Cần một cuộc đại phẫu để thanh lọc toàn diện ngành dầu khí

Cần có một cuộc “đại phẫu” mạnh mẽ để sàng lọc nốt những kẻ cơ hội, tranh thủ lợi dụng những lỏng lẻo trong cơ chế kiểm soát, quản lý để chui sâu, leo cao vào các vị trí lãnh đạo, cấu kết với nhau để làm trái, tham nhũng.

Cách đây 13 năm, chính xác là năm 2004, khi xảy ra một vụ tham nhũng trong ngành dầu khí, ông Phạm Quang Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khi đó (tiền thân Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hiện nay) trả lời phỏng vấn (bài “Họ đã chia chác nhau một khoản tiền đáng kể-Người lao động”) đã nói về nhóm cán bộ bị truy tố rằng:

“Họ đã chia nhau hàng triệu đô la (USD)”. Với những vụ việc mới được khởi tố vừa qua, có lẽ, con số “chia chác” trong ngành dầu khí đã không dừng ở con số hàng triệu USD.

Câu nói trên của ông Phạm Quang Dự khi đó là trả lời các phóng viên trong giờ giải lao của Quốc hội và hầu như được kéo thành tít bài trên trang nhất của các báo hồi đó và nó thực sự gây chấn động trong dư luận.

Nhưng kể từ đó đến nay, hơn 10 năm, ngành dầu khí đã luôn không yên ổn, với hàng loạt vụ án lớn, với mức độ thiệt hại của mỗi vụ việc lên đến từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng. Như vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào ngân hàng Ocean Bank trái quy định dẫn tới mất trắng toàn bộ số tiền này (đây là 1 trong 2 vụ việc khiến ông Đinh La Thăng vừa bị khởi tố, bắt tạm giam); vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) được cho là có nhiều sai phạm dẫn tới PVC thua lỗ trên 3000 tỷ đồng…

Và hàng loạt vụ việc khác: Một loạt dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học do PVN làm chủ đầu tư thua lỗ, không hoạt động được, có nguy cơ phá sản; vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II; dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, vụ PVC ME… với số người liên đới trách nhiệm, bị khởi tố chờ ngày xét xử lên đến hàng chục người, trong đó có nhiều người có chức vụ cao khiến ngành dầu khí trở thành điểm nóng nhất trong sự quan tâm của dư luận nhân dân, dõi theo cuộc chiến chống tham nhũng mà lãnh đạo cao nhất của Đảng đang tập trung chỉ đạo.

Ai cũng công nhận rằng, dầu khí vẫn luôn là ngành có những đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế với doanh thu, số nộp ngân hàng năm là hàng trăm ngàn tỷ đồng. Không chỉ là dầu khí, các sản lượng về điện năng của các nhà máy điện; phân đạm từ các nhà máy phân bón… do PVN và các đơn vị thuộc tập đoàn này làm chủ đầu tư cũng đã có vai trò rất lớn trong việc phát huy nội lực sản xuất trong nền kinh tế.

Nhưng cũng chính vì những khoản lợi nhuận, nguồn thu to lớn ở tập đoàn này, đã có những cá nhân, bằng những cách khác nhau, chui sâu vào các vị trí lãnh đạo lạm dụng chức vụ, kéo bè, kết cánh để tranh quyền, đoạt lợi, lũng đoạn bộ máy tổ chức của ngành dầu khí để tham nhũng, cấu kết tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của nhà nước để vụ lợi cá nhân.

Chỉ trong một thời gian ngắn: 2-3 năm qua, đã liên tục có 2 Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN: Ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Nguyễn Quốc Khánh đều đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì có nhiều sai phạm trong quá trình điều hành doanh nghiệp (thành viên) trước khi được bổ nhiệm vào chiếc ghế số 1 ở tập đoàn này. Những cuộc ra đi nhanh chóng này nói lên điều gì: Ít nhất cũng cho thấy quy trình xem xét, bổ nhiệm cán bộ ở một tập đoàn thuộc loại mạnh nhất của Nhà nước có nhiều sơ hở nên có những người có dấu hiệu sai phạm từ trước ở cấp đơn vị, vẫn được phê chuẩn lên làm lãnh đạo tập đoàn.

Điều đó làm mất lòng tin rất lớn với cả đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ, có tâm huyết của ngành dầu khí: Làm sao có thể phấn đấu, khi cả những người có sai phạm cũng được bổ nhiệm? Ở cấp lãnh đạo tập đoàn như thế, tránh sao ở nhiều đơn vị thành viên, bê bối, tiêu cực cũng liên tục xảy ra, hết vụ này đến vụ khác?

Cho nên, với hàng loạt vụ việc đã và đang xảy ra trong ngành dầu khí, những vụ khởi tố, bắt giữ những nhân vật từng là lãnh đạo cấp cao nhất của tập đoàn này, vẫn đang gây choáng váng ngay trong đội ngũ cán bộ, nhân viên của PVN có lẽ, cần có một cuộc “đại phẫu” mạnh mẽ để sàng lọc nốt những kẻ cơ hội, tranh thủ lợi dụng những lỏng lẻo trong cơ chế kiểm soát, quản lý để chui sâu, leo cao vào các vị trí lãnh đạo, cấu kết với nhau để làm trái, tham nhũng…

Cùng với việc chấn chỉnh lại cơ chế, chính sách giám sát, quản lý, công khai, minh bạch hóa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước có qui mô lớn, nhất là những tập đoàn quá lớn như PVN mới có thể khiến tập đoàn này ổn định, lành mạnh trở lại để tiếp tục có những đóng góp lớn, bền vững hơn cho nền kinh tế.

Theo MẠNH QUÂN / DÂN TRÍ

Tags: , ,