⠀
Cần tiêu thụ thực phẩm một cách có lương tâm
Chỉ cần mỗi người trong chúng ta có ý thức tiết kiệm thực phẩm sẽ góp phần xóa đi cái sự thật phi lý là hàng tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm – trong khi gần một tỉ người trên Trái đất đang phải chung sống với nạn đói.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn thực phẩm, tương đương 1/3 sản lượng nông nghiệp toàn cầu, trong khi cứ bảy người có một người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày.
Trước thực trạng lãng phí thực phẩm, Ngày môi trường thế giới năm nay là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các đơn vị kinh doanh về ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí trong sản xuất cũng như tiêu dùng.
Những con số do FAO nêu ra đầy thuyết phục để mọi người chú ý hơn đến những ảnh hưởng tới môi trường từ việc lựa chọn thực phẩm, tránh lãng phí thực phẩm. Đó là việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 75% lượng nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cũng theo FAO, lượng lương thực, thực phẩm thất thoát và lãng phí hằng năm ở các nước đang phát triển – trong đó có VN – là 630 triệu tấn (không kém gì so với các nước công nghiệp là 670 triệu tấn), nhiều nhất là lúa gạo, rau, củ, quả.
Mặc dù VN nằm trong những nước hàng đầu về xuất khẩu gạo nhưng tỉ lệ người thiếu ăn và suy dinh dưỡng vẫn cao. Trong khi đó, tình trạng lãng phí, thất thoát lương thực, thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng lại khá cao.
Như đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa hiện nay đến 13,7%, trong đó khâu phơi sấy tổn thất lên đến 4,2%.
Điều đáng nói hơn là sự lãng phí của người tiêu dùng, đặc biệt là trong các buổi giỗ chạp, cưới xin, tiệc tùng tại các nhà hàng, quán ăn, lãng phí tại các hộ gia đình… cũng không nhỏ.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh khi tự phục vụ, nhiều người tranh thủ lấy đầy ắp thức ăn, cuối cùng ăn không hết phải bỏ. Chúng ta cũng chưa có thói quen nếu không dùng hết thực phẩm đã đặt thì có thể nhờ nhân viên nhà hàng gói ghém để mang về. Trong khi tại bàn ăn của những người có điều kiện thừa mứa, thì tại vùng sâu, vùng cao, trong các gia đình nghèo… nhiều người thiếu ăn hoặc bữa ăn rất đạm bạc.
Nơi thừa, chỗ thiếu phản ánh sự phân hóa giàu nghèo nhưng cũng cho thấy con người không được giáo dục ý thức công dân biết quý trọng công sức của người nông dân phải trải qua biết bao công đoạn nhọc nhằn để làm ra sản phẩm và trong quá trình đó cũng tác động xấu đến môi trường.
Do vậy, chỉ cần mỗi người trong chúng ta có ý thức tiết kiệm thực phẩm sẽ góp phần xóa đi cái sự thật phi lý là hàng tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm – trong khi gần một tỉ người trên Trái đất đang phải chung sống với nạn đói.
Ý thức nhằm giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực, từ thu hoạch vận chuyển, sản xuất đến tiêu dùng luôn là vấn đề thời sự. Vì vậy, mỗi cá nhân hay mỗi gia đình cần quan tâm việc quản lý ăn uống hợp lý để tránh lãng phí lương thực, vừa tiết kiệm ngân quỹ mà còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE (2013)