền thì sau khi xuất ngũ tiếp tục học và trở thành giáo viên. Anh tham gia giảng dạy tại Đại học Thương mại, đến năm 2002 thì chuyển về Đại học Bách khoa, nơi anh đã từ biệt giảng đường đi chiến đấu. Nguyễn Văn Tuyền từng giữ cương vị Trưởng khoa Mác – Lê-nin của đại học có tiếng này.

Trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa hiện công tác tại Tỉnh ủy Thái Bình. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng với những bận rộn về gia đình và xã hội. Họ có chung niềm tự hào bình dị, được chia lửa cùng Hà Nội những ngày gian lao ấy.

Theo TRẦN DANH BẢNG / QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN (2012)

Tags: , , , ,