Cái giá Trung Quốc phải trả vì che giấu đại dịch SARS

Cách đây 18 năm, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) đã xuất hiện vào năm 2002 ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong sáu tháng, SARS đã ảnh hưởng đến khoảng 30 quốc gia và lây nhiễm cho 8.400 ca đã qua kiểm tra.

Trung Quốc và cái giá phải trả vì che giấu đại dịch SARS 2002

Giấu bệnh gần một tháng

Trong lúc dịch SARS bùng nổ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc cố che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Nhà sử học François Godement – cố vấn về châu Á cho Viện tư vấn Montaigne (Pháp) – trao đổi với Đài phát thanh France Inter: “Lúc đó ở Trung Quốc, địa phương này thích cạnh tranh với địa phương khác để địa phương mình có số ca nhiễm thấp nhất hoặc không có ca nào cả. Trong khi đó, chính phủ trung ương rõ ràng thiếu tầm nhìn xa và tính quyết đoán”.

Chính quyền Trung Quốc đã phạm hàng loạt sai lầm. Đầu tiên là che giấu bệnh SARS, sau đó che giấu mức độ lây nhiễm với cái cớ bệnh không có gì nguy hiểm rồi trì hoãn các biện pháp điều trị dự phòng.

Do thái độ che giấu đó, dịch SARS có điều kiện lan rộng hơn và lây lan ra nước ngoài.

Phải đến ngày 20-4-2003, nhà chức trách Trung Quốc mới thừa nhận số ca ghi nhận được cao gấp 10 lần so với 37 ca đã công bố ban đầu. Điều tệ hơn là Trung Quốc thừa nhận đã giữ bí mật về ca đầu tiên suốt… gần một tháng.

Một phần Bắc Kinh bị cách ly

Sau đó, Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt biện pháp quyết liệt. Thái độ xoay chuyển đột ngột ấy ngay lập tức đã gây hoảng loạn tương tự như thái độ che giấu dịch.

Chẳng mấy chốc, một phần Trung Quốc đã bị cô lập. Người nhập cư đi làm ăn trên tỉnh bỏ công trường quay về nông thôn. Sinh viên các tỉnh trở về nhà.

Người dân bị hạn chế đi lại suốt mùa xuân năm 2003. Các địa điểm công cộng, nhà hàng và chợ bị đóng cửa. Nhà ga và sân bay được khử trùng. Máy đo thân nhiệt từ xa được phân phối ồ ạt.

Các điều kiện vệ sinh cực kỳ nghiêm ngặt đã được thiết lập như cấm khạc nhổ, mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay, phải qua thảm chùi chân đã khử trùng trước khi vào nhà.

Tại Bắc Kinh, các quận gần như bị cách ly với nhau bằng các chốt kiểm soát. Du khách mất dạng. Nhân viên các công ty nước ngoài rút đi.

Số người chơi cầu lông tăng vọt vì chính quyền khuyến cáo nên tăng cường thể lực để phòng bệnh. Không dưới 18 quân y viện được trưng dụng.

Các địa phương xung quanh thủ đô được kiểm soát bằng rào chắn vì sợ virus từ thành phố lây nhiễm.

WHO liên tục khuyến cáo

WHO đã phát cảnh báo quốc tế về “một dạng viêm phổi nặng và không điển hình ở Việt Nam, Hong Kong và tỉnh Quảng Đông”.

WHO đã đưa ra khuyến nghị về giám sát tình hình quá cảnh ở các sân bay và bảo vệ nhân viên bệnh viện đồng thời huy động nhiều nhóm bác sĩ lâm sàng và nhà nghiên cứu dịch tễ học trên toàn thế giới cùng mạng lưới 13 phòng thí nghiệm.

Chuyên gia Dick Thompson thuộc khoa các bệnh truyền nhiễm của WHO trao đổi với báo Le Monde (Pháp): “Chúng tôi phải giải thích rõ rằng chỉ cần một người nhiễm bệnh ở Hong Kong cũng gây ra vấn đề lớn ở Toronto”.

Theo khuyến cáo của WHO, Trung Quốc đã mở chiến dịch tiêu diệt cầy hương – động vật bị nghi ngờ truyền virus cho người.

Dần dần, virus không còn đất tung hoành như trước. Dịch SARS gần như bị xóa sổ vào ngày 2-7-2003 nhờ các biện pháp cách ly và kiểm dịch.

Hậu quả nặng nề về kinh tế

Theo số liệu của WHO, dịch SARS đã cướp đi 774 sinh mạng trên toàn thế giới. Trung Quốc đại lục và Hong Kong trả giá nặng nhất với lần lượt 349 người và 299 người tử vong.

Số liệu tử vong có vẻ lớn nhưng thật ra chỉ mang tính tương đối. Nhà sử học François Godement giải thích: “Bệnh SARS lúc đó gây tử vong không hơn dịch cúm”.

Dù vậy, hậu quả về kinh tế hết sức nặng nề. Theo ước tính của WHO, dịch SARS gây thiệt hại khoảng 54 tỉ USD bao gồm doanh thu giảm trong ngành du lịch (giảm 80% ở Trung Quốc) cũng như các hãng hàng không, nhà hàng, công ty du lịch, giới tài xế tắc xi (giảm 50%)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố dịch SARS đã gây thiệt hại 18 tỉ USD cho châu Á.

Đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) có biểu hiện tương tự bệnh SARS hiện nay, nhà sử học François Godement ghi nhận: “Trung Quốc đã thay đổi triệt để thái độ so với năm 2003. Họ đã áp dụng các biện pháp dự phòng tại Vũ Hán, ngăn người dân Vũ Hán rời đi, tổ chức cảnh báo mọi người. Điều này rất đáng khích lệ. Vấn đề nhận dạng bệnh cũng nhanh hơn năm 2003…”.

Dù vậy ông lưu ý: “Mức độ nguy hiểm vẫn chưa được đánh giá. Hiện thời mới có một ổ dịch và rõ ràng dịch đang lan rộng. Trung Quốc đã nhìn nhận bệnh lây truyền từ người sang người và mức độ nguy hiểm của coronavirus đang gia tăng theo thời gian. Nói cách khác, đây là cuộc đua tốc độ trong công tác phòng chống dịch”.

Theo HOÀNG DUY LONG / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , ,