Chất độc da cam / dioxin – tấn bi kịch từ hai phía

Trong số lính Mỹ trở về sau cuộc chiến ở Việt Nam, có nhiều người bắt đầu phát bệnh do nhiễm chất độc da cam, rồi con cái họ cũng vậy. Vài năm sau, đến lượt lính Hàn Quốc tham chiến ở miền Nam Việt Nam trở về cũng phát bệnh hiểm nghèo do nhiễm dioxin. Các cựu binh Mỹ và Hàn Quốc đã kiện lên toà án Mỹ và công ty DOW đã bồi thường thiệt hại cho họ nhưng lượng chiến binh này chỉ ở con số hàng trăm, hàng nghìn… Còn nhân dân Việt Nam mới là nạn nhân chính của dioxin với hơn 3 triệu người là nạn nhân, 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc này – một con số khổng lồ như thế, Chính phủ Mỹ không thể không biết nhưng đến nay họ vẫn lờ đi? Vì sao?

Chất độc da cam / dioxin – tấn bi kịch từ hai phía

Chính Tổng thống Kennedy phê duyệt…

Ngày 3/11/1961, Tổng thống Kennedy đồng ý cho sử dụng chất độc da cam/dioxin* để làm rụng lá cây và làm chết cây – bề ngoài gọi là chất diệt cỏ dại, thành phần gồm có axit cacodylic và vài loại butyl khác (theo báo cáo trình lên Tổng thống) – từ trên máy bay, phi công Mỹ phun xuống trong một chiến dịch mang tên “Bàn tay chăn nuôi”. Ý đồ là phát quang tầng cây thấp trong phạm vi 150 mét suốt những con đường nghi ngờ có thể bị Việt Cộng (VC) phục kích.

Giai đoạn thứ hai là hủy hoại tất cả những lương thực thực phẩm, phá hoại những cánh đồng lúa, sắn, ngô và khoai lang trên lãnh thổ của VC. Khi các cấp dưới đưa ra ba loại chất độc của công ty hoá chất DOW sắp rải xuống vùng VC để xin ý kiến ông, thì Kennedy chọn cách thoả hiệp, duyệt chi 10 triệu đôla để diệt hết cây bên đường, rồi sau đó là phá huỷ lương thực thực phẩm “Có sự xem xét trước và được phép của Nhà Trắng” ông ghi bên lề văn bản như vậy. Nhưng thực tế, những lần phun sau cho đến suốt những năm sau đó, không ai xin phép Nhà Trắng nữa. Tổng thống phê chuẩn lựa chọn đầu tiên, chi 75 triệu đôla cho Không lực Mỹ vạch kế hoạch huỷ diệt tất cả những loại cây xanh với quy mô trên 32.000 dặm vuông của lãnh thổ miền Nam Việt Nam, diện tích đó, hầu như chiếm một nửa diện tích canh tác nông nghiệp của Việt Nam.

Trên thực tế, tuy không công khai nhưng từ tháng Giêng năm 1962, các khu rừng rậm Việt Nam đã được chọn bay và phun thử, đội bay gồm các trực thăng và 6 máy bay C-123 được trang bị các thiết bị phun thích hợp, phun chất độc da cam trên các con đường mòn, và trên những cánh đồng lúa**. Người ta đã đặt ra 10 câu hỏi cho những người được chọn bay làm nhiệm vụ này, mật danh là “Nhiệm vụ mở rộng tạm thời vùng nông thôn 77”. Hai câu hỏi sau cùng là: (9) Bạn có mặc quần áo thường dân? Và (10) bạn có biết, nếu như bạn bị VC bắt thì Chính phủ Mỹ sẽ từ chối mọi hiểu biết về bạn?

Hồi đó, liên tiếp có những chuyến hàng được chở đến miền Nam Việt Nam, hầu hết là những thùng thuốc “diệt cỏ” và các hoá chất “dùng cho nông trại” mà sự thật là chất độc da cam, để dọn quang hai bên đường và diệt luôn những cây lương thực thực phẩm. Các tàu thuỷ xuyên đại dương chở thêm 200.000 galon chất độc da cam, rời cảng Oakland, California ngày 15/12/1961. Những thùng phuy hoá chất này bên ngoài được dán nhãn là hàng tiêu dùng thông thường gửi cho toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, mục đích để tránh sự kiểm tra của Uỷ ban Kiểm soát Quốc tế, buộc tôn trọng Hiệp định Genève. Các con tàu này đến Sài Gòn ngày 8/1/1962.

Đặc biệt ngày 3/1/1962 đích thân Tổng thống Kennedy chọn các mục tiêu đầu tiên***: Mười sáu dặm trong tổng 60 dặm trên con đường 15; xa lộ Biên Hoà đi Vũng Tàu. Ba máy bay C-123 được trang bị thích hợp để phun chất độc da cam, chúng ở căn cứ không quân Olmstead của Pennsylvania, bay từ Philippines đến Sài Gòn ngày 7 tháng Giêng năm 1962. Đến nơi, các máy bay và phi hành đoàn lưu lại trong khu vực hàng rào ở rìa sân bay Tân Sơn Nhất “để tránh sự kiểm tra của Uỷ ban Kiểm soát Quốc tế”, nhưng hầu như mọi người trong và bên ngoài sân bay đều biết trong ba chiếc C-123 này chứa những gì, bởi vì hơi độc trong máy bay bốc ra, ngay lập tức làm chết tất cả cây cối và những bụi cây gần nơi các máy bay đó đáp xuống.

Roger Hilsman, Trưởng ban tình báo Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là biến Việt Cộng thành những lũ người ngớ ngẩn tật nguyền, thành những băng đói rét, sống ngoài vòng pháp luật, mọi nghị lực và sức tàn của chúng chỉ là giành lấy sự sống khốn khổ!

Các phi công của máy bay C-123, tất cả 19 người đầu tiên, đã cùng nhau vào trong một toà nhà gần trung tâm Sài Gòn, chỉ để lại 50 nhân viên kỹ thuật ở lại trong các lều bạt dựng tại sân bay. Lúc đó, Đại sứ Mỹ Frederic Nolting tổ chức một cuộc liên hoan Cocktail chúc mừng các phi công. Họ là những người bay chuyến bay chính thức đầu tiên được Tổng thống Kennedy phê duyệt ngày 13/1/1962.

Chiến tranh kết thúc được vài năm, trong số những lính Mỹ trở về, có nhiều người bắt đầu phát bệnh do nhiễm chất độc da cam, rồi con cái họ cũng vậy. Hội cựu chiến binh Mỹ phát đơn kiện công ty hoá chất DOW, kết quả toà án Mỹ xử công ty hóa chất DOW phải bồi thường tiền cho các cựu chiến binh này. Ai cũng biết, số cựu binh Mỹ ở chiến trường Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam trở về chỉ là con số nghìn. Vài năm sau đó, đến lượt lính Hàn Quốc thời chính quyền Pak Chung Hi tham chiến ở miền Nam Việt Nam cũng phát bệnh hiểm nghèo do nhiễm dioxin. Họ cũng kiện toà án Mỹ và cũng được bồi thường, lượng chiến binh này chỉ là con số hàng trăm.

Còn nhân dân Việt Nam là nạn nhân chính, thiệt hại vô cùng to lớn do những di hại nặng nề của chất độc da cam (dioxin) mà quân Mỹ gây ra với hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân; 4,8 triệu người bị nhiễm dioxin – một con số khổng lồ như thế, Chính phủ Mỹ không thể không biết – nhưng họ vẫn lờ đi? Vì sao?

Bi kịch của đô đốc Zumwalt, chỉ huy trưởng Hải quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam

Năm 1968, trong số tướng lĩnh quân đội Mỹ, thì Elmo R. Zumwalt được coi như tướng trẻ nhất. Trẻ tuổi, hăng hái và xông xáo, đó là tính cách của ông. Chính vì những đặc điểm này mà ông được cử làm chỉ huy trưởng các lực lượng Hải quân Mỹ chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ Hải quân Mỹ không phải là chiến đấu ở ngoài khơi xa, mà là chiến đấu ở vùng ven biển; ở các con sông lớn nhỏ và cả trên những kênh, rạch của miền Nam Việt Nam.

Cuộc chiến năng nổ này tiêu biểu cho quan điểm chiến lược của đô đốc Zumwalt – phải làm cho quân địch mất cân bằng, phải luôn khuấy động và không cho phép quân địch được an toàn trong những khu vực nào đó, mà về truyền thống vốn là những nơi VC đã được hưởng sự yên bình trước đây. Đó chính là tư tưởng chiến lược Zumwalt, và để tiến hành như vậy thì chỉ cần ở đâu, bất kỳ con sông, con kênh nào có đủ nước cho tàu Mỹ nổi lên là thực hiện được.

Và suốt trong những năm làm chỉ huy trưởng Hải quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đô đốc Zumwalt hầu như đi khắp miền Nam. Ông nhanh nhẹn, can đảm, nổi tiếng là người xông xáo; không phân biệt chiến trường nào, thật xứng danh là một tướng trẻ tài ba; khác với người tiền nhiệm;… trong khi đó thì chất độc da cam do không quân Mỹ rải xuống khắp miền Nam không ngưng nghỉ, từ những năm 1962 đến suốt cả thời gian làm nhiệm vụ của đô đốc Zumwalt ở miền Nam Việt Nam. Và tất nhiên dioxin không trừ ông.

Hồi đó, chất độc da cam do không quân Mỹ phun xuống để phát quang những tán lá cây che chở cho VC đã tỏ ra hiệu quả. Nhưng mặt trái của chất làm rụng lá cây thì chưa biết, thế nhưng các nhà sản xuất hoá chất này là Dow chemical và Monsanto cứ hăng hái khẳng định với những người đang sử dụng, rằng sản phẩm của họ rất lành vì chúng hoàn toàn không độc hại (vì lợi nhuận kếch xù làm cho họ không thể không nói dối). Đô đốc Zumwalt mơ hồ cảm thấy chất da cam đó độc hại, và muốn bảo vệ cho con trai ông và những người bạn khác khỏi “phơi mình trước nguy hiểm”, nhưng làm như thế nào ông chưa biết, mãi sau này mới biết chất phun làm rụng lá cây gây nên bệnh ung thư.

Con trai Zumwalt là Elmo Zumwalt III chết năm 1988 ở tuổi 42, vì bệnh ung thư. Cháu của Zumwalt (sinh năm 1977) cũng bị di chứng chất độc da cam, cơ thể dị dạng giống như nhiều bé trai, bé gái Việt Nam bị nhiễm dioxin.

Con trai Zumwalt nói: “Năm 1986, tôi là một luật sư và tôi không nghĩ tôi có thể xác nhận tại toà án bởi sức nặng của những bằng chứng khoa học hiện có, rằng chất độc dioxin là nguyên nhân của tất cả các vấn đề bệnh tật: Rối loạn thần kinh, ung thư và các vấn đề về da – đã được báo cáo bởi các cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam trở về, hoặc con cái của họ khi sinh ra đã bị khuyết tật, dị dạng nặng nề”.

Zumwalt chết ngày 2 tháng Giêng năm 2000, 79 tuổi tại Trung tâm y tế Đại học Duke, ở Durham, bắc Carolina, bệnh u ác tính ở trung biểu mô.

—————————————

Chú thích:

* Sách President Kennedy, Profile of Power của Richard Reeves, NXB Simon and Schuster – 1989 (tr. 259).
** Trang 281, Sđd.
*** Trang 283.
**** Sách Brown Water, Black Berets: Coastal and Riverine Warfare in Vietnam của Thomas Cutler, NXB Naval Institute Press – 1988 (tr. 283).

Theo TẠP CHÍ HỒN VIỆT

Tags: , , , ,